Commissioner Executive VBA: 10 năm trưởng thành từ sân cam và ước mơ phát triển bóng rổ Việt Nam

Gặp gỡ anh Mẫn Trần, chúng tôi như được gặp gỡ 3 nhân vật cùng một lúc: một fan hâm mộ bóng rổ chân chính, một cầu thủ nhiều thăng trầm và một người tổ chức giải đấu đầy tâm huyết.

Anh Mẫn Trần - cựu cầu thủ Saigon Heat và đang làm công việc Commissioner Executive tại VBA. Bản thân anh thừa nhận mình được sếp và công ty tin tưởng giao nhiều công việc khác nhau cũng bởi lý do này: anh mang trong mình đủ tâm tư của cả 3 đối tượng xoay quanh trái bóng cam. "Tôi hiểu được khó khăn và sự nỗ lực của cả 3 đối tượng đó như thế nào: fan họ cần gì, cầu thủ nỗ lực ra sao để đứng trên sân thi đấu, và ban tổ chức đi qua những gì để tổ chức được những giải bóng rổ. Những khó khăn mà 3 đối tượng này gặp phải tôi đều trải qua, nên tôi nghĩ mình sẽ là người kể được câu chuyện về bóng rổ trọn vẹn nhất".

Chia sẻ lại 10 năm theo đuổi đam mê trong một cuộc nói chuyện dài hơn 1 tiếng, điều mà chúng tôi cảm nhận ở anh Mẫn Trần là sự hết mình trong mọi khoảnh khắc. Cho đến ngày trở thành người tạo bệ phóng vững chắc cho mỗi trận đấu thuộc khuôn khổ giải VBA, trong anh vẫn lấp lánh những ngọn lửa nhiệt huyết khi được kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về môn thể thao thú vị này.

commissioner executive vba 10 nam truong thanh tu san cam va uoc mo phat trien bong ro viet nam - anh 0

Lần đầu xem Saigon Heat thi đấu, tôi không dám tin 3 năm sau có ngày mình trở thành một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp

Slam Dunk - bộ truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng về bóng rổ đã "biến" tôi thành fan của môn thể thao này. Đó là bộ truyện truyền cảm hứng cho tôi tự học cách chơi bóng rổ. Chơi được khoảng mấy tháng, tôi được chọn vào đội tuyển của trường để đấu với các trường khác. Đó là chặng đường đầu tiên mở ra hành trình 10 năm gắn bó với bóng rổ của tôi sau này.

Những năm học cấp 3, Internet chưa phát triển, tôi chưa từng biết bên ngoài người ta giỏi như thế nào. Cho đến khi giải toàn quốc tổ chức, được thi đấu với các đội từ thành phố lớn, thấy trình độ các bạn quá giỏi, do được tập luyện và đi giải nhiều, tôi mê lắm! Đó là lần đầu tôi được trải nghiệm những trận thua tới nỗi không thể nào ngóc đầu lên được. Tới năm lớp 12, bố mẹ hướng tôi vào trường Đại học Giao thông Vận tải để sau này dễ xin việc. Nhưng tôi đấu tranh để được thi vào trường Đại học Thể dục Thể thao. Tôi quyết tâm học trường này vì muốn quay về giúp đỡ bóng rổ Vũng Tàu.

commissioner executive vba 10 nam truong thanh tu san cam va uoc mo phat trien bong ro viet nam - anh 0

Tới năm 2011, đội Saigon Heat bắt đầu thành lập và thi đấu giải nhà nghề Đông Nam Á, tôi nhớ mình được cho vé đi xem. Vẫn nhớ như in buổi hôm đó, tôi - một thằng sinh viên học thể dục thể thao, đi xem bóng rổ cùng 2 đứa em nhỏ, đã nhìn các cầu thủ trên sân mà choáng ngợp và quay sang nói với em mình: "Bây giờ thả anh vô sân cầm bóng chắc anh không dám dẫn bóng luôn". Tôi nhìn ai cũng cao lớn, cũng ngầu, trình độ chơi bóng cao, mình run chứ. Quả thực tôi không có ý định trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, chỉ là đi xem rồi học hỏi để có thể giúp đỡ cho phong trào bóng rổ Vũng Tàu sau này thôi. Thế mà 3 năm sau, năm 2014, tôi là cầu thủ của Saigon Heat - một vị trí mà 3 năm trước mình không dám mơ tới. Lần đầu có cơ hội đứng trên sân tại một giải đấu chuyên nghiệp, dù hạnh phúc nhưng tôi không khỏi run và hồi hộp.

