Có ai ngờ cụ ông bán vé số ở cầu Kinh Thanh Đa từng là VĐV bóng bàn, tuổi 76 vẫn vất vả mưu sinh

Bán vé số mưu sinh khi đã bước qua tuổi xế chiều, cụ ông vẫn giữ phong thái lạc quan, tươi trẻ và một tình cảm gắn bó với bộ môn bóng bàn.

Có ai ngờ cụ ông bán vé số ở cầu Kinh Thanh Đa từng là VĐV bóng bàn, tuổi 76 vẫn vất vả mưu sinh

Với tấm lòng chân thành, mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, "cô tiên" Trúc Phương vẫn luôn miệt mài rong ruổi khắp thành phố, tìm kiếm và trao gửi yêu thương đến bao mảnh đời bất hạnh ở Sài Gòn.

Một trong số đó là cụ Đinh Ngọc Nga (76 tuổi), người đàn ông cần mẫn bán vé số trên cầu Kinh Thanh Đa (Quận Bình Thạnh). Vừa qua, ngoài Trúc Phương, nhiều người đã chia sẻ về hoàn cảnh của ông trên mạng xã hội, với hy vọng sẽ có nhiều người nán lại ủng hộ ông ít vé số, để cuộc sống ông bớt đi phần nào gánh nặng.

co ai ngo cu ong ban ve so o cau kinh thanh da tung la vdv bong ban tuoi 76 van vat va muu sinh - anh 0

Miệt mài mưu sinh

Cứ đến chập tối, trên cây cầu nhộn nhịp người xe qua lại ngày ngày đều xuất hiện dáng hình nhỏ nhắn của một cụ ông gần 80 tuổi, lặng lẽ cầm trên tay những tờ vé số. Chỉ với xấp giấy nhỏ, ông đã quen thuộc với cung đường này suốt ba năm nay, miệt mài kiếm ít tiền trang trải cuộc sống tuổi già.

Ông kể: "Cứ tầm 7h tối là tôi đến các đại lý lấy 100 tờ vé số, ra cầu Kinh Thanh Đa ngồi bán đến khoảng 10h hơn. Nếu còn vé, sáng hôm sau tôi lại ra bán tiếp. Mà đã bán là phải bán hết chứ không trả lại được, nếu không hết thì đành phải ôm thôi. Có khi ôm đến 10 - 20 tờ là chuyện bình thường".

Khoảng thời gian khi cả nước giãn cách vì Covid-19, ông phải xuống ở nhờ nhà người cháu dưới Quận 9, thành phố Thủ Đức, việc bán vé số vì vậy mà cũng ngưng trệ. Giờ đây, khi Sài Gòn đã bình thường trở lại, dư âm mùa dịch vẫn phần nào ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt của người dân, và đến cả thời gian buôn bán của cụ.

"Trước đại dịch, tôi bán đến hơn 11h đêm mới về. Nhưng bây giờ, tầm hơn 10h là vắng khách rồi, không bán được nhiều nữa nên tôi về sớm hơn. Tối đa là 10h30 phải về, chứ quá 11h là nhà trọ người ta đóng cửa", ông chia sẻ.

Hiện tại, ông Nga ở trọ một mình tại khu vực đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh. Trước dịch, ông ở một căn trọ khác, nhưng nó xập xệ, xuống cấp nên bị giải tỏa, ông chuyển đến ở nơi này ổn định hơn. Có thời điểm, vì không có tiền trang trải cuộc sống, ông phải đem chiếc xe mạnh thường quân tặng đi cầm cố để đóng tiền nhà.

co ai ngo cu ong ban ve so o cau kinh thanh da tung la vdv bong ban tuoi 76 van vat va muu sinh - anh 0

Cụ ông kể với giọng lạc quan: "May nhờ chủ trọ thương tình, cũng tạo điều kiện để tôi trả tiền nhà góp. Bà con xung quanh cũng giúp đỡ rất nhiều, nên tôi đỡ phần nào áp lực thời gian đó".

Ông cụ cho biết, khoảng 1 năm trước, ông đang bán vé số trên cầu thì tình cờ gặp được cô gái Nguyễn Đỗ Trúc Phương. Cô tặng ông đồ ăn, thức uống, tiền tiêu và cả chiếc xe máy để tiện bề di chuyển. Nhờ có Trúc Phương, ông mới có thể vượt qua mùa dịch một cách dễ dàng.

