Danh xưng "Ông hoàng nhạc Việt" của Đàm Vĩnh Hưng có từ đâu? Do khán giả tự gọi hay chiêu trò PR bản thân?
Sau những năm cống hiến ở lĩnh vực âm nhạc, Đàm Vĩnh Hưng chuẩn bị ra mắt dự án phim "Hào quang rực rỡ" - The King để kể câu chuyện cuộc đời mình. Điều làm khán giả chú ý là Đàm Vĩnh Hưng đã tự xưng mình là "Ông hoàng nhạc Việt", ăn vận với phong cách của một vị vua, thậm chí có cả ngai vàng để cả showbiz bước lên chụp ảnh cùng. Vậy danh xưng này đến từ đâu? Có phải là "chiếc áo rộng" với tên tuổi như Đàm Vĩnh Hưng?
"Tôi không tự xưng, khán giả gọi thì tôi nhận"
Có lẽ ở Việt Nam, ngoài Đàm Vĩnh Hưng ra thì không ai dám nhận danh xưng mỹ miều như "Ông hoàng nhạc Việt". Nhiều người thắc mắc, danh xưng này đến từ đâu, có phải Mr. Đàm tự nói?
Nam ca sĩ nhấn mạnh: 'Tôi chỉ muốn là nghệ sĩ của mọi người, mọi nhà, hát cho đến khi mình còn có thể'.
Trong một đoạn clip đăng tải, Đàm Vĩnh Hưng từng thẳng thắn nhiều người hiểu lầm anh tự xưng danh nên quay sang chỉ trích. Bản thân anh không dại dột để làm ra chuyện này.
Mr. Đàm cũng giải thích rõ về nguồn cơn của danh xưng gây tranh cãi: "2007, tôi làm đêm nhạc, sau đó tôi được thừa nhận là người có công mang lại sự hồi xuân của bolero. Thời đó tôi đang đứng ở đỉnh cao của nhạc trẻ, thời đó bolero hay nhạc xưa chỉ là nằm trong bóng tối. Ca sĩ hát những loại nhạc đó không hề có chỗ đứng. Lúc đó tôi quyết định 'tấn công' bằng một liveshow, chuỗi dự án. Sau đó tôi được báo chí, tất cả những dân chuyên môn trong nghề đánh giá cực kỳ cao và không còn từ nào để diễn tả nữa.
Đồng thời, giọng ca 7X khẳng định đến thời điểm hiện tại, anh vẫn không biết ai đã đặt danh xưng đó cho mình. Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ thêm: "Nếu trong số quý vị, anh chị em báo chí nào đã từng gọi thì làm ơn cho tôi biết. Chứ tôi không tự xưng mình là "ông hoàng nhạc Việt". Có lẽ truyền thông thời điểm đó không nhiều như bây giờ để mọi người có thể hiểu".
Công hồi xuân bolero là có cơ sở để khiến giọng ca 7x được tung hô. Bởi lẽ thời điểm đó dòng nhạc này đứng trước nguy cơ chỉ sông trong ký ức người nghe. Mà người muốn nghe lại phải mua băng hoặc đĩa từ các trung tâm băng nhạc ở nước ngoài hoặc đến những show có giá vé cao với các ca sĩ hải ngoại.
Trong khi đang là ca sĩ đỉnh cao của dòng nhạc trẻ, Mr Đàm đã tự tin bỏ tiền tỉ tổ chức liveshow dòng nhạc xưa cũ mà không ca sĩ nào dám mạo hiểm, vì rủi ro cao, chắc phần thua lỗ. Không nằm ngoài mong đợi, đêm nhạc thành công vang dội.
Dòng nhạc bolero đã hồi sinh mạnh mẽ. Album "Thương hoài ngàn năm" của Mr. Đàm đã bán được số lượng kỷ lục, đánh dấu sự trở lại của bolero trên thị trường âm nhạc. Nhiều ca sĩ trẻ đã mạnh dạn thể hiện bolero trên các sân khấu và Lệ Quyên cũng đã bỏ dòng nhạc trẻ để dấn thân vào bolero, sau thành công của Mr. Đàm.
