Có một album tệ đến mức tác giả không buồn phê bình, mà chỉ đặt con số 0 bên cạnh một đoạn clip 10 giây...
1. Zaireeka - Flaming Lips
Zaireeka là album đầu tiên nhận được con số 0 tròn trĩnh trong lịch sử Pitchfork. Trớ trêu thay, sự sáng tạo lại là nguyên nhân chính dẫn đến bài phê bình tiêu cực này.
Trong quá trình sản xuất, nhóm nhạc Flaming Lips đã quyết định phân chia album thành 4 mảnh ghép trong 4 đĩa CD khác nhau. Mỗi đĩa CD sẽ chứa đựng mỗi thành phần của album như đĩa 1 sẽ là giọng hát, đĩa 2 là trống, đĩa 3 là guitar, đĩa 4 là bass... Nói cách khác dễ hiểu hơn, để có thể nghe trọn vẹn album ở thời điểm năm 1997 lúc bấy giờ, bạn phải sở hữu 4 máy phát đĩa. Pitchfork đã không hề ấn tượng đối với ý tưởng này của Flaming Lips.
Cụ thể, Jason Josephes (chuyên gia âm nhạc của Pitchfork) cho rằng đây là một ý tưởng nực cười để phát hành một album. Để có thể thực hiện bài phê bình này, ông đã phải nghe từng đĩa một sau đó tự ghép nối nó trong đầu để hình dung được sự thiên tài đằng sau ý tưởng này. Tuy nhiên, vì thiếu công cụ hỗ trợ nên sự hình dung đó đã trở nên méo mó, kết quả dẫn đến con số 0 tròn trịa. Song, Jason vẫn công nhận âm thanh mà từng đĩa mang lại là "thú vị" và nếu như hiện tại nhóm nhạc quyết định hợp nhất 4 đĩa lại với nhau, ông vẫn sẵn sàng bỏ thời gian thưởng thức.
2. Smile From The Streets You Hold - John Frusciante
Đây là một trường hợp kinh điển thể hiện cho việc "đá chéo" sân thất bại của các nghệ sĩ.
John Frusciante là một tay guitar cừ khôi của nhóm nhạc Red Hot Chili Pepper đình đám những năm thập niên 90. Sau một thời gian hoạt động, John quyết định dấn sân trở thành nghệ sĩ solo và phát hành album đầu tay của mình. Tuy nhiên, "dục tốc bất đạt", sự thiếu chuẩn bị lại là rào cản lớn nhất ngăn anh đạt được ước mơ.
Cụ thể, theo như James P. Wisdom đánh giá, trong khi John đã xử lý phần guitar tương đối đặc sắc trong album Smile From The Streets You Hold, chất giọng của anh ta đã phá hỏng mọi thứ. "Nếu như tiếng guitar trong trẻo tựa như đợt tuyết sớm của mùa đông thì chất giọng của John là cơn gió nhiệt mùa hè thổi tan mọi thứ" - James ví von trong bài phê bình. Theo đó, album của thành viên Red Hot Chili Pepper được mệnh danh là album gây khó chịu nhất trong lịch sử âm nhạc.
3. Music From "The Elder" - Kiss
Định nghĩa cho một màn thử nghiệm âm nhạc thất bại chính là album Music From "The Elder".
Được biết, Music From "The Elder" là album phòng thu thứ 9 của nhóm nhạc Kiss chỉ sau 7 năm hoạt động. Tại sản phẩm này, nhóm nhạc đã quyết định thử nghiệm sang thể loại art rock thay vì hard rock. Sự thay đổi này của Kiss đã nhận về một bài phê bình tiêu cực từ Pitchfork.
Cụ thể, theo đánh giá Jason Josephes, sự thay đổi trong thể loại đã khiến cho Kiss dường như đánh mất đi điểm sáng nhất trong chính sản phẩm của mình. Album lần này có vẻ kiệm người nghe và khó tiếp thu hơn. Trong khi trước đó nhóm nhạc đã thể hiện vô cùng xuất sắc ở thể loại hard rock trong 8 album trước. Theo đó, Jason còn đánh giá rằng Music From "The Elder" mang màu sắc như album Animalize hay Hot In The Shade: nhạt nhòa từ giai điệu đến lời nhạc. "Đây là một album tồi tệ, tồi tệ, cực tồi tệ" - Jason nhấn mạnh.
4. NYC Ghosts & Flowers - Sonic Youth
NYC Ghosts & Flowers là album nhóm nhạc Sonic Youth sáng tác nhằm thể hiện tình yêu đến quê hương New York của mình. Tuy nhiên, tình yêu này lại được thể hiện qua những cô nàng siêu sao, những chàng trai ngoài hành tinh hay thậm chí "đá xéo" Chicago (thành phố thứ hai của Hoa Kỳ).
