Sau này khi nhắc về năm mở đầu thập kỷ - 2020, người ta sẽ không quên được những cuộc đối đầu trực diện và không có hồi kết giữa nghệ sĩ Việt và antifan.
Chuyện có kẻ yêu người ghét là điều hoàn toàn bình thường với một người nghệ sĩ. Khán giả có quyền thích hoặc không thích, ủng hộ hoặc phản đối một ngôi sao. Tác động của người ghét (antifan) thực chất không hoàn toàn tiêu cực. Đâu đó trên truyền thông, người ta vẫn nghe chuyện một nghệ sĩ cảm ơn antifan vì giúp họ trưởng thành. Nhưng có lẽ điều đó không thể xảy ra trong năm nay khi antifan và ngôi sao dường như nằm ở hai đầu chiến tuyến. Một trào lưu mang tên "group antifan" trên mạng xã hội khiến những cuộc chiến giữa nghệ sĩ và cộng đồng antifan ngày càng gay gắt.
Bất kỳ ai cũng có thể có group antifan chục triệu người
Trước Hương Giang, hoa hậu Phạm Hương hay nhà văn Gào cũng có một group antifan gần hàng chục ngàn thành viên. Những nhóm này hoạt động song song với nghệ sĩ. Không nhiều thì ít cũng tác động đến các nghệ sĩ. Tuy vậy, phải đến khi Hương Giang bị khui một group antifan lên đến trăm ngàn người, chuyện về antifan và nghệ sĩ mới thực sự ồn ào đến thế.
Thời điểm phát hiện group antifan là lúc Hương Giang phủ sóng rộng rãi trên sóng truyền hình từ Bắc vào Nam. Nếu có người yêu thích cô vì sự thông minh, dí dỏm thì không ít người cho rằng cô chỉ nói đạo lý. Bất kỳ ai trên đời nếu có người yêu thì cũng có kẻ ghét, điều đó là hoàn toàn bình thường. Có một hay nhiều group antifan thực ra cũng thật bình thường theo lẽ đó. Tuy nhiên, mọi chuyện không còn bình thường khi các thành phần antifan bắt đầu chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình.
Với Hương Giang, làn sóng tẩy chay nữ ca sĩ vào tận fanpage của những thương hiệu do cô làm đại diện để "khủng bố". Điều này khiến nhãn hàng gỡ tên Hương Giang khỏi hoạt động của mình. Khi sự việc không chỉ còn là yêu ghét thông thường mà đã ảnh hưởng tới danh tiếng, tiền bạc, Hương Giang bắt đầu vào cuộc giải quyết. Và từ đây, cuộc đối đầu căng thẳng của cô và antifan chính thức bắt đầu.
Như một làn sóng có sức lan truyền, bắt đầu từ Hương Giang, không ít nghệ sĩ khác cũng bị lôi vào vòng chất vấn với antifan. Trấn Thành - Hariwon, Lâm Vỹ Dạ, Chipu, Lan Ngọc hay Thủy Tiên đều lần lượt có những group antifan đông đảo. Điểm chung của Hương Giang và các nghệ sĩ này là đều có mức độ phủ sóng lớn trên truyền thông và mạng xã hội trong một thời điểm.
Tương tự như từ khóa “fan + tên nghệ sĩ” thì từ khóa “antifan + tên nghệ sĩ” cũng bắt đầu xuất hiện. Hãy thử tìm kiếm theo cách này với bất kỳ một nghệ sĩ trong và ngoài nước nào, bạn đều có thể tìm được những kết quả là những group anti, bài bóc phốt... Tất nhiên, khán giả hoàn toàn có quyền đánh giá hay tẩy chay một ngôi sao nếu có hành động chưa chuẩn mực, xưa nay vẫn thế. Nhưng việc lên án tập thể các nghệ sĩ bằng những group antifan lớn, trở thành trào lưu như hiện tại là điều chưa từng có.
Vì sao "hiện tượng antifan" lại mạnh mẽ và đáng sợ như thế?
Có một câu hỏi mà rất nhiều “người qua đường” luôn thắc mắc là ở đâu ra những group antifan đông đảo và mọc lên như nấm sau mưa như thế? Hay vì sao có những group antifan nhanh, đông và hùng hậu chẳng kém fan trung thành? Môi trường hoạt động của những group antifan chủ yếu là trên mạng xã hội Facebook. Facebook thì nhiều tiện ích nhưng cũng có nhiều điểm yếu chí mạng mà đến ông chủ Mark Zuckerberg cũng đau đầu.
Đầu tiên, Facebook mang đến một môi trường mở mà các cá nhân dễ dàng kết nối với nhau. Tại đó, một chút tương đồng về quan điểm đã có thể kết nối một nhóm người với nhau. Cùng thích một nghệ sĩ có thể cùng trở thành fan. Cũng tương tự như thế, cùng ghét một ai đó thì rất có thể sẽ cùng trở thành antifan. Việc tạo nhóm, kết nạp thành viên, chia sẻ dễ dàng giúp những group antifan cũng lớn mạnh chẳng kém gì cộng đồng người hâm mộ.
