Khán giả ngán ngẩm, người Pháp ghét Emily In Paris, nhưng loạt phim này vẫn có một sức hút kì lạ.
Ra mắt vào khoảng giữa năm 2020, Emily In Paris là loạt phim có cốt truyện đơn giản kể về đời sống của một nhân viên quảng cáo tại thủ đô hoa lệ của nước Pháp. Với kịch bản đơn thuần không hề có kịch tính, có lẽ chính nhà sản xuất Darren Star cũng không ngờ rằng Emily In Paris sẽ trở thành một cú hit. Và chắn hẳn ông cũng không ngờ rằng loạt phim của mình sẽ là một thứ khiến cho khán giả mang cảm giác "vừa thích vừa ghét" kéo dài đến tận mùa thứ 2.
Vẫn khuôn mẫu nhưng đã bớt phóng đại
Từ khi ra mắt vào mùa 1, Emily In Paris đã nhận được khá nhiều sự chỉ trích. Những phê phán nặng nề nhất đến từ quốc gia sở tại, người Pháp cho rằng loạt phim là một phim giả tưởng về văn hóa Pháp. Thật ra, tất cả những chi tiết được thể hiện trong loạt phim, từ việc phóng khoáng trong tình dục đến việc chuộng nghỉ ngơi hơn làm việc của người Pháp, đều là sản phẩm của tính khuôn mẫu (cliché) trong phim ảnh.
Tính khuôn mẫu là một thuật ngữ ám chỉ những chi tiết được dùng đi dùng lại trong phim ảnh. Từ ở mùa 1, nhân vật Emily đã tỏa ra được một "vầng hào quang nữ chính" khi cô đến một quốc gia mới mà chẳng thèm học ngôn ngữ, ấy vậy mà cuộc sống của Emily vẫn diễn ra suôn sẻ đến kì lạ: luôn hoàn thành công việc hoàn hảo và có cả chuyện tình rất "Pháp" với người hàng xóm điển trai Gabriel.
Ở mùa 1, loạt phim không ngần ngại thể hiện tinh thần tôn thờ những khuôn mẫu như thế, thậm chí cố gắng khuếch đại nó để gây cười. Dễ hiểu tại sao khi có rất nhiều sự phẫn nộ được thể hiện khi Emily Ở Paris từng được đề cử Quả Cầu Vàng cho phim hài xuất sắc nhất.
Cho đến mùa 2, những khuôn mẫu này vẫn xuất hiện đều. Người Pháp vẫn ghét việc đi làm vào những ngày nghỉ. Các nhân vật vẫn tự cho mình thoải mái theo đuổi đời sống tình yêu mà họ mong muốn với bất kì hình thức nào. Một trong những điểm thể hiện văn hóa quốc gia đậm chất nhất là nơi công ty quảng cáo Savoir mà Emily làm việc.
Trong mỗi dự án, các nhân vật đều được lồng ghép khéo léo để quảng bá cho văn hóa của người Pháp. Nhưng đến phần 2 thì câu chuyện này đã vượt ra khỏi biên giới của nước Pháp để trào phúng cả người Mỹ, vẽ về một đất nước thích tiện nghi, ngại thiên nhiên, chuộng sản phẩm đóng gói…
Nếu muốn xét về sự phi lý, thì câu chuyện đặc quyền của nữ chính hẳn sẽ làm rõ hơn cả. Phần 2 mở màn với chuyến du lịch của Emily và hai người bạn đến Saint-Tropez. Tại đây, Emily đã quyết tâm rút khỏi cuộc tình tay ba đầy tội lỗi thì. Sau đó, "may mắn" thay Emily lại gặp được một anh chàng "vừa đủ" đẹp trai và thú vị để quên đi chàng đầu bếp người Pháp. May mắn hơn nữa là đến cuối cùng Emily vẫn được thứ tha cho toàn bộ lỗi lầm mà cô "vô tình" gây ra.
Thế nhưng nhà sản xuất cũng đã thể hiện thái độ cầu thị của bản thân sau khi nhận được phê bình từ khán giả qua mùa 1. Ở mùa 2, Emily bắt đầu được sống thật hơn khi cô phải chăm chỉ học tiếng Pháp - điều mà đáng lý nên được diễn ra vào mùa 1. Phát ngôn của Emily cũng được đánh giá là "có não" hơn.
Một điểm sáng giá nữa đó là những mối quan hệ xung quanh của Emily cũng không còn là tâm điểm duy nhất. Nhận xét một cách khách quan, nếu vai trò của một người con gái của Emily chỉ dừng lại ở yếu tố tình cảm thông thường, thì những người xung quanh cô đang thực hiện việc làm phong phú hơn những hình ảnh đó.
Người sếp Sylvie khó tính trong mùa này thể hiện được hình ảnh của một người phụ nữ Pháp phóng khoáng, say mê, mạnh mẽ trong tình yêu lẫn công việc. Mindy cũng làm tốt vai trò một con người cầu thị với đam mê ca hát và chân thành trong tình yêu của bản thân. Những người phụ nữ ấy giúp loạt phim trở nên bớt "sáo rỗng" rất nhiều nhờ vào câu chuyện chân thật của họ: họ cũng phải trải qua buồn bã, thất vọng để có thể níu giữ hạnh phúc cho bản thân.
