Bùi Công Duy Chơi đàn đến hơi thở cuối cùng

NSND Bùi Công Duy chơi vĩ cầm (violin) từ năm 4 tuổi, có hành trình âm nhạc hơn 30 năm với rất nhiều thành tựu và sự ghi nhận ở tầm quốc tế.

NSND Bùi Công Duy đã chia sẻ về hành trình nghệ thuật, về những giá trị của âm nhạc hàn lâm và cách để sống một cuộc đời hạnh phúc cũng như lan tỏa hạnh phúc đến người khác…

Dù chỉ mới ngoài 40 tuổi nhưng anh đã có hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật và trở thành tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Điều gì đã làm nên thành công của Bùi Công Duy hôm nay và nếu để cảm ơn một (hay vài) người giúp anh có được thành công ấy, thì đó là ai?

- NSND Bùi Công Duy: Bố tôi, GS Bùi Công Thành và mẹ tôi, nghệ sĩ piano Thu Lan, là hai người thầy đầu tiên của tôi. Trong giai đoạn đất nước còn nhiều gian khó, bố mẹ vẫn dành những ưu tiên hàng đầu cho tôi khi đặt vào tay con trai cây đàn vĩ cầm và kiên nhẫn dạy những bản nhạc đầu tiên. Bố tôi rất nghiêm khắc, đặt ra những tiêu chuẩn cao vì mong muốn tôi trở thành người chơi đàn tốt và là nhà sư phạm giỏi trong âm nhạc cổ điển, cũng như ông. Lớn lên trong môi trường âm nhạc cổ điển ấy, cây đàn vĩ cầm trở thành máu thịt và tình yêu của tôi thời niên thiếu.

bui cong duy choi dan den hoi tho cuoi cung - anh 0
NSND Bùi Công Duy ngoài đời là một người đàn ông lịch lãm, sâu sắc trong lập ngôn.

Năm 10 tuổi, khi được bố mẹ đưa sang Nga để học trong môi trường âm nhạc hàn lâm hàng đầu thế giới - Nhạc viện Tchaikovsky, tôi được GS A.V. Gvozdev và GS-NSND I.V. Bochkova dạy dỗ. Hai người kiệt xuất này đã dạy những kiến thức sư phạm mẫu mực, giúp tôi đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ năm 1997, tạo cho tôi bệ phóng tốt để bay cao trong âm nhạc cổ điển.

Một người nữa rất quan trọng là vợ tôi, nghệ sĩ piano Trinh Hương. Cô ấy luôn phê bình rất khắt khe, đòi hỏi cao không kém gì bố tôi và những người thầy giỏi.

Đó là những người mang lại nguồn động lực, giúp tôi không "ngủ quên", luôn duy trì làm việc với cường độ cao, chuyên tâm và làm vượt khả năng của mình, thậm chí với năng lượng 150%, mới giữ được phong độ và có được như hôm nay.

Những cột mốc nào đáng nhớ nhất trên hành trình âm nhạc dài hơn 3 thập niên đó? Và những giá trị nào của âm nhạc là quan trọng nhất đối với anh?

- Hành trình âm nhạc của tôi mới ở giai đoạn giữa của sự nghiệp. Và cột mốc âm nhạc quan trọng nhất, tôi nghĩ vẫn đang chờ đợi ở phía trước. Tôi hy vọng rằng hành trình âm nhạc của mình còn kéo dài và đi xa hơn nữa. Đó là một cuộc hành trình mà tôi nghĩ rằng mình sẽ chơi đàn đến hơi thở cuối cùng.

Với những thành tựu mà tôi đã đạt được, mỗi cột mốc mang lại những giá trị khác nhau. Song, giá trị lớn nhất mà tôi nhận được có lẽ là việc không bỏ cuộc, không dừng lại trước bất cứ sự thành công hay thất bại nào. Thành công mang lại sự thăng hoa nhưng thất bại lại mang tới những bài học giá trị. Thậm chí, tôi nhớ những lần chơi đàn thất bại và chưa làm tốt còn hơn những lần thành công, bởi nó khiến tôi trăn trở, nỗ lực và tiếp tục chiến đấu với cây đàn để không dừng lại.

bui cong duy choi dan den hoi tho cuoi cung - anh 0

Âm nhạc nói chung, đặc biệt là âm nhạc cổ điển, là một thế giới rất sâu sắc, đậm chất triết học và có tính logic cao. Giá trị của âm nhạc thì mỗi người có mỗi cảm nhận. Với tôi, sức mạnh của âm nhạc rất lớn, có thể vô hình nhưng rất mạnh mẽ, có khả năng hàn gắn con người, chữa lành vết thương, giúp chúng ta trở nên sâu sắc, biết tha thứ và nhân văn hơn, biết yêu thương nhau hơn. Thậm chí, âm nhạc có thể biến những kẻ thù thành bạn bè khi họ cùng hòa chung vào một thứ ngôn ngữ của tâm hồn con người, như một số bộ phim xuất sắc về chiến tranh từng làm được.

Với riêng tôi, âm nhạc có những giá trị vô giá. Mỗi lần diễn xong, dù rất mệt, thậm chí kiệt sức nhưng khi trở về nhà, tôi thấy tâm hồn mình rất phấn chấn, năng lượng không biết từ đâu ra. Lúc đó, tôi cứ như một người khác.

