Quan điểm của những tên tuổi gạo cội về câu chuyện "hào quang nghệ sĩ" đang được dân mạng đào lại và nhận về nhiều ý kiến tán đồng.
Với bất kỳ người nghệ sĩ nào, sân khấu là một thánh đường thiêng liêng của nghệ thuật, nơi phô bày tất cả những gì đẹp đẽ nhất: tài năng, nỗ lực, cống hiến và sự ngưỡng mộ. Khi tấm rèm nhung khép lại, họ trở về với cuộc sống đời thường. Nhưng con người là cả thế giới, còn nghệ sĩ triệu dân hướng đến, mấy thập kỷ mới lại có một. Người nghệ sĩ chân chính bởi vậy phải chứa đựng những phẩm chất, cốt cách nổi bật.
Người nghệ sĩ chân chính không bao giờ lặp lại chính mình
NSƯT Hữu Châu - cái tên thâm niên của làng cải lương Việt Nam không mấy đồng cảm cách thế hệ theo đuổi nghệ thuật. Ông cho rằng: "Chừng nào mà các em giỏi thì một cái vai trên tờ giấy trắng, trên kịch bản, một con người chỉ nằm trong lời thoại; các em làm nó sống lại trong cơ thể, sống một cách có da, có thịt, có tình cảm, có cảm xúc và được tất cả mọi người công nhận".
Nhiều cư dân mạng hết sức hưởng ứng quan điểm này của vị nghệ sĩ, nhất là trong một thế giới phát triển đầy biến động như hiện nay. Sáng tạo là con đường tất yếu để giữ vững lãnh địa của người nghệ sĩ trên sân khấu.
Mỗi ngày, có bao nhiêu diễn viên, ca sĩ được sinh ra nhưng cái danh nghệ sĩ chân chính được giao cho thiểu số. Do vậy, khi là nghệ sĩ họ buộc phải thử đặt mình vào nhiều hình tượng khác nhau, không thể chỉ đơn thuần có da có thịt mà còn chứa đựng một tâm tính khác.
Sáng tạo bởi thế là hạt nhân quyết định sức sống của người nghệ sĩ trước dòng băng hoại của thời gian.
Thế giới người nghệ sĩ không có hai chữ hi sinh, chỉ có cống hiến và là cống hiến toàn tâm
Trong một talk show gần đây, NSƯT Thành Lộc lên tiếng bày tỏ sự bất bình về một số diễn viên lạm dụng cụm từ hi sinh để ca thán sự nghiệp: "Đừng có nói quá về công việc của mình khi đã chấp nhận xem là một nghề, xem là lẽ sống, là công việc chuyên nghiệp... Và cũng đừng kể lể cái khổ đó với khán giả vì nó chỉ làm cho mắc cười mà thôi!".
MC Trác Thúy Miêu cũng từng đưa ra quan điểm tương đồng, rằng một khi đã trở thành nghệ sĩ nổi tiếng thì phải chấp nhận cái giá của nó. "Giữa một xã hội ai cũng như ai, bạn leo lên một cái bục cao hơn người khác, mọi người đều nhìn vào, bạn ăn mặc đẹp hơn người khác, đẹp một cách bất thường, bạn có thù lao bằng người khác làm cả năm mà bạn lại đòi hỏi hành xử như một người bình thường à?... Một khi đã chấp nhận làm người nổi tiếng thì đồng thời cũng phải chấp nhận cái giá của cuộc chơi!", cô nói.
Yếu tố cát xê và mức doanh thu chưa chắc đã là thước đo cho thành công của người nghệ sĩ mà được thể hiện bằng sự ngưỡng mộ và trân trọng của khán giả qua nhiều thế hệ. Cống hiến bởi vậy là nghĩa vụ chứ không phải lựa chọn.
Người nghệ sĩ cũng cần biết từ chối
Sinh thời, NSND- đạo diễn sân khấu gốc Hà thành Dương Ngọc Đức đã có chia sẻ: "Nếu coi vở diễn như một món hàng cần bán chạy để tính tiền lỗ lãi thì thực sự chúng ta cũng hạ thấp hay nói đúng hơn là xóa bỏ vai trò đích thực của sân khấu, hạ thấp vai trò của người nghệ sĩ."
Theo đó, người cho rằng nghệ thuật vị nhân sinh là đúng, người nghệ sĩ tất yếu phải biết làm hài lòng nhu cầu đại chúng nhưng điều đó không nên được đánh đồng với việc chạy theo xu thế mà đánh mất bản sắc của mình.
Một hiện thực đang tồn tại dễ thấy là những sân khấu đang thưa dần khán giả, nhiều tên tuổi gạo cội có thể không còn ăn khách như thời hoàng kim. Nhưng những người yêu thích sân khấu thì vẫn là những khán giả đích thực, những người nghệ sĩ cây đa cây đề vẫn trường tồn, vẫn được nhắc tên bằng sự trân trọng và yêu mến, chỉ đơn giản vì họ từ chối việc chạy theo thị hiếu tầm thường.
Cuối cùng, danh xưng "nghệ sĩ" có sức nặng riêng của nó. Đó là tất cả giá trị phẩm chất và cống hiến mà người dân một nước tin tưởng trao cho và hướng đến. Nên khi nói rằng người nghệ sĩ cũng chỉ là một người bình thường, thì cái danh xưng ấy cũng tự nhiên trở nên mong manh và nhẹ bẫng.
Nguồn: TH&PL