Các chủ đề của Ánh My chủ yếu xoay quanh phụ nữ và những vấn đề liên quan đến "đàn ông" xoay quanh họ. Cô tâm sự bản thân cũng từng vấp ngã trong yêu đương và có tham vọng giúp phụ nữ có thể tìm được "chân ái" của cuộc đời mình, bằng kỹ thuật - học hỏi chứ không phải vì cảm xúc nhất thời.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hơn 10 người phụ nữ và đa số họ đều từng đổ vỡ hôn nhân, Ánh My hiện là diễn giả trẻ tuổi nhất Việt Nam. Cô sở hữu kênh TikTok hơn 1 triệu follow với hàng trăm clip "triệu view" được dân mạng bàn tán xôn xao.
Bên cạnh những thành công ở độ tuổi 23, Ánh My cũng vướng không ít tranh cãi vì bị dân mạng nói "trứng mà đòi khôn hơn vịt". Đối diện với những câu hỏi thẳng thắn như vậy, liệu rằng "diễn giả sinh năm 1999" này sẽ nói gì?
Mỗi ngày đều đọc bình luận: Trứng mà đòi khôn hơn vịt!
Bắt đầu hành trình trở thành diễn giả, Ánh My có cảm thấy hơi "mông lung"?
Để nói tôi có trở thành diễn giả thực thụ hay chưa thì thật sự vẫn chưa. Tôi còn nhớ lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tính đến nay xuất hiện với vai trò 1 diễn giả, đó là buổi nói chuyện với các bạn sinh viên tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Hiện tại, cái tên Ánh My vẫn nghiêm túc và miệt mài theo đuổi danh xưng "diễn giả" này.
Vì sao tôi nói mình vẫn đang học hỏi, vì ngồi đối diện nhau thế này, nói chuyện 1-1 tôi rất tự tin. Tuy nhiên, đứng trước hội trường vài trăm người, thậm chí là với những diễn giả chuyên nghiệp có thể lên đến con số cả nghìn người thì vẫn còn là cả một sự phấn đấu. Bởi chỉ cần "sượng trân" 2-3 giây thôi, phát ngôn của mình dễ khiến người khác không tin tưởng, thậm chí là người ta chê rồi.
Nhưng đây là nghề mà người khác nhìn vào đôi khi sẽ thắc mắc: Kiếm tiền bằng cách nào?
Thực tế là mình phải có niềm tin vào thứ mình theo đuổi. Tôi nghĩ bản thân phải tin rằng cái tên Ánh My sau này có thể là diễn giả Ánh My. Khi đi theo con đường mình đã chọn, nghĩa là nó phải giúp tôi kiếm sống và trao đi được giá trị mà tôi mang đến cho mọi người.
Ở ngay lúc này đây, tôi vẫn đang miệt mài đi tìm kiếm những người tạm gọi là "khách hàng", nói hoa mỹ hơn thì có thể là những khán giả đang có nhu cầu được nghe người khác nói.
Truyền thông là điều rất tốt để có thể đưa cái tên Ánh My đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là những clip TikTok triệu view, bạn nghĩ thế nào?
Phải nhìn nhận vào sự thật rằng với những diễn giả nổi tiếng trên thế giới, truyền thông của họ rất mạnh. Mạnh ở đây là 1 câu nói của họ đủ sức ảnh hưởng để thay đổi tư duy của cả 1 con người, một nhóm người. Nhiều tập đoàn, công ty lớn thay vì "rao giảng" đạo đức - tư duy làm việc của nhân viên qua những email khô khan, họ đã mời những diễn giả nổi tiếng về để làm công việc đó.
Ở Việt Nam, tôi bắt đầu công việc này với khá nhiều rào cản. Rào cản lớn nhất là có thể trên truyền thông, MXH, cư dân mạng thay vì "tiếp thu", họ chọn cách phản ứng gay gắt rằng "bé này mới sinh năm 1999 nhưng thích lên mạng rao giảng đạo đức, trứng mà đòi khôn hơn vịt… Đó là những bình luận tôi phải đọc mỗi ngày. Tuy nhiên, tôi cũng lấy đó làm những bài học để lấy kinh nghiệm cho show riêng của mình sắp tới.
Ở quan điểm tôi, không nên kết hôn với đàn ông dưới 24 tuổi vì họ còn… non lắm!
