Cùng gặp gỡ cô bạn Nguyễn Minh Châu - một tranh biện viên tài năng từng gây ấn tượng với phong thái tự tin, khả năng tranh biện bằng tiếng Anh lưu loát tại The Debater 2021.
Nguyễn Minh Châu là học sinh lớp 12 Anh trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nữ sinh 17 tuổi từng gây ấn tượng tại chương trình The Debater 2021 với phong thái tự tin, khả năng tranh biện bằng tiếng Anh lưu loát và một vẻ ngoài ưa nhìn.
Với Minh Châu, tranh biện là một kỹ năng mà cô bạn may mắn được tiếp cận ngay từ năm lớp 10 với CLB tranh biện CNN Puzzles. Minh Châu từng giành được một số thành tích nổi bật ở lĩnh vực tranh biện như Người nói tốt nhất Trại hè Tranh biện Tây Thiên 2020; Top 3 Người nói tốt nhất Neka Debate Online 2020; Quán quân, Người nói tốt nhất Chung kết BODO 2021; Á quân Nghe Tinh Debate Open 2020.
Ngoài, nữ sinh 17 tuổi này còn sở hữu khả năng IELTS 8.5 ấn tượng. Hiện cô bạn đang là chủ sở hữu của blog Reliv - một fanpage truyền cảm hứng cho Gen Z được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Mới đây nhất, Minh Châu còn thử sức mình ở một lĩnh vực hoàn toàn mới khi trở thành nữ chính trong MV triệu view Chuyện Đôi Ta của Da LAB.
Từng chọn "ở ẩn" khi được biết đến nhiều hơn do xinh thay vì tranh biện giỏi
Bạn được nhiều người biết đến hơn kể từ khi tham gia The Debaters 2021 với khả năng tranh biện bằng tiếng Anh cực kỳ tốt. Cột mốc The Debaters đã thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào sau gần 1 năm?
Sau cột mốc The Debaters, mình có gặp một chút vấn đề về tâm lý. Vì mình được nhiều người biết đến không hẳn vì khả năng tranh biện mà thường chữ "xinh" sẽ đặt lên hàng đầu, khả năng tiếng Anh là thứ hai, và thứ ba là việc mọi người chỉ khen một mình Minh Châu thôi. Trong khi đây là một cuộc thi về khả năng tranh biện và đó là một cuộc thi đồng đội. Tinh thần team của mình rất tốt và đoàn kết, mình cảm thấy chiến thắng đi đến vòng bán kết như thế thì không thể nào ghi nhận mỗi một mình Minh Châu được.
Khi thấy sự chú ý của mọi người không thực sự hướng vào đúng khía cạnh, tức là khả năng tranh biện của mình. Và cũng không hướng vào đủ người thì mình có cảm thấy hơi chạnh lòng, có lỗi với các bạn. Nhưng mình không thể kiểm soát được truyền thông và cũng không thể đi bảo từng người là: "Hãy khen đồng đội của em với" hay "Mọi người ơi hãy nghe em tranh biện đã, đừng nhìn em vội". Mình đã quyết định xoá luôn mạng xã hội đi ở thời điểm đó.
Thông thường người ta chọn xoá mạng xã hội vì bị vùi dập, chứ ít ai xoá mạng xã hội vì được tung hô lắm. Đến nay bạn đã nhìn nhận sự chú ý đó của mọi người như thế nào?
Khi mình thấy mọi người đang không nhìn mình theo cách mà mình muốn thì mình phải là người đầu tiên nhìn nhận mình theo cách mình muốn trước đã. Điều đó giúp mình vững tin vào bản thân hơn.
Kể từ khi chương trình phát sóng vào tháng 2, đến tận tháng 6 thì mình mới bắt đầu trở lại trên mạng xã hội. Nếu chuyện đã diễn ra như thế rồi thì mình sẽ sử dụng sự chú ý đó một cách có trách nhiệm. Thế nên mình mới bắt đầu lập ra blog Reliv với mục đích rằng: Ừ, mọi người chỉ mới biết đến mình với một tí vẻ ngoài hợp mắt, mình cũng có tiếng Anh nhưng đó không phải tất cả những gì mình có, mình cũng có những thứ mà các bạn trẻ khác cũng có thể học được.
