Bảo Anh vừa có một chia sẻ đầy tâm huyết giữa tâm bão các đồng nghiệp bị nữ đại gia Phương Hằng tố ăn chặn từ thiện.
Những ngày gần đây, showbiz ngập trong sóng gió khi nữ đại gia Phương Hằng lên tiếng tố cáo Đàm Vĩnh Hưng và nhiều nghệ sĩ khác ăn chặn từ thiện. Đã có 2 nghệ sĩ đứng ra lên tiếng sau khi sự việc xảy ra. Mr. Đàm phản pháo và đưa ra lời thách thức ngược lại vị nữ đại gia này hôm 25/8. Tối 26/8 đến lượt vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên livestream giải thích trực tiếp với công chúng.
Đứng trước sự việc trên, nhiều anh chị em đồng nghiệp đã lên tiếng bênh vực, động viên, trong đó có Bảo Anh đã có những dòng chia sẻ rất dài liên quan đến việc "làm từ thiện" và "vận động gây quỹ từ thiện".
Ở quan điểm cá nhân, Bảo Anh cho rằng những việc nhỏ nhoi nhất như bố thí cho hành khất, mua tờ vé số, giúp đỡ một người xa lạ khó khăn,... ai cũng có thể làm từ thiện, ít cũng được nhiều cũng được. Người làm từ thiện thì nhiều nhưng dám đứng ra gây quỹ từ thiện thì rất ít.
Cô giải thích: "Giá trị họ mang lại không chỉ dừng ở việc tiếp nhận, vai trò trung chuyển mà nhờ vào nguồn cảm hứng họ tạo ra, nhiều người khởi tâm từ bi mà quyết định đóng góp. Cái họ làm được ở đây là tạo ra một hiệu ứng cộng hưởng tích cực, một làn sóng thúc đẩy, đánh thức tính thiện tiềm ẩn trong mỗi cá nhân. Điều này mang lại giá trị lớn hơn bất cứ số tiền cụ thể nào".
Nội dung liên quan
Giọng ca "Như lời đồn" chia sẻ rằng bản thân luôn thầm ngưỡng mộ những người đứng ra gây quỹ từ thiện và nghiêm khắc gánh vác trách nhiệm đi cùng trên vai. Trong thời điểm nhạy cảm thế này, có thể xem đây là một lời ẩn ý bênh vực các đàn anh đàn chị như Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên,... đã luôn sẵn sàng đứng ra kêu gọi từ thiện khi người dân gặp khó khăn.
Nguyên văn lời chia sẻ của Bảo Anh:
Làm từ thiện rất khác với việc đứng ra vận động gây quỹ từ thiện.
Có câu "nhân chi sơ, tính bản thiện" ý nói con người sinh ra đều có phần thiện trong tâm tính, lòng trắc ẩn và tâm từ bi. Khi lớn lên, thì có người giữ được, có người mất đi tính bản thiện do lòng tham, sân, si dành chỗ.
Làm từ thiện là hành vi khởi phát khi tính bản thiện lên tiếng, khi lòng bỗng thấy trắc ẩn trước những mảnh đời bất hạnh, khi bản thân cảm thấy biết ơn cuộc đời và cần cho đi khi đã nhận được quá nhiều, như việc bố thí cho hành khất, như mua tờ vé số dù bình thường không tin vào may rủi, như tự nguyện trích một khoảng tiền lớn từ tài khoản cá nhân giúp đỡ một người xa lạ trong cơn hoạn nạn... không vụ lợi, hay mong đợi một sự báo đáp gì.
Làm từ thiện đôi khi chỉ cần tâm khởi phát thiện ý nhất thời, chứ không nhất thiết phải xem việc này là lí tưởng sống, là điều quan trọng nhất, là sứ mệnh của cuộc đời mình và cam kết lâu dài, dành trọn thời gian sức lực của bản thân vào việc đó. Ai cũng có thể làm từ thiện, ít cũng được, nhiều cũng được, và điều đáng trân quý như nhau. Người góp 1000đ cũng như người góp 1 tỉ, quan trọng là ở tấm lòng, chứ không phải ai góp nhiều thì đáng trân trọng hơn.
Làm từ thiện thì chưa có gì gọi là vĩ đại để tung hô, ngưỡng mộ, để "đánh bóng tên tuổi". Từ thiện lẻ ra nên được xem là một điều bình thường trong cuộc sống. Nếu người làm từ thiện mà như "sao buổi sớm", như "lá mùa thu" thì đáng buồn biết bao.
Nhưng một người dám đứng ra vận động quyên góp từ thiện thì rất đáng ngưỡng mộ. Người làm từ thiện thì nhiều nhưng dám đứng ra vận động gây quỹ từ thiện thì rất ít.
Để mang lại một hiệu ứng lớn hơn, vượt khỏi khả năng hạn hẹp của bản thân, của một cá nhân, họ can đảm mang danh dự, tín nhiệm bản thân, tầm ảnh hưởng, thời gian, công sức để huy động nguồn lực tập thể. Giá trị họ mang lại không chỉ dừng ở việc tiếp nhận, vai trò trung chuyển mà nhờ vào nguồn cảm hứng họ tạo ra, nhiều người khởi tâm từ bi mà quyết định đóng góp. Cái họ làm được ở đây là tạo ra một hiệu ứng cộng hưởng tích cực, một làn sóng thúc đẩy, đánh thức tính thiện tiềm ẩn trong mỗi cá nhân. Điều này mang lại giá trị lớn hơn bất kì một số tiền cụ thể nào.
Và "with great power, comes great responsibility" (quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng nhiều) câu này trong phim Người Nhện nhưng tôi thấy hay nên sử dụng lại. Một khi đã đứng ra gây quỹ, họ biết rằng mình đang đánh đổi nhiều thứ, rằng đây không còn là một hành động bộc phát thiện ý nhất thời, mà đã là một phần trong lý tưởng sống, quan trọng không kém bản thân, gia đình, con cái, sự nghiệp, đòi hỏi một sự tận hiến, phụng sự, cam kết, hy sinh.
Đó trở thành một sứ mệnh cao cả, vĩ đại.
Họ hiểu rõ mình sẽ phải mang trên vai trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, và sử dụng quỹ một cách hiệu quả, thuyết phục. Họ ý thức được sẽ phải chịu trách nhiệm khi có sai sót, khi để thất thoát, hoặc khi đã sử dụng đồng tiền này không hiệu quả, không tối ưu, dễ bị phê bình, chỉ trích, điều tiếng v.v... rất nhiều những rủi ro, thách thức, khổ tâm ... mà phần lớn chúng ta sẽ không sẵn sàng đón nhận, hoặc do không đủ tâm, hoặc không đủ tầm để đảm đương. Nhưng họ thì sẵn lòng chấp nhận, đánh đổi mọi thứ để đạt được một điều, đó là mang lại lợi ích cho người khác, những người hoàn toàn xa lạ. Điều mà họ xem là lẻ sống và mọi hy sinh là cần thiết.
Tôi luôn thầm ngưỡng mộ những người đứng ra gây quỹ từ thiện và nghiêm khắc gánh vác trách nhiệm đi cùng trên vai, dù họ có là ai, nghệ sĩ hay doanh nhân, nổi tiếng hay không nổi tiếng vì họ làm được một điều mà tôi chưa bao giờ đủ tâm, đủ can đảm, và đủ tầm để dấn thân. Tôi mong họ nhiều sức khoẻ, "chân cứng đá mềm", vững tâm theo đuổi một lý tưởng cao đẹp. Tôi không mong những gì họ làm sẽ được ghi nhận và được tôn vinh. Vì như cố nghệ sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết :
"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.
Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi..."
Nội dung liên quan
Nguồn: TH&PL