Phần hình ảnh của "Đất Rừng Phương Nam" tạo tranh luận vì có nhiều điểm khác biệt so với bản truyền hình năm 1997.
Trong phim điện ảnh Đất Rừng Phương Nam, cảnh sắc thiên nhiên miền Tây thập niên 1920 sẽ được tái hiện. Qua trailer, nhiều khán giả cho rằng màu sắc, không khí phim thiếu tính chân thực và mộc mạc. Cảnh quay trong phim được nhận xét đẹp, hoành tráng, có đầu tư nhưng… vô hồn.
Ở đại cảnh chợ nổi, quay tại khu du lịch rừng tràm Trà Sư (An Giang), khâu thiết kế mỹ thuật bị nhận xét thiếu chân thực. Theo bình luận của một độc giả trên VnExpress: "Ngày xưa mà có cây cầu đẹp đẽ, lại còn có cả gác canh ở trên. Hai bên sông tuy là nhà lá nhưng tươm tất, khang trang, lại có cả lầu cao như những nhà hàng trong khu du lịch sinh thái thời bây giờ".
Trong một hội nhóm bình luận phim ảnh, nhiều ý kiến nhận xét màu phim thiếu tự nhiên, chỉnh màu không thực tế.
Một tài khoản bình luận: "Màu xanh rừng lá phương Nam trong trẻo, bình dị, trên nền xanh là màu vàng đặc trưng mà ngôn từ khó diễn tả hết. Điểm này thì bản "Đất rừng Phương Nam" truyền hình đã tốt. Đọc thêm bên mảng văn học sẽ thấy sự thống nhất trong cách mô tả thiên nhiên phương Nam, đồng bộ với phim gốc, lột tả tính chân thực đến mức kinh điển.
Màu phim phiên bản lần này xấu đẹp tùy thẩm mỹ, nhưng với tôi thì chắc chắn không phải màu của đất rừng Phương Nam từng được biết".
Ngoài cảnh đẹp nông thôn, yếu tố "rừng" trong bản gốc cũng chưa được đả động đến, trong khi chính nó mới là hồn cốt để những câu chuyện của Bác Ba Phi và những nhân vật như An, Võ Tòng v.v. có nơi để vùng vẫy.
Bên cạnh đó, trailer tập trung vào phần hành động xen lẫn mảng miếng hài trong cuộc đối thoại giữa hai nhân vật khiến nhiều người cảm thấy không gần gũi như bản truyền hình.
Ngoài ra, nét diễn xuất, màu giọng và tạo hình của của các nhân vật không có nét miền Tây Nam Bộ đặc trưng cũng là điều đang được bàn luận. Khán giả nhận xét: "Bé An là người thành phố nên giọng có thể không giống so với người miền Tây Nam Bộ nên không sao. Các nhân vật bản chất là miền Tây nhưng ngữ điệu và đài từ chẳng giống tí nào, nói thẳng ra là gượng ép".
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng không nên so sánh bản điện ảnh với phim truyền hình Đất phương Nam. Ông Phước Châu, cựu quản lý truyền thông một cụm rạp ở TP.HCM, cho rằng trailer tạo cảm giác "hình ảnh quá đẹp" một phần để tiếp cận người xem đại chúng.
Ông Châu nhận xét: "Hai định dạng điện ảnh và truyền hình khác nhau. Ví dụ, màn ảnh nhỏ sẽ luôn khác màn ảnh rộng ở bề mặt thị giác thưởng thức và thụ cảm với người xem. Tôi cho rằng phải chờ phim ra rạp để xem hình ảnh, nội dung, cách kể chuyện của người làm phim thì mới phân định được hay, dở".
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết sau khi trailer ra mắt, anh đã đọc từng bình luận của khán giả, cả tích cực lẫn trái chiều. Dù nhiều người trong ekip áp lực vì phim "bị soi kỹ" nhưng Nguyễn Quang Dũng lại thấy mừng vì công chúng dành nhiều quan tâm cho phim.
Nguyễn Quang Dũng nói thêm các hình ảnh được đoàn tung ra giới thiệu ban đầu chưa phải sản phẩm hoàn chỉnh. "Lúc hậu kỳ, ê-kíp sẽ bồi đắp thêm kỹ xảo, tạo bất ngờ cho khán giả khi phim công chiếu" - đạo diễn cho biết.
Đất Rừng Phương Nam phiên bản điện ảnh được kế thừa và phát triển từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Bộ phim kể về hành trình phiêu lưu của An - một cậu bé chẳng may mất mẹ trên đường đi tìm cha. Cùng với An, khán giả sẽ trải nghiệm sự trù phú của thiên nhiên và nét đẹp văn hoá đặc sắc của vùng đất Nam Kì Lục Tỉnh, sự hào hiệp của những người nông dân bám đất bám rừng và tinh thần yêu nước kháng Pháp đầu thế kỉ 20.