Đã có giai đoạn tôi muốn từ bỏ bóng rổ, nhưng cuối cùng, bóng rổ vẫn tặng tôi những cơ hội mới

Học xong tôi ra trường, đang làm công việc huấn luyện viên thể hình (Personal Trainer) thì có giấy gọi đi nghĩa vụ quân sự. Lúc đó gia đình cũng động viên thôi cứ đi nghĩa vụ, vì thực chất bố mẹ cũng không thích cho tôi theo thể thao, nó rất "bạc", không có tương lai. Không còn cách nào khác, nghĩa vụ mà, nên phải đi thôi. 3 tháng đầu huấn luyện dưới Đồng Nai, sau đó là 8 tháng ở Quân khu 7, rồi cuối cùng chuyển qua Trung tâm Thể dục Thể thao Quốc phòng. Ở đơn vị mới, tôi được tạo nhiều cơ hội đi ra ngoài, được đi học bóng rổ trở lại. Sau gần 1 năm không được chơi bóng rổ, tôi thèm lắm rồi.

Thời điểm đó là năm 2013, tôi nhận được một thư mời của huấn luyện viên Saigon Heat đến tham dự buổi Try-out. Saigon Heat có mục tiêu chỉ chọn các bạn Việt Nam, để đào tạo đội bóng trẻ - Development Team cho tương lai. Tôi là người cuối cùng được chọn trong số 13 bạn. Tôi bước vào giai đoạn tập luyện căng thẳng, 2 buổi 1 ngày: buổi trưa tập tạ, buổi chiều tập bóng. Tập chừng 3, 4 tháng những bạn nào chịu không nổi cường độ bị loại dần, đội hình còn lại khoảng 7 người.

commissioner executive vba 10 nam truong thanh tu san cam va uoc mo phat trien bong ro viet nam - anh 0

Năm 2014 bắt đầu có giải ABL (Giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á - ASEAN Basketball League). Pro Team của Saigon Heat bắt đầu tuyển chọn những cầu thủ trẻ đưa lên tham gia thi đấu cùng các cầu thủ nước ngoài. Tôi lại là người cuối cùng được lựa chọn, nhưng sau đó là nội binh đầu tiên ra trận. Đó là trận Saigon Heat đấu với đội Indonesia, tôi được vào sân 3 phút cuối của hiệp 1. Cảm giác lúc bước ra từ băng ghế dự bị và được khán giả cổ vũ rất đặc biệt. 10 giây đầu tiên vào sân tôi đã không định hình được mình sẽ phải làm gì, chỉ đứng ngơ ngác. Sau đó tôi mới trấn tĩnh lại, coi đây như một trận đấu bình thường. Lúc huấn luyện viên gọi vào sân, tôi bất ngờ, không dám nghĩ cơ hội đến với mình, vì còn nhiều bạn tốt hơn từ chiều cao đến trình độ, kỹ thuật, sự thể hiện trong quá trình tập trước đó, tôi đã nghĩ những bạn đó sẽ được chọn trước.

Năm đó Saigon Heat cũng tạo nên lịch sử cho đội tuyển bóng rổ Việt Nam: lần đầu tiên lọt vào Playoffs. Lần thi đấu đó là gặp đội Laska Dreya trên sân của Indonesia. Sân thi đấu nằm trên đảo Batam - một hòn đảo gần Singapore, từ Việt Nam qua đến nơi mất tổng cộng 12 tiếng di chuyển. Cả đội tưởng ai cũng mệt mỏi, kiệt sức rồi, nhưng tới chiều hôm thi đấu mọi người nhập cuộc rất tốt và Saigon Heat giành chiến thắng khó khăn trước đội Indonesia để vào Playoffs. Cảm giác chiến thắng rất tuyệt. Tuy trận Playoffs chúng tôi thua 2-0 trước đội Malaysia - một đội quá mạnh vào năm đó, Saigon Heat vẫn ghi được thành tích đáng nhớ là lọt vào top 4 đội mạnh nhất trong giải nhà nghề Đông Nam Á năm 2014.

commissioner executive vba 10 nam truong thanh tu san cam va uoc mo phat trien bong ro viet nam - anh 0

