Instagram đã cho ra mắt nền tảng xã hội Reels vào tháng 8/2020. Với nhiều tính năng tương tự như TikTok, Reels hiện đang làm mưa làm gió và được ví ngang hàng với nền tảng TikTok. Từ đó, người dùng có nhiều trải nghiệm và so sánh hơn khi sử dụng cả hai nền tảng này.
Thời lượng video
Trên TikTok, người dùng có thể quay video với độ dài lên đến 60 giây, tuy nhiên Reels chỉ giới hạn video trong thời gian 30 giây. Điều này có nghĩa các nhãn hàng cân nhắc kỹ khi xây dựng với các nội dung câu chuyện phù hợp và thông điệp rõ ràng hơn trên Reels trong thời lượng cho phép.
Tùy chọn âm nhạc cho tài khoản doanh nghiệp
Khác biệt lớn nữa giữa 2 nền tảng đó là tính năng âm nhạc.
Trên Reels, nhiều doanh nghiệp không thể truy cập tính năng âm nhạc của Instagram. Nếu nhãn hàng có tài khoản doanh nghiệp và muốn chia sẻ câu chuyện thương hiệu có đính kèm âm nhạc, nhãn hàng buộc phải tạo file âm thanh hoặc video và chỉnh sửa nó thông qua một ứng dụng khác ngoài Instagram.
Đồng thời Instagram hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào về việc các tài khoản doanh nghiệp sẽ sớm có quyền truy cập thư viện âm nhạc trên Reels.
Với bất lợi như trên của Instagram, TikTok vẫn đang thắng thế bởi kho thư viện âm nhạc độc đáo vốn là 1 trong những yếu tố quan trọng thu hút người dùng đến với nền tảng cũng như tạo nên loạt xu hướng mang đậm nét TikTok thời gian qua.
Tính năng sử dụng âm thanh của người khác cũng được Reels áp dụng, tuy nhiên nó không được phổ biến rộng rãi như trên TikTok.
Sự khác biệt là khi bạn lưu video trên TikTok vào thư viện, cho dù đó là của bạn hay của người khác, video sẽ lưu với nhạc và hình mờ đi kèm. Nhưng trên Reels bạn chỉ được lưu video vào thư viện của bạn và video sẽ không lưu kèm nhạc hoặc hình mờ. Tuy nhiên, các hạn chế đó có thể là chiến lược mà Reels đang sử dụng để bảo vệ bản quyền âm thanh của người dùng.
Nội dung liên quan
Các công cụ hỗ trợ và tính năng chỉnh sửa video
Xét về giao diện chỉnh sửa, Reels và TikTok hiện trông khá giống nhau.
Tuy nhiên khi đi sâu vào từng tính năng Reels bộc lộ rõ sự "nghèo nàn" so với đối thủ. Ví dụ: các bộ lọc rất phổ biến trên TikTok, người dùng có thể chọn một số hiệu ứng, mẫu và bộ lọc có sẵn.
Còn trên Reels, các hiệu ứng dành cho video còn bị hạn chế, người dùng chỉ có thể chọn các hiệu ứng từ thư viện có sẵn trước khi quay cho từng phân đoạn.
Ngoài ra, Tiktok có một số công cụ hỗ trợ chỉnh sửa video khác khá thú vị như hiệu ứng giọng nói và công cụ lồng tiếng đa dạng để người dùng có thể thoả thích trải nghiệm và sáng tạo.
Bên cạnh đó, TikTok còn có thể giúp các nhãn hàng thu hút người dùng tăng tương tác với nhau cũng như mở rộng phạm vi tiếp cận với các tính năng như: Duet, Reaction, Stitch,.... Ở Reels, có lẽ ứng dụng vẫn đang trong quá trình nâng cấp nên các tính năng này vẫn chưa được phát triển, do đó người dùng hầu như chỉ có thể ghi lại cảnh quay riêng hoặc tải nội dung từ thư viện hình ảnh mà thôi.
Thuật toán
Thuật toán của Tiktok là điều mà mọi người thắc mắc trong thời gian dài. Nhóm nội dung "Dành cho bạn" (FYP) được TikTok tùy chỉnh phù hợp với sở thích từng người.
