Trong hành trình trở thành trụ cột số 1 của đội tuyển bắn cung Việt Nam, Ánh Nguyệt đã phải trải qua vô vàn thăng trầm trong cuộc sống.
Cung thủ 'trái nghề'
Mang về cho nền thể thao Việt Nam tấm HCV tại SEA Games 30 và nhiều huy chương tại các giải đấu trong nước và quốc tế ở bộ môn bắn cung, nhưng ít ai biết rằng môn thể thao mà Ánh Nguyệt quyết tâm theo đuổi đầu tiên lại là bóng rổ.
Nội dung liên quan
Năm 15 tuổi, Ánh Nguyệt được huấn luyện viên Đào Văn Kiên tuyển chọn và chiêu mộ vào đội bóng rổ nữ Hà Nội. Ban đầu, nữ vận động viên không được bố mẹ chấp thuận do họ mong muốn con gái tiếp tục học văn hóa ở quê nhà, nhưng niềm đam mê thể thao của Ánh Nguyệt đã thuyết phục được gia đình.
Sau hơn 7 tháng theo dõi quá trình tập luyện của Ánh Nguyệt tại đội bóng, các huấn luyện viên tại đây nhận thấy cô có những tố chất của một cung thủ nên đã mời huấn luyện viên Hoàng Anh của đội bắn cung đến để quan sát.
Tuy nhiên, vì không muốn học bắn cung nên nữ vận động viên đã bỏ về quê khiến ban huấn luyện phải về tận Hưng Yên để thuyết phục. Sau đó, Ánh Nguyệt được cử sang Hàn Quốc tập huấn vì có tên trong danh sách những vận động viên trẻ tiềm năng.
Đã từng muốn buông bỏ, nhưng..
Dù đã đạt được những vinh quang trên đấu trường thế giới, nhưng Ánh Nguyệt đã từng muốn bỏ cuộc vào giữa năm 2018. Bởi nữ cung thủ đã hoàn toàn mất cảm giác, không thể điều chỉnh được lực tay và hướng đi của mũi tên.
Nội dung liên quan
Trong suốt 3 tháng liền, Ánh Nguyệt cứ mãi dậm chân tại chỗ mà không tìm được lý do. Tuy nhiên, nữ tuyển thủ không vội từ bỏ, cô bình tĩnh và kiên nhẫn tập thêm nhiều giờ. Nhưng trái với kỳ vọng của Ánh Nguyệt, mọi chuyện không khả quan hơn là mấy.
Không bỏ công tập luyện, cảm giác ấy lại đột nhiên tìm đến Ánh Nguyệt trong một sáng thức dậy. Đối với nữ cung thủ, khoảnh khắc tên rời cung và bay vút đến tấm bia khiến cô cảm thấy đặc biệt vui sướng và hạnh phúc.
Đến thời điểm hiện tại, bắn cung không chỉ là đam mê hay công việc, mà đó còn là cơ hội đã đưa gia đình của Ánh Nguyệt thoát khỏi cảnh hộ nghèo dù cô chỉ ở độ tuổi đôi mươi. Thành tích, tài năng và tình yêu thể thao cháy bỏng đã mang lại cho Ánh Nguyệt danh xưng "bông hồng thép" của thể thao Việt Nam.
'Niềm hy vọng vàng' tại SEA Games 31
Với bước ngoặt trở thành vận động viên bắn cung, Ánh Nguyệt đã phá kỷ lục quốc gia cung 1 dây nữ nội dung 30m khi chỉ vừa bước sang tuổi 18. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng huy chương của nữ tuyển thủ tại các giải đấu quốc gia đã lên đến con số gần 50 tấm huy chương.
Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục ghi tên mình vào bảng vàng cung thủ thế giới khi giành được HCV nội dung đồng đội nữ tại SEA Games 30, HCĐ giải Vô địch bắn cung châu Á... Đặc biệt nhất, Ánh Nguyệt đã xuất sắc giành suất trở thành một trong hai đại diện của Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020.
Trước thềm SEA Games 31, nữ tuyển thủ chính là một trong số những "hy vọng vàng" của Việt Nam tại giải đấu. Với sự tập luyện siêng năng cùng tinh thần quyết tâm, Ánh Nguyệt được kỳ vọng sẽ mang đến cho người xem những màn trình diễn mãn nhãn cùng thành tích xuất sắc.
SEA Games 31 (Đại hội Thể thao Đông Nam Á) là sự kiện thể thao đa môn được diễn ra tại Hà Nội trong khoảng thời gian từ ngày 12/5 đến hết ngày 23/5. Tại SEA Games 31, có 40 môn thể thao sẽ được tổ chức thi đấu. Đây là lần thứ hai Hà Nội đăng cai SEA Games kể từ năm 2003.
Nguồn: TH&PL