Câu chuyện du học sinh trở về nước và "thất vọng" về thu nhập, chế độ đãi ngộ tại Việt Nam luôn được bàn luận khá nhiều trong thời gian qua.
Từ trước đến nay, không khó để nhận ra nhiều bạn chọn du học nước ngoài bởi tấm bằng giá trị tại môi trường giáo dục nước ngoài và khả năng ngoại ngữ tốt, chính vì thế họ có tâm lý sẽ dễ dàng đạt được mức lương "cao hơn mặt bằng chung" tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều du học sinh trở về nước và tỏ ra thất vọng khi nhận được mức thu nhập không như kỳ vọng, thậm chí còn thấp hơn sinh viên học tập trong nước. Lý do vì sao?
"Việc đi ra nước ngoài học không còn là vấn đề quá to lớn, chưa chắc môi trường nước ngoài đã hơn môi trường học tập trong nước. Khả năng tự học của các du học sinh chưa chắc sẽ cao hơn các bạn học tập ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh 4.0 này.
Nếu đi du học bằng tiền đầu tư của bố mẹ bỏ ra, nhưng sang bên đó lại không tận dụng khoảng thời gian quý báu để nâng cao năng lực trình độ, mà chỉ suy nghĩ học để lấy bằng thôi, khi về nước, chắc chắn sẽ không cạnh tranh nổi" - PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ quan điểm của mình.
Những người đi du học đều đã trang bị cho mình những năng lực cơ bản của công dân toàn cầu: năng lực ngoại ngữ, nhận thức được sự khác biệt... Tuy nhiên, những điều đó không hẳn sẽ đảm bảo cho sự thành công, mà còn phải bổ sung nhiều kỹ năng khác như: năng lực tư duy, sáng tạo, cách thích ứng linh hoạt với môi trường mới, năng lực công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực chuyển đổi số…
Thực tế, nếu chúng ta đi học ở nước ngoài nhưng không học được những phương pháp tự học, tự cập nhật một cách liên tục thì sẽ có một lúc nào đó kiến thức cũng sẽ bị cũ, trở nên lỗi thời và không thể cạnh tranh được, kể cả là với sinh viên trong nước.
Không nên thần thánh hoá việc du học về nước, mặc dù với các nhà tuyển dụng, các ứng viên là du học sinh có những lợi thế nhất định, song, so với họ, ứng viên trong nước cũng hoàn toàn không thua kém. Quan trọng nhất là cần thay đổi thái độ với công việc, học để tạo ra những giá trị mới hoặc đóng góp thêm sáng kiến hữu ích cho xã hội bằng tri thức của mình. Điều đó mới quyết định được giá trị bản thân và nhà tuyển dụng sẽ trả lương cho bạn mức nào.