Tết đã xa nay lại càng xa hơn với du học sinh Việt vì vé máy bay quá đắt!
Việc ăn tết xa nhà đã trở thành câu chuyện quen thuộc đối với những cô cậu sinh viên, những chú chim xa nhà lại càng thêm thử thách trên chặng đường muốn trở về nhà ăn tết. Năm 2020, mọi thứ chỉ mới bắt đầu cho những khó khăn, năm nay dịch bệnh lại càng thêm phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới, đường về nhà lại thêm xa với các bạn du học sinh.
Tết năm nay sẽ lại là một cái tết đặc biệt, dịch bệnh đã chẳng còn "loại" nước nào ra khỏi cuộc chiến. Việc trở về trở thành một khái niệm gì đó quá đỗi khó khăn. Và việc cô đơn ở một đất nước xa xôi bây giờ sẽ kèm theo nỗi lo lắng thường trực, khi các thành viên không thể ở bên nhau vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với một thử thách của dịch bệnh, biến chủng mới.
Tết của các bạn du học sinh không chỉ dừng lại ở việc mua vé khứ hồi, mà hơn hết còn rất nhiều thứ phải nghĩ, phải lo.
Bài toán tiền đâu... vé máy bay đắt quá!
"Tết năm nay lại không về à"
Câu nói của mẹ luôn là đều khiến Thanh Tâm (du học sinh Hàn Quốc) trăn trở nhất những ngày qua, vỏn vẹn chỉ còn hơn 40 ngày nữa tết nhưng cô nàng đã không thể về nhà dù đã ba năm không được đón tết tại Việt Nam. Covid-19 đã trở thành một cản trở lớn nhất đối với Tâm và các bạn du học sinh trong suốt hai năm vừa qua, mọi kết hoạch gần như đảo lộn.
Những đường ranh biên giới rời khỏi phạm vi Việt Nam, ở bên kia đại dương, cách nửa vòng trái đất, chẳng ai đứng ngoài nỗi lo về dịch bệnh và những biến chủng cứ bất thình lình xuất hiện. Nỗi lo ấy càng trở thêm khó khăn hơn khi nơi xứ người chỉ có một mình, phải tự lập và cố gắng vượt qua rất nhiều thứ trong giai đoạn này.
Nhắc đến Tết, Thanh Tâm có chút thở dài và luôn miệng bảo rằng, nhắc đến tết là buồn vì chẳng thể về được. Mẹ cứ gọi và cứ luôn bảo là ba cái tết rồi đông đủ tất cả thành viên chỉ mỗi thiếu cô nàng nhỏ người này.
"Cả năm đi học đi làm chẳng thấy nhớ đến mức phát khóc, nhưng cứ hễ gần đến tết, trời bên này xuống âm độ C, lạnh lạnh lại nhớ những ngày ở nhà, ở Hà Nội. Ba năm qua tết thì vẫn đến vào ngày giờ đó, chỉ là mình chẳng thể về được. Lịch học, lịch thi đã là một điều làm mình phải đau đầu sắp xếp, nay lại thêm dịch bệnh và nhiều vấn đề về cách ly làm mình cũng trùng bước hẳn. Lại lỡ hẹn về nhà tết năm nay" - Thanh Tâm bồi hồi chia sẻ.
Điều làm cho việc về Việt Nam trở nên khó khăn hơn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nước, các chuyến bay quốc tế cũng giảm hẳn. Mở trang web đặt vé máy bay, Tâm chỉ biết thoát ra vì chẳng thể nào chi trả được khoản phí lên đến gần 50 triệu đồng cho tiền vé máy bay vào đầu tháng 1/2022.
"Ngại nhất là khoản cách ly, thời gian nghỉ của mình không có nhiều. Việc đi về Việt Nam với quay lại Hàn cũng đều phải cách ly, chi phí cho việc mua vé bay, cách ly và những khoản giấy tờ khác chẳng hề ít, mình chẳng dám về vì quá đắt đỏ" - Tâm cho biết thêm.
Hiện đang học tập và làm việc tại Hàn Quốc, cô bạn Thi Giang cũng giống như Thanh Tâm, việc trở về nhà đón tết là một điều khó thành hiện thực vào năm nay. Bố mẹ luôn mong chờ cô bạn trở về nhà sau hai năm du học, nhưng với hoàn cảnh lúc này chỉ có thể gặp nhau qua màn hình điện thoại.
"Mình đã được ăn hai cái tết tại Hàn, nó cũng có những điểm giống và khác Việt Nam nhưng hơn hết là mình phải ăn tết một mình nơi xứ người. Đúng theo kế hoạch, năm nay mình sẽ về nhưng nào ngờ dịch bệnh lại chẳng buông tha, vé máy bay làm mình phát hoảng vì nó đắt gấp 3 lần so với trước đây.
Dịch bệnh nên nhiều nhà hàng đóng cửa, không có việc làm cho sinh viên. Tiền làm thêm chỉ đủ đóng học, sắp đến tết mà lại không có quà gửi về cho bố mẹ, thật sự mình thấy xấu hổ và buồn lắm! Chi phí về Việt Nam chỉ tính tiền phí bay thôi đã lên tới tầm 50 triệu Việt Nam, chưa kể những khoản lặt vặt khác như tiền đi khám để xin giấy tờ các thứ" - Giang cho biết.
Bên cạnh đó, việc mua vé máy bay, được cầm tấm vé trên tay chẳng hề dễ dàng gì đối với du học với những thủ tục vô cùng phức tạp, hơn hết là nỗi sợ mất việc làm thêm khi trở lại.
