Bộ phim là phiên bản điện ảnh dựa trên câu chuyện có thật, khi các nhà ngoại giao Triều Tiên và Hàn Quốc hợp lực để thoát khỏi thủ đô của Somalia vào năm 1991.
Do Ryoo Seung Wan làm đạo diễn, Escape From Mogadishu (Thoát Khỏi Mogadishu) nhanh chóng trở thành luồng gió mới của điện ảnh Hàn Quốc ở thể loại phim chính trị kịch tính. Không chỉ thành công ở địa hạt phòng vé, đạo diễn Ryoo còn "mang chuông đi đánh xứ người", với đứa con tinh thần lần này của mình. Vừa qua, phim thắng tại 8 hạng mục của LHP Baeksang 2022.
Phim lấy bối cảnh tháng 12/1990 - thời điểm Hàn Quốc đã sẵn sàng gia nhập Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, họ cần phải giành được phiếu bầu của các thành viên Liên Hợp Quốc để tham gia và châu Phi là châu lục có nhiều phiếu bầu nhất. Thế nên, chính phủ Hàn Quốc bắt tay, mở một phái đoàn ngoại giao để thuyết phục đủ các quốc gia bỏ phiếu cho họ, và "điểm dừng chân" tiếp theo là thủ đô của Somalia.
Về phía chính phủ Hàn Quốc có đại sứ Han (Kim Yoon Seok), thiếu tá Kim (Jung Man Sik) và tham tán Kang (Jo In Sung) - cả ba đang cố gắng để "làm lành" với chính phủ Somalia. Đồng thời họ cũng ngăn cản những nỗ lực chống phá của Triều Tiên - bên thứ ba đang kêu gọi tổng thống đương nhiệm của Somalia bấy giờ là Barre từ chối việc Hàn Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc.
Ryu Seung Wan là một đạo diễn kỳ cựu của dòng phim chính trị. Bộ phim trước đó của ông - The Battleship Island - đã có một tiền đề 'thoát khỏi' tương tự nhưng trong bối cảnh cổ trang. Không có gì ngạc nhiên khi Escape From Mogadishu là một bộ phim nổi bật trong bối cảnh thế giới căng thẳng, leo thang.
Đại sứ Triều Tiên Rim (Heo Joon Ho) cùng với tham tán Tae (Koo Kyo Hwan) là đối thủ xứng tầm của phe miền Nam thể chất lẫn phong thái. Cuộc chiến "ngầm" giữa hai phía mang đến những phút giây đấu trí nghẹt thở cùng các pha hành động gay cấn.
Tuy nhiên, kế hoạch của chính phủ Hàn Quốc thất bại, buộc cả phía Hàn Quốc và Triều Tiên đều phải "rút lui" về đại sứ quán của họ. Không lâu sau đó, cả hai bị phiến quân Somalia tấn công, vì vậy đôi bên phải chấp nhận thành lập một liên minh nhằm ấp ủ kế hoạch sống còn và trốn thoát khỏi đất nước hỗn loạn này.
Có một nghịch ký khá kỳ lạ nhưng hấp dẫn trong phân cảnh hành động đầu tiên của bộ phim, giữa tiền đề có vẻ "khô khan" và cách đạo diễn Ryoo thực hiện chúng, báo trước xung đột giữa chính sách ngoại giao mà Han và các cộng sự đang theo đuổi trong bối cảnh đất nước mà họ đang tồn tại rơi vào nội chiến.
Phần lớn thành công của Escape From Mogadishu nằm ở cấu trúc và nhịp độ dồn dập của bộ phim, với ba phân cảnh hành động chính được xác định rõ ràng; mỗi phân cảnh làm tăng thêm sự căng thẳng, kịch tính của bộ phim. Đồng thời, nhiều tình tiết cũng có thể đoán trước, như việc Kang và Tae sẽ quyết chiến với nhau trong phân cảnh hành động thứ hai.
Âm mưu chống nhau của hai bên tồn tại ngay cả khi đang đối mặt với cái chết thực sự hấp dẫn, mang đậm chất hài đen. Trước phân cảnh hành động nghẹt thở, rượt đuổi qua từng con phố ở phân cảnh cuối cùng thì người xem đã được "sưởi ấm" khi mối hận thù giữa Han và Rim dần dần xóa bỏ, thay vào đó là sự tôn trọng, xây dựng tình bạn giữa đôi bên vô cùng ấm áp.
Không nằm ngoài dự đoán, Escape From Mogadishu mang về xứ sở kim chi rất nhiều giải thưởng lớn, tạo nên bước ngoặt mới cho màn ảnh rộng Hàn Quốc. Dù vấp phải không ít tranh cãi về nội dung chính trị ẩn sau lớp vỏ bọc giải trí, nhưng Escape From Mogadishu cũng thực sự tạo dấu ấn mạnh mẽ đối với giới mộ điệu và khán giả toàn cầu.
Bỏ qua những bình luận tiêu cực về Escape From Mogadishu, bộ phim là một sự phá cách mới mẻ đối với những dự án "đồng lứa" ở thời điểm hiện tại. Nếu đạo diễn Ryu tập trung khai thác thêm bối cảnh hỗn loạn về cuộc xung đột của Somalia thay vì xây dựng bộ phim theo thể loại hành động, giải trí, chắc chắn thành tựu mà Escape From Mogadishu đạt được sẽ nhiều hơn thế.
Nguồn: TH&PL