Từ những màu đơn giản có trên các khối rubik, Đỗ Đức Hải đã biến những góc cạnh khô cứng của Rubik thành những bức chân dung có chiều sâu và nhận được nhiều sự yêu mến của cộng đồng mạng.
Nhìn những bức chân dung vẽ bằng rubik của "họa sĩ" Đức Hải, có lẽ chẳng ai tin những khối vuông sắc màu đầy góc cạnh và cứng nhắc ấy lại trở nên có hồn đến như vậy. Dù khởi điểm bị đánh giá là "bất khả thi" với những cái lắc đầu ngao ngán từ gia đình và bạn bè xung quanh, nhưng bằng sự kiên trì và niềm đam mê của mình mà anh Đỗ Đức Hải đã tạo được ấn tượng sâu sắc với cộng đồng mạng.
Kết nối đến chủ nhân của những bức tranh rubik đang gây sốt mạng xã hội những năm qua, anh Đỗ Đức Hải đã có những chia sẻ cùng về niềm trăn trở với bộ môn khó "thương mại hóa" này và dự định phát triển, mở rộng hoạt động vẽ tranh rubik với những người có cùng niềm đam mê.
"Người nước ngoài làm được thì mình cũng làm được"
Từ một chàng trai làm công việc giao hàng, anh Đỗ Đức Hải, 28 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội đã bắt đầu niềm đam mê với vẽ tranh chân bằng Rubik đã 3 năm nay. Vào năm 2018, anh có đọc một bài báo viết về một họa sĩ nước ngoài xếp những khối rubik thành một bức tranh hoàn chỉnh. Đức Hải đã ngưỡng mộ và khẳng định: "Người nước ngoài làm được thì mình cũng làm được", niềm đam mê "chớm nở", Đức Hải quyết tâm theo đuổi và tìm đến 5 hàng đồ chơi để gom được 50 khối rubik và bắt đầu sự nghiệp ghép tranh từ đây.
Đam mê rubik từ 10 năm trước, đến nay, anh chia sẻ đã xếp được rubik khối 5x5, không chỉ là "giải mã" trò chơi trí não đơn thuần. Anh chàng chợt nhận ra đây không đơn thuần chỉ là một sự giải trí mà nó đã trở thành niềm đam mê vô cùng lớn ở nghệ thuật ghép tranh.
Thời gian đầu, rubik còn ít, Đức Hải chỉ bắt đầu với những hình nhỏ và đơn giản như ngôi sao, trái tim, chữ cái,... Khi làm đòi hỏi sự tập trung tư duy cao và kiên trì trong một khoảng thời gian dài, khó khăn lớn nhất là phải tư duy, phối màu, tạo những nét bo cong phải làm thật mềm mại sao cho không bị cứng nhắc.
Trung bình những bức tranh khổ lớn phác họa chân dung "ngốn" mất của anh chàng họa sõ rubik này gần cả tuần, bao gồm quá trình lên ý tưởng phối màu và sau đó sắp xếp các khối rubik lại với nhau theo đúng bản phác họa.
"Có những lúc muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ lại lý do bắt đầu mình lại kiên trì ngồi xếp tiếp. Giờ thì đã quen với công việc, từ lúc lên ý tưởng, xếp, chỉnh sửa khoảng 4 - 5 ngày mình có thể làm xong một bức tranh chân dung" - anh Đỗ Đức Hải chia sẻ.
Chia sẻ với , Đức Hải tâm sự rằng trước đây gia đình anh khá khó khăn nên không được theo học bất kì trường lớp nghệ thuật nào. Hơn hết, xếp tranh rubik còn là một bộ môn mới ở Việt Nam chưa có ai làm, cũng không có cộng đồng hay hội nhóm để chia sẻ kiến thức. Chính vì thế, anh đã tự tìm tòi tất cả cả các khâu từ việc mua, chọn rubik, nghiên cứu cách xếp, phối màu tranh, quay dựng video làm kỉ niệm,... tất cả đều bắt đầu từ con số 0.
"Thời gian đầu, gia đình mình phản đối khá là nhiều, vì tự nhiên mua rubik số lượng lớn về rồi bảo là ghép tranh, ai cũng nói là sẽ không khả thi. Cho đến khi mình hoàn thành các tác phẩm được mọi người khen ngợi rất nhiều thì gia đình mới ủng hộ như bây giờ".
