Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ tiến hành điều chỉnh giá xăng dầu vào 15h chiều nay (13/6). Nhiều khả năng, giá mặt hàng này tiếp tục tăng, lập mức kỷ lục mới, đặc biệt ở mặt hàng dầu.
Từ 15h ngày 13/6/2022, Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh định kỳ.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng E5RON92 tăng thêm 880 đồng/lít, từ mức 30.230 đồng/lít lên mức 31.110 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 800 đồng/lít, từ mức 31.570 đồng/lít lên mức 32.270 đồng/lít.
Nội dung liên quan
Dầu diesel tăng 2.630 đồng/lít, từ mức giá hiện nay 26.390 đồng/lít lên mức 29.020 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít, từ mức 25.340 đồng/lít tăng lên mức 27.830 đồng/lít. Dầu mazut giảm 550 đồng/ký, từ mức 20.900 đồng/ký xuống còn 20.350 đồng/ký.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ chi quỹ bình ổn với xăng là 100-200 đồng/lít, còn với các loại dầu là 300-400 đồng/lít.
Như vậy, xăng đã có 6 phiên liên tiếp tăng giá, liên tục xô đổ kỷ lục đã lập trước đó, đưa mặt hàng này leo lên đỉnh mới.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, từ đầu năm đến nay trong nước đã trải qua hơn chục lần điều chỉnh tăng giá xăng, đẩy giá các loại hàng hóa khác lên cao, tăng áp lực lên lạm phát. Việc tiếp tục hạ thuế xăng dầu để ghìm mức tăng của mặt hàng được nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội kiến nghị.
Trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn được dự báo sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi nhu cầu ở Trung Quốc sắp phục hồi, làm khan hiếm hơn nữa thị trường dầu toàn cầu. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 9/6 cho thấy giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore là 148,6 USD/thùng đối với xăng RON 92; 154,2 USD/thùng đối với xăng RON 95. Trong khi đó, giá dầu diesel có nhiều thời điểm còn vượt 170 USD/thùng.
Theo phản ánh, hai năm dịch vừa qua, nhiều nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới đã giảm công suất và các hạn chế đi lại đã kéo nhu cầu nhiên liệu xuống. Đặc biệt, Nga đổ quân vào Ukraine, trong khi đó, nước này và các nước phương Tây lại đưa ra hàng loạt trừng phạt với Moscow khiến nguồn cung dầu khó khăn hơn. Giờ đây, khi nhu cầu ngày càng về gần mức trước đại dịch, thì sự thiếu hụt công suất đang khiến thị trường trầm trọng hơn và góp phần làm tăng giá xăng.
Giá xăng dầu tăng quá cao và liên tục là nỗi lo lớn của người dân và doanh nghiệp, là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội. Việc giá xăng dầu tăng cao đẩy giá các mặt hàng hóa khác, tăng áp lực lên lạm phát.
Nguồn: TH&PL