MC Tùng Leo cho rằng, nếu rơi vào tình huống của đạo diễn Lê Hoàng, anh sẽ chọn cách chia sẻ hài hước nhiều hơn.
Mới đây, đã có cuộc trò chuyện với Tùng Leo - MC nổi tiếng và là người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ đàn em. Ngoài những chia sẻ về nghề, anh cũng đưa ra quan điểm cá nhân về câu chuyện của đạo diễn Lê Hoàng và diễn viên Quang Tuấn đang gây xôn xao thời gian gần đây.
Theo Tùng Leo, sự khác biệt giữa MC và host là gì?
Nói một cách cơ bản, host là người có vị trí cao hơn MC nhưng hiện tại, 2 định nghĩa này đang bị lẫn lộn. Ở Việt Nam, lúc đầu chúng ta sử dụng từ MC, sau đó học hỏi nước ngoài và các chương trình có thêm yếu tố truyền hình thực tế nên dùng từ host.
Nếu chia theo cấp bậc sản xuất, khi bạn làm một chương trình mang màu sắc cá nhân, bạn là host. Nhưng nếu trong chương trình đó, bạn chỉ quán xuyến sân khấu, khiến không khí trở nên sôi động hơn theo các tiết mục chứ không phải người đứng đầu, lúc này sẽ là MC. Là host hay MC còn tùy thuộc vào tính chất của chương trình.
Anh sẽ cân bằng quan điểm của host và khách mời như thế nào khi cùng bàn luận về một vấn đề?
Điều này còn tùy thuộc vào thể loại chương trình. Ở talkshow cá nhân sẽ cần quan điểm cá nhân rất mạnh bởi làm ra show đó là để mọi người biết về ý kiến của mình.
Nhưng trong trường hợp đó là show giải trí, thiên về game và không có yếu tố talk nhiều, tôi phải gia giảm mức độ đưa ra ý kiến cá nhân, chỉ vừa phải thôi. Tuy nhiên, phải nói một điều, quan điểm cá nhân và phong cách cá nhân là hai chuyện khác nhau.
MC Việt Nam đang lẫn lộn 2 điều này, cứ thích thể hiện quan điểm cá nhân chứ không phải phong cách của mình. Khi làm gameshow hay chương trình giải trí, bạn cần đưa phong cách cá nhân của mình vào mới là người giỏi, bởi lúc đó không ai cần nghe quan điểm của bạn cả.
Khi làm mentor cho Project Runway hay Vietnam's Next Top Model, tôi là mentor hướng dẫn cho các thí sinh nên lúc đó, tôi phải có quan điểm cá nhân. Nhưng khi trở lại sân khấu, dẫn chương trình đêm chung kết thì tôi sẽ cần thể hiện phong cách cá nhân.
Nếu ngồi talkshow, tôi phải đưa ra quan điểm cá nhân của mình bởi kiểu chương trình này đã là đỉnh cao của nghề, phải "dữ dội" lắm mới nói chuyện được. Còn đi gameshow, người ta đâu cần quan điểm cá nhân của Tùng Leo, cái họ cần là phong cách để từ màu sắc của mình, tôi làm chương trình trở nên đẹp đẽ hơn.
Ví dụ cụ thể, khi quan điểm về một vấn đề của anh và khách mời trái ngược nhau trong talkshow thì sao?
Sự cân bằng mà bạn nói nằm ở tay nghề của người dẫn chương trình. Khi tôi và khách mời ngồi trò chuyện cùng nhau mà quan điểm trái ngược, tôi phải dùng khả năng của mình để cân bằng lại.
Nội dung liên quan
Điều này cần trải qua năm tháng vì đa số những người không có điều này sẽ mong muốn tranh luận thắng khách mời, bởi ai chả háo thắng, tuổi trẻ mà. Nhưng khi đã làm công việc này nhiều năm, mình sẽ có kinh nghiệm và hiểu được, cân bằng quan điểm là chuyện hay nhất. Sẽ không bao giờ có chuyện tôi hoàn toàn đúng, bạn hoàn toàn sai.
Người giỏi là người tạo được thế cân bằng và các chiều của một vấn đề để khán giả thích. Ví dụ, tôi nói rằng sống thử tốt nhưng bạn không thấy như vậy, thì người MC dở là người đi khẳng định mình đúng, đưa ra rất nhiều quan điểm để bảo vệ điều đó.
Nhưng nếu khẳng định khách mời đúng cũng không được. Một host giỏi, là người nêu được điểm mạnh điểm yếu, 2 mặt của vấn đề, mượn ý khách mời để tổng kết lại, đưa ra nhiều chiều quan điểm hơn cho khán giả.
