Tất nhiên, phụ nữ có mọi quyền để chơi bóng đá, và sự cạnh tranh của phụ nữ đáng được tôn trọng và xứng đáng.
Việt Nam đã giành vé tham dự World Cup - ước mơ nhắc đến "chỉ biết cười trừ" của nhiều người hâm mộ bóng đá vì có vẻ đó là điều không tưởng. Nhưng Việt Nam rồi đã làm được điều đó một cách thần kỳ. Nhưng khoan đã… đây lại là thành tích của Đội tuyển "nữ" Việt Nam không phải Đội tuyển "nam" Việt Nam.
Khựng lại một chút với cụm từ "Đội tuyển nam Việt Nam", có lẽ chúng ta chưa từng rạch ròi gọi họ như thế mà chỉ chung chung với cụm từ "Đội tuyển Việt Nam" một cách ngắn gọn, xúc tích, không có tính phân biệt dù đội tuyển nữ vẫn tồn tại song hành cùng đội tuyển nam tham gia mọi giải đấu từ trước đến nay.
Vậy chăng, đội tuyển bóng đá nữ sẽ "vô hình" nếu không nỗ lực lập công ghi dấu mình tại thế giới? Và sự "ồn ào" vì thành tích của họ trên truyền thông sẽ kéo dài đến bao lâu? Liệu có một đoàn người nào đó sẵn sàng khoác cờ đỏ sao vàng "đi bão" đến mức kẹt xe vì chiến thắng của đội tuyển nữ?
Gọi là môn thể thao "vua" vì nó chưa từng thuộc về "hoàng hậu"?
Bóng đá nam hấp dẫn hơn bóng đá nữ đối với đại đa số khán giả!
Chẳng cần số liệu chứng minh, hay lời trích dẫn từ một chuyên gia bóng đá, có lẽ trong tất cả chúng ta ai cũng ngầm hiểu vấn đề này. Không chỉ tại Việt Nam mà ở trên thế giới cũng vậy, những cái tên cộm cán của làng bóng đá như Cristiano Ronaldo, Lionel Messi, Neymar,... ai không theo dõi bóng đá cũng đều loáng thoáng biết đến danh xưng. Nhưng để nhắc đến một danh thủ nữ ở lĩnh vực bóng đá giỏi, tài năng và chuyên nghiệp, có lẽ chúng ta đều phải "câm nín" vì mù tịt.
Đó không phải là sự thiệt thòi của bóng đá nữ mà là đặc thù của môn thể thao được mệnh danh là "vua" của mọi bộ môn. Thể thao vốn xem trọng tốc độ, kỹ thuật, thể lực và sức mạnh,... đó là những điều mà bóng đá nữ sẽ khó theo kịp bóng đá nam, nếu không nói là bất khả thi để sánh bằng. Chính những yếu tố này đã làm giảm đi sự hấp dẫn trong những trận bóng đá của nữ giới dù là ở giải đấu lớn hay nhỏ. Nếu không nói, bóng đá chưa từng là bộ môn thể thao thuộc về phái nữ.
Giữa dàn đồng ca mùa hạ kêu gọi sự công bằng cho đội tuyển nữ Việt Nam về thu nhập và mức độ đầu tư cho đội tuyển, thì vẫn có những ý kiến thẳng, thật cho rằng liệu có bao nhiêu người sẵn sàng bỏ tiền ra để vào sân xem một trận đấu của CLB bóng đá nữ tại giải vô địch quốc gia? Và hàng ngày xem trực tiếp trên Tivi, YouTube có được bao nhiêu trận bóng đá nữ?
Trả lời cho câu hỏi "Tại sao bóng đá nữ không phổ biến bằng bóng đá nam?", trên nền tảng Quora, có người đã lý giải rằng bóng đá nam đã có khởi đầu từ nhiều thập kỷ, các bé trai liên tục được đưa đến để chơi bóng đá trong khi các bé gái chơi bóng vẫn là một ngoại lệ. Đồng thời, các giải đấu nữ chỉ có một số lượng cầu thủ hạn chế nên những gì tốt nhất họ nhận được cũng bị hạn chế.
Tất nhiên, phụ nữ có mọi quyền để chơi bóng đá, và sự cạnh tranh của phụ nữ đáng được tôn trọng và xứng đáng. Nhưng câu hỏi đặt ra về sự phổ biến khác biệt giữa bóng đá nam - nữ và điều đó ngụ ý phụ thuộc vào mức độ quan tâm của người hâm mộ. Không ai có thể ép người khác xem một trận đấu của nữ chỉ để "không phân biệt đối xử".
Tổng hoà lại tất cả, có thể nói, chính hiệu ứng đón nhận ì ạch từ khán giả là một trong những nguyên nhân lớn khiến bóng đá nữ trở nên mờ nhạt trên sân cỏ. Hiển nhiên, nếu không có lợi nhuận từ mặt thương mại thì các nhà đầu tư sẽ không "rót tiền" họ làm cho bóng đá nữ vốn kém phát triển về chất lượng giải đấu. Đó chính là lý do dẫn đến nguồn thu nhập của các cầu thủ nữ càng thấp, đến mức "không đủ sống" phải làm việc thêm ở ngoài.
