3 nhà khoa học nữ Việt Nam được vinh danh tại Giải thưởng Sáng tạo Châu Á của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2021. Trong đó có nhà khoa học đoạt giải đặc biệt.
Cụ thể, Giải thưởng sáng tạo tốt nhất năm 2021 (giải đặc biệt) đã thuộc về TS Phạm Thị Thùy Phương, Viện Công nghệ Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với công trình "Một hệ thống cảm biến sinh học mới để ước tính nhanh BOD5 và phát hiện độc tính trong nước (BODTOX)". Giải thưởng trị giá 3 triệu yên, tương đương khoảng 600 triệu đồng.
Giải thưởng này vinh danh nghiên cứu của TS Phạm Thị Thùy Phương và các cộng sự vì đã tạo ra hệ nghiên cứu cảm biến sinh học cho phép xác định giá trị BOD và độc tính trong nước chính xác với hệ số biến thiên thấp, thời gian phân tích nhanh, dễ sử dụng... để xác định nhanh chất lượng nước thải.
Chỉ cần 10 phút, hệ nghiên cứu cảm biến sinh học đo BODTOX (nhu cầu oxy sinh hóa) và độ độc đã phát hiện ra những loại nước thải không đảm bảo tiêu chuẩn để "hòa tan" với nguồn nước mặt.
Ưu điểm của hệ cảm biến sinh học đo BOD và độ độc do nhóm nghiên cứu so với sản phẩm tương tự của một số nhà khoa học trên thế giới nằm ở việc không chiếm diện tích, giá thành rẻ, chỉ cần rất ít mẫu đo, cho kết quả "siêu nhanh" và tạo ra được viên nang vi sinh đặc hiệu nên cho kết quả chính xác.
TS Phạm Thị Thùy Phương cho biết, công trình này được cô và cả nhóm ấp ủ thực hiện từ năm 2017 với những trăn trở về trình trạng nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn được xả trực tiếp vào nguồn tiếp nhận.
Hiện tại, xác định độ độc của nước bằng phương pháp phân tích truyền thống rất phức tạp, tốn nhiều công sức và thời gian; do đó, không thể được giám sát trực tuyến. Còn với sản phẩm khoa học BODTOX thì có thể được sử dụng để ước tính chính xác và xác định độc tính của nước một cách nhạy bén với chi phí thấp. Chi phí đầu tư hợp lý của BODTOX, có thể chỉ 1.000 USD cho phiên bản tiêu chuẩn và mức độ tự động hóa tối thiểu, cùng với chi phí vận hành thấp 10 USD cho mỗi lần kiểm tra.
Trong khi đó, GS.TS Lê Minh Thắng, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đoạt giải thưởng Sáng tạo xuất sắc với công trình "Chất xúc tác từ oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải để bảo vệ sự sống trên cạn và dưới nước". Giải pháp này tiết kiệm chi phí để xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường. Các chất xúc tác có thể giảm hơn 90% phát thải chất gây ô nhiễm, ổn định trong các điều kiện khắc nghiệt và có tuổi thọ cao.
Các công nghệ đa dạng để xử lý linh hoạt các chất ô nhiễm môi trường với các nồng độ khác nhau được áp dụng thành công cho một số nhà máy ở Việt Nam và giảm thiểu đáng kể mùi hôi ra các khu vực lân cận.
ThS. Đặng Thị Tuyết Ngân cũng đến từ trường ĐH Bách khoa Hà Nội đoạt giải khuyến khích với công trình "Các giải pháp thông minh để thu hồi kim loại có giá trị từ nước thải khó xử lý và chất thải điện tử cho nền kinh tế tuần hoàn".
Giải thưởng Sáng tạo Châu Á được phát động vào năm 2020 nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và hiện thực hóa một xã hội bền vững trong khu vực ASEAN.
Nguồn: TH&PL