Đàm Vĩnh Hưng đã làm thay đổi suy nghĩ của khán giả về dòng nhạc bolero từ hải ngoại. Anh đã đưa vào cách hát và hòa âm phối khí của mình một chút hiện đại và sang trọng, khiến cho nhạc bolero trở nên thú vị và không còn bị coi là sến và rẻ tiền như trước.
Cái tên Đàm Vĩnh Hưng nghiễm nhiên trở thành số 1 ở các sân khấu ca nhạc, là lựa chọn hàng đầu của các bầu show, với mức cát-xê cao nhất. Cái tên "Đàm Vĩnh Hưng" đã trở thành thương hiệu lớn, trụ vững suốt gần 30 năm qua, chưa có ca sĩ vượt qua nổi. Một vị trí xứng đáng trong lòng công chúng.
Khi "Ông hoàng nhạc Việt" bị chỉ trích thì "Ông hoàng giải trí" lên ngôi
Trong lĩnh vực âm nhạc Việt Nam, nhiều ca sĩ nổi tiếng được công chúng và báo giới đặt cho các biệt danh: Đệ nhất danh ca Thái Thanh, Nữ hoàng sầu muộn Giao Linh, Con nhạn trắng Gò Công Phương Dung. Cá biệt, ca sĩ Thanh Thúy còn được phong cho nhiều danh hiệu: Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát về khuya, Tiếng hát lúc 0 giờ… Ở lĩnh vực cải lương, kịch nói có các danh xưng: Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, Kỳ nữ Kim Cương, ông vua vọng cổ Út Trà Ôn…
Như vậy, một nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu, họ phải có tài năng nổi bật và sự cống hiến được khán thính giả và giới chuyên môn công nhận. Các danh xưng này chính là tình cảm của công chúng dành cho người nghệ sĩ một cách tự nhiên, không phải muốn là có, có tiền cũng không mua được.
Trước đó, khi nói về danh xưng này, Đàm Vĩnh Hưng tâm sự bản thân từng nghe những bình luận trái chiều. Anh kể: "Có rất nhiều người dị ứng và phản ứng khó chịu một cách cực đoan về cái danh xưng đó khi báo chí hoặc mọi người gọi tôi. Họ cho là tôi không xứng đáng. Nhưng họ có quyền đó, đó là cách suy nghĩ của họ. Tôi cũng chưa bao giờ phải mất thời gian cãi cọ với họ làm gì. Vì tôi không làm ra cái đó".
Nhiều người cho rằng Đàm Vĩnh Hưng không có đầy đủ tố chất với danh xưng này, chưa phải là một giọng cao đặc biệt và đi vào huyền thoại như đàn anh đàn chị. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng Đàm Vĩnh Hưng đánh bóng tên tuổi quá đà và kệch cỡm.
Mặc dù nhận nhiều chỉ trích nhưng Đàm Vĩnh Hưng vẫn "thoải mái" với việc sử dụng danh xưng. Tất nhiên, để giữ được danh xưng này, Mr. Đàm đã phải "gồng".
Sự "gồng" mới đây nhất là buổi họp báo về bộ phim mới. Anh lấy tên bộ phim đầu tay là The King - một vị vua, nhận mình là "Ông hoàng nhạc Việt", ăn mặc sang chảnh, để cả showbiz đều phải bước lên "ngai vàng" để chụp ảnh với Đàm Vĩnh Hưng. Mọi thứ đều khiến cho người khác phải thấy đây là một ông hoàng thực thụ. Nhiều ý kiến trái chiều nhận xét: "The...KINH thì đúng hơn".
Và điều này góp phần khiến hình ảnh của Đàm Vĩnh Hưng được nhắc đến nhiều hơn, để danh xưng "Ông hoàng nhạc Việt" từ tận năm 2007 được nói về mãi. Nếu danh xưng "Ông hoàng nhạc Việt" còn gây tranh luận thì việc gọi Mr.Đàm là "Ông hoàng giải trí" lại chẳng sai. Đàm Vĩnh Hưng biết cách để trở nên khác biệt và tạo "nhiệt" cho giới giải trí.
Nguồn: TH&PL