Dù cho sau này những tít báo vẫn cứ giật là "Ừ, bạn này xinh đấy" nhưng những độc giả đọc blog của mình họ sẽ không biết đến mình như một người xinh xắn nữa mà sẽ cảm thấy yêu thích mình qua khả năng viết lách chẳng hạn.
Học tranh biện không phải là học để làm người cố chấp!
Minh Châu là một người rất đam mê tranh biện, nhìn về những bạn bè cùng thế hệ với mình bạn có nghĩ họ đang thiếu đi một trong những kỹ năng rất quan trọng này?
Tư duy của chúng ta sẽ ngày càng được hình thành thông qua quá trình mình tiếp xúc, học hỏi và va chạm ở trong cuộc sống khi mình còn trẻ. Còn khi chúng ta lớn lên thì tư duy cũng sẽ khó thay đổi hơn, dễ trở nên bảo thủ hơn kể cả khi mình không muốn như vậy nhưng chúng ta sẽ khó để mở lòng với những điều mới mẻ. Đó là lý do mình tin rằng khả năng tư duy phản biện nên được rèn luyện một cách sớm nhất đối với một người trẻ.
Mấy năm trước mọi người hay gọi tranh biện là một môn thể thao cho người giàu. Nhưng bây giờ thì khác rồi, những CLB tranh biện mở lên ở khắp mọi nơi và ngày càng có nhiều những cá nhân đi tranh biện từ cấp 3, theo thời gian khi họ lên đại học thì khả năng tranh biện và khả năng tổ chức xây dựng cộng đồng của họ cũng sẽ vững vàng hơn rất nhiều.
Đây được xem như một thời điểm vàng cho chúng ta thử sức với tranh biện cùng rất nhiều sự hỗ trợ về mặt kinh tế như các học bổng, các chương trình được tổ chức online,... Thực tế là ngày nay cũng có nhiều giải tranh biện khác nhau nên giá sàn của bộ môn này lại càng thấp xuống nữa. Tiếp theo là vấn đề về chuyên môn đang ngày càng dễ tiếp cận hơn. Mình nghĩ đây là một điều thật sự là cần thiết nên mình mong mọi người hãy đi tranh biện đi trước khi quá muộn!
Nhưng tranh biện có đồng nghĩa với cố chấp?
Đây là một câu hỏi mà mình tin chắc rất nhiều người sẽ tò mò, nhưng trước khi trả lời mình sẽ thay thế từ "cố chấp" thành một từ khác là "lập trường vững".
Nếu là cố chấp và bướng bỉnh thì người ta sẽ không có đủ động cơ và khả năng để "mở tai" ra nghe tại sao người có quan điểm đối ngược với mình họ lại tin như vậy. Mình có thể thấy họ đang rất cương quyết, nhưng thật sự cái tôi của họ thì rất mong manh, bởi vì chỉ cần một lúc nào đấy, họ bị ép nhận ra rằng: "À, điều mình tin hoá ra nó có những thiếu sót như vậy" thì họ sẽ sụp đổ ngay và chính họ cũng sẽ nghi ngờ bản thân mình.
Nhưng lập trường vững thì khác, khi mình đã hiểu tại sao mình chọn A, không phải B và mình đã chấp nhận B thật sự có lý, nhưng mình vẫn cảm thấy A có lý hơn. Lúc đó, khi bạn không đồng ý với tôi thì không sao, tôi sẵn sàng lắng nghe bạn ngay.
Đơn giản thôi, trong quá trình học chúng ta luôn liên tục vấp và nhận ra điều mới. Thế nên, khi tranh biện, bọn mình luôn bị bắt vào một trạng thái đó chính là ý tưởng mà bọn mình đang bảo vệ nó không chắc chắn là lý tưởng bọn mình đang tin vào trong đời sống bình thường, nhưng bọn mình vẫn phải bảo vệ cho bằng được.