Có những điều tôi nghĩ mình không làm được nhưng khi trình diễn thăng hoa, và dù kiệt sức, tôi vẫn thấy người rất khỏe, 4-5 giờ sáng vẫn tỉnh táo, minh mẫn và không muốn đi ngủ. Và, cũng chỉ cần ngủ rất ít, tôi đã có thể dậy đi làm với một tinh thần đầy sảng khoái. Điều đó khác gì… chất kích thích đâu? (cười). Nhưng đó là sự kích thích rất lành mạnh. Phần thưởng của dopamine tiết ra trong não khi ta làm được một điều gì đó hài lòng là vậy.

Theo anh, những phẩm chất cần có của một nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ hoạt động trong môi trường âm nhạc cổ điển - vốn rất khó để được công nhận?

- Với tôi, trong nghệ thuật, nhất là âm nhạc cổ điển, không bao giờ đi nhanh mà hiệu quả được. Nó cũng như việc xây dựng văn hóa vậy, không phải tính theo tháng, theo năm mà phải theo thập niên, thậm chí vài thập niên. Đó là điều mà tôi học được từ những người thầy vĩ đại, từ bố tôi, từ chính trải nghiệm của bản thân và cũng là điều tôi dạy học trò của mình với tư cách một nhà sư phạm.

bui cong duy choi dan den hoi tho cuoi cung - anh 0
Hãy bắt đầu bằng hạnh phúc của chính mình từ những điều giản dị và lan tỏa chúng đến người khác".(NSND Bùi Công Duy)

Trong thế giới xoay chuyển quá nhanh như hiện nay, tôi thấy nhiều bạn trẻ bị áp lực bởi cuộc sống, bởi cơm áo gạo tiền và danh tiếng nên hay bị cuốn vào những vòng xoáy ngắn hạn để nhanh được công nhận, nhanh được nổi tiếng. Nhưng với tôi, điều đó sẽ không bền lâu hoặc nếu có cũng không mang lại những giá trị mới.

Điều quan trọng nhất với tôi khi bước vào âm nhạc cổ điển chính là sự kiên trì. Bởi một lần chơi đàn không khác gì một cuộc chiến đấu giữa mình với cây đàn nhưng phần lớn là mình thua vì không thuần hóa được nó. Càng thua cuộc, mình phải càng nỗ lực, kiên trì hơn nữa để chiến thắng được nó.

Đó là lý do tại sao tác phẩm Mozart viết cho giao hưởng được các nghệ sĩ chơi hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu lần mà vẫn hay, vẫn lay động và vẫn tìm ra điều gì đó mới mẻ. Bởi lẽ, càng chơi càng thấy hay, thấy cảm xúc và tư duy của mình mỗi lần một khác. Đó là những giá trị đôi khi không thể đo đếm mà chỉ cảm nhận được bằng tâm hồn.

Chính vì vậy, với âm nhạc cổ điển thì không bao giờ có sự dừng lại, không bao giờ có điểm đến cuối cùng. Mỗi lần chơi trên sân khấu là một lần khám phá ra điều mới lạ, không lần nào giống lần nào, dù vẫn với tác phẩm ấy. Mỗi lần đánh đàn là mỗi trải nghiệm khác nhau, lại phải học và ngộ ra nhiều thứ khác. Kể cả những lần chơi không tốt, mình cũng rèn luyện được kỹ năng đối mặt với sự thất bại.

bui cong duy choi dan den hoi tho cuoi cung - anh 0
Bước vào lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, với tôi là bước vào một cuộc chiến không khoan nhượng và rất căng thẳng. Phần lớn là mình thua, nhưng thua xong lại cay cú và lại muốn tiếp tục chinh phục nó. (NSND Bùi Công Duy)

Bùi Công Duy đã tham gia biểu diễn trong rất nhiều dàn nhạc giao hưởng, ở nhiều nước trên thế giới. Lần trình diễn nào mang lại cho anh những cảm xúc thăng hoa nhất?

- Rất khó để chọn vì mỗi lần trình diễn đều mang lại sự thăng hoa nhất định cho tôi. Nó giống như một bước đệm để lại nhiều sự hưng phấn và kéo dài, tiếp diễn trong những lần sau.

Sự thăng hoa trong trình diễn âm nhạc cũng thay đổi theo thời gian, như độ tuổi 20, 30, 40 sẽ có những cảm nhận khác nhau. Bây giờ chẳng hạn, ở độ tuổi ngoài 40 và có hơn 30 năm hoạt động âm nhạc, sự thăng hoa ấy không còn bùng nổ như hồi tôi còn trẻ nhưng lại có độ ngân nga hơn, sâu sắc, tĩnh tại và kéo dài hơn.

Trong số những lần thăng hoa ấy, tôi nhớ nhất lần biểu diễn solo cùng dàn nhạc Berliner Symphoniker tại Berliner Philharmonie - phòng hòa nhạc danh giá bậc nhất châu Âu mang tên Herbert von Karajan năm 2014. Tôi bước vào phòng hòa nhạc ấy với rất nhiều hồi hộp, căng thẳng khi được trình diễn với dàn nhạc hàng đầu thế giới. Cũng chính vì thế mà khi trình diễn thành công, tôi thấy tràn ngập cảm xúc và tự tin hơn rất nhiều với cây đàn của mình.

bui cong duy choi dan den hoi tho cuoi cung - anh 0

Khúc đàn tiễn cố nhạc sĩ Phú Quang từ nghệ sĩ violin Bùi Công Duy

Henry Lau gây sốt khi ngẫu hứng kéo violin cho dancer nhảy freestyle

Hoàng Rob: "Giá mời Touliver và SlimV hiện tại gấp 5 lần cách đây 3 năm"

(

Nguồn: NLĐ

)
Chia sẻ