Nghe xong album mới của họa mi nước Anh, tôi đã làm điều mà trước đây tôi chưa từng dám làm. Đeo tai nghe vào, thoát li khỏi thực tại xô bồ, vén lên bức màn quá khứ nơi những niềm đau đáng ra nên được chôn giấu thật kỹ, tôi tìm về tiếng than khóc của chính mình trước đây, những cuộc ghi âm để tôi khắc cốt về những trải nghiệm tan vỡ trong đời.
Có người từng nói, không nỗi đau nào như nỗi đau nào, vì việc so đo cân đong cảm xúc là một chuyện vô bổ nhất trần đời này. Đúng thiệt vậy, không chối cãi. Nhưng tiếng nấc nghẹn ngào ngắt quãng đan xen dòng chảy quá khứ thở than của những vị khách, đều mang một màu tang hoang chát chúa, như sóng biển từng hồi vỗ vào vách tim. Đến cả sắt đá cũng gãy đôi, đến cả đức thánh cũng phải quỳ gối. Vì vậy, tôi sợ lắm việc phải nghe lại, chữa lành đâu phải chuyện sớm hôm, nỗi đau của họ cũng đâu phải trò đùa, và cũng vì tôi cũng sẽ gợi nhớ lại chính mình ngày đó, mới nửa năm thôi chứ nhiêu, cũng từng như họ, trên cùng một đoạn hành trình nhìn lại chỉ toàn nghe thấy tiếng thét gào tranh đua với giông gió, tiếng khóc than om xòm tranh sủng với tiếng thác gầm.
Nhưng phải nghe, buộc phải nghe lại, để thấu rõ nỗi đau đó trên từng thang vị của nó. Để ở đây chia sẻ thành thật chi tiết nhất cho bạn đọc về những gì sẽ đến khi người lắng nghe '30' của Adele, vì bạn đang được cảnh báo đó, bạn cũng sẽ được nghe những đoạn băng ghi âm hành trình chữa lành rấm rứt của Adele, để biết rằng chữa lành khó khăn nhưng ý nghĩa đến mức nào.
Ta không cần phải giới thiệu, ta đã nói về họa mi nước Anh cả trăm nghìn lần với những danh mỹ từ vinh danh như nữ hoàng của những bản tình ca thời đại mới, bà hoàng của những trái tim tan vỡ vì nhìn xuyên suốt sự nghiệp, mắt ta cứ rưng rưng khi nhớ về những Make You Feel My Love, Someone Like You, Hello, hay bản hit gần đây Easy On Me cũng không ngoại lệ.
Nhưng nhìn chung, ngoài chủ đề về tình yêu đã quá quen thuộc, một thương hiệu khác cũng đình đám không kém của giọng ca vang dội này, ta nhìn thấy cái hoài niệm về thanh xuân cứ đọng mãi, khắc sâu vào những ca từ của nữ nghệ sĩ. Khoảng cô 21, cô nhớ về tuổi 19 bồng bột. Qua 25, nghe rõ tiếng thở dài đứt ngang tiếc nuối về tuổi 21 trôi xa,.. Nhưng với 30, Adele đàn bà hẳn, chín muồi chín rục luôn, cô vẫn nghĩ về thời tươi trẻ đã qua, nhưng nay ta nghe ta thấy Adele mắt đăm chiêu nhưng môi mỉm nhẹ, và cô quay ra nói với chúng ta rằng: "Tôi vẫn nhớ, nhưng tôi không tiếc nữa..."
30 với Adele nói riêng, hay cột mốc 30 của nhiều người nói chung, đàn bà hay đàn ông cũng vậy, đều là một cột mốc quan trọng của đường đời. Không còn quá náo nhiệt ganh đua như cỡ 20 hừng hực, đã đủ những niềm đau tạo nên cái phong độ khó bì, một thần thái sâu nồng hơn cho một con người ở cỡ tuổi đó. Nhưng 30 với Adele còn mang một nét thăng trầm khó phai khác, cô đi qua những trải nghiệm lớn như đổ vỡ hôn nhân, chữa lành và vượt qua, cùng việc thay đổi hình tượng bên ngoài. Cuối cùng, khác những album trước, ta luôn thấy cái lửng lơ không hồi kết của thời trẻ vụng dại. Với 30 lại khác, cô cho mình cái kết rõ ràng hơn, định hướng bản thân hơn nhiều những siêu phẩm trước đó. Và tôi thì kiểu muốn vỡ òa ra, vì đó là đàn bà đó, cô ấy trải đời và cô ấy nay nguy hiểm bội phần, cái sắc bén sau này dư sức cắt sâu vào lòng bạn, hơn hẳn ngày trước. Còn phần hòa âm phối khí tới hay không lại là vấn đề khác xin được phép tính sau.
