Trào lưu làm clip "review phim”: Khi niềm vui xem phim trở thành bữa tiệc “mì ăn liền”

Một phim điện ảnh có thời lượng gần hai tiếng bỗng thu bé lại vừa bằng một chiếc clip tóm tắt phim núp bóng review kéo dài trong 10 phút.

Trào lưu làm clip "review phim”: Khi niềm vui xem phim trở thành bữa tiệc “mì ăn liền”

“Tiết kiệm thời gian” là những gì mà giới trẻ dành để nói về các video bình phim - hiện tượng đang gây sốt trên các nền tảng xã hội trong thời gian gần đây. Những clip bình phim như vây được thực hiện theo công thức: giới thiệu một tác phẩm phim ảnh với thời lượng giới hạn (trên 5 phút và dưới 15 phút), sử dụng hình ảnh trong phim kèm lời bình và tiêu đề gây chú ý. 

trao luu lam clip review phim khi niem vui xem phim tro thanh bua tiec mi an lien - anh 0
Câu tít gây chú ý của một clip kể phim.

Trào lưu “đánh tráo khái niệm”

Khi xem xong một bộ phim, con người sẽ có nhu cầu muốn bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận và đánh giá về bộ phim đó. Trong tiếng Anh, hành động này được gọi là review. Có hai hình thức bình phim phổ biến là viết bài hoặc làm video.

Nguyên tắc tối quan trọng của một bài review là không được tiết lộ nội dung (plot) hoặc các tình tiết quan trọng trong phim (plot twist). Tuy nhiên, trào lưu làm clip bình phim hiện đang gây sốt trên mạng xã hội lại đi ngược lại nguyên tắc đó.

trao luu lam clip review phim khi niem vui xem phim tro thanh bua tiec mi an lien - anh 0
Mỗi clip "review" có đến hàng trăm nghìn lượt xem.

Thay vì bày tỏ suy nghĩ và đánh giá cá nhân của tác giả, các clip bình phim theo trào lưu sẽ kể cho bạn nghe toàn bộ nội dung của bộ phim đó theo cách ngắn gọn nhất. Họ sẽ kể cho bạn nghe bộ phim bắt đầu ra sao, có những diễn biến gì và kết thúc như thế nào.

Nói một cách đúng đắn, thì đa số video trong trào lưu bình phim kể trên không phải là bình phim (review) mà là “tóm tắt phim” (recap). Hiện tượng “kể lại phim” này vốn bắt nguồn từ các video Trung Quốc. Những bộ phim truyền hình Trung dài hàng chục tập được tóm tắt trong một clip ngắn với lời kể hài hước, thậm chí là giễu cợt. Sau đó, chúng được các chuyên trang chuyên về văn hoá - giải trí Trung Quốc đưa về, làm phụ đề Việt ngữ và lưu truyền cho khán giả Việt Nam. 

Hài hước và ngắn gọn - các clip kể phim nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người dùng mạng xã hội Việt Nam. Nhận thấy sức hút quá lớn, những clip tương tự “made in VN” nhanh chóng ra đời, tạo ra xu thế xem phim mới khá lạ lùng.

trao luu lam clip review phim khi niem vui xem phim tro thanh bua tiec mi an lien - anh 0
Đoạn tít tiết lộ chi tiết đắt giá nhất trong bộ phim “Don’t Breathe”.

Các trang "review phim" dạng này chỉ mất vài tháng để đạt con số một triệu lượt theo dõi. Mỗi clip của họ được đến hàng chục nghìn lượt xem chỉ sau một tiếng và nhanh chóng lên tới trung bình vài triệu. Các nền tảng khác như YouTube, TikTok cũng tràn ngập nội dung trên. Mốt số kênh đạt đến con số vài triệu lượt thích.

Khi phim ảnh biến thành "thức ăn nhanh"

Trong thời đại hiện nay, mọi hành động của con người đang dần trở nên gấp rút, vội vã hơn. Lối sống tất bật khiến việc ăn uống cũng phải nhanh hơn. Thức ăn nhanh, mì ăn liền ra đời như một lẽ tất yếu. Và giờ thì phim ảnh - một nhu cầu giải trí/thưởng lãm nghệ thuật cũng trở thành “nạn nhân” của lối sống nhanh của con người hiện đại. 

