Netizen tinh ý "bắt bài" chấm hoa hậu của nhiều cuộc thi sắc đẹp gần đây.
Nhiều cuộc thi hoa hậu những năm gần đây đều có chung công thức tìm ra người thắng cuộc, lựa và chọn top có nhiều điểm trùng hợp khiến netizen tinh ý nhận ra.
Thắng Người đẹp Nhân ái “auto out top 3”
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia, lâu đời và được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Format của đấu trường nhan sắc này cũng khá thú vị khi dành suất cho người chiến thắng giải thưởng Người đẹp Nhân ái sẽ tiến thẳng vào top 5.
Nhiều năm qua, những cô gái chiến thắng giải thưởng này đều được cho là may mắn khi không cần phải thể hiện quá nhiều nhưng vẫn có chân trong top ứng xử. Tuy nhiên, nhìn lại 4 mùa Hoa hậu Việt Nam gần đây nhất, netizen phát hiện một "lời nguyền" từ giải thưởng này.
Cụ thể, tất cả các cô gái vào top 5 nhờ thắng Người đẹp Nhân ái từ 2016 đến 2022 đều out top 3. Khán giả theo dõi cuộc thi lâu năm đều đặt nghi vấn rằng BTC cuộc thi có công thức chọn ra hoa hậu sẵn từ trước, luôn loại đi giải Nhân ái để chọn các cô gái khác trao những danh hiệu chính.
Tiêu chí chọn "nụ hậu" để đăng quang
Cũng tại Hoa hậu Việt Nam, từ lâu khán giả đã mặc định là cuộc thi nhan sắc chỉ dành cho những cô gái tuổi đôi mươi, khi tất cả những hoa hậu đăng quang đều rơi vào độ tuổi này. Từ đó người hâm mộ cũng nhận ra cuộc thi đã có công thức chọn hoa hậu, vì thế những người đẹp lớn tuổi hơn hầu như không có cửa để cạnh tranh vương miện.
Dù theo quy chế cuộc thi vẫn cho các người đẹp từ độ tuổi 27 trở xuống tham gia nhưng dường như đây không phải là gu chọn hoa hậu của BTC. Nhiều người cũng tinh ý nhận ra việc chọn những cô gái trẻ đăng quang hay còn gọi là "nụ hậu" là để các cô gái có thời gian "bung nụ", có thể dễ dàng để phát triển đường dài hơn.
Nhìn lại Hoa hậu Việt Nam các năm qua, có thể thấy rõ hơn về vấn đề này: Tiểu Vy, Đỗ Hà đăng quang năm vừa tròn 18 tuổi, Đỗ Mỹ Linh chỉ nhỉnh hơn một ít khi lên ngôi hoa hậu lúc 21 tuổi.
Với công thức này, netizen cũng có nhiều ý kiến tranh cãi, cho rằng sẽ bất công với các người đẹp khác, cùng với việc người đẹp quá trẻ tuổi cũng khó có thể đảm đương tốt nhiệm vụ của một tân hoa hậu.
Càng hút truyền thông thì càng khó vào sâu
Mỗi cuộc thi hoa hậu được tổ chức, ít nhiều sẽ có vài gương mặt thí sinh nổi bật, hút truyền thông và nhận được nhiều sự chú ý từ cư dân mạng. Tuy nhiên, nếu tinh ý thì các thí sinh này sẽ khó có thể vào sâu tại đêm chung kết, lần lượt ngậm ngùi dừng chân ở các top rìa.
Gần đây nhất là trường hợp của thí sinh Trần Thị Bé Quyên tại Hoa hậu Việt Nam 2022, thí sinh được xem là nhiều fan nhất cuộc thi, là gương mặt được quan tâm và chú ý bậc nhất, mỗi lần xuất hiện đều là chủ đề bàn tán của các fan sắc đẹp. Tuy vậy, tại đêm chung kết, Bé Quyên chỉ dừng chân tại top 10, không có mặt trong top 5 ứng xử.
Hay trường hợp của thí sinh Bùi Lý Thiên Hương, tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, người đẹp là thí sinh được đánh giá cao bởi công chúng, được truyền thông liên tục săn đón và dường như chắc suất top 5 chung cuộc. Tuy nhiên, giống như công thức, người đẹp An Giang cũng phải ngậm ngùi dừng chân ở top 10 trước sự tiếc nuối của người hâm mộ.
Có thể thấy, qua nhiều năm tổ chức, các cuộc thi nhan sắc đều khiến netizen có thể dễ dàng "bắt bài", nhận ra những công thức chọn hoa hậu. Nhiều người cũng cho rằng, có thể vẫn sẽ là điều trùng hợp nhưng các tổ chức cũng nên nới lỏng hơn, không nên quá cân nhắc và đi theo lối mòn cũ, lựa chọn ra những gương mặt không xứng đáng với danh hiệu.
Hoa hậu Việt Nam là một cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia tại Việt Nam, được tổ chức lần đầu vào năm 1988. Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong khởi xướng, sáng lập và hiện vẫn là đơn vị đồng giữ quyền tổ chức.
Nguồn: TH&PL