Phim hài Pháp Superwho? khai thác tiếng cười qua việc nhân vật chính từ một diễn viên tin rằng anh ta là siêu anh hùng thực sự.
Khi mà cơn sốt The Batman vẫn còn rất "nhiệt" ngoài rạp, khán giả vô tình nhìn thấy và bị hứng thú khi xem một trailer "na ná", trong đó nhân vật chính cũng mặc bộ đồ siêu anh hùng màu đen, cũng đi siêu xe, nhưng biệt danh lại là... Badman. Vậy "Người Hư" của Paris hoa lệ có gì khác Người Dơi của tài tử Robert Pattinson?
Trong phim, Cédric (Philippe Lacheau) là một diễn viên "có tuổi nhưng chưa có tên", may mắn vớ được vai chính trong bom tấn siêu anh hùng Badman. Trong lúc ghi hình, anh hay tin người cha làm cảnh sát (Jean-Hugues Anglade) bị cướp tấn công, nên đã chạy như bay về nhà trong khi vẫn còn mặc phục trang Badman, tay cầm túi đạo cụ.
Một tai nạn xảy ra khiến Cédric mất trí nhớ tạm thời. Dựa trên bộ đồ mình đang mặc cùng những dòng tín hiệu báo nguy "phake", anh cho rằng mình là siêu anh hùng, đang đi cứu vợ con bị ác nhân Hề (Georges Corraface) bắt cóc. Nhiều tình huống dở khóc dở cười xảy ra từ đây.
Gợi nhắc đến thể loại "phim nhại"
Đóng vai chính kiêm đạo diễn và đồng biên kịch, Philippe Lacheau không cố chỉn chu hóa các chi tiết gây cười trong phim; thay vào đó anh quyết định đẩy sự lố lăng đến đỉnh. Chẳng hạn như ở cảnh đầu phim, nhà sản xuất hết lời trấn an Cédric rằng Badman sẽ là phim siêu anh hùng nguyên bản, không đạo nhái gì Batman đâu đừng có mà căng thẳng! Rốt cuộc người hùng của chúng ta có một bộ trang phục đen từ đầu đến chân (thiếu mỗi áo choàng), một ông quản gia, một chiếc xe đen đi kèm đống đồ công nghệ cao, và kẻ thù là một gã hề...
Tác phẩm nói tiếng Pháp gây hứng thú ở nửa đầu phim, buộc người xem phải dõi theo bước chân nhân vật, từ "zero to hero". Các câu thoại ở mức hài duyên dáng, một số câu đùa hơi thô nhưng chưa đến mức tục tĩu.
Với việc phim trường trên phim "phèn chua", cùng các chi tiết mỉa mai dòng phim siêu anh hùng của Hollywood, Superwho? gợi nhắc khán giả đến những tựa "phim nhại" từng gây sốt một thời như Scary Movie hay Superhero Movie. Trên thực tế, phim có kịch bản tương tự, khi quăng vào hàng loạt các chi tiết mỉa mai dòng phim siêu anh hùng, nhưng chỉ là kiểu hài tạp kỹ chứ không phục vụ cho đường dây kịch bản.
Chẳng hạn như trong một phân đoạn, "Badman" đang chạy trốn cảnh sát thì lạc vào một ngôi trường, với những nhân vật có tạo hình gợi nhắc loạt phim X-Men, nhưng không để làm gì. Ở đại cảnh chiến đấu, kẻ phản diện búng tay như Thanos, còn Cédric và các bạn dàn quân như biệt đội Avengers. Chuỗi tình huống pha trò mang đến tiếng cười hời hợt, không để lại nhiều giá trị.
Còn nhớ hai phần Deadpool cũng sử dụng lối giễu nhại dòng phim siêu anh hùng, nhưng chủ yếu qua các câu thoại bích-chì của Deadpool, và kịch bản cũng được làm chắc tay hơn. Ngược lại, Giả Danh Anh Hùng sở hữu nhiều tuyến nhân vật thừa, cùng các vấn đề dọn ra cho có mà không được giải quyết rốt ráo.
Phải chi mà...
...là câu nói mà hẳn hầu hết khán giả sẽ thốt lên khi phim kết thúc. Công bằng mà nói, Giả Danh Anh Hùng có ý tưởng kịch bản thú vị, nhưng cách phim triển khai còn nông. Căn bệnh mất trí nhớ của Cédric được giải quyết một cách dễ dàng từ giữa phim, khiến đạo diễn mất đi cơ hội khai thác tiếng cười từ những sự hiểu lầm ngớ ngẩn.
Chưa hết, việc "Badman" chỉ toàn cầm đạo cụ trên người nhưng vẫn có thể đối đầu tội phạm như anh hùng thật thì quá vô lý rồi! Chắc chắn những ai từng gắn bó với phim trường, hay có nghiên cứu về quay dựng phim sẽ nhận ra nhiều chi tiết ngớ ngẩn, bất hợp lý của tác phẩm.
Phải chi ngay từ đầu, nhân vật nhà sản xuất của phim Badman tuyên bố: "Tất cả đạo cụ trên phim trường đều là thật, vì tôi muốn cảnh quay thực hết mức có thể" thì mọi thứ đã được giải quyết. Đây cũng chính là tâm huyết của Christopher Nolan ngày trước, khi anh cho nổ thật, đua xe thật trên phim trường của ba phần The Dark Knight.
Kịch bản còn tỏ ra hời hợt, khi nhân vật chính chưa có "hành trình trưởng thành" thì phim đã kết thúc. Thông thường, vai chính trên màn ảnh sẽ trải qua những cửa ải nhất định, từ đó tìm ra bản ngã của mình và trở thành phiên bản tốt đẹp hơn. Tính cách Cédric gần như không thay đổi, bởi cuộc phiêu lưu "siêu anh hùng" của anh chỉ diễn ra chớp nhoáng, còn chưa có tình tiết nào thực sự ly kỳ. Phải chi đến cuối phim, nhân vật nhận ra chân lý rất cơ bản "không cần phải có siêu sức mạnh mới có thể thành siêu anh hùng" thì tác phẩm đã trọn vẹn hơn.
Nhìn chung, Giả Danh Anh Hùng là phim giải trí ở mức tạm ổn. Tuy nhiên, có vẻ biên kịch vẫn còn tư duy gò bó, kịch bản chưa đủ phóng khoáng để mang đến nhiều bất ngờ. Có thể thấy ý tưởng của Giả Danh Anh Hùng là tốt, nên việc phim được những studio lớn đầu tư remake, gọt dũa nội dung là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Giả Danh Anh Hùng đang công chiếu tại rạp.
Nguồn: TH&PL