Một bộ phim điện ảnh (movie) có thời lượng trung bình từ 85 phút trở lên. Trong khi đó, một bộ phim truyền hình (series) sẽ có thời gian dài hơn với trên dưới vài chục tập phim, mỗi tập chừng 60 phút. Phim truyền hình Hàn thường kéo dài 16 tập, phim Trung Quốc khoảng 40 tập trở lên, phim Nhật Bản sẽ xấp xỉ trong khoảng 10 tập phim đổ lại. Riêng phim Âu Mỹ sẽ kéo dài trong nhiều mùa phim (mỗi năm một mùa), mỗi mùa có thời lượng xấp xỉ 10 tập.

trao luu lam clip review phim khi niem vui xem phim tro thanh bua tiec mi an lien - anh 0
Trọn bộ "It's Okay to Not Be Okay" được gói gọn trong vài phút.

Nhiều khán giả hâm mộ trào lưu “clip kể phim” bày tỏ suy nghĩ, họ đã tiết kiệm được kha khá thời gian khi xem những clip kể trên. Đặc biệt là những clip làm về các bộ phim nổi tiếng, hoặc phim đang gây sốt luôn thu hút được sự quan tâm cực kì lớn. Đơn giản là nó giúp cho người dùng nắm bắt thông tin nhanh lẹ, để dùng trong những cuộc tán gẫu với bạn bè, đồng nghiệp, người thân... mà chẳng cần phải tốn công xem cả bộ phim đó. 

Không những thế, việc ngồi làm ở văn phòng với chiếc tai nghe luôn trên đầu khiến nhiều người thích tìm đến trải nghiệm nghe hơn là nhìn. Họ vừa nghe những clip này, vừa làm việc. Lâu dần, chúng như sinh ra một loại "ma lực" khiến khán giả bị "nghiện" và xem liên tục không ngừng nghỉ. Chúng như một loại "thức ăn nhanh" dù biết có hại nhưng lại không thể ngừng.

Khi trải nghiệm cá nhân bị huỷ hoại

Mỗi một bộ phim đem đến cho khán giả những câu chuyện khác nhau. Còn quá trình xem phim mang tới cho họ những cung bậc cảm xúc, từ bất ngờ, hồi hộp cho tới tâm trạng buồn vui cùng nhân vật. Đây là điều mà một clip kể lại nội dung phim không thể truyền tải hay tác động tới người xem. 

Mặt khác, một bài bình phim bao giờ cũng là suy nghĩ, đánh giá chủ quan của tác giả. Mỗi người khi xem phim sẽ có những đánh giá khác nhau (phụ thuộc vào nhận thức và năng lực cảm thụ cá nhân). Một clip kể về phim cũng vậy. 

trao luu lam clip review phim khi niem vui xem phim tro thanh bua tiec mi an lien - anh 0
Một clip kể phim được dịch lại từ clip do tác giả Trung Quốc thực hiện, sai sót trong phần phụ đề khi dịch “The Silence of the Lamps” thành “Con dê non lặng lẽ”.

Đa số các clip kể phim hiện nay đều kể lại nội dung tác phẩm  từ đầu tới cuối một cách máy móc, không có thêm bất cứ phân tích hay suy nghĩ gì về bộ phim đó. Liệu nó hay dở ra sao? Các tình tiết trong phim có ý nghĩa như thế nào? Và thông điệp phim muốn truyền tải là gì?

Nhưng điều nguy hại hơn cả là những clip kể phim làm sai lệch hoặc xuyên tạc nội dung phim (cả vô tình lẫn cố ý). Có thể người xem phim đó không thực sự hiểu về phim hoặc đơn giản là ghét phim, và muốn lôi kéo thêm nhiều người cùng ghét chúng.

Dù xuất phát từ suy nghĩ nào, việc khán giả bị định hướng bởi các clip kể phim, rồi có những đánh giá sai lầm về tác phẩm là điều không thể tránh khỏi.

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