Biến thể một bài hát gốc không phải là chuyện mới lạ trong làng nhạc Việt hay trên thế giới. Vấn đề là cải biến mức độ nào để chấp nhận được?
Một dạo, ca khúc "Chú ếch con" của nhạc sĩ Phan Nhân phiên bản hợp ca, được giọng ca nhí Hương Trà thể hiện trong chương trình Zecchino d'Oro bằng 2 thứ tiếng: Ý và tiếng Việt đã làm dậy sóng cõi mạng.
Tôn trọng quyền tác giả
Chương trình Zecchino d'Oro là một nhạc hội quốc tế được tổ chức hằng năm tại Ý từ năm 1959 do Cino Tortorella, một nhà tổ chức chương trình truyền hình Ý khởi xướng. Từ năm 1976, nhạc hội này được tổ chức với quy mô quốc tế. Người được trao giải sẽ là tác giả của ca khúc chứ không phải ca sĩ trình bày bài hát.
Ca sĩ Hồng Nhung đã được khen ngợi hết lời khi thực hiện album nhạc thiếu nhi "Tuổi thơ tôi". Album gồm 10 ca khúc, đều là các bài hát đã trở nên quen thuộc, gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ người Việt như "Hạt gạo làng ta", "Cho con", "Đi học", "Chú ếch con", "Em đi giữa biển vàng", "Bụi phấn"... Những ca khúc này đều được nhạc sĩ Hồng Kiên phối khí mới mẻ để phù hợp với xu hướng âm nhạc mới, mang đậm hơi thở đời sống hiện đại.
Ca sĩ Hồng Nhung cho rằng đối tượng của sản phẩm "Tuổi thơ tôi" không phải thiếu nhi mà là khán giả lớn - những người luôn mong muốn được trở lại thời ấu thơ. Vì thế, album như một "chiếc vé" để người nghe trở về với những kỷ niệm thời thơ bé của mình. Ca sĩ Hiền Thục cũng thường xuyên có những ca khúc thiếu nhi theo cách hát của một giọng ca trưởng thành.
Theo các nhà chuyên môn, trong âm nhạc, biến tấu là cách sáng tác dựa vào một chủ đề trong một tác phẩm đã có từ lâu và sáng tạo ra một tác phẩm mới. Người biến tấu sẽ phải thể hiện việc tôn trọng quyền tác giả bằng cách ghi rõ biến tấu này dựa theo chủ đề nào, tác phẩm nào của tác giả nào. Với những nhà soạn nhạc là tác giả của tác phẩm gốc, nhạc sĩ muốn sáng tác phái sinh phải đến gặp hoặc trao đổi trực tiếp để xin ý kiến trước khi làm việc này.
Những người trong cuộc cho rằng việc biến tấu bất kỳ một ca khúc hay một tác phẩm âm nhạc nào đó đều có thể xem là một cách để người trẻ sáng tạo nghệ thuật và tôn trọng quyền tác giả là việc cần phải lưu tâm. "Một sản phẩm phái sinh dù có hướng đến mục đích lợi nhuận hay không thì việc lan tỏa những tác phẩm này vẫn đòi hỏi một lối hành xử văn minh, cụ thể là tôn trọng quyền tác giả" - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ.
Hát sai lời - căn bệnh trầm kha
Trong đêm diễn mới đây của chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2024" phiên bản Việt, ca sĩ Mỹ Linh cùng các thành viên Thu Phương, Uyên Linh, Ninh Dương Lan Ngọc, Trang Pháp, Huyền Baby và Lynk Lee trình diễn bản mashup 2 ca khúc "Diễm xưa", "Đại minh tinh". Các "chị đẹp" xuất hiện với thần thái cuốn hút nhưng khán giả lại nhận ra lời bài hát "Diễm xưa" có phần không đúng.
Trong bản gốc ca khúc "Diễm xưa" do gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cung cấp, lời bài hát có đoạn: "Chiều nay còn mưa sao em không lại?/ Nhỡ mai trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau? Hằn lên nỗi đau/ Bước chân em xin về mau". Bản "Diễm xưa" tại sân khấu của "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" lại được nhóm của ca sĩ Mỹ Linh hát thành: "Nhớ mãi trong cơn đau vùi"...
Sau khi chương trình phát sóng, BTC chương trình đã gửi lời xin lỗi đến gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nêu lý do xảy ra tình huống này: "Diễm xưa" là một ca khúc kinh điển, đi vào lịch sử cũng như được lưu hành rộng rãi nên phần lời bài hát có nhiều phiên bản khác nhau. Vì vậy, trong quá trình thực hiện ca khúc, chúng tôi đã vô tình tham khảo và sử dụng nhầm một phiên bản không chính xác".
Nguồn: NLĐ