Bác sĩ tại VBA: ''Thành công lớn nhất của vận động viên là không chấn thương, sau đó mới là sự chiến thắng''

Người thầm lặng phía sau những chiến thắng của các vận động viên, luôn hết mình chăm lo sức khoẻ, chấn thương và giúp cầu thủ phục hồi chức năng.

Đứng trong đội ngũ những người giữ lửa cho từng trận đấu, bác sĩ Tân luôn phải theo dõi sát sao trận đấu để phát hiện ra các chấn thương của cầu thủ và kịp thời cứu chữa. Công việc vất vả và căng thẳng là thế, nhưng bác sĩ Tân luôn hết mình trong mọi khoảnh khắc khi được đồng hành cùng VBA.

Khi được hỏi điều gì khiến anh cảm thấy thích thú và gắn bó với công việc này, bác sĩ Tân vui vẻ trả lời: “Đó là khi mình giúp được một cầu thủ giảm đau, phục hồi được chức năng vận động và tiếp tục hết mình với đam mê bóng rổ của họ. Đây chính là niềm vui lớn nhất của một bác sĩ như tôi”. 

bac si tai vba thanh cong lon nhat cua van dong vien la khong chan thuong sau do moi la su chien thang - anh 0

Áp lực nhất là việc ra quyết định cho cầu thủ từ bỏ sàn đấu

Gặp bác sĩ Phạm Khánh Tân vào một buổi chiều trước giờ diễn ra trận đấu của Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp VBA, chúng tôi thấy rõ những mệt mỏi in hằn trên gương mặt của vị bác sĩ trẻ tuổi này. Mệt mỏi là bởi anh vừa hoàn thành 8 tiếng làm việc tại bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp ở quận 8, sau đó phải gấp rút đi một quãng đường khá xa đến sân thi đấu của VBA để tiếp tục hỗ trợ các cầu thủ. 

Năm đầu tiên gắn bó với Giải bóng rổ chuyên nghiệp VBA, công việc chính của anh là gì?   

Công việc chính của bác sĩ là chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho những chấn thương của các vận động viên (VĐV) bóng rổ. Quy trình khám chữa bệnh cho các VĐV bóng rổ ban đầu họ sẽ đến bệnh viện để khám bệnh nghề nghiệp. Họ sẽ được thăm dò chức năng về tim mạch, hô hấp, đo tầm vận động khớp. 

Sau đó họ được chuyển qua khoa Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu để tư vấn về những nguy cơ và những điều cần lưu ý. Từ những kết quả ấy bác sĩ sẽ đưa ra những hướng tập luyện phù hợp để HLV (huấn luyện viên) và bản thân VĐV biết được khả năng tập luyện của mình đến mức cường độ thế nào là hợp lý nhất, đạt hiệu quả cao nhất trong mùa giải. 

bac si tai vba thanh cong lon nhat cua van dong vien la khong chan thuong sau do moi la su chien thang - anh 0

Và nhiệm vụ thứ hai của bác sĩ thể thao đó là phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị chấn thương cho các VĐV trong trận đấu. Là bác sĩ trực bàn đấu trong sân bóng rổ, mỗi khi VĐV có một chấn thương mới thì chúng tôi cần phải sơ cứu và giảm đau cho VĐV. Sau đó cần phải đánh giá chấn thương của VĐV để tư vấn xem VĐV có thể tiếp tục chơi trong trận đấu này hay những trận đấu tiếp theo hay không.

Phải quyết định một cầu thủ sau chấn thương có thể chơi bóng tiếp hay tạm ngừng trong một khoảng thời gian khá gấp rút, anh có cảm thấy áp lực?

Vì quyết định của chúng tôi có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp, niềm đam mê, mục tiêu của các VĐV, nên đây thật sự là một áp lực cho chính chúng tôi và cả cầu thủ. Bất kì một VĐV nào khi bước lên sàn đấu đều mang một mục tiêu duy nhất đó là chiến thắng, chính vì thế sẽ thật khó khăn khi phải quyết định cho một cầu thủ từ bỏ sàn đấu.

Chấn thương trong thể thao rất thường gặp. Nếu xét về mức độ nguy hiểm về tính mạng thì hiếm khi xảy ra nhưng xét về sự nghiệp, đó là một nguy hiểm cho các cầu thủ. Và những quyết định của chúng tôi tại sàn đấu nếu sai lầm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của họ. 

bac si tai vba thanh cong lon nhat cua van dong vien la khong chan thuong sau do moi la su chien thang - anh 0

Vậy chấn thương thường gặp nhất ở các cầu thủ bóng rổ là gì? Và khi một VĐV bị chấn thương họ sẽ mất bao lâu để hồi phục? 

Đối với cầu thủ bóng rổ, chấn thương thường xảy ra nhất đa phần là ở cổ chân và đầu gối. Nếu một cầu thủ bị chấn thương đứt hoặc rách dây chằng thì cầu thủ đó cần ít nhất là 3 tháng nghỉ ngơi để bắt đầu tập luyện nhẹ lại với đội. Để thi đấu được hiệu quả cao thì họ cần ít nhất là 6 tháng cho đến 1 năm. Nhiều cầu thủ họ rất đòi hỏi rằng “Bác sĩ ơi tôi muốn giảm đau để được ra chơi tiếp” hay “Bác sĩ ơi tôi muốn lành cái gân này, tôi muốn lành cái đầu gối này thật là nhanh để được chơi tiếp”. Đấy cũng là một cái áp lực rất là lớn cho các bác sĩ khi phải đối diện.