Rất nhiều người có xuất phát điểm từ sự cố chấp và tranh biện giúp mình bẻ sự cố chấp ấy đi để lắng nghe nhau. Mình tin đó là những sự thay đổi rất là lớn về mặt tư duy vì ở Việt Nam mình không được dạy như vậy. Ngược lại, chúng ta sẽ bị áp đặt rằng nếu cứ đứng lên cãi và bảo vệ quan điểm của mình thì đó là cố chấp.
Mình cảm thấy học sinh ở Việt Nam còn thiếu những định hướng rõ ràng về việc làm thế nào để có tư duy phản biện và làm thế nào để teamwork hiệu quả. Khi đi tranh biện đủ lâu, ai cũng nhận ra được rằng nếu như mình không hợp tác thì mình thua là cái chắc. Đó chính là lý do mà trong tranh biện có những team tất cả các thành viên đều giỏi nhưng lại thua một team có năng lực khiêm tốn hơn nhưng làm việc teamwork hiệu quả hơn.
Nếu mọi người nhìn vào thành tích học tập của mình thì không còn thấy mình là con nhà người ta nữa
Vừa giỏi, vừa xinh và có tư duy phát triển rất tốt, nhưng có bao giờ bạn nghĩ mình là một con nhà người ta trong trong truyền thuyết?
Mình không phải là một người học giỏi dù mình là học sinh của trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Mình chỉ học giỏi đặc biệt những môn liên quan đến xã hội và nhân văn nên mình học rất lệch. Nếu mọi người nhìn vào thành tích học tập của mình thì sẽ không còn thấy mình là con nhà người ta nữa, không đủ để ném đá nhưng cũng không đủ để tung hô.
Thế nhưng trong khoảng thời gian được tung hô có yếu tố khiến cho mình "hơi hơi giống" con nhà người ta một tí đó là tư duy của mình. Tuy nhiên, tư duy của mình được hình thành từ những trải nghiệm cũng không quá là con nhà người ta, vì ai cũng có thể làm được. Nói chung, kết quả của mình thì rất con nhà người ta nhưng quá trình thì chẳng con nhà người ta tí nào.
Vậy hình dung con nhà người ta với bạn là như thế nào?
Một hình mẫu con nhà người ta trong mình đó chính là một người toàn diện. Và mình hy vọng là người ta sẽ không có thật, bởi vì khi một người quá hoàn hảo thì điểm không hoàn hảo duy nhất đó chính là vì họ quá hoàn hảo.
Mình có xem một bộ phim Trung có tên 30 Chưa Phải Là Tết. Một bộ phim khá hay nói về cuộc đời của 3 người phụ nữ với 3 câu chuyện khác nhau. Trong đó một nhân vật tên là Cố Giai - người mà mình xem là con nhà người ta thực thụ.
Cố Giai là một người phụ nữ giỏi, độc lập, đảm việc nước - giỏi việc nhà, rất khôn khoan. Một người phụ nữ rất yêu chồng, yêu con và rất biết cách chăm sóc những mối quan hệ bên ngoài. Nói chung, mình cảm thấy hình mẫu đó chính xác là con nhà người ta. Nhưng kể cả khi chị ấy là một con nhà người ta và giỏi toàn diện như thế thì chồng chị ấy vẫn ngoại tình.
Nghe thì tệ đấy, nhưng lý do có thể vì chị ấy quá hoàn hảo nên nhiều người sẽ nghĩ những người hoàn hảo như vậy thì không dành cho mình. Điều đó khiến cho chồng chị ấy đi tìm một người phụ nữ khác trông có vẻ thuộc về mình hơn.
Đây không phải lỗi của chị ấy, chỉ là chị ấy đã rất cố gắng để trở nên hoàn thiện nhưng sự hoàn thiện đó đã làm đau chính chị ấy. Mình không hy vọng bản thân sẽ đạt được đến mức toàn diện như thế.
