Ngày 10/10, ê-kíp làm phim "Đất rừng phương Nam" đã cho ra mắt MV nhạc phim "Bài ca đất phương Nam", với tiếng hát của NSƯT Trọng Phúc và hơn 300 người của đoàn làm phim.
MV Bài ca đất phương Nam mở đầu qua câu hò của NSƯT Trọng Phúc, phần bè của dàn hợp xướng: "Ai về miền đất phương Nam/Cho tôi nhắn gửi bao niềm nhớ thương".
Video xen kẽ nhiều phân cảnh của bộ phim Đất rừng phuơng Nam bản điện ảnh, tái hiện cảnh "chờ trăng lên cất tiếng gọi nhau", "thuyền ai xuôi phương Nam".
Nhạc sĩ Đức Trí cho biết tiêu chí lựa chọn giọng ca rất đơn giản: "Hát Nam bộ thì phải mùi. Cái 'mùi mẫn' da diết, thân thương, chứa trong đó âm vang câu hò ngân dọc theo dòng nước sông Cửu Long đầy ắp phù sa, cũng là tình người 'ngọt lụi tim' của người dân Nam bộ".
Bản phối mới do nhạc sĩ Đức Trí trực tiếp thực hiện, phần thu âm được lấy tiếng trực tiếp tại hiện trường, mang âm hưởng hào hùng, đậm tính điện ảnh, đồng thời vẫn giữ sự da diết của phiên bản cũ.
Nhiều khán giả đã cảm thấy vô cùng xúc động với bản phối này:
- "Bài ca quá hào hùng bản phối ha , nghe xong thấy yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam mình quá".
- "Thật sự rất xúc động khi nghe chú Trọng Phúc thể hiện ca khúc này!".
- "Mình thích bản phối và cách dàn dựng của MV này! Đơn giản mà hào hùng!".
- "Hoà âm phối khí rất hào hùng, cực kỳ phù hợp với bản điện ảnh. Tuy nhiên mình vẫn thích bản cũ hơn vì nó chính là giai điệu của miền Tây sông nước, giản dị, gần gũi".
Đến nay, Bài ca đất phương Nam (sáng tác: nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Lê Giang, ra mắt lần đầu vào năm 1997 cùng phim truyền hình Đất phương Nam) vẫn có sức sống riêng của mình khi được công chúng yêu thích và đánh giá là một trong những ca khúc nổi bật nhất về vùng đất trù phú này.
Trước đó bản gốc của Bài ca đất phương Nam qua tiếng hát của Tô Thanh Phương cũng được rất nhiều người yêu mến.
Đất rừng phương Nam ra rạp từ ngày 20/10, trước đó có một số suất chiếu sớm. Ê-kíp khởi quay từ cuối năm ngoái, đi qua các tỉnh như An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ. Trong đó, phân đoạn được đầu tư nhất là đại cảnh ở chợ nổi, quay tại rừng tràm Trà Sư (An Giang) với gần 400 diễn viên quần chúng.