Chương trình này nhiều lần bị phản ánh vì cách khai thác sa đà vào chuyện "giường chiếu", riêng tư của các cặp vợ chồng.
Những ngày qua, netizen Trung Quốc bàn tán việc Street Dance Việt Nam bê nguyên xi bản gốc Street Dance Of China. Dù đã mua bản quyền nhưng đa số ý kiến đều cho rằng, ekip cần có chút sáng tạo và thay đổi phù hợp.
Thực tế, rất nhiều gameshow Việt Nam mua bản quyền từ nước ngoài và cũng không thiếu những trường hợp "sao y bản chính" nhưng chọn cách câu view "rẻ tiền", điển hình là Vợ Chồng Son.
Lên truyền hình kể chuyện "giường chiếu"
Vợ Chồng Son là chương trình được mua bản quyền từ Nhật, phát sóng nhiều năm qua với sự dẫn dắt của MC Quốc Thuận và Hồng Vân. Tại chương trình này, các cặp vợ chồng mới cưới sẽ cùng chia sẻ những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tâm sự về những khó khăn trong khoảng thời gian mới về chung một nhà.
Format của Vợ Chồng Son được giữ nguyên với phiên bản gốc Shinkon-san Irasshai!. Tại xứ sở Mặt trời mọc, đây là một show truyền hình được yêu thích suốt 50 năm qua dù không đổi mới.
Thế nhưng, khi về Việt Nam, ekip sản xuất của chương trình lại chọn cách câu view "rẻ tiền". Ở đây chỉ đề cập đến tập phát sóng đăng trên YouTube bởi khi lên sóng truyền hình, nội dung đã được cắt bớt.
Trong tập 351 được đăng tải trên kênh YouTube của nhà sản xuất, cặp đôi Nguyễn Văn Hưng (49 tuổi) và Nguyễn Thị Nhất (29 tuổi) từng gây tranh cãi dữ dội.
Ngoài chuyện chênh lệch tuổi tác, cả hai khiến người xem cảm thấy phản cảm khi kể chuyện từ bố con nuôi rồi nảy sinh tình yêu, về sống chung.
Đáng nói hơn, cặp vợ chồng lệch tuổi này còn vô tư kể chuyện "giường chiếu". Văn Hưng cho biết cả hai đã làm "chuyện ấy" khi có con trai riêng của Thị Nhất ở cùng, cả hai đã mời gọi và quyến rũ nhau ra sao,... Sau khi show lên sóng, khán giả đã chỉ trích cặp đôi dữ dội.
"Phô vậy mà nói được?", "nghe chuyện vợ chồng son mà tưởng đâu coi phim bậy bạ", "đăng vậy mà không để nhãn 18+ rồi con nít vào xem thì sao", "chương trình dung tục",... là những bình luận của netizen.
Hay như vợ chồng stylist Pông Chuẩn, cả hai khiến người nghe đỏ mặt vì kể rằng mỗi lần mình "hành sự" cả xóm đều biết do Pông Chuẩn là người khá lớn tiếng.
Bản thân ekip sản xuất cũng sử dụng những tít giật gân câu view, phản cảm như "Bị vợ tố bê đê, chồng không chịu nổi gồng lên cực men khiến vợ hết hồn", "chồng xấu hổ tím người vì bị vợ tố mê phim cấp 3",...
Và dường như đây đã là phong cách của nhà sản xuất này, khi ở một show khác là Bạn Muốn Hẹn Hò cũng được "áp dụng" cách đặt tít như thế.
Khánh Linh đến tham gia chương trình, tìm bạn trai có tính cách giống bố của mình nhưng ekip vẫn vô tư đặt title: "Cô nàng NỬA VỜI muốn kiếm bạn trai kiểu SUGAR DADDY làm chàng đại gia bán vàng THÍCH MÊ".
Signature nhưng cũng cần phù hợp
Mua bản quyền khi muốn remake một format show nước ngoài nào đó là việc đáng hoan nghênh tuy nhiên, khi các chi tiết được "làm không tới", "làm ô dề" lại thành câu chuyện khác.
Đơn cử như những cú ngã ghế của MC Quốc Thuận trong Vợ Chồng Son, đây vốn là một trong những signature của show này khi MC Bunshi Katsura ở bản gốc dùng nó để tạo tiếng cười.
Thế nhưng, với Quốc Thuận, khán giả lại nhìn thấy một sự "giả trân" vì đôi khi, có những tình huống không thật sự đáng buồn cười đến mức để ngã lăn ra đất như vậy. Thêm vào đó, văn hóa của mỗi đất nước là khác nhau.
Ở Nhật Bản, người dân vốn chuộng sự cường điệu nhưng ở Việt Nam thì không như vậy. Hoặc với những câu chuyện "giường chiếu", đời sống tình dục cũng tương tự, Nhật Bản là đất nước "thoáng" về vấn đề này nhưng mang nó về Việt Nam mà không biết cách gia giảm chỉ khiến chương trình lố bịch, phản cảm.
Dẫu biết "gánh nặng" thu hút người xem luôn thường trực khi làm show đối với một ekip sản xuất nhưng khi đã mua bản quyền cần có những sự thay đổi để phù hợp với khán giả tại Việt Nam.
Nguồn: TH&PL