Đạo diễn "trăm tỷ" Võ Thanh Hoà đã có buổi chia sẻ với về hành trình tìm thấy "chất riêng" cho Nghề Siêu Dễ!
Đạo diễn Võ Thanh Hoà
Nghề Siêu Dễ (2022) vừa ra rạp không lâu nhưng đã thu về doanh thu cùng nhiều lời khen tích cực. Bên cạnh khung cảnh rất đời tại Sài Gòn thì nét diễn mỗi nhân vật trên phim đã truyền tải nhiều thông điệp tích cực đến khán giả.
Để đóng góp và tạo nên một Nghề Siêu Dễ ấn tượng, hấp dẫn và đậm đà bản sắc Việt không thể quên đạo diễn Võ Thanh Hòa. Được mệnh danh là đạo diễn ''trăm tỷ'' với loạt phim điện ảnh có doanh thu tốt, khi ra mắt Nghề Siêu Dễ cùng dàn cast khủng, anh lại càng được kỳ vọng thành công hơn nhiều và nhiều hơn trước nữa.
Chia sẻ với , đạo diễn Võ Thanh Hòa khẳng định: ''Nếu không có cảm xúc, nhiệt huyết sẽ không nhận làm vì khi đó phim hài không ra hài, tình cảm không ra tình cảm''.
Nghề Siêu Dễ ''xàm'' và ''điên''
Vì sao lại chọn tên phim là Nghề Siêu Dễ?
Thật ra khi được xem kịch bản gốc là Extreme Job (Nghề Siêu Khó) ở văn phòng cùng các anh em thì tôi đã nghĩ là mình không làm được rồi vì khó diễn dịch nó thành phim, cũng như phương châm mình làm thì quan trọng phải ăn khách và bán được vé. Đây là mục tiêu cao nhất cho mỗi bộ phim tôi làm tính đến thời điểm hiện tại. Trong khi đó, kịch bản bộ phim lại dính đến nhiều thứ nhạy cảm gồm cả ma tuý nên sau khi nhận phản hồi từ Bộ Công An về kịch bản lần 1 dài đến 2 trang thì thấy "kèo này khó ăn rồi!".
Nhưng cũng từ cái khó đó thì tôi cùng ê-kíp vẫn quyết tâm tìm hướng giải quyết và đùa với nhau là "ừ dễ lắm làm đi!", và cái tên Nghề Siêu Dễ cũng từ đó ra đời. Trong phim thì tôi cũng cố gắng cắm nó vào phân đoạn mà anh công an nói đúng câu này trên phim.
Khi mà quay trở lại với thể loại phim hài có yếu tố tình cảm thì Nghề Siêu Dễ có gì mới và khác so với phim trước của anh?
Với Nghề Siêu Dễ thì nó có rất nhiều điểm mới và khác biệt nhưng xét về tổng thể chính là cái “xàm và điên" mà lâu rồi tôi không được làm kể từ Bệnh Viện Ma. Khi làm lại thì tôi cố gắng có cách xử lý khác hơn, bất ngờ hơn nhưng không có “plot-twist” nhiều mà chủ yếu “twist” ở từng phân đoạn.
Tôi không nghĩ những nhà phê bình, nhà làm phim sẽ đánh giá cao nhưng suy cho cùng cái tôi hướng đến chính là hài và gần gũi để tạo “mood” cho khán giả bình dân đến xem. Ngoài ra, tôi cũng chọn tông rất “tropical” kết hợp cảnh quay, góc quay thu hẹp lại tựa như những con hẻm sâu ở các khu thổ chu Sài Gòn
Tiếp lời anh về kỹ thuật quay thì phim Việt Nam và ở Nghề Siêu Dễ đều có dùng “oneshot", theo anh “oneshot" nó quan trọng như thế nào với 1 bộ phim đặc biệt là phim Việt Nam?
Thật ra với tôi “oneshot" chỉ là kỹ thuật để diễn dịch hình ảnh thôi nên không cần quá đặt nặng. Dù “oneshot" khi thực hiện phải tính toán, phối hợp rất kỹ về mặt kỹ thuật, SP, Art Director, diễn viên,... nhưng cũng chỉ giống như tăng độ khó cho “game" vậy thôi. Như phân đoạn giữa cha con anh Văn và Mỹ chỉ quay đúng 1 lần vì trước đó đã làm việc rất kỹ với ê-kíp.
Theo tôi nếu muốn thì còn có thể làm được nhiều hơn thế nữa chí không dừng lại ở “oneshot". Tuy nhiên tùy vào từng tính chất mà tôi quyết định quay 1 lần hoặc làm đi làm lại, ví dụ cảnh hành động thì nó yêu cầu nhiều về mặt kỹ thuật, góc máy nên có thể thực hiện nhiều lần. Nhưng nếu thuộc về cảm xúc thì chỉ cần làm 3 đến 4 lần là diễn viên đã “sượn và trơ" rồi, dù mình có giải thích thế nào thì tâm lý họ cũng nghĩ mình đang làm chưa tốt. Khi ngồi ở vị trí đạo diễn và trước “monitor" mình sẽ đóng vai trò là khán giả nếu coi thấy đủ cảm xúc rồi thì dừng.
Anh đã có những gia vị mới nào để tạo được chất riêng cho Nghề Siêu Dễ và vượt qua cái bóng của bộ phim gốc? Nếu kịch bản không vấp phải yếu tố kiểm duyệt về thuần phong mỹ tục Việt Nam thì anh có muốn giữ nguyên bản gốc không?
Đầu tiên tôi không nghĩ đã dùng gia vị trong Nghề Siêu Dễ mà chính xác là nguyên liệu vì mình chỉ giữ lại 1 đến 2 chi tiết đắt giá nhất từ bản gốc thôi còn lại cũng không quá quan tâm. Vì khi xem bản gốc, khán giả chỉ ấn tượng đến nhân vật ông đội trưởng còn dàn diễn viên khác thì quá mờ nhạt.
Xuất phát từ lý do này mà tôi phải xây dựng lại cấu trúc kịch bản, không để anh Hứa Vĩ Văn gánh gồng vai chính được mà san sẻ ra cho những nhân vật khác. Nên dù không vấp phải yếu tố văn hoá Việt Nam, tôi cũng sẽ thay đổi kịch bản vì bản thân ngành này cần sáng tạo, nếu không sáng tạo sẽ không thấy nó là đứa con của mình.
Anh có thể chia sẻ về lý do mình chọn diễn viên cho từng nhân vật trong Nghề Siêu Dễ?
Nếu mà xem tổng thể thì vai khó chọn nhất chính là anh Văn trong vai anh Thái, sau nhiều lần trao đổi thì anh Văn đã đồng ý thay đổi tạo hình chỉnh chu để vào nhân vật hơn 50 tuổi, tính phong trần, có thể “lead” được “team" đi cùng giọng nói hơi “láo cá” thậm chí chửi thề.
Còn về bộ ba Thu Trang, Tiến Luật, Kiều Minh Tuấn thì rất dễ vì họ đặt đâu cũng được bởi họ đã có kinh nghiệm diễn xuất rất ăn ý với nhau. Nhân vật của Huỳnh Phương và Quang Tuấn tuy vào vai ít thoại, ít đất diễn và bị lép vế nhưng vẫn hoàn thành tròn vai để tôn nhân vật lẫn câu chuyện chính trên phim.
Đối với vai bé My được bé Mỹ đóng thì đến rất tình cờ khi nhìn thấy hình cô bé và ấn tượng lần đầu được ba cô bé chở đến. Cuối cùng, Vũ Ngọc Ánh trong vai đả nữ chỉ có 3 - 4 câu thoại và cần luyện tập suốt 2 tháng nhưng Ánh vẫn đồng ý vì cô muốn được thử sức và đổi mới.
Làm phim không chỉ tạo ra tính giải trí mà còn để tìm được con người bên trong
Anh nghĩ sao khi khán giả Việt Nam cho rằng những cảnh tình cảm được đưa vào quá nhiều sẽ làm kịch bản dài dòng, lê thê?
Cái đó tôi nghĩ chỉ 1 bộ phận thôi vì bản chất người Đông Á có làm gì đi chăng nữa thì cũng quay về cái neo cuối cùng là gia đình. Nó khác hoàn toàn với văn hoá phương Tây khi để con mình tự lập từ sớm trong khi gia đình người Việt thì lấy gia đình làm nền tảng xã hội, nên tôi không phải cố ý mà đưa yếu tố gia đình vào.
Nên nếu khán giả có cảm thấy không hay thì do một số bộ phim gắn các yếu tố tình cảm vào quá kiên cưỡng, thiếu sự mượt mà. Cái mình cần là học hỏi và trau dồi để có kỹ thuật và cách kể tốt hơn, giúp khán giả cảm nhận được.
Chị Thu Trang từng chia sẻ là anh chuyên trị dòng phim hài nên sợ anh chủ quan, vậy làm thế nào mà anh giữ lửa nhiệt huyết khi thực hiện?
Đây là phim thứ 6 tôi ngồi ở vai trò đạo diễn chính là tự hào rằng 5 phim vừa rồi không có cái nào lỗ, tất cả đều mang về doanh thu tốt. Bản thân khi làm phim không chỉ tạo ra tính giải trí mà còn để tìm được con người bên trong mình. Nếu không có cảm xúc, nhiệt huyết sẽ không nhận làm vì khi đó phim hài không ra hài, tình cảm không ra tình cảm.
Với tôi làm phim chính là hành trình nên luôn giữ quan điểm đó và cảm ơn chị Trang rất nhiều vì bổ trợ những khuyết điểm của mình. Thậm chí khi chị Trang góp ý mình lại vui vẻ lắng nghe chứ không khó chịu như khi nghe đóng góp của người khác.
Quan trọng khi ở vị trí đạo diễn và làm việc cùng các nghệ sĩ nổi tiếng với những cá tính riêng, mạnh thì phải quan tâm có khai thác được họ hay không?
Anh nghĩ thế nào nếu dùng từ “hài an toàn" hay “hài công nghiệp" để gọi phim của anh?
Nếu mà làm công nghiệp thì mỗi năm tôi làm được 2 đến 3 phim rồi chứ không chỉ có 3 phim trong 3 năm gần đây. Thời gian làm kịch bản và sản xuất 3 phim đó thực tế phải lên từ 4 đến năm 5 năm nên nếu gọi là công nghiệp thì phải có khuôn dập nó nhiều lần nhưng tiếc là tôi vẫn chưa tìm được nó.
Hơn nữa nếu làm công nghiệp được thì tôi cũng làm vì lương đạo diễn đâu có bớt xuống. Nhưng cần lưu ý trong nghề này không có khái niệm gì gọi là an toàn vì thậm chí cả tôi cũng sẽ phải gặp thất bại nhưng đến giờ do may mắn nên chưa bị mà thôi.
Quan trọng là tôi luôn đặt hết tâm huyết trong từng cái nhỏ nhất, bởi "nghệ thuật là cái đơn giản ai cũng nhìn thấy được mà không phải ai cũng làm được” và ở Nghề Siêu Dễ tôi cũng đang làm cái rất bình thường một cách tròn trịa, hài hòa nhất.
Anh muốn được làm phim gì ngoài phim hài?
Thật ra lúc trở về Việt Nam thì mình yêu thích nhất ở thể loại trinh thám và tôi là “fan ruột" của Conan, Sherlock Holmes nhưng chưa bao giờ làm được. Đó cũng là cái tiếc của tôi nhưng chắc chắn trong tương lai sẽ bước tới đó.
Còn ở tương lai gần, tôi lại thích đưa vào phim những câu chuyện gia đình đời thường bởi tôi luôn loay hoay mãi với cái gọi là tự hào dân tộc. Tôi rất thích những gì mang tính Việt Nam nên luôn muốn đem lên màn ảnh trong từng “đứa con” của mình.
Tác phong và phong cách hài của anh được lấy cảm hứng từ đâu và từ thần tượng nào của mình?
Thần tượng lớn nhất của tôi chính là Châu Tinh Trì và còn nhiều diễn viên hài khác ở Mỹ, ngoài ra còn có đạo diễn gốc Á James Wan. Cách nhìn nhận và xử lý vấn đề của ông rất khác và mang lại niềm cảm hứng lớn cho nhiều người.
Còn về cách quay kiểu này, kiểu kia thì tôi học ở các “master class” trên Internet của những đạo diễn lớn. Nhiều khi mình đùa với vợ muốn sang Tây Ban Nha học thêm 2 năm thì bị vợ “chửi" là “anh đi rồi ai nuôi vợ con?”.