Sau đó, năm 2015 tôi được cân nhắc cho đội tuyển quốc gia. 2015 là năm đầu tiên sau 10 năm bóng rổ Việt Nam mới tập trung đội tuyển quốc gia để đi thi đấu Sea Games trở lại. Nhưng sau 3 tháng tập luyện, tôi bị loại. Tôi thất vọng 1 tháng. Chắc đó là giai đoạn tôi muốn từ bỏ bóng rổ nhất, vì mọi hy vọng đều lần lượt chấm dứt. Nhưng cơ hội lại đến, năm 2016 bất ngờ có cuộc điện thoại mời tôi tham gia đội Ho Chi Minh City Wings, tham dự VBA đầu tiên của Việt Nam. Tinh thần tôi máu lửa trở lại, muốn tham dự giải đấu bóng rổ nhà nghề đầu tiên của Việt Nam xem như thế nào. Tuy vậy, năm đó tôi không cống hiến được gì nhiều vì mất phong độ, đã bỏ chơi bóng rổ gần 1 năm gần không thi đấu. Một phần nữa là bởi đội Ho Chi Minh City Wings năm đó quá mạnh, toàn những cầu thủ xuất sắc như Tuấn Trung, Huỳnh Hải, Hán Minh. Thời điểm đó ở Việt Nam không ai qua được họ. Lứa cầu thủ này vẫn còn chơi đến tận bây giờ.

Xong mùa VBA đầu tiên, tôi tạm dừng sự nghiệp cầu thủ của mình.

Ở Việt Nam, cầu thủ bóng rổ chưa được coi là một ngành nghề. Có 2 trường hợp, một là cầu thủ thuộc liên đoàn địa phương như liên đoàn thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ,... được Nhà nước nuôi, họ có mức lương nhất định và tới mùa VBA họ tham gia thi đấu, hết mùa giải lại quay về địa phương của mình. Còn trường hợp hai là những cầu thủ tự do. Cầu thủ tự do thì thường họ có kinh doanh riêng, tới mùa thi đấu họ sẽ sắp xếp công việc riêng để tham gia, chứ chưa một cầu thủ nào theo bóng rổ như một cái nghề, vì mức lương chưa được bảo đảm. Lúc trẻ mười mấy, hai mươi triệu mức lương một tháng vẫn chấp nhận được, chứ ngoài ba mươi, khi có gia đình, có em bé, mức lương đó sẽ không đủ sống, nên buộc cầu thủ phải lựa chọn. Dừng lại với bóng rổ lúc đó là vì tôi đã lựa chọn tạo dựng sự nghiệp. Bóng rổ lúc đó chưa được phát triển.

commissioner executive vba 10 nam truong thanh tu san cam va uoc mo phat trien bong ro viet nam - anh 0

VBA như một giải đấu đầu tàu cho phong trào bóng rổ, và Việt Nam tương lai sẽ có chỗ đứng tại bóng rổ Đông Nam Á

Năm 2017 tôi quyết định mình sẽ làm việc ở quân đội, dừng lại hoàn toàn sự nghiệp cầu thủ hay liên quan đến bóng rổ. Nhưng bóng rổ vẫn đến với tôi. Năm 2018, VBA liên hệ, ngỏ lời tuyển người làm chuyên môn. Tôi suy nghĩ 2 đêm, và sau đó quyết định phục viên - tức là ra khỏi quân ngũ. Bố mẹ thì muốn từ tôi luôn, họ hàng gọi mỗi lần gặp thì trách rằng đang ở quân đội an nhàn, tội gì phải đi ra ngoài vất vả làm gì. Để vượt qua những khó khăn đó, tôi chỉ nghĩ một điều đơn giản nhất, tôi sống cho mình, mình chỉ có một cơ hội sống với tuổi trẻ này. Tôi quyết định ra quân, và tới thời điểm này tôi thấy quyết định đó của mình đúng đắn. Bởi mỗi ngày thức dậy, tôi đều tràn trề sinh lực để đi làm, không còn chán nản như lúc trước. Tôi lựa chọn công việc mà lúc nào mình cũng có thể làm việc 100%.

Tôi bắt đầu vào VBA làm từ tháng 5/2018 mà không có một chuyên môn cụ thể về bất kỳ lĩnh vực nào. Cứ mỗi thứ tôi lại hỗ trợ một chút: từ chuyên môn, Logistics, Marketing,... Tới đầu năm 2020, anh sếp mới nghĩ ra ý tưởng về một chương trình truyền hình thực tế. Tôi được lựa chọn tham gia vào dự án này vì từng trải qua nhiều góc nhìn khác nhau. Chương trình này chính là Người Hùng Sân Đấu, kể lại những "góc" trong bóng rổ mà fan không thể thấy được trên sàn đấu hay trên tivi. Người Hùng Sân Đấu sẽ đi xuyên suốt mùa giải VBA 2020, ghi lại những câu chuyện đằng sau sân đấu của cầu thủ: họ tập luyện, giải trí, sinh hoạt ra sao, và cả những nỗi nhớ nhà,...