Qua mạng xã hội, việc tổng công kích một cá nhân trở nên rất dễ dàng. Không lộ mặt, đôi khi không rõ danh tính vẫn có thể đôi co, hơn thua với nhau khiến những cuộc tranh luận trên mạng xã hội thường đi xa hơn người ta tưởng. Ban đầu có thể chỉ là những lời đánh giá thông thường trên một sản phẩm nghệ thuật nhưng dần sang miệt thị ngoại hình, công kích đời tư và trở thành xúc phạm một cá nhân lúc nào không hay. Khi chuyển sang chế độ quá khích như thế này, sự việc đã bắt đầu dính dáng tới pháp lý chứ không còn là phát ngôn hay tranh cãi đơn thuẩn.
Ngày nay, những mạng xã hội như Facebook là một trong những công cụ quảng bá danh tiếng và mang về thu nhập cho nghệ sĩ. Những hợp đồng đại diện nhãn hàng hay thương hiệu thường có những điều khoản liên quan hình ảnh nghệ sĩ trên mạng xã hội. Vì liên tục chịu sự công kích của một bộ phận dư luận, nhiều nhãn hàng, sự kiện gỡ bỏ một cái tên nào đó trong chương trình là điều không hiếm gặp ngày nay. Chính sự phụ thuộc lớn vào mạng xã hội của mạng xã hội cũng là điểm yếu để những group antifan lợi dụng và tạo ra sức ảnh hưởng.
Đối diện với antifan: kẻ im lặng, người cứng rắn nhưng chưa có giải pháp hoàn toàn
Hầu như bất kỳ một ai có tên tuổi trong giới nghệ thuật đều có một lượng antifan không nhiều thì ít. Đối diện với vấn đề này, hầu như không thể có một công thức chung để mọi chuyện êm xuôi hoàn toàn. Sơn Tùng MTP từng rất chật vật thời điểm mới về nghề vì lượng antifan đông đảo ngang ngửa với fan club. Tùng chọn cách im lặng và xóa bỏ những định kiến theo thời gian. Nhưng nên nhớ, lúc đó, nam ca sĩ chưa có được danh tiếng và vị thế như hiện tại nên sẽ không hợp lý nếu so sánh cách của Tùng với các nghệ sĩ khác.
Khác với Sơn Tùng, Hương Giang và Trấn Thành bị các group antifan tẩy chay khi đã có danh tiếng lớn. Và danh tiếng đó đang trở thành một phần không thể thiếu trong công việc của họ. Vì sao Hương Giang mạnh tay, thậm chí đi xa đến mức thách thức dư luận và dọa sẽ can thiệp bằng pháp luật? Vì Giang đang thực sự bị đe dọa vì lợi ích. Trấn Thành cũng từng nhắc đến con số tiền tỷ thiệt hại khi làm việc với những người tung tin đồn chất cấm. Ở vào những tình thế khác nhau, cách xử lý của các nghệ sĩ sẽ phải không giống nhau.
Một số trường hợp khác như Lan Ngọc, Thủy Tiên, Jack, Quang Hải, Lâm Vỹ Dạ… chọn cách im lặng để xử lý khủng hoảng truyền thông. Họ tạm dừng một số hoạt động nghệ thuật để sự việc lắng xuống. Đó là cách phổ biến nhất nhưng hiệu quả hay không thì phải chờ thời gian để kiểm chứng. Việc đáp trả antifan như Chipu gần đây đang phản tác dụng. Còn can thiệp pháp lý thực tế không dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. Với những biện pháp mạnh này, nếu không khéo léo thì mọi thứ rất dễ đi xa thành một cuộc chiến khó giành phần thắng như trường hợp của Hương Giang.
Tương lai nào về antifan?
Những group antifan ngày càng trỗi lên như một trào lưu khó kiểm soát trên mạng xã hội. Tất nhiên, không nên quá tiêu cực mà bỏ qua những đóng góp của họ. Họ thực ra cũng là những khán giả, có quyền yêu ghét, phê phán hay tẩy chay một điều gì đó cho là chưa đúng. Ở góc độ của các ngôi sao - những người bị tẩy chay, cái nhìn tiếp thu là điều cần thiết kể cả khi chẳng thoải mái gì. Và tất nhiên, cũng như bất kỳ công dân nào, nghệ sĩ được pháp luật bảo vệ khỏi những hành vi xúc phạm danh dự, đời tư.
Mặt khác, dù có sức ảnh hưởng đến đâu thì antifan cũng nên có những chừng mực. Khán giả có quyền lên tiếng, quyền tẩy chay để loại bỏ những chiêu trò trong showbiz. Tuy vậy, không nên biến những bình phẩm, đóng góp cho tác phẩm biến thành miệt thị ngoại hình, moi móc đời tư và xúc phạm các nghệ sĩ. Đặc biệt, không có bất kỳ ai thích bị lôi kéo vào những trò bẩn hạ bệ hay “núp bóng" antifan để hành xử kém duyên. Vì thế, có group hay không, là fan hay antifan, dù đời thật hay thế giới ảo, hãy luôn tỉnh táo và văn minh để chuyện giữa nghệ sĩ và khán giả không còn như trên chiến tuyến.
Nguồn: TH&PL