Vì vậy, trong nghề dẫn chương trình, tầm của người dẫn ở đâu, khả năng tổng hợp của họ ở đó.
Những người dẫn chương trình mà tầm của họ ở đỉnh cao rồi, họ sẽ không bao giờ có chuyện thắng khách mời cả mà ngược lại sẽ khơi gợi điều khó, để khách mời nói nhiều hơn, chia sẻ về những góc cạnh của vấn đề và tổng hợp. Đây mới là đỉnh cao của nghề.
Tùng Leo nghĩ thế nào về việc bình luận quan điểm với nhau và áp đặt quan điểm của host với khách mời?
Như tôi đã chia sẻ, người có kinh nghiệm sẽ không bao giờ áp đặt vì đó là sự thể hiện yếu kém về mặt tay nghề. Còn đã có tay nghề sẽ không bao giờ áp đặt. Trong một trường hợp khác, ví dụ tôi và bạn cùng ngồi với nhau mà bạn thấy mình bị lấn lướt - lúc đó là khả năng của tôi đang làm điều đó chứ không phải quan điểm.
Khi ngồi cùng một chương trình, người dẫn dắt và khách mời phải "cùng màu" thì cuộc tranh luận đó mới hay. Một bạn trẻ 20 tuổi cùng tranh luận với tôi, bạn đó sẽ thua là điều chắc chắn nhưng như vậy không hay. Người dẫn chương trình không được lấn lướt khách mời mà cả hai phải tương tác với nhau ở mức độ vừa phải.
Trong quan điểm của tôi, dẫn chương trình mà lấn lướt người khác thì tay nghề chưa cao.
Thời gian gần đây có một câu chuyện đang rất hot là về đạo diễn Lê Hoàng và diễn viên Quang Tuấn trong một chương trình. Nhiều khán giả cảm thấy khó chịu với cách đạo diễn Lê Hoàng nói thẳng mặt Quang Tuấn rằng anh đi giày dơ, không mang tất… dù lúc đó, nam diễn viên đã mặc trang phục chỉn chu, lịch sự?
Bạn đang thấy % người đứng về phía đạo diễn Lê Hoàng ít hơn hẳn, đúng không? Đó lại dẫn về câu chuyện rằng khi bạn lấn át người khác, nó không mang lại lợi ích gì cả. Trước đây, tôi có dẫn 2 tập cuối cho một chương trình. Nhà đài muốn chương trình có sức nặng hơn, nhưng tôi lại khiến họ chưng hửng vì Tùng Leo không cãi nhau với khách mời.
Nội dung liên quan
Khi làm việc, tôi biết vị trí của mình ở đâu, quan điểm của mình ở chỗ nào. Bản thân là người của công chúng mà lên đài, lên trường quay cãi tay đôi với người khác là "mắc bẫy" rồi.
Nhà sản xuất nào cũng mong muốn chương trình có thêm sự kịch tính, nhưng là người nổi tiếng, phải hiểu rằng mình tự nhiên mất bình tĩnh, đi cãi nhau là quyết định của mình Đừng cho đó là một cuộc hơn thua về lý lẽ, quan điểm - không có. Mình chỉ đang tạo ra drama cho chương trình và nhiều khi người thua thiệt nhất là bản thân.
Lẽ dĩ nhiên, đây là khía cạnh riêng và quan điểm của tôi, còn đạo diễn Lê Hoàng không sợ những điều đó. Từ trước đến nay, anh ấy đã giỏi như vậy và hình ảnh cũng thế nên quen rồi. Nhiều khi phải như vậy mới là Lê Hoàng, không thẳng thừng thì không phải. Do đó, đừng mắc bẫy nhà sản xuất.
Nếu là Tùng Leo, anh sẽ chia sẻ như thế nào với khách mời nếu gặp chủ đề nhạy cảm như vậy, cụ thể là về cách sinh hoạt của đàn ông?
Tôi sẽ chia sẻ một cách hài hước và cũng để lộ một số điểm xấu về lối sống của mình. Từ trước đến nay, đạo diễn Lê Hoàng là người rất bảo vệ phụ nữ, và trong tất cả quan điểm cả anh ấy đều thể hiện điều đó.
Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, câu chuyện bình đẳng giới là phải biết nhìn một cách công bằng và trân trọng cả 2 giới chứ không có nghĩa là nâng phụ nữ lên rồi chà đạp đàn ông. Đó là quan điểm sai. Cho nên tất cả những người nào đang đi về phía bảo vệ phụ nữ bằng cách chà đạp hình ảnh của đàn ông thì sai rồi, tôi khẳng định điều đó.
Bình đẳng giới nghĩa là hai giới như nhau, vậy muốn làm đẹp giới này thì giới kia cũng phải đẹp cùng. Mình ca ngợi cái giới bên này thì bên kia cũng phải đẹp mới cân bằng.