Tôi đã từng đối diện rất nhiều với những trường hợp đó. Bản thân là bác sĩ tôi biết rõ những phương pháp điều trị của mình hiện tại đến đâu và nó cũng chỉ có thể giúp cầu thủ đến một mức độ nào đó thôi. Vì cơ thể con người mình không giống như bộ máy, không thể cứ thay phụ tùng là thành một bộ máy mới và hoạt động tốt được. 

Có một nghịch lý nữa rằng đa số các cầu thủ rất sợ bị ra khỏi sân nên khi họ bị chấn thương họ sẽ nói với HLV của mình là “Tôi không sao cả, tôi vẫn chơi được tiếp”. Nhưng đối với bác sĩ đó là điều không nên.

bac si tai vba thanh cong lon nhat cua van dong vien la khong chan thuong sau do moi la su chien thang - anh 0

Trở thành một bác sĩ y học thể thao là một cơ hội mới để tôi có thể trau dồi năng lực và học tập những điều mới

Cơ duyên nào để anh trở thành một bác sĩ điều trị bệnh nghề nghiệp cho các VĐV bóng rổ tại giải đấu VBA? 

Để trở thành một bác sĩ y học thể thao cũng là một điều may mắn, vì đây là cơ hội mà VBA đã mang đến cho bệnh viện Phục hồi chức năng của chúng tôi. Các bác sĩ được có cơ hội để gặp nhiều đối tượng VĐV đặc biệt trong bệnh lý về cơ xương khớp. Với các VĐV này vì họ là đối tượng đặc biệt nên các chấn thương và bệnh lý thường gặp trên những đối tượng này cũng đặc biệt và họ cần những phương pháp, kỹ thuật chăm sóc cũng đặc biệt hơn những bệnh nhân bình thường. Trở thành một bác sĩ y học thể thao là một cơ hội mới để tôi có thể trau dồi năng lực và học tập những điều mới.

Ở góc nhìn một bác sĩ, anh có thấy bóng rổ là một bộ môn tốt cho sức khỏe không, vì ở nước ngoài bộ môn này rất là phổ biến? 

Hầu hết mọi môn thể thao đều tốt cho sức khỏe và nó sẽ tốt nhất khi chúng ta không xảy ra chấn thương. Có một cầu thủ nước ngoài từng nói rằng: “Thành công của một VĐV, điều đầu tiên đó là không chấn thương, tiếp theo mới là đạt được chiến thắng, đạt được vinh quang”. Cho nên tôi nghĩ các VĐV nên đặt mục tiêu đầu tiên của mình là không để xảy ra chấn thương, sau đó hãy nghĩ đến chiến thắng. Có sức khỏe thì mới có sự nghiệp. 

bac si tai vba thanh cong lon nhat cua van dong vien la khong chan thuong sau do moi la su chien thang - anh 0

Ngoài công việc anh làm trực tiếp ở sân bóng thì anh cũng có làm việc tại bệnh viện. Khi làm việc ở hai môi trường khác nhau như thế sẽ có những khó khăn gì? 

Bên cạnh việc trực tại giải đấu, chúng tôi vẫn phải trực ở bệnh viện một ngày 8 tiếng như mọi người. Sau khi tan sở các bác sĩ cũng chỉ có nửa tiếng để chuẩn bị đồ đạc, dụng cụ và lên xe cứu thương di chuyển từ quận 8 đến phim trường quận 12 làm công tác cho trận đấu. Quãng đường đi thì rất xa, chúng tôi còn phải đi vào giờ cao điểm nên rất là mệt mỏi. 

Nhưng bù lại, tôi cảm thấy vui mừng khi mình giúp đỡ được một cầu thủ nào đó. Tôi nghĩ đây cũng chính là tâm lý chung của tất cả bác sĩ. Khi một bác sĩ bước vào trường y, điều đầu tiên người ta suy nghĩ đó chính là làm sao có thể giúp đỡ được mọi người. Tương tự với một bác sĩ thể thao cũng thế, khi mình giúp được một cầu thủ giảm được đau, phục hồi được chức năng vận động, giúp họ duy trì được đam mê của mình thì đó chính là cái vui mừng nhất của chúng tôi. 

Cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!

bac si tai vba thanh cong lon nhat cua van dong vien la khong chan thuong sau do moi la su chien thang - anh 0

BLV Thái Ân: VBA đã biến hoá thành công bộ môn thể thao đơn thuần như bóng rổ

Mop Man VBA: từ cậu bé đam mê bóng rổ nơi phố huyện đến ước mơ trở thành vận động viên chuyên nghiệp

Commissioner Executive VBA: 10 năm trưởng thành từ sân cam và ước mơ phát triển bóng rổ Việt Nam

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