Đằng sau loạt nhân vật phản diện phim cung đấu là những bài học về con đường tiến thân cho người trẻ trong thời hiện đại.
Là một trong những dòng phim chiếm sóng nhiều nhất trên màn ảnh Hoa ngữ, phim cung đấu luôn nhận được sự ủng hộ đông đảo của các khán giả trong và ngoài nước. Cũng như một xã hội thu nhỏ, những cuộc chiến nơi cung cấm luôn có người tốt kẻ xấu, người thua cuộc và người thắng cuộc.
Ở đó, khán giả được chứng kiến quá trình từng bước đi lên của các nữ nhân trong hậu cung, có người dùng cơ trí và bản lĩnh, cũng có người chấp nhận bày mưu sâu kế hiểm. Tất cả đều nhằm mục đích chinh phục đỉnh cao nơi hậu cung dù có phải chịu đủ mọi đớn đau, mất mát, cô độc. Tuy nhiên, nếu bỏ qua những mưu hèn kế bẩn ấy thì những ác nữ nơi Tử Cấm Thành đã mang đến người xem nhiều triết lý, bài học sâu sắc về con đường tiến thân trong xã hội hiện đại.
1. Dấn thân để tiến thân: Con đường mong manh và đầy bất trắc?
Khán giả đã không còn xa lạ gì với những màn tranh đấu một mất một còn đến từ các nhân vật trong phim cung đấu. Ở một nơi mà quyền lực được xem là tối thượng, con người chẳng có cách nào khác ngoài việc chà đạp lên nhau mà sống. Những chức vị trong hậu cung từ đáp ứng, thường tại cho đến quý phi, hoàng quý phi, đều là những cấp bậc định mức quyền lực rõ rệt.
Chẳng ai muốn mình là một đáp ứng nhỏ nhoi, hạnh phúc hay sướng khổ đều nằm trong tay kẻ khác. Đó chính là nguồn cơn cho những đấu tranh không ngừng nghỉ của các cô gái nơi Tử Cấm Thành. Ở xã hội hiện đại, dù những đấu tranh giai cấp không còn sôi nổi như thời đại trước, nhưng đâu đó vẫn có những sự phân cấp vô hình đến từ nhiều khía cạnh. Do đó, con người vẫn luôn phải đấu tranh để được thăng tiến, bằng cách này hay cách khác.
Trong Diên Hy Công Lược và Hậu Cung Như Ý Truyện, ba nhân vật phản diện Nhĩ Tình, A Nhược và Yến Uyển đều có cho mình những âm mưu thâm độc với mong muốn được "đổi đời", thoát kiếp nô tì cúi mặt khom lưng. Họ chấp nhận đánh đổi danh dự, sự tín nhiệm, thậm chí là bản thân mình để tìm một chỗ đứng vững chắc.
Nếu như ở Diên Hy Công Lược, Nhĩ Tình bất chấp thủ đoạn để được gả vào Phú Sát gia, bứt chết chủ tử cũ, thì A Nhược của Hậu Cung Như Ý Truyện lại là một nô tì bán chủ cầu vinh, bất chấp leo lên long sàng. Trong khi đó, Vệ Yến Uyển là cô nàng "lăn xả" nhất trong cuộc đua "vượt lên chính mình" chốn hậu cung. Bằng chút nhan sắc của mình, cô làm mọi thứ để được Hoàng Thượng chú ý và sủng ái. Thậm chí là lợi dụng tình cũ để mang thai tranh sủng.
Những con đường tiến thân đó thoạt nhìn có vẻ dễ dàng thành công nhưng lại không phải là con đường dài cho tương lai phía trước. Trong xã hội hiện đại, dấn thân là một cách để con người tự khẳng định giá trị của mình, vượt lên những khó khăn và thoát ra khỏi vùng an toàn. Nhưng không phải sự dấn thân nào cũng tốt đẹp, cũng đáng được ủng hộ. Bởi có những người dấn thân vì mục đích của cá nhân mình nhưng lại làm tổn hại đến lợi ích của người khác.