Nếu rơi vào tình huống của đạo diễn Lê Hoàng, tôi sẽ đùa nhiều hơn là căng thẳng bởi trong câu nói đùa sẽ có sự thâm thúy của nó, nếu có chê cũng theo cách hài hước.
Như vậy, người ta sẽ nhớ lâu chứ không tạo ra sự căng thẳng. Còn nếu là tôi là anh Quang Tuấn, tôi cũng sẽ đáp trả một cách rất nhẹ nhàng. Tôi thích cách anh ấy chia sẻ trong chương trình đó, rằng cứ tỏ ra thoải mái đi tại vì thật ra, những cái chân thật sẽ luôn luôn được lòng khán giả.
Khi bạn chân thật, kiểu gì bạn cũng thắng còn gồng lên chỉ khiến bản thân mệt mỏi.
Vài ý kiến cho rằng, cách chia sẻ của đạo diễn Lê Hoàng khiến vợ của diễn viên Quang Tuấn trở thành người không biết chăm lo cho chồng?
Nếu vậy thì sai rồi, chuyện ai người nấy chịu. Bây giờ trông tôi xộc xệch đâu có nghĩa người yêu của tôi sai? Nhiều khi đó là phong cách của tôi thì sao? Vậy nếu bây giờ tôi điệu đà là bố mẹ sai sao?
Do đó, tôi nói thật, chúng ta hãy công bằng với cuộc đời và với mọi người xung quanh mình, đừng "chụp mũ". Bây giờ, con người đang có khuynh hướng chụp mũ người khác để che đậy cái sự tự ti hoặc lỗi lầm của mình. Tôi làm một việc xấu, bạn cũng làm tương tự nhưng tôi sẽ nói cho cả thế giới biết, để khỏa lấp sự tự ti và mặc cảm của mình.
Nội dung liên quan
Tâm lý đó đang quá rõ ràng trong cuộc sống hiện tại, khi con người không sống tích cực. Chúng ta cứ thích soi mói vào mặt xấu nhất của vấn đề vì muốn khỏa lấp cái xấu mình đang có. Đó là sự tiêu cực mà truyền thông là có lỗi nhất vì đang đi theo hướng đó.
Tùng Leo có nghĩ, những lời góp ý của đạo diễn Lê Hoàng có thể là phong cách của anh ấy nhưng lại đang body shaming?
Tôi là người đang theo đuổi việc chống lại body shaming, bất bình đẳng giới trên truyền hình. Trước đây, tôi có đưa ra một quan điểm về chương trình Táo Quân: "Khi nào Táo Quân còn hình ảnh của cô Đẩu thì LGBT chưa được nhìn nhận một cách công bằng".
Ngay lập tức, tôi bị "ném đá" dữ dội. Người ta nói là không ai để ý đến tôi nên tôi mới nói ra những điều đó để nổi tiếng. Tôi kịch liệt phản đối việc body shaming. Có lần, tôi dẫn một chương trình và có bạn MC bị ảnh hưởng bởi cách đùa giỡn của những MC khác, nên đùa bằng cách body shaming tôi.
Lần đầu, tôi cười cho qua, lần thứ hai tôi im lặng và lần thứ ba tôi đã nghiêm túc phê bình và bạn đó nhận ra mình làm sai, xin lỗi tôi. Tôi cũng nói rõ đó không phải là lỗi của bạn MC, mà là lỗi của truyền thông và truyền hình Việt Nam cho phép MC body shaming người khác nên các bạn tưởng cái đó là được.
Như vậy chúng ta hãy nhìn ở khía cạnh là nếu sản xuất ra những chương trình mà cho phép người dẫn dắt body shaming - đa số show hài hiện nay đều như vậy. Mình không nghiêm túc thì đừng đòi hỏi người khác nghiêm túc với mình.
Bất kể những gì đang diễn ra hiện nay trong giới showbiz đều là nhân quả. Bản thân nghệ sĩ không nghiêm túc sẽ lãnh sự không nghiêm túc phê bình này. Cho nên nếu như liên quan tới bất bình đẳng giới và body shaming thì quan điểm của tôi luôn luôn là không đồng ý chuyện đó.
Đạo diễn Lê Hoàng có cách dẫn riêng của anh ấy, tôi không phán xét điều đó. Nhưng muốn nói với những người khác rằng, bạn gieo cái gì sẽ gặt cái đó, vậy ngày hôm nay bạn đã dám body shaming người khác thì hãy sẵn sàng gặt những điều lớn hơn. Vậy thôi.
Cảm ơn MC Tùng Leo về những chia sẻ.
Nguồn: TH&PL