Đạo diễn kiêm biên kịch của Cây Táo Nở Hoa đã có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh vấn đề bản quyền phim và xem phim trả phí tại Việt Nam.
Ngày 19/8 vừa qua, website phimmoi.net - một trong những nền tảng chuyên cung cấp phim "lậu" đã chính thức bị cơ quan Công an TP.HCM khởi tố hình sự. Vụ việc nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả, cũng như các nhà sản xuất, phát hành phim tại Việt Nam.
Tồn tại hơn 9 năm tại Việt Nam, việc phimmoi.net buộc phải kết thúc còn là lời cảnh tỉnh cho các hình thức chiếu phim lậu, thiếu tôn trọng bản quyền. Đạo diễn, biên kịch Võ Thạch Thảo - người đứng sau thành công của phim truyền hình Cây Táo Nở Hoa đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề bản quyền phim và sự phát triển của các nền tảng streaming tại Việt Nam.
"Hành động xem phim không có bản quyền, ngày xưa khi vấn đề bản quyền chưa được phổ biến thì đã đành. Nhưng ngay thời điểm này, thói quen xem phim có bản quyền đàng hoàng sẽ giúp thúc đẩy một ngành nghề và biến ngành nghề đó trở nên có giá trị" - Đạo diễn Võ Thạch Thảo khẳng định.
"Một bộ phim ngoài là một tác phẩm, thì nó còn là một sản phẩm"
Chứng kiến phimmoi.net bị khởi tố, nhiều khán giả mới thực sự "giật mình" về chuyện "xem lậu" gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phim ảnh đến vậy. Vấn đề bản quyền có thực sự ảnh hưởng đến những người làm phim như chị?
Chắc chắn là bản quyền có ảnh hưởng tới người làm phim và tác phẩm! Các bạn nên hiểu rằng, một bộ phim ngoài là một tác phẩm, thì nó còn là một sản phẩm. Tất nhiên muốn làm ra một sản phẩm, bạn phải đầu tư và khi đầu tư, ai cũng cần suy nghĩ về việc "Tôi phải kinh doanh sản phẩm đó làm sao?".
Kêu gọi khán giả xem phim có bản quyền, từ những nền tảng chính thống, ví dụ như phim chiếu trên TV thì hãy tôn trọng hình thức chiếu ấy, chính là để giúp nhà đầu tư có niềm tin vào thị trường họ đang hướng tới. Việc tôn trọng bản quyền còn tạo ra sự bền vững trong đầu tư lâu dài, khiến các nhà làm phim, diễn viên, biên kịch và đạo diễn, hay những người chuyên về sáng tạo đều cảm thấy công việc của họ được tôn trọng.
Các nhà đầu tư bỏ tiền ra làm phim, bộ phận sáng tạo như chúng tôi cũng làm hết sức để mong muốn nhà đầu tư thu được vốn, sau đó có lời để tái đầu tư cho những dự án khác. Nếu nhà đầu tư cảm thấy lạc quan với doanh thu của phim mang lại, thì bản thân người làm phim cũng có thêm cơ hội để theo đuổi công việc của mình. Đã đến thời điểm, bản thân người xem phải cân nhắc rất rõ ràng rằng hành động xem phim không có bản quyền sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí tới cả một ngành nghề.
Cũng có nhiều khán giả cho rằng, việc xem phim lậu cũng giúp "lan toả" tác phẩm. Thà có người xem còn hơn không ai xem, chị nghĩ như thế nào?
Tôi đã từng làm sản xuất cho phim Gạo Nếp Gạo Tẻ, ở vị trí đó, chắc chắn tôi vừa muốn phim được biết đến nhiều nhưng vẫn muốn đảm bảo doanh thu. Nếu ở vị trí chỉ là một đạo diễn và chỉ "hám danh" thôi, tôi có thể không quan tâm tới nhà sản xuất sống chết như nào và phát ngôn một câu: "Mọi người cứ coi đi, chúng tôi chỉ cần phim của mình được biết đến thôi!".
Nhưng trong nghề này có một nguyên tắc, đã làm nghề thì bạn phải có trách nhiệm với nhà đầu tư và nhà sản xuất. Công việc sáng tạo của bạn được thực hiện nhờ số tiền người ta đầu tư cho mình, chứ không phải tiền của mình bỏ ra làm. Nếu đi làm 10 năm rồi có một số tiền lớn, tôi tự bỏ tiền làm phim chiếu cho khán giả xem thì không sao.
Ở phương diện này, tôi sẽ đứng về phía nhà đầu tư. Chỉ khi nào tôi tôn trọng khoản tiền họ bỏ ra, làm ra một sản phẩm tốt, có hiệu quả kinh doanh khả quan thì tôi mới được làm dự án tiếp theo. Tôi là dân làm phim - không phải làm một phim rồi biến mất mà muốn sống tiếp với cái nghề này, thì phải tôn trọng những nguyên tắc trong nghề nghiệp.
"Phim hay, khán giả yêu thích, nhưng không có doanh thu thì cũng thua"
Vậy khán giả và lựa chọn thưởng thức phim có bản quyền hay phim lậu của họ, sẽ tạo ra ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà làm phim?
Một năm ở Việt Nam làm khoảng bao nhiêu phim? Và tỷ lệ phim thành công, thắng lớn là bao nhiêu? Đã có khá nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc sau những lần đầu tư thất bại. Vậy câu hỏi đặt ra là: Nếu những bộ phim còn được chiếu "free", tràn lan trên mạng, khán giả cứ xem mà không mất tiền thì tỷ lệ những nhà đầu tư, đạo diễn bỏ cuộc còn tăng cao hơn nhiều. Phim hay, khán giả yêu thích, nhưng không có doanh thu thì cũng thua.
Bên điện ảnh liên tục kêu gọi khán giả ra rạp xem phim không quay lén, thì bên truyền hình cũng mong muốn khán giả xem phim ở những kênh chính thống hoặc những ứng dụng, website chính thức. Đó là cách thưởng thức văn minh và trực tiếp ủng hộ những người làm phim thông qua cách thưởng thức của bạn. Ủng hộ ở đây có thể từ thái độ hoặc tiền bạc, ví dụ xem phim trên TV không hề tốn tiền nhưng vẫn là một cách thưởng thức đúng.
Liệu sự xuất hiện của những nền tảng streaming phim ảnh như VieON, Netflix có ảnh hưởng đến ngành phim?
Nó là xu thế mà tất cả chúng ta cần thích nghi. Khán giả sẽ có người thích ra rạp xem phim, nhưng có người muốn ở nhà vẫn xem được phim. Đó là lựa chọn của khán giả. Tuy nhiên, rạp chiếu phim sẽ không "chết", vì cảm giác xem phim ở rạp vẫn khác ở nhà rất nhiều. Đối với phim truyền hình, hầu như các bạn trẻ bây giờ không coi phim trên TV nữa, hoặc xem TV cũng phải có ứng dụng rồi.
Các ứng dụng giúp họ chủ động được thời gian và nội dung xem. Rõ ràng digital đang dần thay thế, còn truyền hình dần mất vị thế rồi. Lượng quảng cáo cũng đổ về digital nhiều hơn. Tôi nghĩ vài năm nữa, cuộc cạnh tranh giữa các ứng dụng còn khủng khiếp hơn nữa.
"Xem phim không bản quyền là giết nhà đầu tư!"
Vậy theo chị, các ứng dụng xem phim sẽ làm như thế nào để giành được người xem và còn phải "thắng" các web xem lậu?
Các ứng dụng xem phim trực tuyến thời gian vừa qua đã có sự phát triển rất nhanh, ví dụ như VieON hay Netflix đều được sự tin dùng của khán giả và đang trên đà tạo thói quen xem phim mới. Rõ ràng ngoài việc bản thân ứng dụng có "ngoại hình" bắt mắt thì quan trọng nhất vẫn nằm ở nội dung. Phải có nội dung, và nội dung đó phải dẫn đầu thì người ta mới quan tâm đến ứng dụng ấy.
Ứng dụng luôn phải đa dạng hoá nội dung và tối ưu chất lượng nội dung mà bạn có. Nếu khán giả thật sự yêu thích nội dung của mình, họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền xem. Người ta đổ vào VieON xem Penthouse rồi giờ là Cây Táo Nở Hoa. Tôi thấy trên facebook, người ta còn hỏi nhau từng cái tài khoản VieON để xem Cây Táo Nở Hoa. Chính sự ủng hộ ấy giúp nhà sản xuất có tiền để tái đầu tư cho tác phẩm sau.
Vậy suy cho cùng, câu chuyện của một bộ phim, không chỉ là chuyện nghệ thuật, danh tiếng mà còn là chuyện kinh doanh sao cho hiệu quả nhất?
Đúng vậy. Ở vị trí là một đạo diễn, trước khi tôi có được danh tiếng thì tôi phải được trả tiền. Tôi đâu thể đi làm không công? Rất nhiều người trong ngành này cũng như vậy. Để nhà đầu tư có tiền trả cho mình, thì phải để họ kiếm được tiền đã. Vậy thì mọi người ơi, hãy xem phim một cách văn minh! Đừng xem phim không bản quyền nữa vì như thế là giết nhà đầu tư đấy!
Bên cạnh đó, tôi nghĩ cần có những biện pháp mạnh với các trang web lậu vì chúng tạo nên một thế cạnh tranh không hề cân bằng với những ứng dụng chính thống và các nhà đầu tư đang kinh doanh phim ảnh. Cần xử lý mạnh tay những địa chỉ xem phim không bản quyền, như thế mới tạo ra môi trường lành mạnh. Nếu các nhà đầu tư có niềm tin, thì mức độ đầu tư sẽ tăng lên và sẽ tạo ra một cục diện, thay đổi lớn hơn cho ngành phim ảnh.
Cám ơn những chia sẻ của đạo diễn Võ Thạch Thảo!
Nguồn: TH&PL