Dù bằng những cách thức khác nhau, nhưng ba cô gái trong phim đều có một điểm chung là chọn con đường dấn thân không mấy tốt đẹp. Nhĩ Tình dù biết sẽ không bao giờ có được tình yêu của Phó Hằng nhưng vẫn tính kế để được làm phu nhân Phú Sát gia mà không màng đến hạnh phúc sau này.
Trong khi đó, dù biết bán chủ cầu vinh sẽ không có kết cục tốt đẹp nhưng A Nhược vẫn muốn đánh đổi một lần để được làm phi tần của Hoàng Thượng. Yến Uyển cũng bất chấp thân phận và tình cảm thanh mai trúc mã của mình để mưu cầu vật chất. Hai người đều là phi tần không qua tuyển tú, bước vào hậu cung bằng con đường đầy rẫy những bất trắc.
Hành trình dấn thân chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ những mục đích, lý tưởng cao cả, được thực hiện bằng những hành động và lẽ sống đúng đắn. Nếu không, con đường mà người trẻ đi sẽ vô cùng mong manh, nhiều bất trắc mà kết quả nhận lại chỉ là con số không tròn trĩnh. Chính vì vậy mà Nhĩ Tình, A Nhược và Yến Uyển dù phải "nếm mật nằm gai" biết bao nhiêu lần nhưng đến cuối cùng vẫn không thể sống một cuộc đời mà mình mong muốn.
Thế mới nói, những gì không chính đáng thì thường không bền vững. Nếu đi sai đường, con người phải đối mặt với nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến cuộc sống, sự nghiệp và tương lai. Người trẻ nên biết cách tiến thân một cách an toàn bằng cách chọn một con đường đơn giản, bằng phẳng hơn: Cho bản thân thêm thời gian, rèn luyện và nỗ lực đi lên. Vì suy cho cùng, không có con đường tắt nào dẫn đến thành công bền vững.
2. Khi xuất phát điểm của người này là vạch đích của người kia
Dù ở xã hội nào, xuất phát điểm cũng đóng vai trò khá quan trọng trong con đường tiến thân của mỗi người. Có người biết cách nỗ lực vươn lên, cũng có người vì áp lực mà đi sai hướng, tự giới hạn bản thân mình.
Trong rất nhiều cuộc đấu khẩu ở hậu cung, thứ người xem ấn tượng nhất là những màn so kè gia thế, xuất thân: nào là Mãn quân kỳ, Hán quân kỳ hay như câu nói huyền thoại của Dĩnh phi Hậu Cung Như Ý Truyện: "Hoàng thượng nể trọng Mông Cổ, cô dám đụng tới tôi?"
Chính vì những điều này mà các cô gái có xuất thân thấp kém thường sinh lòng đố kị, muốn được tiến thân đổi đời. Ở Hậu Cung Chân Hoàn Truyện, nhân vật An Lăng Dung từng khiến khán giả ghét cay ghét đắng vì những toan tính độc ác của mình. Cô cùng Chân Hoàn, Mi Trang nhập cung, kết thân và hứa hẹn sẽ nương tựa vào nhau để vượt qua cuộc sống khắc nghiệt nơi hậu cung.
Nhưng rồi dần dần, cô nhận ra mình và Chân Hoàn, Mi Trang vốn không hòa hợp. Gia thế của Chân Hoàn và Mi Trang được xem là cao quý, lại được nhiều sủng ái trong khi cô chỉ là một đáp ứng xuất thân thấp kém, người người cười chê. An Lăng Dung bắt đầu áp lực, tự ti với những suy nghĩ không hồi kết của mình, cô cấu kết cùng Hoàng Hậu phản bội lại hai người chị em thân thiết nhất, tự mình tìm đường tiến thân.
