Sau 3 tuần phát hành, bộ phim "Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã thu về gần 130 tỷ đồng.
Mặc dù đây là con số đáng mơ ước đối với nhiều phim Việt hiện tại, nhưng lại là một thất bại đối với ê-kíp của bộ phim khi họ được đặt kỳ vọng doanh thu sẽ vượt mốc 200 tỷ đồng.
Theo Tiền Phong, tác phẩm hội tụ đủ yếu tố để có thể lọt top 5 phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại: ê-kíp tên tuổi, dàn diễn viên ăn khách, nhà phát hành ưu ái, không có phim đối thủ. Tiếp nữa là phim được dựng từ tiểu thuyết và bộ phim truyền hình kinh điển cùng tên đã ăn sâu vào tiềm thức khán giả.
Đúng như dự đoán, trong 3 ngày đầu chiếu sớm, bộ phim công phá bảng tổng sắp doanh thu với 45 tỷ đồng. Số lượng suất chiếu áp đảo, có thời điểm lên tới gần 5.000 suất/ngày. Với những con số ấn tượng nói trên, Đất rừng phương Nam được dự đoán nhanh chóng vượt mốc 200 tỷ đồng sau khi rời rạp.
Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày ra rạp, trên mạng xã hội xuất hiện những tranh cãi liên quan đến các hội nhóm "Thiên Địa hội - Nghĩa Hòa đoàn", bị cho là sai lệch lịch sử, doanh thu phim bắt đầu có sự ảnh hưởng. Làn sóng kêu gọi tẩy chay, phản đối bộ phim lan rộng. Dẫu nhà sản xuất và đơn vị phát hành tìm mọi cách xử lý khủng hoảng, bằng việc chỉnh sửa tên gọi cùng các động thái khác.
Đến tuần thứ 3, phim giảm sức nóng. Theo số liệu thống kê từ Box Office Vietnam, tác phẩm chỉ mang về khoảng 3-5 tỷ đồng mỗi ngày.
Có nhiều lý do khiến đứa con tinh thần của Nguyễn Quang Dũng và Trấn Thành không thể thiết lập những kỷ lục mới về doanh thu. Trong đó, những tranh cãi liên quan đến yếu tố lịch sử dẫn đến bị phản ứng gay gắt, khán giả kêu gọi tẩy chay là một trong số nguyên nhân quan trọng.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu một bộ phim Việt chịu ảnh hưởng từ những tranh cãi. Gần nhất, tác phẩm Em và Trịnh (2022) cũng từng bị phản ứng gay gắt do bị cho là xây dựng sai lệch câu chuyện về cuộc đời của Trịnh Công Sơn cùng những "bóng hồng" xoay quanh ông.
Doanh thu phim không đủ hòa vốn, danh ca Khánh Ly lên tiếng chỉ trích, giáo sư Michiko Yoshii thông qua luật sư gửi công văn yêu cầu nhà sản xuất phim công khai xin lỗi về việc sử dụng hình khi chưa xin phép là hệ quả cuối cùng của tác phẩm sau những ồn ào, tranh cãi.
Tạo độ bàn luận để mang lại hiệu ứng truyền miệng cho phim khi ra rạp là yếu tố cần và đủ trong quá trình truyền thông một tác phẩm điện ảnh. Song ranh giới giữa bàn luận và tranh cãi khá mong manh. Nếu ê-kíp phim lẫn nhà phát hành thiếu cẩn trọng, có thể là con dao hai lưỡi, kéo doanh thu của tác phẩm đi xuống.
Chuyên gia Nguyễn Phong Việt chia sẻ với Tiền Phong rằng: "Sự bàn tàn về mặt dư luận để tạo ra hiệu ứng là cần thiết đối với một tác phẩm điện ảnh khi phát hành. Tuy nhiên, tranh cãi cũng là con dao hai lưỡi, có thể giết chết một bộ phim. Nhà sản xuất phải thật sự cẩn trọng trong từng chi tiết của dự án, đặc biệt là các phim có yếu tố nhân vật, bối cảnh lịch sử".
Ông Việt cho hay ở góc độ của nhà làm phim, phát hành, họ luôn mong muốn tác phẩm trở nên viral, tạo được độ bàn luận, hiệu ứng truyền miệng khi ra rạp. Thông qua đó, đoàn phim có thể lôi kéo khán giả đến với màn ảnh rộng.
Song truyền thông, marketing ra sao để lôi cuốn người xem mà không sa đà vào những tranh cãi, có thể gây phản ứng ngược là bài học mà những người hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh phải tính toán cẩn trọng.
"Khán giả bây giờ không dễ để dắt mũi. Họ thông minh hơn nhà sản xuất và đội ngũ marketing phim. Theo thời gian, sức mạnh của mạng xã hội và mong muốn thể hiện góc nhìn, quan điểm cá nhân từ người xem ngày càng cao. Các nhân tố trên sẽ là công cụ hữu hiệu để lan tỏa phim. Nếu dư luận tốt, bộ phim có thể đạt doanh thu cao và ngược lại", ông Việt cho biết thêm.
Nguồn: TH&PL