Cải lương dần trở thành cảm hứng cho các loại hình nghệ thuật khác, đơn cử là điện ảnh.
Cải lương là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc, có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam với sự kết hợp của đờn ca tài tử cùng dân ca của người dân Nam Bộ, âm nhạc cổ điển. Cải lương mang dấu ấn văn hoá sâu sắc, chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của nghệ thuật.
Khi điện ảnh, loại hình nghệ thuật thứ 7 trở nên phát triển và được đón nhận mạnh mẽ thì cải lương trở thành chất liệu mà các nhà làm phim muốn khai thác.
Tiếp cận Gen Z
Hình thức lồng ghép cải lương vào điện ảnh là một trong những con đường đưa hình thức nghệ thuật kết hợp đến gần với thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z. Tính đương đại, triết lý và nhịp điệu có trong cải lương vẫn luôn là các yếu tố giúp loại hình nghệ thuật này có bề dày về giá trị.
Với tuổi đời hơn trăm năm, cải lương có lúc suy lúc thịnh song cái hồn của chất liệu đời sống thì còn mãi, dần dần xuất hiện với tần suất nhiều trong các tác phẩm phim, nhất là khu vực phía Nam. Cải lương đóng góp âm thanh, phần nhạc cho một số dự án và về sau tích cực tìm chỗ đứng cho nhân vật trong phim ảnh.
Như một cách đối thoại ngôn ngữ điện ảnh, một số tác phẩm của NSND Hồng Sến như Mùi Gió Chướng, Cánh Đồng Hoang, Vùng Gió Xoáy,... đều cài cắm một số phân đoạn về đờn ca tài tử. Xét về lĩnh vực truyền hình, cải lương được đưa vào sử dụng sớm hơn, đơn cử như bộ phim cải biên từ tác phẩm văn học cùng tên Ngọn Cỏ Gió Đùa của Hồ Biểu Chánh.
Những năm gần đây, cải lương xâm nhập sâu hơn vào các dự án điện ảnh, nổi bật như: Sài Gòn Anh Yêu Em, Song Lang, Nửa Đời Hưng Phấn, Gạo Chợ Nước Sông,... Sắp tới đây là dự án Biệt Đội Rất Ổn với sự góp mặt của NSND Bạch Tuyết.
Việc đưa cải lương vào điện ảnh để thông qua hình thức nghệ thuật này giúp người xem tiếp cận hình thức nghệ thuật kia là một tư duy liều lĩnh, hay ho và xứng đáng được đánh giá cao. Đặc biệt là người trẻ, những người có khoảng cách về thế hệ với không gian văn hoá của cha ông khi sống trong dòng chảy vận động ở vận tốc rất nhanh như hiện tại.
Thách thức lớn
Đạo diễn Nửa Đời Hưng Phấn từng chia sẻ về áp lực trong việc cảm tác, chuyển thể những vở cải lương kinh điển thành phim: "Việc đưa nội dung một vở cải lương kinh điển vào điện ảnh, tôi chịu khá nhiều áp lực từ cái bóng thành công của tác phẩm gốc. Làm sao để cuốn hút khán giả vào câu chuyện tôi kể và thể hiện được yếu tố nghệ thuật mang bản sắc riêng là điều mà tôi mong muốn khi thực hiện dự án".
Chuyển thể cải lương thành phim và đưa chất liệu cải lương vào điện ảnh là một trong những bài toán khó. Nếu thực hiện tốt được việc này sẽ tiệm cận được với nhiều hướng đối tượng khán giả, tuy nhiên nếu không làm đến nơi đến chốn sẽ phá vỡ không gian văn hoá vốn có của một hình thức nghệ thuật lâu năm.
Đảm nhận vai diễn trong dự án hài sắp ra mắt, NSND Bạch Tuyết bày tỏ: "Những ai đến miền Tây hay những con người miền Tây đều có thiện cảm tuyệt vời với vùng đất này. Tôi thấy mình may mắn khi được mời đóng chính mình - vai Bạch Tuyết trong phim điện ảnh. Tôi còn hát được một đoạn trong vở Đời Cô Lựu. Tôi hạnh phúc làm sao khi cải lương ngày hôm nay được công nhận bằng tiếng nói của điện ảnh".
Việc sử dụng văn hoá nhằm mục đích giải trí và ngược lại cần có sự chính xác, không bị biến tướng giá trị lẫn chất lượng ban đầu thì mới được cho là thành công.
Nguồn: TH&PL