Đóng MV đã cho mình cơ hội được đẩy giới hạn của bản thân ra khỏi vùng an toàn
Mới đây, bạn có xuất hiện trong MV Chuyện Đôi Ta của Da LAB, cơ duyên nào đã đưa Minh Châu đến với cơ hội có 1-0-2 này?
Câu chuyện này bắt nguồn từ việc mình lập blog ngày 24/6/2021. Mình nhớ kĩ đến vậy vì hôm ấy là sinh nhật mình, mình nghĩ thay vì tặng một quà gì đó cho bản thân thì hãy tặng gì đấy cho mọi người. Đó sẽ là món quà tinh thần tuyệt vời nhất đánh dấu Minh Châu 17 tuổi.
Lúc mình mới lập blog, còn chưa kịp viết bài gì thì anh đạo diễn làm MV cho Da LAB đã nhắn tin vào page mời mình đóng MV. Mình hơi bất ngờ kiểu: "Cái gì cơ? Tại sao lại là mình?". Cuối cùng, một món quà mình định tặng cho mọi người, lại mang đến món quà tặng cho mình.
Sau đó anh đạo diễn đưa mình nghe demo và kịch bản, mình đồng ý ngay! Rồi anh ấy cho mình đi học diễn xuất ngắn ngày khoảng 3 tuần, rồi đi đến studio để tập nhảy.
Nhưng bạn có thắc mắc vì sao mọi người lại mời mình mà không phải một người khác có kinh nghiệm hơn để đỡ phải chỉ dạy từ đầu?
Bình thường, một người được mời đóng MV phải có xuất hiện ít nhất ở trên một sản phẩm nào đó thì người ta mới tín nhiệm. Còn mình thì có gì đâu, mình chỉ có biết cười và khóc ở trên VTV7 rồi xoá Facebook…
Nhưng anh ấy bảo rằng: "Anh nhìn em là anh thấy nhân vật ở trong đó". Đây là câu đầu tiên anh ấy nói như thế, mình cũng hơi bất ngờ vì không hề nghĩ mình có thể "nghệ" và "nhân vật" được như vậy.
Sự tham gia lần này nó đã cho mình được đẩy giới hạn của bản thân mình ra. Năm nay mình cũng vào lớp 12 nên đã gác tranh biện lại, tức là mình đã chấp nhận gác lại một phần rất lớn trong mình. Nhưng mình chỉ có thể phát triển đến mức độ mình cảm thấy thoả mãn khi được đẩy vòng an toàn của mình ra xa, ra càng rộng càng tốt.
Lúc đấy, không những mình phải gác lại tranh biện mà mình còn phải quay lại cuộc sống học hành mà mình không thích lắm. Mình chỉ thích học những gì có sự liên kết tinh thần với mình hoặc những kiến thức mình học sẽ dùng được trong tương lai.
Tự dưng cơ hội này đến và một lần nữa… nó cho mình một danh tính mới y như lúc mình mới đi tranh biện, cũng là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Đây là một cột mốc khá lớn mà nếu sau này có cơ hội mình vẫn quyết định làm thêm và nhiều hơn nữa vì rất vui, cũng như mở mang tầm mắt của mình. Tâm thế đó nó mới quan trọng, điều kiện khách quan cũng quan trọng nhưng nếu không có tâm thế thì mình sẽ không bao giờ biết nắm bắt những cơ hội đến với mình.
Cảm ơn những chia sẻ của Minh Châu!
Vượt qua ranh giới tuổi tác của Gen Z, Gen Y..., Gen Vie - Thế hệ những người trẻ Việt Nam không thiếu câu chuyện truyền cảm hứng và nhiều hành trình thú vị để kể bạn nghe. Tuyến bài Humans of GenVie sẽ giới thiệu đến bạn những gương mặt Việt, và cả trải nghiệm của những người Việt đầy đam mê, năng lượng tích cực trong mọi lĩnh vực.
Nguồn: TH&PL