Ở những đội bóng lớn như Hà Nội hay TP.HCM, một cầu thủ chỉ nhận 5-7 triệu tiền lương theo tiết lộ của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Những cầu thủ ở đội bóng nhỏ hơn còn nhận ít hơn con số nói trên. Nhiều cầu thủ của các đội bóng nữ vừa phải đá bóng vừa làm công nhân, đi cắt lúa và bán hột vịt lộn... Có người nghỉ một thời gian dài, đến khi sắp thi đấu mới tạm dừng công việc để trở lại tập luyện.
"Nếu không đam mê, không yêu nghề thì thực sự rất khó để đi đến thành công cho đội tuyển nữ Việt Nam", cựu tuyển thủ Minh Nguyệt khẳng định.
Đội tuyển "nữ" Việt Nam "tự nhiên" được quan tâm, nhưng… nhất thời hay bền bỉ?
Vượt mặt đồng nghiệp nam ghi nhiều chiến tích trên sân cỏ, các "nữ anh hùng" của Việt Nam đã không ít lần trở thành niềm tự hào của dân tộc. Gần nhất là hành trình tranh vé dự World Cup 2023 ở vòng bảng Asian Cup nữ 2022, tuy nhiên, chẳng ai "chịu khó" theo dõi chặng hành trình đầy kỳ tích ấy sau khi tiếng còi kết trận vang lên và báo đài, truyền thông mới bắt đầu đưa tin rầm rộ.
Nhiều người mới "À" lên một tiếng rõ to vì những dòng thông báo tràn lan trên khắp các trang mạng xã hội. Đội tuyển nữ Việt Nam "tự nhiên" được nhiều người quan tâm khi lập nên kỳ tích nối dài kỳ tích. Im lặng và cống hiến đầy đột phá, không ai biết đội tuyển nữ Việt Nam cố gắng vì điều gì… vì niềm đam mê với trái bóng hay vì niềm tự hào dân tộc. Nhưng động lực ở đâu để các cô gái ấy phấn đấu giữa sự thờ ơ của khán giả và những bàn thắng ít có sự rộn ràng?
Lại phải lùi thêm một chút về quá khứ để ta hiểu hơn về sức mạnh của đội tuyển nữ Việt Nam. Kể từ năm 2000, bóng đá nữ Việt Nam đã đứng ở vị trí đội tuyển mạnh nhất khu vực. Họ vô địch giải bóng đá nữ Đông Nam Á tổng cộng 3 lần, có 6 huy chương vàng qua các kỳ SEA Games, 8 lần lọt vào vòng bảng Cúp bóng đá nữ châu Á và kết quả tốt nhất của họ ở sân chơi châu lục là vị trí thứ 4 tại Đại hội thể thao châu Á 2014.
Tại sao chúng ta lại bỏ quên một đội tuyển nữ bóng đá thuộc hàng "khủng" nhất nhì khu vực như thế?
Chúng ta chỉ nói đến bóng đá nữ khi họ đã làm chúng ta phải vỡ òa ra tự hào về họ. Nhưng rồi, sự kiện lịch sử này cũng giống như mọi xu thế mạng xã hội khác, vài bữa nữa lại quên hay "khắc cốt ghi tâm" rồi tung hô kéo dài?
Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ cần nhiều hơn những sự quan tâm, đầu tư để tấm vé dự World Cup 2023, trở thành cơ hội "đổi đời" của bóng đá nữ Việt Nam, thay vì chỉ dừng lại ở sự quan tâm nhất thời.
Lựa chọn theo nghiệp bóng đá, có lẽ đam mê đã lấn át đi những khó khăn và thiệt thòi mà các cô gái phải đánh đổi. Với nam giới, bóng đá vốn được cho là một môn thể thao "bấp bênh" và có nhiều rủi ro đến sức khoẻ huống hồ chi là nữ giới, khó khăn lại càng trăm bề. Nhưng bóng đá nữ cũng như bất kỳ môn thể thao nào, vẫn cần sinh quyển của nó để sống, để được ghi nhận, được tôn trọng và nhớ mặt đặt tên.
Tạm kết
Sự hy sinh - có lẽ là cụm từ đúng nhất để nói về những cô gái vàng của Đội tuyển nữ Việt Nam. Dù rằng giữa thời đại 4.0 ngày nay, người ta đã bớt nói nhau về đức hy sinh, cam chịu của người phụ nữ mà thường dạy họ về việc tôn trọng bản thân và lựa chọn cho mình một con đường hạnh phúc. Nhưng chính những cô gái của đội tuyển Việt Nam đã dùng sự hy sinh của mình để đổi lấy niềm tự hào dân tộc - tấm vé dự WC đầu tiên của nền bóng đá nước nhà. Đối với họ, có lẽ đó là một đánh đổi đáng, dễ chịu và hạnh phúc.
Nguồn: TH&PL