Có một ca khúc trong album mới, "My Little Love" - ca khúc có thể nói là điểm nhấn khó chối cãi, khi nó đến ngay hồi cao trào mà người nghe đang mong ngóng nhất là đoạn điệp khúc, Adele lại tặng những người mong ngóng sản phẩm này của cô một màn tâm sự vô cùng nặng nề nhưng thành thật về hành trình chữa lành mà cô đã đi qua.
Tiếng hát ai oán giảm nhẹ lại hơn để nhượng chỗ cho những đoạn băng ghi âm giọng lạc lối, có những đoạn tâm tình xé lòng giữa cô và con trai, có những khúc khóc vỡ òa khi thì lại nén nghẹn như làm nền tăm tối cho giọng hát mà ta đã quá rõ về độ bắt sóng cảm xúc. Mọi thứ như lạc vào một không gian khác, bầu không khí của buổi nghe thử lặng đi, chúng ta thấy rõ hơn đằng sau ánh hào quang lung linh, đằng sau nụ cười tơ hớ luôn nở trên môi, những lần đùa vui hay nhây nhây của Adele, vẫn là một linh hồn mỏng manh. Một ca khúc riêng tư nhất của sự nghiệp Adele, xác nhận ở phần các bạn.
Cái chất tự sự của Adele đúng là đã nằm sẵn ở đó từ 19, 21 đến 25, nhưng để gọi là giai đoạn tự sự thăng hoa nhất thì phải đến từ album được trông ngóng này mới bung ra trọn vẹn được. Người ta nói đúng, nỗi đau và cô đơn là bạn thân của người nghệ sĩ. Phải khi mà ngậm đắng nuốt cay rồi, họ mới dễ mà tặng cho đời một tuyệt phẩm lưu danh được.
Và tôi nghĩ, 'My Little Love" xứng đáng được bạn lưu tâm đến, vì có thể chưa biết chưa nghĩ đến chưa trải qua, hoặc giống tôi, sợ nghe vì khơi gợi lại một giai đoạn nào đó ta không muốn nhắc lại, nhưng thì nó vẫn là thế. Rằng đôi khi biết trước để chuẩn bị tâm lý, hay soi rọi lại câu chuyện cũ, nỗi niềm cũ để một lần nữa thành thật hơn với chính mình, vẫn là điều tuyệt vời nên làm khi đã sẵn sàng. Vì phải khi trái tim tan vỡ, bạn mới nhìn thấy được kho báu ẩn trong những mảnh vỡ.
Rằng ngày mà chân tình hóa niềm đau, cũng là ngày ánh sáng khai sáng đang soi đến người lầm đường lạc lối, những cơ hội mới. Để cuối cùng sẽ hiểu ra, tự do hạnh phúc không đến trong một trái tim bị giam cầm, nó đến từ một trái tim sứt mẻ nhưng tung bay.
Tôi nghe lại những đoạn băng, nhớ tiếng khóc gào của Adele, nhớ tiếng khóc gào của cô gái trẻ kia sợ bị chối từ vì lỗi lầm thời trẻ của mình ở 21 và 25, cũng nhớ tiếng than thở đứt quãng như lạc tâm trí đâu đâu của một tình nhân bị bỏ quên đang gắng kiếm tìm lại chính mình trong ánh mắt người thương, cũng nhớ cả những gì mình đã đi qua. Họ sẽ dễ phán xét khi họ chưa từng nghe thấy tiếng tim nứt, rằng họ cười cợt chúng ta những trái tim tan vỡ là những kẻ yếu đuối, nhưng tôi mãi sau này nhận ra chúng ta mới thật sự là những người mạnh mẽ nhất.