Trên thực tế xã hội hiện nay có rất nhiều người thích nghe "chuyện đạo lý", nhưng nếu người nào đó nói đạo lý quá nhiều thì họ lại không thích nữa, thậm chí chuyển sang làm… anti-fan. Bạn đã chuẩn bị tâm thế cho chuyện này?
Tôi nghĩ có người thích và người ghét là chuyện bình thường. Không riêng diễn giả, ngoài kia ngôi sao showbiz nổi tiếng nhất nhì còn có anti-fan, hay một người ngoài đời, ai chẳng có người yêu kẻ ghét.
Bây giờ kể ra khi tôi nói một câu đúng, người ghét Ánh My cũng sẽ "cảm thấy ghét". Ánh My thở thôi, họ cũng sẽ ghét. Thay vì quan tâm người đời nói gì, tôi cứ nắm vững một giá trị và đi thẳng về phía trước.
Mục đích cuối cùng của tôi là muốn phụ nữ hạnh phúc và nhận được sự tôn trọng từ cánh mài râu. Ai có chửi mắng tôi cũng… mặc kệ đi vậy.
Nhưng ở độ tuổi sinh năm 1999, bạn tìm kiếm "chất liệu" ở đâu trong chuyện hẹn hò, thậm chí là hôn nhân gia đình để "diễn giả" cho những đối tượng này?
Ngoài việc đi học bài bản về tâm lý học, có hai thứ tác động lớn nhất đến với tôi. Đầu tiên là tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có 10 người con gái. Và hầu như họ đều đổ vỡ trong hôn nhân. Ngay cả bà tôi cũng là người có đến 4 đời chồng. Thứ hai, tôi là một cô gái yêu sớm và tôi tự thấy mình có "khứu giác" nhạy bén để đánh hơi ra sự thay đổi của những người đàn ông. Đó là lý do mà mỗi lần tôi lên những clip TikTok, rất nhiều cô gái, các chị và những mẹ bỉm sữa phải bình luận "ủa sao bé này nói đúng vậy".
Là bởi vì, chính tôi cũng từng bị nghe những câu nói như vậy của các anh cả rồi. Nói thẳng ra, tôi từng bị rất nhiều người đàn ông ứng xử tệ. Nhưng nhờ đó mà kinh nghiệm cho tôi hiểu rằng, không quan trọng chuyện đến với mình nó ghê gớm thế nào, quan trọng là mình xử lý nó ra sao mà thôi. Và cách tôi xử lý nó cho tôi kinh nghiệm ở thời điểm bây giờ.
Vậy thì bạn có thể ví dụ giúp tôi, một sai lầm cơ bản mà bạn thường xuyên phải tư vấn cho các chị em khi chẳng may gặp phải "đàn ông tệ" nó như thế này không?
Đa số khi tôi hỏi khách hàng của mình "lý do vì sao chị lấy anh này" thì đa số đều trả lời "tại ảnh dễ thương, ảnh tốt". Nhưng thực tế, người ta tốt với bạn chắc gì họ yêu bạn? Và thêm nữa, chẳng lẽ đi cua gái, các anh phô phang những thói hư tật xấu của mình ra cho các chị xem ư? Vậy nên, với tôi, dễ thương hay tốt chưa đủ để mình đánh giá - đưa ra quyết định cưới làm chồng hay không.
Theo tôi, ở những trường hợp như vậy, chúng ta (phụ nữ) phải biết nhìn vào sự phát triển bản thân của người đàn ông đó. Họ phải có độ trưởng thành nhất định thì mình mới có thể "chen" vào cuộc đời của họ. Ở góc nhìn của tôi, chúng ta không nên bước vào hôn nhân với một người đàn ông dưới 24 tuổi. Kể cả về kết nối lẫn nhận thức của họ còn "non" lắm, mà phụ nữ chúng ta thì trưởng thành sớm hơn.
Giả sử như nghe những video chia sẻ, thậm chí quan điểm của bạn xong, nhiều phụ nữ chợt có xu hướng… "ghét đàn ông" và "không tin vào hôn nhân" thì sao nhỉ?
Thì tôi nghĩ mình sẽ hơi buồn đấy, vì điều tôi muốn truyền đạt nó không phải vậy. Cái tôi hướng đến cho phụ nữ chính là chuyện họ phải nâng cấp phiên bản của mình lên. Mình là ai, mình sẽ quyết định được người đàn ông đến với mình họ có xứng đáng hay không.