Chính điều này đã giúp cho bạn cảm thấy tuyệt vời hơn khi dường như Tiktok đã rất "thấu hiểu" người dùng thông qua việc phân tích các dữ liệu, lịch sử hoạt động của người dùng.
Trong khi đó, tab "Khám phá" của Reel lại là một nơi tập hợp nhiều nội dung khác nhau và nó có dựa trên vị trí, sở thích, người bạn theo dõi hay nội dung bạn đã tương tác hay không vẫn là câu hỏi mở.
Và cũng giống như TikTok, điều quan trọng là phải liên tục đăng trên Reels bởi vì càng đăng nhiều, nội dung của bạn càng có nhiều khả năng hiển thị trên tab "Khám phá", điều này sẽ giúp cho kênh của bạn được nhiều người biết đến hơn và trở thành xu hướng tìm kiếm trên Reels.
Nội dung liên quan
Quảng cáo trả phí và thương mại điện tử
TikTok hiện đang cung cấp quảng cáo trong nguồn cấp dữ liệu, tiếp quản thương hiệu, top view, thử thách kèm hashtag thương hiệu, hiệu ứng quảng cáo của nhãn hàng...
Còn đối với Reels, các thương hiệu hoặc doanh nghiệp không thể triển khai bất kỳ quảng cáo nào nhưng các nhãn hàng có thể hợp tác với những người sáng tạo và những người có ảnh hưởng để tạo các nội dung hay và sáng tạo.
Instagram gần đây cũng đã giới thiệu thẻ nội dung cho Reels để Instagram đảm bảo người sáng tạo thể hiện thời điểm họ tạo nội dung có thương hiệu, tăng tính minh bạch và giúp người sáng tạo và thương hiệu dễ dàng tạo, chia sẻ và khuếch đại nội dung có thương hiệu.
Nhân khẩu học và nội dung
Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù cùng cung cấp các loại nội dung nhưng nhân khẩu học trên TikTok có vẻ trẻ hơn so với Reels. Và trong khi bạn có cơ hội sáng tạo tùy thích trên cả hai nền tảng, thì TikTok lại mang tính "phản thẩm mỹ" hơn.
Trên Reels, các thương hiệu, doanh nghiệp và những người có ảnh hưởng sẽ ưu tiên lựa chọn câu chuyện và chia sẻ các nội dung có tính thẩm mỹ cao hơn trong khi các nội dung trên TikTok thì không nhất thiết phải dựa trên các yếu tố đó.
Nếu đang tìm cách tiếp cận phân khúc đối tượng thích chia sẻ video với nội dung phù hợp mang tính thẩm mỹ thì Reels chính là gợi ý cho nhãn hàng. Ngược lại, nếu muốn tham gia vào các xu hướng lan truyền và tiếp cận khán giả gen Z hơn thì TikTok sẽ là platform vô cùng phù hợp.
Phân tích nội dung đăng tải
Nếu bạn đang quản lý Tài khoản TikTok Pro, bạn có quyền truy cập vào tất cả các phân tích của TikTok. Với tính năng phân tích này, bạn có thể phân tích được nội dung và đối được nào đang quan tâm, từ đó bạn sẽ có hướng đi chính xác và phù hợp cho các chiến dịch nội dung sau này.
Bên cạnh đó hiện tại lại không có bất kỳ thông tin chi tiết nào cho Reels, người dùng chỉ có thể xem số lượt xem, lượt thích và bình luận.
Đây chính là những điểm khác biệt cốt yếu giữa Instagram Reels và TikTok.
Có thể nhận thấy hiện tại sức cạnh tranh giữa hai nền tảng này là vô cùng khốc liệt. Miếng bánh thị phần giờ đây đã chia làm hai nửa: Nếu muốn tiếp cận người dùng gen Z, TikTok có thể là nơi phù hợp – còn nếu đang tìm cách triển khai chiến lược marketing trên Instagram và tăng lượng người theo dõi thì Reels chính là nơi phù hợp để bắt đầu.
Nguồn: TH&PL