Vì chữa lành đâu dễ dàng, đâu phải ngày một ngày hai, đâu phải chỉ cần thở ra hít vào, đâu phải chỉ cần thế này thế kia đơn giản là vượt qua được hết, nó là một vòng của những cảm xúc chơi đùa. Và khi tôi nghe thấy tất cả, tôi mong tôi như thế, bạn cũng sẽ nhận ra thế này, chúng ta không cô đơn. Adele cũng tổn thương, nhiều người đã thế, và không sao cả nếu đôi khi bạn vẫn thấy chật vật lắm để chữa lành hàn gắn.
Tiếng khóc đó của Adele, một tiếng khóc biểu tượng, một sự khắc họa niềm đau theo kiểu trần trụi hơn những album cùng nội dung tương tự ra mắt năm qua. Tổng thể có thể không bằng, nhưng Adele đã thật sự đỉnh ở việc khắc họa niềm đau chân thật nhất so với các đồng nghiệp trở lại đường đua âm nhạc cùng năm.
Hay với cả Woman Like Me, không xập xình như bản của Little Mix và Nicki Minaj, nó lại trầm lắng hơn với việc khai thác quãng giọng trung trầm của Adele, dễ làm liên tưởng đến Lovesong trong 21. Củng cố cho luận điểm tôi đã luôn nói đến, những nghệ sĩ soul không phải làm nhạc, chữ "làm" hay "tạo ra" quá là phỉ báng cái tôi của họ. Nghệ sĩ soul thực thụ chỉ đơn giản phải bộc phát ngọn lửa bên trong của họ ra và thế là đủ đốt cháy sân khấu hay thấm ướt đôi mắt khán giả dõi theo. Những Etta James, James Brown, Aretha Franklin, Ray Charles, Marvin Gaye là minh chứng rõ ràng cho muôn đời sau.
Adele có soul, từ thời trẻ, nhưng phải đến giờ cái soul đó mới thật sự hòa thành một với linh hồn bản ngã của cô ấy, biến cô ấy thành người đàn bà hát tiếp theo, một danh xưng tuyệt mỹ ta vốn dành riêng cho những Janis Joplin, Stevie Nicks hay Carole King, nay giọng người đàn bà hát cũng nên được suy xét dành tặng cho Adele. Mong ngóng ngày ca khúc này hiện diện ở khắp các quán cafe chill vì cực kì có tiềm năng đó.
Dáng dấp của Ed Sheeran hay Amy Winehouse lẩn khuất xuyên suốt, theo nghĩa tốt hay xấu thì tùy bạn cảm nhận, tôi chỉ đơn giản úp mở thế. Nhưng không quá rõ, chỉ là những cơn gió thoảng làm liên tưởng thế. Bỏ qua Ed Sheeran, tôi muốn nói đến Amy nhiều hơn. Amy Winehouse và Adele, đều là những cái tên đóng góp to lớn cho nhạc Jazz hiện đại. Cái hồn của Amy, chắc chắn nhiều bạn đã đoán ra, hiện diện sâu sắc trong Love Is A Game, nghĩ ngay đến Love Is A Losing Game trong tuyệt phẩm Back To Black.
Thì ở cuối hành trình chữa lành, nếu Amy cất lên ca từ như sau về tình yêu: "Tình yêu nơi định mệnh an bài, đi qua những lời thề hẹn vô vọng. nơi các vị thần cười nhạo chúng sinh, để hồi kết giăng sẵn chờ đợi, tình yêu là một trò chơi người đã thua từ đầu." Thì Adele lại giống như những người đã tìm đến tôi để bắt đầu hành trình chữa lành, hay như tôi tìm đến chị Chi De Papilon để dẫn đường, để nhận ra sau niềm đau lại là niềm hi vọng, dù nhỏ nhoi thôi nhưng yêu luôn là một trò chơi người khó thắng, nhưng vui mà, vui theo nhiều nghĩa hiểu, để Adele cất lên câu hát cuối cùng trong album với một xúc cảm đổi thay so với những bài trước đó về gặm nhấm nỗi đau, thức tỉnh, suy niệm và cuối cùng nàng tìm lại chính mình, yêu thương bản thân và hi vọng lại nở rộ trong trái tim tưởng như không bao giờ được nữa, "Tình yêu là trò chơi cho lũ khờ dại kéo đến, nhưng nếu tôi có cơ hội, tôi vẫn sẽ yêu lại lần nữa."
