Các thử thách khắc nghiệt, thời gian ghi hình kéo dài, sự thiếu an toàn trong việc bảo hộ đã gây ra các tai nạn thương tâm thậm chí chết người đã khiến cho dư luận phản đối kịch liệt.
Ngày 27/11/2019, tin tức nam diễn viên Đài Loan Cao Dĩ Tường đã qua đời trong lúc ghi hình cho show Chase me - Đuổi Theo Tôi Đi khiến cả làng giải trí bàng hoàng.
Theo thông tin, nam diễn viên đang chạy trên đường khi ghi hình thì bỗng nhiên hét lên "không ổn rồi" và ngã xuống đất. Sau 3 tiếng nỗ lực cấp cứu, Cao Dĩ Tường đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 35.
Khi thông tin được tung ra có rất nhiều khán giả đã chỉ trích và phản đối chương trình thực tế này của đài Chiết Giang. Vì muốn tăng tỷ lệ người xem, kiếm thêm nhiều lợi nhuận mà chương trình đã không quan tâm đến tính mạng, sức khỏe của các nghệ sĩ.
Hơn nữa những trò chơi, những yêu cầu trong chương trình quá sức nguy hiểm dễ gây ra các tai nạn cho người tham gia.
Ngoài ra, thời gian ghi hình của chương trình cũng vướng phải tranh cãi. Theo thông tin được tiết lộ chương trình sẽ quay từ 10h tối cho đến gần sáng hôm sau. Toàn bộ nghệ sĩ, nhân viên công tác đều phải thức đêm hoàn thành chương trình. Không chỉ vậy, đã từng có rất nhiều nghệ sĩ như Phạm Thừa Thừa, Triệu Lệ Dĩnh, Angela Baby bị thương khi tham gia show thử thách thể lực này.
Cuối cùng, chương trình Đuổi Theo Tôi Đi phải ngừng phát sóng vĩnh viễn dưới làn sóng phẫn nộ của khán giả và sự thiếu trách nhiệm của nhà sản xuất.
Tuy nhiên đó không phải chương trình duy nhất gây ra tranh cãi. Các show khác cũng đều tận dụng tối đa mọi thứ để vắt kiệt sức lực của người tham gia.
Năm 2013, một nhân viên của Dịch Tiểu Long khi tập luyện trong chương trình Celebrity Splash! của đài Chiết Giang đã không may qua đời do đuối nước, lúc đó người này chỉ mới 18 tuổi.
2015, Vương Bảo Cường tham gia Takes A Real Man đã bị gãy xương chân phải, phải dùng 8 cái đinh thép cố định, dưỡng thương tới nhiều tháng sau đó.
2018 khi ghi hình cho show Vương Bài Đối Vương Bài, Trương Kiệt bị ngất xỉu, va vào ghế đẩu khiến khuôn mặt bầm tím. Sau đó công ty quản lý của nam diễn viên đã tố cáo chương trình xem nhẹ sự an toàn của khách mời, chữa trị qua loa khi xảy ra sự việc khiến vết thương nghiêm trọng hơn.
Những chương trình khác như Ba Đi Đâu Thế, Street Dance of China,... hầu như đều phải thường xuyên thức khuya để ghi hình, khiến các nghệ sĩ lẫn nhân viên đều mệt mỏi, kiệt sức.
Vướng phải sự phản đối của dư luận, một số chương trình đã phải dừng ghi hình hoặc điều chỉnh lại các thể lệ, thời gian cho thích hợp. Ngoài ra các chương trình thể lực đối kháng cần phải có sự đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham gia, càng không nên đưa ra những thử thách có độ khó quá cao chỉ vì muốn thu hút khán giả, tăng tỷ lệ người xem.
Nguồn: TH&PL