commissioner executive vba 10 nam truong thanh tu san cam va uoc mo phat trien bong ro viet nam - anh 0

Nhưng Người Hùng Sân Đấu không chỉ kể chuyện người hùng cầu thủ. Năm nay là một năm đáng nhớ của VBA. Trước tình hình dịch Covid-19, ban tổ chức phải dời lịch không biết bao nhiêu lần, rồi khó khăn trong việc mời trọng tài người nước ngoài, hay lên kế hoạch làm sao để đội Đà Nẵng có thể thi đấu khi Đà Nẵng đang là trung tâm của dịch như vậy. Bỏ qua những lời dèm pha của báo chí hay các fan tiêu cực bảo rằng đến NBA cũng đóng cửa thì VBA làm sao có thể tổ chức, khi chứng kiến sự nỗ lực của cả một tập thể nhiều đến như thế, tôi cũng không tránh khỏi xúc động.

VBA giống như một giải đấu mentor, một đầu tàu cho tất cả phong trào bóng rổ khác. Khi giải đấu phát sóng trên tivi, lên fanpage đưa tin như thế thì các giải đấu nhỏ hơn, những phong trào ở các tỉnh thành, những lò đào tạo nhỏ,... sẽ xem đó là một động lực, các cầu thủ ở đó sẽ nuôi dưỡng ước mơ tập luyện, cố gắng để được đứng trên sân đấu của VBA.

commissioner executive vba 10 nam truong thanh tu san cam va uoc mo phat trien bong ro viet nam - anh 0

Cầu thủ bóng rổ Việt Nam đang tiến bộ rất nhanh. Hiện nay có những cầu thủ chỉ mới 18 tuổi mà đã được thi đấu VBA hay những giải chuyên nghiệp rồi. Có thể số phút họ thi đấu trên sân không nhiều, nhưng họ được tập luyện với huấn luyện viên nước ngoài và những giáo án đem từ nước ngoài về. Bây giờ cũng có nhiều giải đấu hơn như giải vô địch quốc gia, giải trẻ U18, U19, U23 hay VBA,... Như vậy, trong một năm các cầu thủ sẽ được tập luyện và thi đấu liên tục, được cọ xát nhiều hơn nên sẽ phát triển mạnh về thể chất, thể hình lẫn tư duy chơi bóng. Kim Bản, Phú Vinh, Tuấn Anh là những cầu thủ mà tôi cảm thấy sẽ là tương lai của bóng rổ Việt Nam sau này. Họ chỉ mới 19, 20 tuổi và còn chặng đường dài để phát triển, hứa hẹn một tương lai không xa bóng rổ Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên bóng rổ Đông Nam Á.

Thanh xuân 10 năm của cựu cầu thủ Mẫn Trần cũng là hành trình bóng rổ Việt Nam chuyển mình và trưởng thành. Đồng hành cùng bóng rổ dài hơi như vậy, chứng kiến từng thay đổi nhỏ nhất đến lớn nhất, nhưng anh lại chưa từng đòi hỏi bóng rổ phải cho mình một danh hiệu hay vị trí nào cụ thể: "Bóng rổ là toàn bộ cuộc sống của tôi. Tôi dành nhiều thời gian cho nó. Tôi nghĩ mục tiêu của mình hiện tại là giúp bóng rổ phát triển. Khi nào bóng rổ còn cần những giá trị tôi đang có, tôi sẽ còn làm. Công việc này cho tôi sự hạnh phúc, được tiếp tục nuôi dưỡng đam mê của mình". 

commissioner executive vba 10 nam truong thanh tu san cam va uoc mo phat trien bong ro viet nam - anh 0

Ước mơ mà anh và VBA đang hướng đến, là hình ảnh một giải đấu thể thao - giải trí chuyên nghiệp số 1 Việt Nam. VBA sẽ trở thành một sự kiện đúng nghĩa: là nơi diễn ra những trận đấu nghẹt thở, nhưng không thiếu những màn trình diễn sôi động. Không chỉ vậy, VBA còn là nơi những cầu thủ bóng rổ và những người đam mê bóng rổ - như anh Mẫn, hay như nhiều bạn trẻ khác được cống hiến hết mình trong mọi khoảnh khắc. 

Với tâm huyết của những "người hùng thầm lặng" đang miệt mài cống hiến từng ngày, người hâm mộ bóng rổ tại Việt Nam hoàn toàn có quyền tin tưởng vào một tương lai lớn mạnh của môn thể thao này. Chỉ cần thêm một khán giả biết đến bóng rổ hay yêu thích VBA, đó đã là một niềm hạnh phúc lớn lao của những người đứng đằng sau.

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