Những clip "review" theo dạng kể lại toàn bộ nội dung phim mang về hàng trăm nghìn lượt view nhưng cũng gây hậu quả nghiêm trọng.
Những chiếc clip tóm tắt toàn bộ nội dung phim núp bóng review đã phá hoại trải nghiệm xem phim và bị nhiều người lên án. Song, chúng vẫn xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội với hàng trăm nghìn lượt xem cho mỗi clip. Đi kèm với số view khủng này chính là hậu quả cực lớn cho ngành điện ảnh.
Vì sao khán giả thích thú “xem phim siêu tốc”?
Một bộ phim điện ảnh thông thường sẽ có thời lượng từ 85 phút trở lên. Mỗi năm, ước tính có khoảng 700 bộ phim nói tiếng Anh được sản xuất và phát hành. Trong khi đó, phim truyền hình sẽ có thời gian dài hơn, với hàng chục tập phim trải dài qua nhiều tháng. Khán giả yêu phim truyền hình Hàn sẽ tốn 16 giờ cho một bộ phim (16 tập, 60 phút/tập).
Còn với phim Mỹ, con số này còn cao hơn và đi từ năm này qua năm khác (một phim truyền hình Mỹ thường có nhiều phần). Tiêu biểu là loạt phim Supernatural của đài CW có tới 15 phần phim, với tổng số tập là 325. Các phim truyền hình Trung Quốc thì có số tập từ 40 trở lên. Loạt phim Cô dâu tám tuổi của Ấn Độ từng gây kinh hoàng với thời lượng lên tới… 2245 tập.
Quá ít thời gian, quá nhiều phim cần xem là cảm nhận của đa số khán giả khi được hỏi về việc theo dõi các “clip tóm tắt phim”. Trong một năm, có rất nhiều bộ phim khác nhau cùng ra mắt. Lạc giữa mê trận phim ảnh, băn khoăn đâu là phim hay phim dở, thì các clip tóm tắt phim trở thành lựa chọn để khán giả “xem thử” trước khi “xem thật”.
Tuy nhiên, phần lớn các clip tóm tắt phim ở Việt Nam đều rơi vào cảnh vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tối thiểu: đó là không được tiết lộ nội dung cho người chưa xem tác phẩm. Vậy nên, khi đã xem xong clip, đa số người dùng chẳng còn mặn mà với việc tìm xem bộ phim đó nữa.
Xem phim theo trào lưu cũng là một lí do khiến nhiều người ưa chuộng các clip tóm tắt phim. Khi một bộ phim trở nên nổi tiếng, được nhiều người chọn xem thì việc nắm bắt thông tin về chúng trở thành nhu cầu tất yếu. Chủ đề phim trở thành cuộc bàn luận giữa những người đồng nghiệp trong công ty, bạn học trong lớp hay trong cuộc tụ họp gia đình…
Chỉ cần xem clip tóm tắt phim vài phút là ta đã có thể tự tin trao đổi với mọi người rằng “Mình đã xem phim đó”, “Mình đã biết nó kết thúc như thế nào rồi” và thoát khỏi cảnh lạc lõng giữa cuộc tâm sự. Một số khán giả chọn xem tóm tắt phim kinh dị chỉ vì… xem cả phim thì không chịu được việc bị hù cho sợ!
Dẫu vậy, chất lượng của các clip tóm tắt phim hiện nay vẫn là một dấu hỏi. Nhiều clip được cắt ghép, chỉnh sửa và chèn thêm nhận xét của tác giả đã làm khán giả hiểu sai về thông điệp, ý nghĩa của phim. Số đông còn lại chủ yếu là kể “sạch sẽ” nội dung phim từ đầu tới cuối, giống như bạn được nghe người khác kể lại những gì mà họ đã xem.