Làm thì cực nhưng vì đam mê thôi chứ không có tiền...
Trên thế giới, họa sĩ ghép tranh rubik có thể thương mại sản phẩm của mình lên đến hàng ngàn USD. Chẳng hạn nghệ sĩ người Ý, Giovanni Contardi đã trở nên nổi tiếng trên thế giới nhờ biệt tài biến những khối Rubik nhiều màu thành chân dung của hàng loạt siêu sao thế giới như Rihanna, Justin Timberlake, LeBron James... Không những thế, Giovanni Contardi còn có thể kiếm hàng ngàn USD nhờ bán tranh từ khối rubik.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, người theo đuổi bộ môn này chỉ có thể dừng lại ở "đam mê" đơn thuần chứ không thể phát triển mang tính thương mại hóa. Những bức tranh chân dung mà Đức Hải thực hiện dù được rất nhiều người ủng hộ nhưng để tìm ra một cồng động có cùng đam mê để phát triển là rất khó.
"Kể ra mà có team để làm tranh này thì vui nhỉ, mỗi người một khâu, một công việc. Còn bây giờ do chỉ có một mình làm từ đầu đến cuối nên hơi cực. Thật ra cũng có một số bạn tìm đến mình để học hỏi nhưng các bạn đã sớm bỏ cuộc vì không có sự kiên nhẫn" - anh Đỗ Đức Hải bày tỏ sự khó khăn trong vệc tìm kiếm người đồng hành cùng mình.
Tốn công, tốn sức, tốn chất xám và tốn cả thời gian, nhưng không thể khai thác thương mại mà chỉ thực hiện quay clip và chụp hình lại làm kỉ niệm, Đỗ Đức Hải cũng tỏ ra tiếc nuối: "Mình làm xong chỉ chụp và quay video quá trình lại để làm kỉ niệm, chứ mình không giữ lại được tác phẩm nguyên vẹn vì phải tháo xuống để làm tác phẩm khác. Mỗi lần dỡ xuống cũng tiếc công sức lắm nhưng không gỡ xuống thì không làm được tiếp nữa".
Thời gian tới, Đỗ Đức Hải mong muốn có thể hợp tác với đơn vị nghệ thuật nào đó để tạo ra những bức trang lớn hơn, mang nhiều chủ để khác hơn để nhiều người biết đến bộ môn này. Đồng thời, anh cũng tham vọng xa hơn sẽ có một cộng đồng những người yêu rubik, thích xếp trang và dạy cho các em nhỏ sự kiên trì, nhanh nhẹn và tư duy hình khối tốt hơn.
Dự án phục chế ảnh trắng đen nhân vật lịch sử và những bức họa "chữa lành" giữa đại dịch
Chia sẻ với về tấm ảnh mà Đức Hải tâm đắc nhất, anh cho biết đó là bức tranh phục chế ảnh đen trắng của Bác Hồ thời còn trẻ, năm Bác ra đi tìm đường cứu nước sang tranh màu rubik. Đây cũng là bức tranh anh tốn nhiều thời gian nhất với 1 tuần thực hiện.
"Thời gian tới mình vẫn tiếp tục các dự án phục chế ảnh đen trắng các nhân vật lịch sử như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi. Để lồng ghép các thông điệp lịch sử hoặc cho các em học sinh tiếp cận học sử một cách mới mẻ hơn so với truyền thống. Việc lên màu một bức ảnh trắng đen khiến mình cảm thấy rất sướng và tự hào" - Đức Hải chia sẻ về dự án tâm huyết sắp tới của mình.
Bên cạnh đó, giữa lúc tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp cùng với những mất mát đau thương vẫn còn tiếp diễn trên cả nước. Hiểu được điều đó, Đức Hải tiết lộ rằng sẽ thực hiện thêm nhiều bức tranh mang tính "chữa lành" tinh thần để gửi tặng đến mọi người, đồng thời cũng để tri ân các bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch trong suốt thời gian chống dịch vừa qua.
"Mình hy vọng, cuộc sống bình thường sẽ thực sự trở lại bình thường, dịch bệnh sẽ sớm qua đi để chúng ta có thể đón một cái Tết bình an bên gia đình với đầy đủ những người mình thương yêu" - Đức Hải chia sẻ.
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL