Khi xã hội còn tồn đọng những góc khuất chưa thể giải quyết, cuộc đời mỗi con người cứ thể lẩn quẩn trong vòng xoáy vô định.
Đêm Tối Rực Rỡ! - một bộ phim thuộc thể loại tâm lý, chính kịch đã hoàn thành trọn vẹn vai trò của mình khi đào sâu vào những tối tăm ngự trị lâu nay trong xã hội. Khác với các phim cùng chủ đề, Đêm Tối Rực Rỡ! mang đến cho người xem một trải nghiệm "rất đời, rất thô nhưng thật" khi vạch trần những góc khuất xã hội.
Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim
1. Cho vay nặng lãi và tính mạng con người
Được thể hiện rõ ràng ngay từ đầu phim khi ông Toàn (Kiến An) bị đám xã hội đen tìm đến để giải quyết món nợ cờ bạc khổng lồ. Mặc dù lúc này, bố ông Toàn vừa mới mất nhưng thời hạn để ông trả hết chỉ được đến trước 6g sáng hôm sau nếu không ông sẽ phải chết. Khúc dạo đầu cho một bi kịch tang thương và những uất ức suốt nhiều năm đã chính thức được bắt đầu.
Ngày nay, chúng ta không ít lần thấy những tin tức về hậu quả của nợ nần từ cờ bạc mà đa số đều vay nóng của "dân anh chị" xã hội đen, chuyên cho vay nặng lãi. Kết quả của những màn thanh toán chưa bao giờ diễn ra trong êm đẹp mà phần lớn sẽ nhuốm màu đau thương. Tất cả đã được tái hiện theo cách gần gũi trong đêm cuối của đám tang nhà ông Toàn khi dịp gặp gỡ của con cháu bỗng chìm trong không khí hoảng sợ và lo lắng.
Dần về cuối phim, nhóm cho vay nặng lãi từng bước đe doạ gia đình ông từ tạt mắm tôm, quăng xác chuột chết cho đến cắt một ngón tay của cháu nội ông Toàn. Phân cảnh đã đẩy mạch phim lên cao trào, chạm đến cảm xúc người xem về lời cảnh tỉnh trước vấn nạn cho vay nặng lãi.
2. Bạo lực gia đình dưới cái mác yêu thương
Mang khuynh hướng bóc trần những vấn đề nhức nhối của xã hội, Đêm Tối Rực Rỡ! góp vào tiếng nói chung lên án nạn bạo lực gia đình dưới cái mác "thương nên mới đánh". Suốt cả bộ phim, cô con gái Xuân Thanh (Nhã Uyên) của ông Toàn và bà Gái (Phương Dung) liên tục nhớ lại thời thơ ấu bị đánh đập, dí dao vào cổ đã khiến cô trở nên điên điên dại dại.
Nhưng đó cũng không phải là nạn nhân duy nhất bởi chính ông Toàn cũng là "sản phẩm lỗi" bởi cách giáo dục đòn roi của cha mình. Điều này được ông thừa nhận trong phân đoạn họp gia đình khi lớn tiếng chỉ trích ông cũng bị đánh như Xuân Thanh nhưng đâu có bị điên? Một số cảnh ông đánh đứa cháu gái vì giành đồ chơi của cháu trai, hay vợ anh Hoàng (con trai trưởng) la mắng con của mình giúp thông điệp lên án nạn bạo lực gia đình hoàn chỉnh hơn.
3. Căn bệnh sĩ diện và trầm cảm trong xã hội
Ma chay gần 200 triệu, tất cả mọi thứ đều là hàng tốt nhất, đoàn ca nhạc cải lương hoành tráng,...là những thứ được phô bày ra bởi ông Toàn và bà Gái trong đám tang bố mình. Tất cả quy tụ lại ở một chữ sĩ - căn bệnh trầm kha đeo lấy những người "không tiền nhưng học làm sang" trong xã hội dù xưa hay hiện đại.
Trong phim dù biết gia đình đã không còn tiền vì mang đi trả nợ nhưng ông Toàn vẫn bảo vợ mình và con trai phải làm tiếp ma chay hoành tráng, không được vắng khách, nhạc lúc nào cũng phải lên. Hay vợ chồng con trai lớn là anh Hoàng làm ra đồng nào xài hết đồng đó, thậm chí khi cùng cực vẫn không chịu bán chiếc xe hơi của mình.
Mọi thứ được bao bọc bởi những lý do đẹp đẽ là đến gặp đối tác, để làm công chuyện lớn,...suy cho cùng vẫn là không chấp nhận cảnh "lên voi xuống chó". Tất cả tạo thành vòng lặp ăn khớp với nhau trên phim: bệnh sĩ khiến con người lâm cảnh nợ nần, nợ nần áp lực khiến họ trút giận lên gia đình, bạo hành gia đình tạo nên những thế hệ đi theo vết xe trượt của người đi trước.
Nguồn: TH&PL