Không hiểu ý nghĩa thật sự của việc xem phim cũng góp phần không nhỏ vào sự phổ biến của clip tóm tắt phim. Nhiều khán giả chỉ vì sự tiện lợi, vui vẻ nhất thời mà các clip ngắn trên đem lại mà không hề biết, xem phim là một quá trình cảm thụ nghệ thuật mang màu sắc cá nhân đầy thi vị. Khi chìm vào thế giới của phim, đồng hành cùng nhân vật, khán giả mới có cơ hội trải nghiệm những câu chuyện, những cảm xúc dạt dào mà bộ môn nghệ thuật thứ bảy mang lại.
Nhưng trong thời đại mà nhịp sống con người càng bận rộn, khi việc đọc sách cũng phần nào được số hoá bằng sách nói (audiobook) để tiết kiệm thời gian, thì thú vui xem phim cầu kì bỗng trở thành một bữa ăn fastfood tiện lợi cũng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng việc các clip tóm tắt phim gây “ngộ nhận” cho khán giả, từ cách gọi sai bản chất (recap chứ không phải là review phim) cho tới việc định hướng, dẫn dắt người xem hiểu sai nội dung và ý nghĩa của tác phẩm là chuyện đáng báo động. Chưa kể, những clip như thế còn dẫn đến một vấn đề mang tính pháp lí.
Trào lưu với nguy cơ “giết chết” phim ảnh
Từ chuyện “huỷ hoại” trải nghiệm cá nhân, các clip tóm tắt phim còn đem đến một câu chuyện lớn hơn mang tên “vi phạm bản quyền”. Để phục vụ việc làm clip, các tác giả thường tải cả bộ phim (thông qua hình thức lậu) rồi dùng phần mềm cắt ghép, chỉnh sửa và sắp xếp các tình tiết sao cho phù hợp với thời lượng đề ra. Việc sử dụng hình ảnh phim như vậy là hành động xâm phạm bản quyền đơn vị sở hữu tác phẩm (nhà sản xuất).
Sâu xa hơn, khi đã xem trọn clip kể phim, người dùng thường không còn nhu cầu muốn xem… bộ phim đó nữa. Điều này dẫn tới thiệt hại kinh tế vô hình đối với các đơn vị phát hành phim (rạp phim, các dịch vụ trực tuyến…). Sẽ chẳng còn ai chịu bỏ tiền mua vé ra rạp hay trả tiền thuê phim nếu như họ đã biết được diễn biến và kết cục của bộ phim đó là gì.
Doanh thu phim bị ảnh hưởng, chất xám và công sức của nhà làm phim bị xâm phạm trắng trợn và khán giả thì bỏ lỡ một trải nghiệm giàu cảm xúc, một clip kể phim tưởng chừng vô hại nhưng thực tế lại mang đến những hậu quả vô cùng to lớn.
Một biến tướng khác núp bóng đằng sau các clip tóm tắt phim có lẽ chính là mục đích câu tương tác (câu view, câu like)... Một kênh Youtube, một trang Facebook chuyên đăng clip tóm tắt phim sau một thời gian hoạt động, thu hút được mức chú ý cần thiết bỗng một ngày đẹp trời lại khoác lên mình diện mạo mới, hoàn toàn không liên quan tới chủ đề phim ảnh.
Những clip tóm tắt phim ra đời có lẽ cũng bắt nguồn từ mong muốn mang lại sự vui vẻ, thư giãn và phổ cập thông tin cơ bản tới cho những khán giả bận rộn. Nhưng theo thời gian, những clip vui vẻ (và tưởng chừng vô hại) lại đang trở thành một thói quen xấu. Các clip tóm tắt phim không chỉ “giết” đi nhu cầu xem phim của khán giả mà còn gián tiếp, khiến các đơn vị bản quyền liên quan gánh chịu tổn thất.
Vậy nên, thay vì cổ vũ những clip tóm tắt phim chỉ biết “tiết lộ nội dung”, hãy lựa chọn cho mình những clip tóm tắt phim thông minh hoặc những clip/tác giả thật sự biết bình luận phim. Và trên tất cả, trải nghiệm phim ảnh luôn phải bắt nguồn từ chính bản thân người xem chứ không nên dựa vào ai khác.
Nguồn: TH&PL