Giáo viên thanh nhạc Hoàng Mỹ Ngọc - cái tên được nhiều ca sĩ "tín nhiệm" theo học hát đã chia sẻ riêng cùng về việc dạy hát cho nghệ sỹ thì như thế nào.
Giọng hát của Erik đang là một vấn đề được đưa ra mổ xẻ nhiều trên các diễn đàn về thanh nhạc. đã có một buổi trò chuyện cùng Giảng viên thanh nhạc Mỹ Ngọc - người đã hướng dẫn cho Erik - để có thêm những nhận xét về chất lượng trong âm nhạc của Erik và những quan điểm về việc kỹ thuật liệu có quan trọng trong thời điểm hiện tại.
Câu chuyện về giọng ca của Erik
Chị từng nói rằng giọng Erik bị hỏng nặng. Vậy thì chị đã có những điều chỉnh như thế nào trong giọng hát đó?
Gọi là hỏng nặng thì có phần hơi nghiêm trọng quá. Ở thời điểm đó, giọng Erik bị tổn thương do chưa biết áp dụng kỹ thuật thanh nhạc vào giọng hát mà còn chạy show nhiều, lâu ngày sẽ hình thành thói quen hát xấu tổn hại đến thanh quản.
Erik vốn đã có một giọng hát có màu sắc đặc trưng và tương đối khỏe nên tôi chỉ hướng dẫn lại cho Erik những kỹ thuật từ căn bản để bạn hình thành thói quen hát mới, chữa lành những vết thương của thanh quản rồi mới đến phát triển tư duy xử lý bài hát, loại bỏ những tật xấu khi hát, bên cạnh đó là chế độ ăn uống hợp lý và kết hợp bài thuốc dân gian.
Huấn luyện Erik có gì phức tạp hơn so với những người học trò khác hay không ?
Mỗi nghệ sĩ đều có cái khó riêng, tôi chưa từng thấy ca nào không khó cả. *cười*
Riêng với Erik thì có những điều đặc biệt riêng vì chúng tôi phải đi một chặng đường dài hơn với nhau từ chữa lành đến phát triển kỹ năng. Bên cạnh đó, sự quan tâm và kỳ vọng của mọi người cũng là một áp lực rất lớn cho Erik.
Tôi luôn động viên em rất nhiều. Erik là một chàng trai mạnh mẽ, luôn biết lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của khán giả nên những khó khăn được giảm đi phần nào.
Nhiều bình luận cho rằng Erik đang muốn chuyển sang dòng nhạc Dance và Hiphop nên mới không chú trọng vào giọng hát. Theo chị thì đây có phải là một lý do?
Ôi ai đồn thế này! *cười*
Erik vẫn hát Ballad mà. Tuy nhiên, Erik đã yêu thích R&B và những thể loại nhạc có tiết tấu từ rất lâu rồi. Tôi cũng khuyến khích học trò khám phá những vùng đất mới trong âm nhạc.
Đã là ca sĩ, tôi nghĩ ai cũng muốn được khán giả dành tặng lời khen cho giọng hát của mình, chỉ là thời điểm nào họ sẽ tập trung phát triển giọng hát và tìm được phương pháp rèn luyện phù hợp hay không.
Chị đánh giá như thế nào về giọng hát và cách hát của Erik ở thời điểm hiện tại?
Erik đã dần lấy lại được giọng hát của mình sau nhiều tháng luyện tập. Điều này, những khán giả quan tâm, theo dõi chặng đường nghệ thuật của Erik có thể nhận thấy được sự thay đổi tích cực trong giọng của Erik qua từng vòng thi tại The Heroes về tư duy xử lý bài hát và sự phục hồi.
Tuy chưa phải là những sự thay đổi quá lớn, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng vì chúng ta đều biết, để thay đổi hoàn toàn những tật trong giọng hát thì cần rất nhiều thời gian.
Giọng của Erik và Đức Phúc có tương đồng với nhau hay không? Và cách hát của cả hai liệu đã đúng và đủ kỹ thuật hay chưa?
Bên cạnh những sự khác biệt đặc trưng của mỗi người, có lẽ vì chơi thân lâu năm và quá yêu thích âm nhạc của nhau nên cả hai có những sự tương đồng trong cách xử lí bài hát chăng ?
Còn gọi là đúng và đủ kỹ thuật thì tôi nghĩ rằng không riêng gì hai bạn mà kể cả những vocalist hay đối với chính tôi đi nữa cũng không bao giờ tự tin là giọng ca của mình đã hoàn hảo. Kỹ thuật thanh nhạc nếu không siêng năng rèn luyện sẽ đi xuống.
Đức Phúc có giọng hát đẹp và bước ra từ một cuộc thi âm nhạc uy tín, mong rằng sắp tới chúng ta sẽ thấy một giọng ca Đức Phúc hoàn thiện hơn nữa vì đối với tôi giọng hát này còn có rất nhiều điểm để phát triển.
"Ca sĩ không quan tâm đến kỹ thuật hát sẽ bị đào thải"
Vậy thì việc chọn một giáo viên thanh nhạc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến với giọng hát của một ca sĩ?
Đối với tôi, một nghệ sĩ nổi tiếng và thành công thì bản thân họ đã có những tố chất đặc biệt trong giọng hát và tư duy âm nhạc để khiến họ tự nổi bật và giáo viên thanh nhạc như một người bạn đồng hành giúp người nghệ sĩ đó thăng hoa trong sự nghiệp âm nhạc của họ.
