Với sự bành trường của Kpop ở nước ngoài, không ít những tranh cãi đã nổ ra giữa các fan trong nước và fan quốc tế của những nhóm nhạc thần tượng.
Không thể phủ nhận, khán giả là đối tượng cốt lõi làm nên sự thành công của bất cứ người làm nghệ thuật nào, đặc biệt là ở Hàn Quốc - cái nôi của hàng loạt nhóm nhạc đình đám Kpop, tính đại chúng luôn được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Hallyu từ lâu đã không còn nằm trong khuôn khổ Hàn Quốc từ hơn 10 năm trở lại đây, khi các nhóm nhạc thế hệ 2 bành trướng khắp mọi địa phận ở châu Á, phân khúc đại chúng trong nước, quốc tế lại được chia ra rành rọt hơn cả.
Trở lại Kpop thời hoàng kim, SNSD vẫn giữ được danh xưng nhóm nhạc nữ quốc dân dù fandom đã được mở rộng khắp châu Á, đồng nghĩa những sở thích, gu âm nhạc của người hâm mộ đã bị phân hóa ra nhiều nước. Tuy nhiên, vì Hàn Quốc vẫn trực thuộc châu Á nên SM không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những nhu cầu âm nhạc mới của người hâm mộ vì độ tương đồng về văn hóa, sở thích rất cao. Nhờ vào điều này, SNSD vẫn có thể cân bằng vững vàng thị hiếu công chúng ở cả nội địa lẫn châu Á.
Sau giai đoạn thành công chinh phục châu Á, Kpop tiến sang một trang mới với sự bùng nổ của BTS ở châu Mỹ - một phân khúc khán giả hoàn toàn khác biệt với Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Mỹ nổi tiếng là thị trường âm nhạc khó tính nhất thế giới, nơi mà chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu.
Từ đây, công chúng Hàn Quốc bắt đầu tranh cãi qua lại khi thấy ngày càng nhiều các nhóm nhạc thế hệ mới xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông Mỹ, trong khi ở Hàn, những nhóm nhạc này thậm chí chưa được nhiều người "điểm mặt gọi tên", ví dụ nổi bật nhất là ATEEZ - nhóm nhạc nam đến từ KQ Entertainment.
Mới debut được 5 tháng, việc đầu tiên ATEEZ làm không phải là quảng bá dày đặc ở quê nhà mà tỏ chức tour diễn thế giới đi qua loạt thành phố lớn như Los Angeles, Dallas, Chicago, Atlanta, New York, London, Berlin, Paris, Amsterdam…và bán hết vé chỉ trong vài phút. Điều này cho thấy ATEEZ đã nhắm đến thị trường nước ngoài ngay ở thời điểm mới ra mắt. Tính đến tháng 01/2020, ATEEZ là nhóm nhạc nam thứ 2 sau BTS có nhiều album lọt vào BXH ALBUM KPOPS trên iTunes Mỹ nhất.
Qua những hiệu quả khả quan này, không quá khó hiểu khi các công ty giải trí tận dụng sự yêu thích Kpop của người hâm mộ ở các thị trường béo bở như châu Á, Âu Mỹ để chinh phục với mục đích đạt được lợi nhuận khủng từ doanh thu album, goods, concert, ngoài ra fan quốc tế cũng có khả năng vote rất mạnh mẽ. Nhưng bù lại, nhóm nhạc phải hy sinh rút ngắn hoặc bị hạn chế thời gian quảng bá ở trong nước. Có thể thấy, dù đạt được thành tích tốt ở nước ngoài nhưng ATEEZ vẫn là một cái tên khá xa lạ đối với nhiều khán giả tại Hàn.
Nhìn vào hai nhóm nhạc nam nữ hàng đầu Kpop hiện nay là BTS và BLACKPINK, để thấy được những thành tích mà fan quốc tế mang lại: V Bar (fan của V tại Trung Quốc) đã mạnh tay chi hơn 90 tỷ VND để mua hơn 200.000 bản album Map Of The Soul của BTS, hay lượt xem MV của BLACKPINK phần lớn đến từ các khu vực như Đông Nam Á, Châu Âu...
Điều mà bất cứ nhóm nhạc nào cũng mong muốn đó là doanh thu album triệu bản, tour diễn cháy vé trong vài phút, lượt xem MV hàng trăm triệu, chiến thắng tất cả đề cử ở các hạng mục giải thưởng lớn... Nếu gầy dựng được một fandom quốc tế trung thành và lớn mạnh, tất cả điều này sẽ dễ dàng được thực hiện hơn cả. Tuy nhiên, quan điểm này không đồng nghĩa rằng nổi tiếng ở nội địa sẽ khó nổi tiếng quốc tế và ngược lại.
BTS là minh chứng sống cho việc thành công vang dội ở cả hai mặt trận âm nhạc trong lẫn ngoài nước. Chiến lược "chậm mà chắc" của Big Hit đó là để BTS chinh phục từng bước một, đầu tiên là chiến thắng show âm nhạc hàng tuần, sau đó là vươn lên iChart, xây dựng được một fandom trung thành ở Hàn Quốc, rồi mới bắt đầu tổ chức hàng loạt tour diễn khắp thế giới để tiếp cận fan quốc tế, cùng lượng nội dung dành cho người hâm mộ đa dạng và liên tục, BTS đạt được thành công lớn ở thế giới và trở thành nhóm nhạc hàng đầu trong nước.
Vì là nhóm nhạc Kpop nên thị trường hoạt động chính của các nhóm nhạc thần tượng chắc chắn phải có Hàn Quốc, vì thế không thể xem thường tầm quan trọng của khán giả nội địa. Nhiều công ty giải trí đã mắc sai lầm khi quyết định đưa "gà nhà" qua nước ngoài trong khi vị thế trong nước chưa vững chắc, dẫn đến tình trạng ngoài không được, trong chẳng xong, đó là trường hợp của Wonder Girls năm 2009.
Fandom là yếu tố nòng cốt để duy trì sự nghiệp của một nhóm nhạc Kpop, mất đi bộ phận người hâm mộ nào cũng là một điểm bất lợi lớn, vì thế thay vì đứng giữa sự lựa chọn nên ưu tiên bên nào hơn, chiến lược đánh từ trong nước ra ngoài nước dường như là phương pháp hữu hiệu nhất.
Nguồn: TH&PL