Những chuyên gia đã lên tiếng cho bài học về "Nước mắt" và "Người nghệ sỹ chân chính".
Khóc không sai nhưng cách nói có vấn đề
Chuyên gia truyền thông kỳ cựu Nguyễn Ngọc Long vừa có một đoạn clip TikTok nói về bài học từ việc Trấn Thành ... lại khóc: "Nếu bạn bị trêu chọc bởi một đặc điểm nào đó hoàn toàn vô hại. Thay vì trốn tránh hãy thể hiện nó thật là nhiều, thậm chí là đùa giỡn với nó. Sẽ đến một lúc dư luận thấy chán và buông tha cho bạn"
Trả lời PV Dân Việt , ông Nguyễn Ngọc Long đã nói cụ thể hơn:
"Điều này cũng hoàn toàn đúng với trường hợp của Trấn Thành, khi anh ấy đang bị mọi người gọi là Thành "Cry", chỉ sự mít ướt. Việc Trấn Thành tiếp tục khóc trong sự kiện vừa qua hoàn toàn không sai, nhưng không có nghĩa là toàn bộ hành động của anh ấy đều đúng.
Phát ngôn "ai thích tiền, thích hào quang thì mời lên đây" chính là vấn đề, và khán giả phản ứng với câu nói đó là điều dễ hiểu. Nếu anh ta chỉ lên đó khóc thôi, khóc thật hay khóc giả vờ cũng được, thì chẳng có gì đáng nói."
Chuyên gia cũng cho rằng cách nói của Trấn Thành có phần cao ngạo, mang nghĩa thách thức nên mới bị dư luận và đồng nghiệp chỉ trích. Trấn Thành có thể diễn đạt theo cách tâm sự, chia sẻ khó khăn thì sẽ không bị lên án nhiều như vậy.
Khi được Dân Việt hỏi về việc scandal sẽ gây ảnh hưởng, ông Nguyễn Ngọc Long cho biết Trấn Thành sẽ không ảnh hưởng bởi scandal vì trong quá khứ nam diễn viên đã gặp những vụ việc còn ghê gớm hơn.
Bàn về cách giải quyết, ông Long khẳng định: "Trong trường hợp này, Trấn Thành không được lòng mọi người, nhưng nói là đúng hay sai lại vô cùng, bởi những gì anh ấy phát ngôn thuộc về quan điểm cá nhân. Khi quan điểm cá nhân của mình không khiến công chúng vui, tốt nhất là người nghệ sĩ nên im lặng."
Cả cách nói lẫn suy nghĩ có "vấn đề"
Nhà văn Hoài Hương chia sẻ với Kenh14: "Trấn Thành ấm ức đời nghệ sĩ khó nuốt nhưng nghệ sĩ chân chính không bao giờ thế, Trấn Thành nói như thể mình đang ban phát nghệ thuật và khán giả phải biết ơn mình."
Với bất kỳ người nghệ sĩ nào, sân khấu là một thánh đường thiêng liêng của nghệ thuật, nơi phô bày tất cả những gì đẹp đẽ nhất: tài năng, nỗ lực, cống hiến và sự ngưỡng mộ. Khi tấm rèm nhung khép lại, họ trở về với cuộc sống đời thường. Nhưng con người là cả thế giới, còn nghệ sĩ triệu dân hướng đến, mấy thập kỷ mới lại có một. Người nghệ sĩ chân chính bởi vậy phải chứa đựng những phẩm chất, cốt cách nổi bật.
Với quan điểm đó, nhà văn Hoài Hương cho biết: "Với người nghệ sĩ chân chính, việc được đứng trên sân khấu, rút ruột nhả tơ, cống hiến cho công chúng, mang đến hình ảnh đẹp của nghệ thuật, gửi chân thiện mỹ tới khán giả đó là niềm tự hào.
Và việc được đứng trên sân khấu biểu diễn, cống hiến, đó cũng là vinh dự của nghệ sĩ, không phải là sự ban ơn. Tôi chưa thấy nghệ sĩ chân chính nào than thở cực khổ để được nổi tiếng.
Câu nói của Trấn Thành khiến người ta nghĩ rằng bạn ấy làm nghệ thuật là ban ơn, ban phát nghệ thuật cho người thưởng thức. Bạn ấy cho rằng được nổi tiếng, hào quang là do bản thân đã phải khổ sở, hy sinh, mang tài năng cho khán giả thưởng thức. Vinh quang bạn có được là điều đương nhiên.
Ở khía cạnh này, tôi nghĩ Trấn Thành không tôn trọng khán giả, người mang lại vinh quang cho mình. Trấn Thành nói như thể mình đang ban phát nghệ thuật và khán giả xem nghệ thuật phải biết ơn mình".
Nội dung liên quan
Nguồn: TH&PL