Bộ Y tế vừa thông qua việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, tiêm 2 mũi cùng loại.
Bộ Y tế đang lên kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý nhiều hơn nhằm đảm bảo sự an toàn cho các bé trong quá trình tiêm chủng.
Để đáp ứng nhu cầu đến trường của từng cấp học, chính phủ đang bắt đầu tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi giúp các em nhanh chóng quay lại trường học một cách an toàn nhất. Bộ Y tế đặt mục tiêu trong quý cuối năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 95% trên tổng số 8,1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi trên cả nước.
Tuy nhiên do trẻ em có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng yếu nên các tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập vào cơ thể. Thế nên chúng ta cần phải cẩn thận tuyệt đối và lưu ý nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ khi tiêm Vaccine.
Xem lại tình trạng sức khỏe tổng quát
Cần nắm rõ tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi đi tiêm, xem trẻ có những triệu chứng bệnh như sốt, ho, khó thở, đau họng,...hay không cũng như cân nặng, chiều cao để cung cấp đủ thông tin cho bác sĩ nhằm phát hiện và phân loại đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vaccine.
Nên ghi chú về các loại thuốc trẻ đang hoặc đã sử dụng từ trước. Đôi khi có một số loại thuốc khi sử dụng sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine, kháng thuốc. Do vậy phụ huynh cần phải lưu ý và báo cáo đầy đủ cho bác sĩ tiêm chủng biết.
Quan tâm chế độ ăn uống trước khi tiêm
Cung cấp đủ nước
Trước khi tiêm cần cung cấp đủ nước cho trẻ, vì nước cung cấp đầy đủ oxy đến các tế bào giúp hệ miễn dịch làm việc tốt hơn và sau khi tiêm cơ thể có thể bị sốt dẫn đến mất mất nước. Để đảm bảo an toàn, chúng ta nên bổ sung thêm cả nước cam và chanh để cung cấp thêm vitamin C cho trẻ.
Ăn uống đủ chất
Sự đa dạng trong thực phẩm sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ và tối ưu hóa cho hệ miễn dịch. Các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa và cả thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi là những nhóm thực phẩm cần ưu tiên cho trẻ ăn trước khi tiêm chủng. Có thể dùng thêm các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa... và chia nhỏ bữa ăn giúp trẻ hấp thụ dễ hơn.
Theo dõi trẻ sau khi tiêm
Đây là thời điểm rất nhạy cảm và cần chúng ta theo dõi sát xao những biểu hiện của trẻ để kịp thời đưa đến cơ quan y tế và điều trị ngay nếu có dấu hiệu bất thường.
Trẻ có thể gặp phải một số tác dụng phụ như ho, sốt nhẹ, buồn nôn... nhưng đừng lo lắng vì đây là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể trẻ đang xây dựng hàng rào bảo vệ chống lại tác động của Covid-19. Các tác dụng phụ này có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ nhưng sẽ nhanh chóng biến mất sau vài ngày tiêm chủng.
Sau khi tiêm chủng, phụ huynh vẫn nên tiếp tục cho trẻ ăn uống theo chế độ dinh dưỡng an toàn, cung cấp đủ nước,... để trẻ nhanh chóng phục hồi trở lại. Ngược lại nếu như các triệu chứng ấy vẫn kéo dài so với nhắc nhở của bác sĩ thì cần liên lạc ngay với bác sĩ để chẩn đoán và nếu nặng hơn thì nên đưa ngay đến bệnh viện gần nhất.
Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường. Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: TH&PL