Tuy nhiên, đúng là có rất nhiều người xem nói giống bạn, cảm thấy không tin vào hôn nhân. Như vậy họ phải tìm cách xem sao cho đầy đủ, phải tìm hiểu những khoá học về tình yêu mà ở đó bạn sẽ không bị năng lượng tiêu cực "ghét đàn ông thế này thế kia". Làm gì cũng vậy, cần phải có một bức tranh toàn cảnh chứ không phải chỉ nghe "demo" vài ba giây là xong.
Trên thực tế thì hiện nay tại Việt Nam, những talk show - bài học, thậm chí là các chương trình tôn vinh "nữ quyền" chiếm sóng rất nhiều. Vậy thì đâu cần học làm gì nữa nhỉ?
Tôi nghĩ thế này, học là cái học suốt đời, nhiều khi mình học không phải là để mình nâng cao cái giá trị, mình học để biết thêm nhiều cái mới trong cuộc sống. Ngay chính tôi, tôi cũng mua rất nhiều khoá học từ dựng video, photoshop, tiếng Anh… Nhưng tôi học xong không có nghĩa là tôi theo ngành đó, tôi học để biết xem nó rốt cuộc "vận hành" như thế nào.
Quay trở lại cái câu hỏi của bạn, tôi thấy thật sự là việc đấu tranh cho nữ quyền ở Việt Nam nó không cần thiết. Tại vì khi mình càng đấu tranh cho cái gì thì có nghĩa là cái nỗi đau đó nó càng lớn. Tôi nghĩ là mình hãy xem cái việc "quyền" giữa nam nữ đó là bình thường. Nữ có vai trò của nữ, nam có vai trò của nam, mình chẳng việc gì phải đấu tranh cả. Nói đơn giản, nếu như mình trau dồi bản thân của mình để trở thành người phụ nữ có giá trị cao thì tự động những anh người đàn ông có tầng số "thấp hơn", quan điểm cổ hủ, gia trưởng sẽ không trong tầm mắt mình nữa. Tự động sẽ chẳng có gì để đấu tranh luôn!
Đàn ông được thiết kế sinh học cho việc họ… ngoại tình
Tự dưng bạn nói vậy, tôi lại thấy bây giờ có khi đàn ông mới nên là đối tượng đòi sự "bình đẳng" nhỉ?
Khi tìm hiểu, đào sâu vào tâm lý của các anh, tôi phải thốt lên một câu: Thật ra trong tình cảm họ quá khổ đi! Bởi vì sao, đàn ông có thể thích rất nhiều người, nhưng yêu thì lại rất khó. Chưa kể đàn ông ở Việt Nam, họ bị áp đặt một thứ gọi là "định kiến giới", đàn ông là phải tri thức, đàn ông là phải mạnh mẽ, là phải trách nhiệm… Nghe sơ vài câu khẩu hiệu thôi cũng đã chóng mặt rồi.
Họ có nhiều vấn đề về tâm lý như vậy, nhưng ai ở ngoài dám đứng lên nói "đàn ông cũng không mạnh mẽ, không muốn phải chịu trách nhiệm" quá nhiều không? Hay khi nói câu đấy ra, họ sẽ bị miệt thị một câu mắng "định kiến giới" là "đồ đàn bà"? Hơn nữa, tôi thấy có rất nhiều khoá học nhảm nhí dành cho các anh như: 7749 cách khiến phụ nữ phải mê mệt bạn từ cái nhìn đầu tiên… Hiện tại vẫn chưa có khoá học chính thống nào cho các anh. Vậy nên nếu anh nào muốn tìm kiếm tình yêu nghiêm túc, thì có thể ra nhà sách mua đầu sách về tình yêu chẳng hạn, đó là một cách để hiểu phụ nữ hơn. Tôi nghĩ đàn ông nên đấu tranh cho việc "được học để yêu" chứ không phải việc "cách làm sao để không đưa tiền cho vợ nha, cái này thì tôi ủng hộ các chị vợ.
Vậy ở góc độ của bạn, bởi vì dễ thích khó yêu nên dẫn tới chuyện nhiều anh con trai… ngoại tình hơn các chị em con gái?