Thật ra thì Emily Ở Paris là một thú vui tội lỗi khó cưỡng
Không thể phủ nhận cố gắng của nhà sản xuất trong việc khiến cho bộ phim trở nên đáng xem hơn bằng cách đưa vào những tình tiết ý nghĩa hơn. Thế nhưng điều đó hầu như không ảnh hưởng quá nhiều đến toàn bộ mạch phim chung, nhất là khi tính cách của nhân vật chính Emily đã được ấn định sẵn từ mùa 1.
Một trong những điều khiến khán giả mong chờ nhất ở mùa 2 là cái kết cho mối tình tay 3 của Emily, Gabriel và Camille. Để cho "vẹn cả đôi đường" thì nhà sản xuất đã thêm vào một nhân vật nữa là Alfie - chàng nhân viên ngân hàng người Anh mà Emily quen biết trong lớp học thêm tiếng Pháp. Sự xuất hiện của Alfie giống như một cứu cánh kịp thời cho chuyện tình cảm của Emily, nhưng rồi thì mọi chuyện cũng không đi đến đâu.
Quan trọng hơn là xuyên suốt mùa phim, Alfie cũng không có điểm gì quá nổi bật. Câu chuyện "cẩu huyết" của bộ ba xem ra vẫn được nhà sản xuất ưu tiên khai thác hơn. Yếu tố này có thể là một lời hứa hẹn cho một mùa tiếp theo nữa của loạt phim.
Không ổn định trong chuyện tình cảm, cả chuyện công việc Emily cũng không đi đến một sự trưởng thành hơn. Trong mùa 2, cách xử lý công việc của nàng nhân viên người Mỹ vẫn mang đậm chất "Mỹ ở Pháp". Tất cả chỉ xoay quanh những cuộc xung đột về văn hóa trong trang phục, ẩm thực, và mọi thứ liên quan đến những sản phẩm mà Savior nhận tiếp thị. Quy trình thể hiện của mạch phim luôn là Emily xem xét các sản phẩm dưới góc nhìn của một người nước ngoài thông minh, và bằng cách nào đó khéo léo dung hòa giữa cách nhìn mới mẻ của mình với truyền thống lâu đời của người Pháp.
Tất cả chỉ có như thế, nhưng bộ phim vẫn được tạp chí Atlantic ưu ái gọi là một "thú vui tội lỗi" (guilty pleasure). Dựa trên nghĩa này, loạt phim đang bị ám chỉ về việc yếu kém trong nội dung, nhưng vẫn thu hút kì lạ. Diễn viên hài Phillip Henry cũng từng thừa nhận là anh ghét loạt phim nhưng vẫn phải xem. Henry thậm chí ưu tiên xem Emily In Paris vào cả ngày bầu cử và anh cho rằng nội dung của loạt phim khiến cho tình trạng căng thẳng trở nên dịu bớt.
Trong bối cảnh của dịch bệnh diễn ra, rất nhiều bộ phim healing đã được sản xuất và nhận được phản hồi rất tốt. Nhận xét theo một nghĩa nào đó, Emily cũng là một loạt phim có tính healing khi toàn bộ bối cảnh, không gian, cốt truyện đều không chứa đựng bất kì sự kịch tính nào. Mọi chuyện đều có thể được dự đoán trước: mọi rắc rối đều sẽ được nữ chính xử lý một cách suôn sẻ.
Emily mùa 2 thừa kế mùa 1 những tính chất như thế. Nội dung hài hước có phần kệch cỡm, nhưng đủ để vẽ ra một chương trình mà trong đó, nhân vật được ưu ái với mọi mong muốn của họ, ưu đãi với mọi hạnh phúc từ công việc cho đến tình cảm.
Trong một thời điểm mà gần như mọi thứ đều bế tắc bởi dịch bệnh, thì bộ phim trở thành một giấc mơ đủ hoang đường để khán giả tạm gác lại thực tại trong giây phút nào đó. Bởi vì quan trọng, khán giả có đủ nhận thức rằng họ sẽ không bao giờ tự do như Emily, thế nên mới có tình huống dù được xem nhiều nhưng chưa mùa nào là loạt phim không bị giễu cợt.
Tạm kết
Emily In Paris vẫn là một loạt phim không đáng khen về mặt nội dung. Loạt phim dù có cải tiến nhưng vẫn đi theo lối mòn của những khuôn mẫu - yếu tố làm nên thành công cho mùa trước đó. Tuy nhiên, khách quan thì Emily In Paris là một câu chuyện mới về những bộ phim có tính healing. Mặc dù thời đại sáo rỗng với những tình tiết ngôn tình gần như đã đi qua, nhưng rõ ràng loạt phim này đang chứng minh rằng nó vẫn chưa chết. Nếu Emily In Paris vẫn tiếp tục với mùa mới, có lẽ nó sẽ là khởi đầu cho một xu hướng phim ảnh.
Nguồn: TH&PL