Không như chúng tôi tưởng tượng về một hình mẫu ''con nhà người ta'' trong truyền thuyết, tức là chỉ quẩn quanh với bốn bức tường chất đầy sách vở. Đỗ Thành Đạt chỉ đơn giản là một người trẻ đang thưởng ngoạn và thích đi tìm giới hạn cao nhất của bản thân.
"Rốt cuộc, trên đời này có cái gì mà tụi em không làm được không?", đây là câu hỏi thường trực của MC Trấn Thành tại chương trình Siêu Trí Tuệ Việt Nam khi đối diện với những bạn trẻ sở hữu bộ não siêu phàm. Gói gọn trong câu hỏi đó là sự ngưỡng mộ, là niềm tự hào của người Việt dành cho biệt đội Siêu Trí Tuệ Việt Nam: "À đất nước chúng ta có những con người tài giỏi như thế đấy, họ làm được những điều mà thế giới chưa ai làm được" - nhà báo Lại Văn Sâm.
Siêu Trí Tuệ Việt Nam ra đời vào năm 2019 và gây bùng nổ tất cả các trang mạng xã hội về những con người có trí lực phi thường. Người ta kinh ngạc, người ta há hốc mồm khi chứng kiến và người ta ăn mừng bàn thắng của các tuyển thủ Siêu Trí Tuệ Việt Nam không khác gì ăn mừng một trái bóng vừa lọt lưới. Nhưng, ẩn sâu trong niềm tự hào đó là một gán ghép vô hình về hình ảnh của những con người "bất thường" này qua một phép so sánh: Con nhà người ta!
Nhưng trong bài viết này, chúng tôi không muốn mang đến một cái nhìn tiêu cực về hình ảnh "con nhà người ta" hay cố tình "tâng bốc" họ để tạo áp lực cho những người trẻ. Chúng tôi chỉ muốn đi sâu và khai thác góc nhìn của chính những bạn trẻ "bất thường" này để cho mọi người nhận thấy: Họ cũng chỉ là những con người "bình thường", có một cuộc sống "bình thường" và mơ ước "bình thường" như bao người trẻ khác.
Bất kỳ phụ huynh nào cũng đều mong muốn sở hữu một đứa con "trong mơ'' và bất kỳ đứa con nào cũng mong muốn mình có thể trở thành niềm tự hào ''trong mơ'' của bố mẹ. Chính vì thế, ''con nhà người ta'' luôn là một hình mẫu xuất chúng trong mắt tất cả mọi người.
Vượt qua hàng trăm thí sinh để giành lấy danh xưng ''nhà leo núi giỏi nhất năm'' trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2020, chiến thắng của Thu Hằng khiến nhiều người vỡ òa hạnh phúc và dành sự ngưỡng mộ nhất định cho cô gái nhỏ sở hữu trí tuệ phi thường. Thu Hằng chiến thắng, chiếc vương miện tri thức được đội lên đầu như xóa bỏ mọi hoài nghi về định kiến rằng con gái không thể thông minh hơn con trai. "Đối với em đó là niềm đam mê tri thức và thích chinh phục. Kết quả của cuộc thi là một hành trình dài của việc tích lũy tri thức hàng ngày, chứ không phải ngày một, ngày hai..." - Thu Hằng chia sẻ.
Hay như Việt Hoàng - chàng trai sinh năm 2000 nổi danh với kiến thức vô hạn chẳng khác gì một cuốn Bách khoa toàn thư. Một chàng trai hoạt ngôn, cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi và tự tin nói rằng "Em giỏi toàn diện" trên sóng truyền hình Siêu trí tuệ Việt Nam. "Sự thành công và thất bại chỉ cách nhau hai từ 'tự tin' và hôm nay em có sự tự tin đó" - câu nói truyền cảm hứng của Việt Hoàng tại Siêu Trí Việt Nam 2019 khi đề nghị chương trình nâng tầm độ khó trong phần thi của mình.
