Đại học Hà Nội: Bác bảo vệ, chú trông xe và cô lao công cũng "bắn" tiếng nước ngoài như gió?
Những ngày qua, nhiều bạn trẻ đang truyền tai nhau câu chuyện Trường Đại học Hà Nội (HANU) là nơi khơi nguồn cảm hứng và cũng là nơi quy tụ các "chân nhân bất lộ tướng". Mạng xã hội được phen "rần rần" câu chuyện đầy cảm hứng về chuyện các cô chú làm công việc lao động chân tay ở HANU sở hữu trình độ tiếng nước ngoài đỉnh cao.
Các bậc "cha chú" ở HANU thành thạo nhiều ngoại ngữ
Câu chuyện truyền cảm hứng đầu tiên nổi lên với chú trông xe ở HANU sở hữu trình độ Tiếng Anh "đỉnh của chóp" 8.0 IELTS. Không chỉ vậy, nhiều người còn "đồn thổi" rằng nhiều lúc thấy chú đọc cả báo tiếng Trung để giải trí, nghe đài tiếng Nga để cập nhật thông tin hay thỉnh thoảng cũng giao tiếp với cả du khách người Pháp.
Câu chuyện mà ai nghe xong cũng "mắt chữ O, miệng chữ A" tưởng chừng như chỉ dừng ở đó cho đến khi đích thân sinh viên của trường đồng loạt lên tiếng "xác nhận" một sự thật là không chỉ chú trông xe mà bác bảo vệ, cô lao công hay nhiều thầy cô dạy các môn trong trường đều là "ngọa hổ tàng long".
Các cô chú không chỉ giao tiếp thành thạo nhiều thứ tiếng mà còn có chứng chỉ đạt điểm số cao.
Không chỉ có cô chú bảo vệ, lao công thông thạo ngoại ngữ mà các thầy cô không dạy môn tiếng cũng "tường" tiếng nước ngoài.
Khuôn viên trường luôn tràn ngập những "cảm hứng bất tận" để sinh viên chinh phục ngoại ngữ
Môi trường học ngoại ngữ luôn được cho là một môi trường năng động vì là không gian giao lưu của nhiều thứ tiếng và nhiều văn hóa khác nhau, từ phương Đông cho đến phương Tây.
Trường Đại học Hà Nội lại là một trong số những trường đào tạo ngoại ngữ có chất lượng hàng đầu ở nước ta. Không chỉ nổi bật với khuôn viên trường rộng rãi, đẹp đẽ cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng từ ăn uống đến phục vụ học tập, mà HANU còn là nơi quy tụ rất nhiều giảng viên có học vị cao, am hiểu sâu rộng về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.
Ngoài ra, những khung cảnh sinh viên xem phim không cần "Vietsub" hay giao lưu cùng du học sinh nước ngoài một cách "xông xáo" cũng không còn là những câu chuyện lạ lẫm.
Và đến bây giờ, một sự thật khiến nhiều người bất ngờ tiếp tục được hé lộ khi các chú trông xe, bác bảo vệ và cô lao công thành thạo nhiều thứ tiếng, thậm chí là còn "am hiểu nhiều hơn" cả sinh viên chuyên ngành. Thêm một nguồn cảm hứng thôi thúc sinh viên học tập khi các cô chú tuy đã nhiều tuổi nhưng vẫn không ngừng trau dồi kiến thức từng ngày.
Sinh viên ngoại ngữ nói chung và sinh viên HANU nói riêng, từ trước đến nay vẫn luôn nhận được rất nhiều nguồn cảm hứng từ thầy cô đến bạn bè. Bởi chinh phục ngoại ngữ không phải là một quá trình dễ dàng và việc có thể giữ vững đam mê với ngôn ngữ mình học là một điều rất quan trọng.
Vượt qua "định kiến": Học ngoại ngữ chỉ để kiếm công việc lương cao
Nhiều người cho rằng và thậm chí là lựa chọn học ngoại ngữ chỉ là để sau này có thể tìm được một công việc lương cao. Rõ ràng, việc học ngoại ngữ có thể giúp chúng ta đạt tới một mức lương cao là điều không thể phủ nhận. Vì kể từ khi hội nhập quốc tế được "bình thường hóa" thì ngoại ngữ cũng đồng thời trở thành một công cụ đắc lực để chúng ta hướng đến con đường ấy.
Tuy nhiên, nhiều người học ngoại ngữ không phải chỉ là để kiếm tiền, mà họ học ngoại ngữ để "sống thêm một cuộc đời" và để có thể giao tiếp và hiểu người khác hơn.
Chẳng hạn như các cô chú ở Trường Đại học Hà Nội, mặc dù có chứng chỉ ngoại ngữ điểm số cao, giao tiếp thành thạo nhiều ngôn ngữ, nhưng các cô chú vẫn lựa chọn nghề lao động chân tay, nhiều bạn nói rằng cô chú "làm vì đam mê".
Tuy nhiên, dù là vì lý do gì thì cũng không thể phủ nhận niềm yêu thích tiếng nước ngoài và mong muốn hiểu đời, hiểu người của cô chú thực sự lớn khi mà cô chú cùng lúc có thể thông thạo nhiều thứ tiếng và giao tiếp với nhiều người. Hẳn rằng, việc thành thạo ngoại ngữ cũng giúp cô chú có thêm nhiều cơ hội giao lưu và kết bạn với người ngoại quốc.
Và có lẽ, việc học ngoại ngữ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu chúng ta thực sự yêu thích hơn là chỉ để "lợi dụng" nó.
Nguồn: TH&PL