“Dừng khoảng chừng là 2 giây" test độ nhạy trend của bạn với loạt câu nói viral trên mạng xã hội 2022.
Năm 2022 là năm cho ra đời hàng loạt câu nói ấn tượng, tạo thành trend được người trẻ ưa thích sử dụng. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, Gen Z đã đưa những câu nói độc lạ tạo thành làn sóng được hưởng ứng mạnh mẽ.
Cùng điểm lại loạt câu nói hot trend năm 2022 dưới đây.
"Thử thách 6 ngày 6 đêm… Gét gô"
"Gét gô" là cách phiên âm tiếng Việt hài hước của cụm từ tiếng Anh "Let's go", dùng để rủ đối phương cùng thực hiện điều gì đó. Người đầu tiên "khởi xướng" cho trào lưu "gét gô", hay nói chính xác là... phát âm sai từ "let's go" thành "gét gô" chính là một tiktoker có tên Tới trời thần. Người này tự thử thách mình với những hoạt động kỳ lạ như ăn khoai lang sống, nằm ngủ dưới nước, lăn trong bãi sình,...
Câu nói này nhanh chóng viral và được nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng và Gen Z hưởng ứng và áp dụng trong các công việc thường ngày. Chẳng hạn như "thử thách 6 ngày 6 đêm thức học bài ôn thi, gét gô", "thử thách 6 ngày 6 đêm tán đổ crush, gét gô",...
Làm sơ sơ thôi, làm quá nó lố lăng, làm quá nó ô dề
Lời thoại: "Làm sơ sơ thôi, làm quá nó lố lăng, làm quá là nó ô dề..." được cộng đồng mạng biết đến qua clip của một tài khoản trên mạng xã hội. Với gương mặt trang điểm dày cộm, người này đã cho ra đời một phát ngôn có sức ảnh hưởng lớn đến netizen.
Từ đó, cư dân mạng sử dụng từ "ô dề" để diễn tả sự việc, sự vật mang tính lố lăng, làm quá hoặc khác với chuẩn quy ước ban đầu. Cũng có thể hiểu, đây là một từ đọc lái của từ "over" trong tiếng anh, mang nghĩa là làm quá, vượt mức quy định.
Rén rồi thì nói đi cưng
"Rén rồi thì nói đi cưng" là câu nói được viral trên các nền tảng xã hội một thời gian dài, bắt nguồn từ sự việc một học sinh trường quốc tế "cân" 4 học sinh khác với thái độ thách thức. Câu này thể hiện mình đang trên cơ, một sự tự tin chắc thắng và thái độ thách thức người nghe.
Việc cộng đồng mạng sử dụng câu nói này một cách phổ biến là để cà khịa, châm biếm một cách hài hước cách ứng xử chưa đúng trong giao tiếp. Đồng thời dí dỏm thể hiện việc mình đang "trên cơ" với bạn bè trong một cuộc hội thoại.
Hé lô bà già nghèo khổ giữa mùa đông cô đơn
Câu nói này xuất phát từ một clip của TikToker Nờ Ô Nô đi giúp đỡ người nghèo. Cụ thể, khi gặp một bà cụ, anh nói: "Hé lô bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn". Câu nói nhận về nhiều sự chỉ trích từ netizen khi cho rằng anh thiếu tôn trọng người nghèo.
Tuy nhiên sau đó, câu nói bỗng trở nên viral trên các nền tảng mạng xã hội. Dù với mục đích châm biếm, chỉ trích hành động của nam TikToker thì câu nói này quá phổ biến đã dẫn đến sự tranh cãi.
Aiss, chết tiệt, cái thằng chết tiệt này, mày đang làm cái quái gì vậy hả?
Trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc True Beauty do Việt Nam lồng tiếng, câu thoại: "Vì mình quá thích cậu rồi, phải làm sao phải làm sao, cậu cười tươi lên đi, cậu thấy vậy có được không" vô tình gây bão.
Bởi nó vốn là một bài hát dễ thương nhưng khi được Việt hóa lại nghe rất "kỳ cục". Netizen liên tục la ó, đòi trả lại bản gốc, và dần, câu thoại này trở thành trend, được netizen sử dụng một cách hài hước.
Bing chilling
"Bing chilling" là phiên âm từ tiếng Trung Quốc, dịch sang tiếng Việt nghĩa là cây kem. Cụm từ này đã xuất hiện trên mạng xã hội từ năm 2021 khi nam diễn viên người Mỹ John Cena vừa ăn kem vừa nói về bộ phim Fast and Furious 9 bằng tiếng Trung Quốc. Trong đoạn clip, dù nói không chuẩn nhưng phát âm của anh vô cùng dễ thương nên đã để lại ấn tượng cho netizen.
Sau đó, cụm từ "Bing chilling" nhanh chóng viral trong giới trẻ và được biến tấu dưới nhiều hình thức khác nhau và nhanh chóng tạo thành trend.
Sao hay ra dẻ quá
Cụm từ này bắt nguồn từ câu nói "mắng yêu" của Lê Dương Bảo Lâm dành cho 5 người anh em còn lại trong chương trình "2 Ngày 1 Đêm", và sau đó rất viral trên mạng xã hội. Xuyên suốt 11 tập của chương trình, nam danh hài liên tục có phát ngôn này, và trở thành câu cửa miệng của anh mỗi khi tham gia vào hoạt động của nhóm
Từ đó,"ra dẻ" trở thành từ khóa lọt top từ khóa thịnh hành trên mạng xã hội trong suốt tuần cuối cùng của tháng 8-2022. Nhận được sự hưởng ứng lớn từ netizen.
Độc lạ Bình Dương
Cụm từ này xuất phát từ một kênh YouTube có tên Độc lạ Bình Dương, thu hút gần 2 triệu lượt người đăng ký. Nội dung của tài khoản mạng xã hội video này là khai thác các câu chuyện độc lạ, có một không hai,... không những chỉ ở Bình Dương mà nhiều nơi trên cả nước.
Nhờ vào sức ảnh hưởng lớn, cộng đồng mạng bắt đầu sử dụng câu nói "độc lạ Bình Dương" để bày tỏ sự ngạc nhiên, bất ngờ trước một sự vật, sự việc lạ lẫm, ngoài sức tưởng tượng nào đó.
Nội dung liên quan
Nguồn: TH&PL