Chúng ta còn bắt gặp Đỗ Thành Đạt - kỷ lục gia đạt 150 điểm tuyệt đối đầu tiên trong chương trình Siêu Trí Tuệ Việt Nam 2020 qua phần thi "Chòm sao tri thức". Điều đáng nói, ở thế giới chưa từng ai làm được thử thách này và sự thể hiện xuất sắc của Đỗ Thành Đạt như phá vỡ mọi rào cản về trí lực của con người. Người ta gọi cậu là "quái nhân", là "X-Men", là một người "không bình thường"...
''X-men'' (người đột biến) là một nhóm những siêu anh hùng hư cấu trong truyện tranh Marvel, thế nhưng, bằng một một liên kết thú vị nào đó mà MC Trấn Thành cứ luôn miệng gọi biệt đội Siêu Trí Tuệ Việt Nam là những "X-Men" ngoài đời thực. Tìm đến ''X-Men'' Đỗ Thành Đạt, chúng tôi có cơ hội lắng nghe về những chia sẻ đời thường của cậu bạn với tâm thế tò mò rằng liệu một người ''bất thường'' về trí tuệ như Đạt sẽ có một cuộc sống bình thường như thế nào?
Không như chúng tôi tưởng tượng về một hình mẫu ''con nhà người ta'' trong truyền thuyết, tức là chỉ quẩn quanh với bốn bức tường chất đầy sách vở, là một ''kẻ bất bại'' trên ghế nhà trường, là không có thú vui chơi giải trí như bao bạn trẻ khác,... Đỗ Thành Đạt không phải thế, cậu chỉ đơn giản là một người trẻ đang thưởng ngoạn và thích đi tìm giới hạn cao nhất của bản thân, chứ không phải là một ''con nhà người ta'' với đầy những áp lực vô hình và suốt ngày gồng mình chinh phục những đỉnh cao và cao hơn nữa.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, Đạt cho hay: ''Từ lớp 1 đến lớp 12 trong tất cả các kỳ thi học sinh giỏi mình thường nói đùa là 'không có duyên' vì mình chưa từng đậu học sinh giỏi năm nào, cho đến tận năm lớp 12, đây là lần đầu tiên mình có thể đậu được kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh''.
Dù là một Siêu trí tuệ Việt Nam và chinh phục cả thử thách khó nhất mà trên thế giới chưa ai làm được nhưng Đỗ Thành Đạt vẫn phải "chật vật" để có cho mình một danh hiệu Học sinh giỏi cấp tỉnh trong suốt 12 năm đi học. Đây có thể là câu trả lời trọn vẹn ý nghĩa nhất để giải đáp cho câu hỏi đầu bài: "Trên đời này có cái gì mà họ không làm được không?". Có chứ! Vì các bạn ấy vẫn là những con người bình thường, vẫn có những thất bại bình thường như bao bạn trẻ khác. Và khả năng mà Đạt có được là nhờ vào quá trình dày công tập luyện chứ không phải sự "thiên bẩm'' hay thuộc về những điều tự nhiên có sẵn để được gọi là "X-Men".
Sở hữu năng lực vượt trội về hình học không gian và khả năng ghi nhớ đặc biệt, thế nhưng khi chúng tôi hỏi năng lực đó có hỗ trợ gì cho Đạt trong cuộc sống hàng ngày không, Đạt cũng thành thật trả lời: ''Ngoại trừ việc học tập ra thì mình không phải là người có trí nhớ tốt. Mình rất hay quên, ví dụ chuyện quên chìa khóa xe, chìa khóa nhà, quên mật khẩu tài khoản Facebook, Email, kể cả tài khoản đăng kí tín chỉ ở trường''.
Người ta cũng thường lầm tưởng những ''con nhà người ta'' như Đạt chỉ biết học nên không có những thú vui giải trí, cũng không có nhiều bạn bè, nhưng Đỗ Thành Đạt lại là một Gen Z rất điển hình "mình còn có sở thích chơi cờ vua và 'cày phim', có những hôm mình xem phim thâu đêm suốt sáng, có những bộ phim mình xem liên tiếp nhiều tập chỉ trong vài ngày là xong. Còn trong quá trình học Đại học, mình cũng rất may mắn khi tìm được những 'cạ cứng' có thể bên cạnh và giúp đỡ mình những lúc khó khăn".