Một người giáo viên phù hợp là người có thể nhìn ra những điểm yếu để khắc phục và phát triển những điểm mạnh trong giọng hát.
Giáo viên giúp nghệ sĩ hiểu rõ về giọng hát của mình và thiết kế giọng hát đó một cách phù hợp nhất. Vì vậy, cần phải khắc phục những điểm nào, bao nhiêu phần trăm là đủ, phát triển những điểm mạnh nào là điều rất quan trọng. Nếu không khéo, sẽ khiến những giọng hát trở nên bị đào tạo công nghiệp, thiếu tính tự nhiên và không có cá tính.
Bên cạnh đó, một giáo viên thanh nhạc hiện đại phải giúp nghệ sĩ hiểu hơn về tư duy xử lý bài hát theo từng style nhạc khác nhau và nếu có thể thì cùng nghệ sĩ đó lập được một kế hoạch đường dài.
Tóm lại, tôi nghĩ vai trò của một giáo viên thanh nhạc phù hợp là rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất và tất cả để tạo nên sự thành công của nghệ sĩ.
Những nghệ sĩ khi đến gặp chị thường có vướng mắc ở những vấn đề gì?
Trả lời: Mỗi một nghệ sĩ đến với tôi là một câu chuyện khác nhau. Có bạn thì tìm đến tôi khi đã có sự nghiệp vững vàng nhưng cần khắc phục những điểm chưa tốt trong giọng hát, có bạn đã có sự nghiệp và giọng hát tốt rồi nhưng lại chưa hài lòng với bản thân, mong muốn được khai phá mình nhiều hơn.
Có bạn gặp tôi khi vẫn còn là những thực tập sinh tại các công ty giải trí và đang cố gắng để được lựa chọn. Hay có những bạn chỉ đơn thân độc mã vào nghề mà tôi thấy tiềm năng nên quyết định đồng hành.
Cách chị dạy học về thanh nhạc là như thế nào?
Đơn giản là tôi "chơi" trò chơi âm nhạc cùng các bạn. Tôi không thích những cách dạy học quá nặng nề. Trước đây, khi được tiếp xúc với cách giảng dạy của người nước ngoài, tôi đã cảm thấy rất thích thú và tìm hiểu cách giảng dạy "chơi mà học" này một thời gian rất dài để sau này áp dụng với học trò mình.
Tôi thích khơi gợi chất "nghệ sĩ" và "âm nhạc" sâu bên trong học trò mình, đánh thức những cảm xúc khi hát bị bỏ quên lâu ngày của các bạn và cùng các bạn khám phá và cập nhật những cái mới đang thay đổi từng ngày trong âm nhạc trên thế giới. Tôi học ngược lại từ các bạn rất nhiều.
Nhưng đương nhiên, để làm được những điều này thì phải nắm vững những kỹ thuật thanh nhạc từ cơ bản.
Liệu dạy thanh nhạc có cần tùy biến theo từng giọng hát và mong muốn của nghệ sĩ hay không? Hay mình sẽ dạy tất cả về cơ bản và các bạn nghệ sĩ sẽ tự phát triển dựa trên nền tảng đó.
Chắc chắn cần phải linh hoạt thay đổi giáo trình đào tạo tùy theo giọng hát và con đường âm nhạc của mỗi nghệ sĩ. Vì thế, tôi không có giáo án chung mà làm việc solo với từng người.
Chị nghĩ hướng dẫn những ca sĩ có tên tuổi sẽ khó hơn hay hướng dẫn những người mới vào nghề là khó hơn? Tại sao lại có sự khác biệt đó?
Theo cá nhân tôi, giảng dạy cho ca sĩ có tên tuổi sẽ khó hơn. Vì họ đã có mục đích rất rõ ràng khi tìm đến tôi. Họ có những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn với người giảng dạy mình.
Đa phần họ thường chọn những người hiểu rõ điểm mạnh - yếu trong âm nhạc của họ và có cả những kỹ năng khác chứ không chỉ đơn thuần "biết hát" là được. Nghệ sĩ đã thành công và gắn bó với âm nhạc lâu năm thì họ đã quá hiểu về con đường này, thuyết phục họ không bao giờ là chuyện dễ dàng.
Còn người mới vào nghề học với một tâm thế tìm hiểu về ngành nghề và tìm một cơ hội cho bản thân. Hai điều này là hoàn toàn khác nhau. Chưa kể, để thay đổi một thói quen và tư duy lâu ngày sẽ khó hơn rất nhiều.
Chị nghĩ sao về nhận định khán giả không quan tâm đến kỹ thuật hát?
Trước đây, khi còn hạn chế trong việc tìm kiếm thông tin, khán giả khó khăn để hiểu về kiến thức chuyên ngành. Ngày nay, khi mạng xã hội mở rộng, đời sống văn hoá và tiêu chuẩn nghe - nhìn được nâng cao, việc này trở nên dễ dàng hơn.
Tôi cho rằng, khán giả đang quan tâm đến kỹ thuật hát cũng như quá trình vận hành, sản xuất nghệ thuật hơn bao giờ hết. Tôi cảm thấy rất vui về điều này vì việc "phổ cập" kiến thức sẽ thúc đẩy sự phát triển âm nhạc sau này cũng như đào thải những nhân tố không chịu trau dồi và thay đổi.
Cám ơn chị vì buổi phỏng vấn!
Nguồn: TH&PL