Có tất cả nhưng không có nhà ở bên
Việc phải xa gia đình giữa một tình cảnh đầy hỗn loạn ở khắp mọi nơi, không thể, thậm chí không biết bao giờ có thể trở về - là cơn ác mộng mà có lẽ chưa ai từng tưởng tượng sẽ xảy ra với các bạn du học sinh. Sự xuất hiện của Covid-19, nó lại là cơn ác mộng mà hàng triệu du học sinh Việt Nam trên khắp thế giới đang phải trải qua trong hai năm qua. Có những người may mắn mắn có tên trong những chuyến bay cứu hộ, nhưng cũng có những người lại chấp nhận một sự thật rằng: Mình phải ở lại.
Cách Việt Nam nửa vòng Trái đất, hai năm qua Lộc Giang luôn sống trong cảnh lo âu rất nhiều vì Mỹ vẫn là tâm điểm của dịch bệnh. Những hi vọng cùng mong muốn có tên trên những chuyến bay giải cứu đã là điều Giang khát khao trong hai năm qua.
"Phí để về nhà đón tết thật sự quá đắt. Mình luôn mong được về nhà đón tết, về để hít khí trời Sài Gòn nhưng nghe vé về khoảng $4000 (90.000.000 đồng) vé 2 chiều. Tiền vé đã quá cao đến vậy chưa tính đến chi phí cách ly khi về nước, cùng với việc phải gia hạn lại visa. Rất nhiều vấn đề phát sinh cho việc về nhà nên mình cũng đành chấp nhận đợi dịch bệnh ổn định hơn, đường bay mở thêm nhiều chuyến nữa" - Lộc Giang (du học sinh Mỹ) tâm sự.
Chuyện trở về không còn là chuyện mua vé máy bay, không phải là khoảng cách địa lý mà còn quá nhiều thứ liên quan đến "Cô vy".
Bên kia đại dương, cô bạn Tâm Quang (du học tại Brisbane, Úc) cũng đã học tập tại đất nước chuột túi hai năm và cũng hai năm chưa được về nhà đón tết. Mọi người hay nhắc về những nỗi khổ tâm của du học sinh, nay điều đó còn đáng buồn, đáng lo hơn khi dịch bệnh cứ bùng phát, biến chủng mới xuất hiện tại nhiều quốc gia, ở Úc Quang cũng phải gồng gánh rất nhiều.
"Mình nhớ nhà, nhớ tết dã man. Hơn 8h bay lại thêm xa hơn vì những ảnh hưởng của dịch, không đủ tiền để về. Luôn muốn về nhà nhưng ba mẹ và mình đều hiểu hoàn cảnh lúc này. Có lẽ do xa nhà cũng lâu nên không còn cảm giác quá bồi hồi. Hơn nữa, những món ăn Tết đều vẫn có thể tìm được ở Úc, chỉ thiếu hơi ấm gia đình, còn lại mọi thứ đều ổn. Năm nay mình cũng chỉ mong một điều duy nhất, ba mẹ mạnh khoẻ là đủ trong lúc này" - Tâm Quang tâm sự khi nhắc về Tết và gia đình.
Ngỡ rất gần... nhưng cũng rất xa
Không khí tết ở Đài Loan cũng khác hẳn so với Việt Nam dù cả hai nước đều có lịch đón tết tương đối giống nhau. Đã ba năm kể từ ngày rời Việt Nam, Yến Nhi cũng đã hoàn thành chương trình học tại nơi xứ xa nhưng cũng chẳng về nhà đón tết được vào dịp này. Ngày nhận bằng tốt nghiệp cũng chỉ có một mình.
Theo như thông tin Nhi cho biết, vì lịch học, lịch làm cùng việc nhập cảnh và đi lại giữa các nước trong giai đoạn dịch bệnh vô cùng khó khăn. Đài Loan và Việt Nam khoảng cách không quá xa nhưng chuyện về lại rất xa đối với cô bạn 9X này.
"Tính cả dịp Tết sắp tới, mình đã có 3 năm phải đón giao thừa xa nhà. Năm ngoái, Đài Loan cũng được xem là tâm dịch của châu Á, ba mẹ mình ở Việt Nam đã rất lo lắng, mình cũng phải tự động viên và cố gắng nhiều hơn. Năm nay, mình vẫn chưa về được, ba mẹ thường xuyên gọi điện sang dặn dò và động viên, luôn mong mình về sớm nhất có thể" - Yến Nhi cho biết.
Dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam, Nhi cũng sẽ tiếp tục một số công việc của mình tại Đài Loan, cũng sẽ được nghỉ tết và đón tết đúng ngày nhưng chỉ là thiếu đi sự sum vầy của gia đình sau một năm dài. Hơn hết lúc này, khi tết đến gần cô lại thêm nhớ không khí quê nhà mấy ngày cận tết, được cúng ông Táo, chiều 30 lại đi chợ cùng mẹ,...
Những hỗn độn của năm cũ đã tác động đến đời sống của các bạn du học sinh trong suốt hai năm qua. Khó khắn trong việc sinh hoạt, học tập và việc xa nhà nay lại thêm xa, tết đã trở thành một điều quá xa xỉ khi nghĩ đến chuyện về nhà.
Chẳng mong điều gì hơn ngoài gia đình vẫn khoẻ để hẹn tết sau, nhà lại sum vầy, đủ đầy thành viên.
Nguồn: TH&PL