Đấy là khi mà tôi tin, Adele cũng như Kacey Musgraves - starcrossed cùng chung câu chuyện, chỉ khác hướng khai thác, đã đi đến đích của cuộc hành trình này. Một đoạn đời khó khăn thì nâng li chia buồn, nhưng không phải cả đời cũng thế. Những bài học đến để ta thêm trưởng thành, để đủ sức mạnh can trường nhận lấy những cơ hội mới, hoàn thiện bản thân hơn ngày sau. Từ đó, tôi đoán sau 30, Adele đã sẵn sàng cho một thứ gì đó tươi mới hơn nhiều.
'Easy On Me', như nhiều người nhận định, như một ca khúc được lấy ra từ 25, xin vía chuyển nối qua kỷ nguyên mới. Và thật ra cũng là ca khúc có phần lạc lõng nhất album trở lại lần này.
Những Strangers by Nature, Oh My God, I Drink Wine giữ lấy chút hồn cũ từ những sản phẩm tinh thần trước. Nhưng lần này, đào sâu hơn và tham vọng hơn, về tinh thần đưa Soul Blues trở lại với làn gió mới, bắt kịp thị hiếu với khán giả trẻ lứa sau.
Cái tham vọng này trước đây vốn đã len lỏi trong 19, 21 nhưng thật sự phải đến 30, ta mới thấy sự biến hóa rộng mở hơn của nàng họa mi, như cô nàng e thẹn năm xưa hay làm trò đỏm dáng nay đã rũ rượi thoát y không chút che đậy những ý đồ của mình. Cô ấy đến đây không phải để chơi, mà để nối tiếp và làm bật lên những ý nguyện cống hiến tốt đẹp của mình, hồi sinh và lưu giữ những giá trị đẹp đẽ của thời đại cũ như cái cách Amy Winehouse, Christina Aguilera hay Alicia Keys đã trưng trổ với thời đại.
Hay để chiều lòng người hâm mộ, nếu bạn là những người đòi hỏi cao như tôi, về mong muốn album sẽ có sự đột phá gì đó thuận theo những biến đổi gần đây của cô ấy, thì ta cũng có Cry Your Heart Out, Can I Get It đóng vai trò cho những thử nghiệm. Bạn trông mong điều gì hơn hình ảnh cũ một Adele bên cây đàn piano hay dàn kèn trống cho những bản Jazz Pop? Nếu bạn mong chỉ đến thế, bạn sẽ không thất vọng. Nay ta có Adele chơi đùa với nhịp drum, bass và guitar, những nhạc cụ mà trước đây cô chưa đụng đến hay chưa làm tới. Còn nếu bạn mong thấy Adele nhảy nhạc Dance thì xui rồi, tùy duyên sau này đi vậy.
Cái cách Adele xây dựng bố cục album cũng là một điểm cộng, khi track đầu như đoạn nhạc phim mở đầu, những ca khúc từ track 2 đến 11 như những hồi phim liên tiếp, và đến cuối cùng ta thấy đoạn kết ngập ngụa mùi retro Jazz Pop sang trọng nhưng hoài niệm kính cẩn về những thước phim cổ 40s 50s của Hollywood ngày cũ.
Điểm trừ ở việc Adele sử dụng quá nhiều phần bè, thậm chí vô tội vạ ở vài khúc, dễ dẫn đến cảm giác nhàm chán vì đã nghe cấu trúc đó ở một ca khúc nào đó phía trên. Cũng có nhiều track nghe như filler, làm cho album bị trì xuống ít nhiều.
Tuy nhiên, xét tổng thể thì 30 vẫn là một album đáng nghe của năm 2021. Và chắc chắn vẫn đủ cho Adele tha hồ hốt bạc hốt giải, còn lại, đủ để chiều lòng người hâm mộ chưa, ta để câu trả lời để ngỏ cho các bạn tự thưởng thức rồi trả lời nhé!
Nguồn: TH&PL