Đến nay, cô gái này vẫn thường hỏi han, giúp đỡ ông. Về phần mình, ngày ngày ông vẫn di chuyển bằng chiếc xe được Phương trao tặng trong mùa dịch.

co ai ngo cu ong ban ve so o cau kinh thanh da tung la vdv bong ban tuoi 76 van vat va muu sinh - anh 0

Một cụ ông lặng lẽ ngồi trên cầu, cứ mỗi đợt xe qua lại, ông lại ngoáy mắt nhìn, để trông có khách, để nhưng tờ vé số dần vơi đi và được về nghỉ ngơi sớm. Ông Nga kể, dạo gần đây có nhiều người đến giúp đỡ, hỏi han ông hơn. Cũng có nhiều bài chia sẻ được đăng lên mạng xã hội, nhiều người đọc được, họ tìm đến và ủng hộ vé số cho ông. 

Ngồi trò chuyện với ông hơn 1 giờ đồng hồ, thỉnh thoảng có đợt khách ghé, ông cụ lại vui vẻ trò chuyện, cảm ơn rồi quay sang khoe: "Người quen của tôi đó. Tôi ngồi đây riết nên nhiều người quen lắm, hết người này đến người khác, tới ủng hộ tôi hoài à". 

Dăm ba đợt khách, lại có người: "Khỏi thối nha ông ơi", "Ông ăn gì chưa ông, ông đói không con đi mua đồ cho ông ăn nhé", "Con có ổ bánh mì, ông ăn cho nóng nha ông ơi", "Bữa nay con làm được ít nên ủng hộ ông 5 tờ thôi nghe, mai con ghé tiếp"... 

Và cứ thế, dòng người xô bồ giữa Sài Gòn vội vã vẫn dừng lại đâu đó vài giây, quan tâm đến ông lão gần 80 tuổi vất vả mưu sinh bên vệ đường. Nhờ những khoảnh khắc rất "tình người" đó, cụ ông cũng phần nào đỡ đi gánh nặng, trở nên vui vẻ, lạc quan hơn dù phải vất vả mưu sinh ở cái tuổi cần được cháu con chăm nom, phụng dưỡng.

co ai ngo cu ong ban ve so o cau kinh thanh da tung la vdv bong ban tuoi 76 van vat va muu sinh - anh 0

Tình yêu với bóng bàn

Gần 80, cái tuổi đáng ra phải được vui vầy bên con cháu, thì niềm vui với ông lại xuất phát từ quả bóng bàn. Gặp ông khoảng chập tối, ông khoe vừa đi đánh bóng bán về mới ra bán vé số. Trên gương mặt ông lão gần 80, niềm hạnh phúc hiện lên mỗi khi ông nhắc đến môn thể thao mình yêu thích.

Ông khoe: "Tôi là cựu vận động viên bóng bàn quốc gia, từng vô địch giải bóng bàn miền Trung, miền Nam. Hồi đó tôi đánh cũng có tiếng lắm, nhưng bây giờ già yếu rồi, chỉ còn đánh bằng kỹ năng thôi chứ sức không như hồi trẻ nữa".

Từng là vận động viên có thành tích tốt, đến bây giờ, ngọn lửa thể thao vẫn cháy rực trong cụ. Từ việc ông luôn mang theo chiếc vợt đánh bóng đến việc ông thường lui tới các CLB bóng bàn trên địa bàn thành phố. Có thể thấy, niềm đam mê ấy chưa bao giờ phai nhòa theo thời gian. 

Tại đây, ông có lúc đóng vai trò là người chơi, lúc lại là người thầy cho ai mới theo tập. Với ông, "cái hay của bộ môn này là lứa tuổi nào cũng có thể đánh được. Dù đã lớn tuổi nhưng có kỹ thuật thì tôi vẫn có thể chơi bóng".

co ai ngo cu ong ban ve so o cau kinh thanh da tung la vdv bong ban tuoi 76 van vat va muu sinh - anh 0

"Tôi vào Sài Gòn từ năm học lớp 10, đến nay cũng 61 năm. Được vào đây cũng là nhờ tham gia thi đấu bóng bàn, giải học sinh sinh viên toàn quốc, đại diện đội tuyển vô địch miền Trung thi đấu trong này. Kết quả thi đấu cuối cùng thì tôi thua một anh người Sài Gòn và giành giải nhì", ông Nga nói.

Bóng bàn như tiếp thêm sinh khí cho cuộc sống mưu sinh vất vả của ông, và nhờ bóng bàn mà ông được gặp gỡ những người bạn cùng đam mê, tuổi già vì thế cũng bớt đi phần nào vẻ cô độc.

5 cụ ông, cụ bà này là ai? Sao vừa đăng ảnh đã cả ngàn like?

Niềm "Vui" mới của ông cụ câm điếc: Lo chơi với mọi người quên cả bán vé số, luôn từ chối số tiền lớn!

"Công chúa nhỏ của Sài Gòn" của cụ ông bán vé số ra đi, dân tình ngậm ngùi trước những hình ảnh cuối cùng

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