Tôi nghĩ đàn ông ngoại tình nhiều vì đàn ông sinh ra không để chung tình. Ở đây là phần yếu tố sinh học của họ cũng được thiết kế như vậy. Các bạn có thể tham khảo những tài liệu nghiên cứu nổi tiếng trên mạng về vấn đề này.
Nhưng nhiều người lại cho rằng đàn ông thành đạt hay các vị đại gia dễ ngoại tình hơn. Ánh My nghĩ việc này có đúng không?
Cũng có mà cũng không. Tại vì nếu anh ta thật sự yêu vợ mình, thì giàu hay nghèo thì vẫn không ngoại tình. Tuy nhiên, nếu người đàn ông đại gia mà ngoại tình, thì môi trường chỉ là yếu tố phụ để "đưa lối" anh ta đến với tiểu tam thôi. Cốt lõi chính là việc anh ta không yêu vợ mình từ trước, sẵn có những yếu tố phụ như tiền tài, xe hơi, cổ phiếu… đưa cô ta đến thì anh ta "nhận" thôi.
Hiện tại có rất nhiều cô gái trẻ có gu kỳ quặc đó là… yêu đàn ông đã lập gia đình. Tại sao nhỉ?
Tôi nghĩ đó là vì tâm lý bên trong họ có sự khập khiễng, một niềm đau nào đó mà họ muốn người khoả lấp là những anh đàn ông đã lập gia đình chăng? À, phần lớn những người phụ nữ như vậy họ sẽ đều "dễ yêu". Họ không có cuộc sống của riêng họ, và khi ai đến thì họ nhận lấy tình cảm thôi. Chẳng hạn như khi cô đang không có tài chính, mọi thứ "oải oải yếu yếu" thì gặp được người đàn ông ổn định nhưng có sự tiêu cực trong hôn nhân, như vậy là họ nghiễm nhiên trở thành "tuesday" thôi.
Hiện tại, công việc mà Ánh My theo đuổi bị nhiều người phán xét là "nói đạo lý" hay thích "đem cảm xúc cá nhân của mình áp đặt cho số đông". Chẳng hạn như những lý lẽ Ánh My nói ở trên, sẽ rất nhiều người dễ dàng nói với bạn rằng bạn đang hơi "định kiến cá nhân". Bạn nghĩ sao?
Đúng, thực tế là có không ít diễn giả họ bị "cảm xúc" lẫn sự "định kiến" áp đặt. Riêng tôi, tôi đã có một bài học nhớ đời từ 1 người thầy là diễn giả người Mỹ nói tiếng, càng học tôi càng nhận ra rằng: Người diễn giả nằm ở vị trí người tư vấn, phải biết dựa vào thước đo hạnh phúc và nói 1 cách khách quan nhất. Chẳng hạn như nếu có 1 diễn giả, họ vấn khách hàng khi nghe cô ấy trình bày về cuộc hôn nhân của mình như thế này: Em bỏ ảnh đi, ảnh đánh em thì em đánh lại! - Với tôi đánh giá, như vậy là định kiến. Còn nếu là một người tư vấn - một diễn giả chuyên nghiệp, họ sẽ phải đưa ra 1 lời khuyên tốt nhất trong khoảng thời gian mà khách hàng của mình nên làm. Chẳng hạn: Trong thời gian này, để không bị đánh nữa em nên tách ra, em nên chỉnh sửa hôn nhân của mình", nếu tệ lắm rồi mới đưa ra phương án B.
Khi mình là người tư vấn, mình không được thay đổi người khác, mình cứ nói quan điểm của mình thôi, việc họ thay đổi hay không là việc của họ. Nếu mình bực mình, nghĩ rằng tại sao họ không thay đổi, họ không làm như thế này, thì mình đã muốn thay đổi người khác rồi. Thầy tôi đưa ra 1 hình ảnh mình giống như người gieo hạt, hạt đã gieo rồi, nhưng vào đầu họ có "nảy mầm" hay không thì tuỳ theo phiên bản của họ đã sẵn sàng hay chưa, chứ đừng cảm thấy buồn phiền gì cả.
Người yêu cũ của Ánh My liệu có xem hết các clip bạn nói về "đàn ông" không nhỉ?
Tại vì tôi chặn hết rồi nên cũng không biết họ nói gì cả. (Cười lớn)