Sau gần 10 năm, khán giả tiếp tục được chứng kiến màn "vượt khó" thành công đến từ ác nữ Yến Uyển trong Hậu Cung Như Ý Truyện. Từ một cung nữ nhỏ bé, xuất thân hàn vi, Yến Uyển phải trải qua rất nhiều cửa ải mới chạm đến được chức vị cao quý trong hậu cung. Trong khi đó, những người khác như Kim Ngọc Nghiên, Lang Hoa, Như Ý hay Ý Hoan đều là những phi tần có gia thế hiển hách nên khi đứng trước họ, Yến Uyển luôn cảm thấy tự ti, thấy mình thấp kém hơn bao giờ hết.
Trong một xã hội văn minh, tiến bộ, nhiều người trẻ áp lực khi xuất phát điểm của mình chỉ là vạch đích của người khác. Nhưng thực tế, xuất phát điểm chỉ là thứ yếu, nó không phải là thứ quyết định cuộc đời, càng không phải là thứ làm con người ta áp lực hay phải sinh lòng đố kị. Với người khôn ngoan, họ sẽ tự biết cách học hỏi, tìm kiếm cơ hội để thu hẹp khoảng cách với những người khác. Nhưng học hỏi như thế nào là đúng?
Như câu nói của Yến Uyển những ngày đầu: "Xinh đẹp thì để làm gì. Vì ta còn trẻ và đang khỏe mạnh thế này nên những gì Nhàn quý phi biết thì ta sẽ từ từ học. Nhất định sẽ có ngày ta sẽ hiểu được".
Thời điểm này, Nhàn quý phi là người mà Yến Uyển muốn vượt qua nhất, Nhàn quý phi có mọi thứ, còn cô thì chẳng có gì. Do đó, Yến Uyển muốn học hỏi nhiều điều từ người tiền bối này, để có một ngày tiến thân trở thành sủng phi của Hoàng Thượng.
Nhưng Yến Uyển quên mất rằng, những khó khăn mà cô phải gánh không đến từ xuất thân, địa vị mà đến từ cách sống và lựa chọn của cô. Nhàn quý phi xuất thân cao quý nhưng để tiếp tục duy trì vinh sủng, cũng cần đến tài năng, trí tuệ và phẩm hạnh. Điều Yến Uyển cần học là những điều này, chứ không phải những thứ khiến bề ngoài "vịt hóa thiên nga" nhưng bên trong vẫn mang cốt cách một cung nữ đố kỵ, đầy tham vọng.
Một số người thường nhìn những thành tựu của người khác rồi tự mình áp lực, nôn nóng, dẫn đến nhiều suy nghĩ và hành động sai lệch. Nhưng họ không biết rằng, người giàu và người nghèo, người thành công và người thất bại, một khi đã xuất phát thì ai cũng như ai. Chỉ khác là, người có điều kiện tốt hơn, sẽ đi trên con đường bằng phẳng hơn, nhưng bù lại cũng dễ mắc cạm bẫy hơn. Cho nên, dù xuất phát điểm là ở đâu thì con người cũng cần phải cố gắng, nỗ lực đúng cách để đi tiếp chặng hành trình.
3. Mở rộng mối quan hệ có giúp con đường tiến thân trở nên dễ dàng?
Các vị nương nương trong phim cung đấu chưa bao giờ chấp nhận bản thân "một mình một ngựa" chốn hậu cung, An Lăng Dung và Yến Uyển cũng không ngoại lệ. Sau khi phản bội lại hội chị em thân thiết, Lăng Dung liền tìm đến một chỗ dựa khác là Hoàng Hậu Nghi Tu.
Cô chấp nhận dưới trướng của Hoàng Hậu, răm rắp nghe theo lời say bảo của người. Không chỉ vậy, Lăng Dung còn giả tạo một mặt về phe Hoàng Hậu, mặt khác cố giữ mối thâm tình với Chân Hoàn chừa đường lui.
Nhưng An Lăng Dung vẫn chưa là gì so với Yến Uyển. Còn nhớ những ngày đầu mới vào hậu cung, Yến Uyển một mực muốn lấy lòng Như Ý dù trong tâm chẳng có mấy phần là thật lòng. Trong cuộc chiến tranh ngôi vị Kế hậu, Như Ý bị hại dẫn đến thất sủng, Yến Uyển liền đổi hướng đến Khải Tường cung để lấy lòng Kim Ngọc Nghiên - người có khả năng lên ngôi Kế hậu thời điểm đó.
Cô chấp nhận cúi mặt khom lưng, chịu nhục trước Ngọc Nghiên nhưng vẫn không thể lấy lòng nàng ta. Yến Uyển sau đó quyết định đến cầu xin Hoàng Thượng để nói giúp cho Như Ý, cốt là để sau này Như Ý lên ngôi sẽ không quên ân tình của cô.
Thậm chí, khi chuyện xấu bị phát giác, Yến Uyển đến cầu xin Thái Hậu giúp đỡ, cho cô cơ hội được làm việc cho người, nhưng chủ yếu vẫn là tìm một người để dựa dẫm, che đậy những tội ác của mình. Có thể thấy, Yến Uyển làm mọi cách với hi vọng có thể xây dựng mối quan hệ tốt với người có quyền thế, để con đường tiến thân càng thêm dễ dàng.
Dù là thời đại nào thì việc xây dựng mối quan hệ cũng là điều rất cần thiết. Nhiều người được thăng tiến sự nghiệp và thành công nhờ vào những mối quan hệ có được trong cuộc sống. Như An Lăng Dung nhờ Hoàng Hậu nâng đỡ mà lên được chức phi, được nhiều ân sủng của Hoàng Thượng. Do đó, con người ta ngoài tài năng, kinh nghiệm thì mối quan hệ cũng là điều tất yếu.
Nhưng không phải ai cũng biết cách xây dựng mối quan hệ. An Lăng Dung dùng mối quan hệ để tiến thân nhưng cô lại chọn kết giao với một người không mấy tốt đẹp như Hoàng Hậu. Kết quả là tạo ra một mối quan hệ đầy toan tính và lợi dụng: An Lăng Dung dựa dẫm Hoàng Hậu để củng cố địa vị, còn Hoàng Hậu thì mượn tay Lăng Dung để hạ bệ Chân Hoàn và các phi tần khác. Đến cuối cùng, hai người trở nên chán ghét nhau, lật mặt, phản bội cùng đủ thứ chuyện khiến người xem đau lòng.
Mở rộng mối quan hệ đòi hỏi sự chân thành và tích cực từ người trong cuộc. Yến Uyển muốn kết giao với Ngọc Nghiên, Như Ý và Thái Hậu nhưng không thành là vì nàng ta quá thảo mai, luôn đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu và mong muốn được "ban ơn" từ những mối quan hệ đó. Ở một phân đoạn trong phim, Yến Uyển trách móc Như Ý luôn giữ khoảng cách với cô dù cô luôn chủ động ra sức ủng hộ Như Ý.
Đó là do Yến Uyển giả tạo, không chăm chút mối quan hệ một cách chân thành, nên người khác nhìn vào dễ dàng nhận thấy tâm cơ của cô. Chẳng ai muốn muốn đầu tư cho một mối quan hệ mà họ cảm thấy mình bị lợi dụng cả. Vì vậy, để có được những điều tốt đẹp từ các mối quan hệ, con người cần chứng tỏ được năng lực của mình và sẵn sàng cho đi. Cho đi và nhận lại, đó là nền tảng để xây dựng một mối quan hệ bền chặt trong cuộc sống mỗi người.
Những cô nàng phản diện trong phim cung đấu luôn mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc và ấn tượng hơn bao giờ hết. Dù trong những bối cảnh khác nhau, cuộc đời, câu chuyện khác nhau nhưng họ đều có chung một điểm là biến những khát vọng cao đẹp trở thành tham vọng của chính mình, ép bản thân phải vươn lên dù năng lực không thể đáp ứng.
Từ đó, họ chọn cách đi "đường tắt", chấp nhận rủi ro và bất trắc. Nhưng dù vậy, những câu chuyện trong thời đại này vẫn có ý nghĩa mang đến nhiều bài học, giúp người xem nhìn nhận lại con đường mà mình đang đi.
Nguồn: TH&PL