Khi sự sống và cái chết cận kề vẫn tồn tại một liều thuốc tinh thần có tên là tình yêu, đặc biệt hơn giữa những ngày dịch bệnh đầy nao lòng.
Có lẽ dịch bệnh đã lấy đi rất nhiều thứ của chúng ta từ vật chất đến sức khỏe, nhưng đâu đó giữa cơn bão này, khi mà sự sống và cái chết cận kề vẫn tồn tại một liều thuốc tinh thần có tên là tình yêu.
Mỗi ngày số lượng F0 đều tăng lên đến hàng ngàn ca, các bác sĩ tuyến đầu càng có nhiều áp lực hơn và phải làm việc với cường độ cao nhằm đảm bảo sự sống cho mọi người.
Mới đây tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, theo lời của bác sĩ Lê Văn Thiệu phụ trách điều trị cho hai vợ chồng U70 mắc bệnh Covid-19 nhập viện ngày 2/8. Tuổi tác đã cao nên khi bắt đầu chữa trị tình trạng của cả hai đều xấu và bắt buộc phải có sự can thiệp của ống thở máy.
Câu chuyện cảm động bắt đầu từ chiếc máy thở này, người đàn ông và người phụ nữ đều có nhiều triệu chứng nặng đặc biệt là người phụ nữ và buộc các bác sĩ phải cho bà sử dụng đến máy thở mới có thể tiếp tục chữa trị.
Nhưng khi được nhận sự hỗ trợ này bà lại lo cho sức khỏe của người chồng cao tuổi của mình vì cứ nghĩ số lượng máy thở không đủ để sử dụng theo lời đồn của mọi người. Người phụ nữ kiên quyết muốn nhường lại tuy nhiên qua lời khuyên của các bác sĩ, đảm bảo vẫn còn đủ máy thở cho bệnh nhân thì bà mới yên tâm và tiếp tục sử dụng.
Xin bác sĩ nhường cho chồng tôi thở máy
Được biết ngày 6/8 tình hình của người phụ nữ trở nặng hơn qua nhiều ngày hỗ trợ hô hấp không xâm nhập nên được chỉ thị can thiệp đặt ống thở máy. Có lẽ bà tưởng rằng chồng mình đang ở trong tình trạng nặng và có thông tin ngoài lề cho là Việt Nam đang thiếu máy thở, người phụ nữ càng lo lắng hơn và bà đã nói rằng "Xin bác sĩ nhường cho chồng tôi thở máy. Tôi vẫn khỏe nên chưa cần đến".
Các y bác sĩ đều sửng sốt trước lời nói của bà bên cạnh đó cũng giải thích tận tình cho người phụ nữ hiểu là cả hai có cách điều trị khác nhau và hiện tại người đàn ông vẫn chưa cần đến máy thở.
Người phụ nữ rõ ràng biết mình đang nhiễm một căn bệnh thế kỷ mà cả thế giới ai ai cũng phải lo sợ nhưng trước người mình yêu thương bà ấy vẫn chấp nhận từ bỏ cơ hội cứu lấy sinh mệnh của mình để giữ lại hơi thở cho người chồng. Điều gì đã làm nên sự can đảm trong một người phụ nữ yếu ớt đang nằm trên giường bệnh và câu trả lời cho câu hỏi này chỉ có thể là tình yêu.
Kiên cường chiến đấu đến cùng
Một phần do tuổi tác cao nên những ngày sau người đàn ông cũng bị tổn thương phổi nặng hơn, để cứu được ông bác sĩ cần phải đặt ống phổi nội khí quản. Giờ đây hai vợ chồng đều ở trong tình trạng khó khăn, hô hấp yếu mà căn bệnh thì đang hoành thành bên trong. Ngày 12/8 may mắn cuối cùng cũng đến, cả hai đã có tiến triển tốt, họ cùng được rút ống nội khí quản và chuyển sang thở oxy.
Người phụ nữ do sử dụng thuốc an thần nên vẫn ở trạng thái mê man vài ngày còn người chồng đã tỉnh lại sau vài tiếng. Khi nhìn qua giường bệnh của vợ mình ông đã không kìm nổi giọt nước mắt vì nghĩ bà không qua khỏi. Ông chậm rãi viết từng chữ lên tờ giấy để nhắn nhủ đến người vợ của mình " Hai đứa cưới nhau, chưa giúp đỡ nhau được gì. Nay ai còn ai mất, người ở lại phải có trách nhiệm. Em ơi cố lên".
Người phụ nữ nhận được lời yêu thương từ chồng qua lời kể của nữ điều dưỡng, bà khá mê man nhưng vẫn hiểu được và rơi lệ vì quá xúc động. Hai vợ chồng đều nhìn nhau mỗi ngày, nôn nóng khỏi bệnh để chăm sóc người còn lại. Hai người không nghĩ cho bản thân mà chỉ lo cho an nguy của đối phương, bên nhau nhiều năm đã gắn bó, trải qua nhiều thứ cùng nhau giờ đây cả hai phải cùng đối mặt với dịch bệnh.
Nắm tay nhau kiên cường vượt qua những giây phút đau đớn nhất, tình yêu đã tạo nên sức mạnh cho ông bà vì họ hiểu rõ mình đau khổ nhất khi mất đi người mình yêu. Chỉ khi mình khỏe mạnh nhất thì người mình thương yêu mới vui vẻ nhất.
Tình yêu không thể cứu được bạn trước Covid nhưng ít nhất trái tim bạn được chữa lành
Bên ngoài còn rất nhiều câu chuyện tình yêu làm động lực cho mọi người nhưng các bạn biết không tình yêu mãnh liệt và đáng quý nhất khi nó đứng trên bàn cân với sự sống. Lúc đấy câu trả lời của tất cả chúng ta là gì? Chấp nhận hy sinh hay bảo vệ bản thân trước. Qua chuyện tình đẹp trên, không xa hoa, lộng lẫy chỉ đơn giản là hai chiếc giường bệnh kết nối với nhau bằng hai trái tim yêu thương lẫn nhau chúng ta cũng ít nhiều tin rằng tình yêu có sức mạnh riêng của nó.
Sức mạnh ở trong giai đoạn dịch bệnh này có thể là đội ngũ y bác sĩ tốt, hệ thống kỹ thuật hỗ trợ thông minh hay những liều Vaccine chất lượng. Chúng chính là lực lượng cứu lấy thể xác người bệnh trước Covid-19.
Tình yêu thì lại khác, tình yêu không đem lại bất cứ giá trị vật chất nào cả mặt khác thứ cảm xúc này lại mang đến sự chữa lành bên trong. Sức mạnh làm nên tinh thần của con người tạo ý chí đấu tranh với căn bệnh quái ác. Tuy không khiến chúng ta khỏe mạnh lại ngay nhưng ít nhất tâm hồn đã có lại sự sống.
Nguồn: TH&PL