Cũng trong chương trình Siêu Trí Tuệ, khi MC Trấn Thành hỏi về dự định tương lai cùng ước mơ của mình, Đỗ Thành Đạt cũng chỉ trả lời: "Thứ nhất, em muốn vượt qua được những môn học của học kỳ này, thứ hai là có thể tốt nghiệp đại học đúng hạn và sau đó sẽ trở thành một kiểm toán viên bình thường thôi ạ!''. Không tham vọng và ước mơ xa vời sẽ trở thành một ''anh hùng'' về siêu trí tuệ mang màu cờ sắc áo ra đấu trường Quốc tế như những thí sinh khác. Đỗ Thành Đạt - cậu sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ khiêm tốn với những dự định và ước mơ vô cùng cơ bản như bao bạn sinh viên khác.
''Con nhà người ta'' hay bất kỳ tên gọi vĩ mô nào khác dẫu sao cũng chỉ là một phép so sánh để ngợi ca và tung hô những bạn trẻ có ý chí và tham vọng vượt khỏi giới hạn của bản thân. Họ có thể khác thường trong mắt nhiều người, có thể tài giỏi đến mức không thể lý giải được nhưng với chính bản thân họ, có lẽ họ chưa từng xem mình là một người ''bất thường'' đến như thế.
Cả bài viết, chúng tôi nhắc nhiều đến cụm từ ''con nhà người ta'' nhưng chúng tôi chưa từng giải nghĩa hay đi sâu khai thác về khái niệm này, bởi vì chúng tôi biết đó là một định kiến không mấy ''vui vẻ'' mỗi khi nhắc đến. Đại loại, đó là một hình tượng vô hình nhưng đã được lí tưởng hóa, đại diện cho tham vọng cha mẹ theo đuổi nhưng lại áp đặt lên con cái và dần dần khiến những đứa trẻ trở nên ám ảnh về một nhân vật bí ẩn chẳng biết dung nhan thế nào.
Là một trong những hình mẫu về ''con nhà người ta'' trong truyền thuyết, Đỗ Thành Đạt cũng có cho mình một góc nhìn khá mới mẻ về khái niệm này. Xét trên phương diện khách quan, phép so sánh này chỉ đến từ các bậc phụ huynh và vô tình gây áp lực lên các bạn trẻ, ''nhưng khi nhìn nhận theo quan điểm tích cực, nếu như các bậc phụ huynh biết cách để có thể dẫn dắt hình ảnh 'con nhà người ta' này cho các bạn trẻ theo thiên hướng tạo động lực thì sẽ có thể đem lại tác động tích cực cho các bạn, giúp các bạn tự ý thức phấn đấu, nỗ lực hơn nữa''.
Từ những trải nghiệm cá nhân của Đỗ Thành Đạt trong chuyện học tập, thi cử và cuộc sống, cậu bạn cũng chỉ ra cho nhiều bạn trẻ một bí quyết để trở thành ''con nhà người ta'': ''Mình nghĩ đối với Gen Z bây giờ có hai điều quan trọng cần nắm giữ, thứ nhất là có mục tiêu và xác định mục tiêu rõ ràng. Thứ hai là sự quyết tâm, kiên trì. Vì đây chính là hai yếu tố cơ bản và quan trọng nhất để bạn có thể đạt được những điều quan trọng, có thể đó cũng sẽ tạo nên kỳ tích riêng cho bạn. Mình đã làm được điều đó thì tại sao các bạn lại không?''.
Và đó là Đỗ Thành Đạt, một điểm giao thoa thú vị giữa sự "bất thường" và "bình thường" của một Siêu Trí Tuệ Việt Nam. Như đã nói, chúng tôi đặc biệt ngợi ca những người trẻ thích chinh phục và tìm tòi giới hạn của bản thân, chúng tôi trân trọng các bạn ấy bởi sự khẳng định tự hào về trí tuệ Việt trên bản đồ trí tuệ thế giới. Nhưng điều để chúng ta thêm trân quý và yêu mến các bạn ấy hơn chính là ở thái độ khiêm nhường, tiếng nói văn minh và góp phần lan tỏa những giá trị tích cực.
Nguồn: TH&PL