Trong bài phê bình của Brent DiCrescenzo, ông đã không trực tiếp chê bai sản phẩm. Nhưng lý lẽ của Brent đanh thép đến mức khiến cho người đọc cũng không muốn lắng nghe album một lần. Cụ thể, về chất lượng, ông đánh giá Sonic Youth đã vô cùng cẩu thả trong việc sáng tác lời nhạc đến công đoạn sản xuất giai điệu. Chưa dừng lại ở đó, Brent còn nhận định rằng nhóm nhạc hát không khác gì đọc. Xuyên suốt 8 ca khúc, cho dù có "đảo ngược" cả album lên cũng không tìm thấy được tình yêu dành cho New York mà nhóm nhạc đã đề ra trong phần tiểu sử. "New York nên cảm thấy xấu hổ vì đã có một nhóm nhạc viết về họ như thế này" - Brent nhấn mạnh.
5. Liz Phair - Liz Phair
Liz Phair là minh chứng cho sự đào thải nếu như nghệ sĩ không tự tái tạo bản thân qua từng kỷ nguyên âm nhạc khác nhau.
Trong bài đánh giá của Matt Lemay, anh đã nhiều lần so sánh các ca khúc trong album Liz Phair cùng với các ca khúc trong album đầu tay Exile In Guyville của cô nàng. Như H.W.C được so sánh với Flower, cả hai ca khúc đều nói cùng một chủ đề và thể loại cũng giống nhau nhưng Flower thì lại mạnh mẽ, tinh tế trong khi H.W.C lại thô thiển đến mức gây khó chịu. Rock Me (đĩa đơn thứ 5) cũng bị nhận xét tương tự. Matt nhận định vì thiếu sự tái tạo dẫn đến album phòng thu thứ 4 của Liz là cả một bầu trời quen thuộc đến nhàm chán, mặc dù nó là một album mới. "Dường như Liz vẫn chưa thể thoát khỏi cái bóng của Exile In Guyville" - Matt ngầm khẳng định.
6. Travistan - Travis Morrison
Tương tự như trường hợp của John Frusciante (thành viên nhóm Red Hot Chili Pepper), Travis Morrison cũng "đánh lẻ" từ một nhóm nhạc mang tên The Dismemberment Plan. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của anh không phải là chất giọng, mà là chất liệu sáng tác.
Cụ thể, theo Chris Dahlen, album là tổ hợp những điều tiêu cực nhất trong cuộc sống của Travis Morrison cải trang thành những câu bông đùa "nhạt hơn nước ốc". Điển hình như "All i want for Christmas is my two front teeth" (tạm dịch là điều tôi mong ước nhất cho mùa Giáng Sinh là hai chiếc răng cửa của tôi). Trò đùa tương tự được tiếp diễn trong suốt 14 ca khúc của album chỉ ngoại trừ Che Guevera Poster. Ca khúc được đánh giá là ca khúc duy nhất đạt đúng tinh thần của Travistan. Chris nhận xét: "Có vẻ như Travis đã dành hết những tinh hoa của mình tại nhóm nhạc The Dismemberment Plan rồi."
7. Shine On - Jet
Đây có lẽ là bài phê bình khắt khe nhất trong 9 album thuộc nhóm chót bảng. Bởi lẽ bài phê bình này là một trang giấy trắng. Thứ duy nhất được trình chiếu là con số 0 tròn trĩnh cùng một đoạn clip chú khỉ tự xử lý chất thải của mình...
Bài đánh giá này được thực hiện bởi Ray Suzuki.
8. This Is Next - nghệ sĩ đa dạng
Không phải sản phẩm underground nào cũng nên được "đại chúng hóa". This Is Next là một trường hợp điển hình.
This Is Next là một album tổng hợp những ca khúc indie nổi bật nhất đầu những năm 2000, bao gồm những cái tên ấn tượng lúc bấy giờ như The Prayer, Cheated Hearts, Sonic Youth hay Colleen. Sản phẩm bao gồm 15 đĩa đơn và được xuất bản bởi hãng đĩa Vice Records nhằm nâng cao tính thị trường của các sản phẩm. Pitchfork đã hoàn toàn không ủng hộ với hình thức kinh doanh này.
Theo đánh giá của Matt Lemay, anh cho rằng "nâng cao tính thị trường" chỉ là một cái cớ để Vice Records kinh doanh và kiếm thêm thu nhập. Bởi lẽ khán giả lúc bấy giờ hoàn toàn có thể lắng nghe theo các ca khúc trên tivi, đài radio hay thậm chí trên điện thoại. Sự tồn tại của This Is Next là dư thừa. "Nó là một hình thức kinh doanh vô cùng lười biếng, xứng đáng bị lên án và tẩy chay" - Matt bổ sung.
Nguồn: TH&PL