Nghệ sĩ gồng mình giúp đỡ miền Trung mùa lũ: khó khăn đến từ thiên tai hay áp lực từ cư dân mạng lớn hơn?
Những ngày qua, Việt Nam phải chứng kiến cảnh tượng thương tâm, trận lũ lịch sử nhấn chìm miền Trung, hàng trăm người mất tích, hàng nghìn người lâm vào cảnh thảm, nhiều tài sản bị cuốn trôi, nhiều huyện xã bị cô lập...
Giữa lúc miền Trung cần sự giúp đỡ nhất, nhiều nghệ sĩ như Thuỷ Tiên, NSƯT Hoài Linh, Trấn Thành, H’Hen Niê,... đã dùng tiếng nói và sức ảnh hưởng của mình để kêu gọi quỹ từ thiện, tự nguyện đóng góp của cải và công sức, không ngại nguy hiểm xông vào tâm lũ cứu trợ. Nhưng đổi lại với những việc làm cao quý như thế này, họ vẫn bị một số thành phần công kích, nghi hoặc, thậm chí so đo qua những con số vô tri.
Phải chăng cộng đồng mạng đang hiểu sai ý nghĩa cốt lõi của việc “thiện nguyện”, cũng như quên mất rằng: những lời chỉ trích đầy “dao găm” từ họ sẽ khiến những tấm lòng tử tế càng trở nên áp lực. Việc thiện nguyện còn bộn bề nỗi lo, đây lại bắt nghệ sĩ lo thêm việc “chiều lòng” dân mạng?
Mang 150 tỷ đồng đi cứu trợ, Thuỷ Tiên cần động lực hơn là áp lực!
Chỉ trong một thời gian ngắn, Thuỷ Tiên đã kêu gọi được số tiền thiện nguyện kỷ lục, lên đến 150 tỷ đồng. Đây có lẽ cũng là lần thiện nguyện áp lực nhất của nữ ca sĩ bởi số tiền càng lớn, trách nhiệm sẽ càng nặng nề. Cô trực tiếp đi cứu trợ khắp miền Trung, từ Huế ra đến Quảng Trị, Quảng Bình trong suốt nhiều ngày, bỏ bê công việc, rời xa gia đình và bất chấp sự an nguy bản thân để giúp đỡ nhiều hộ gia đình vượt qua khó khăn.
Thế nhưng, lúc cả nước cùng Thuỷ Tiên hướng về miền Trung, vẫn tồn tại đâu đó một số người mỉa mai từ chiếc ba lô đến khăn choàng hàng hiệu cô mang trên người, hay bắt bẻ giá trị những vật phẩm mà cô trao tay người dân. Hành động chỉ trích này rốt cuộc có xứng đáng với những gì Thuỷ Tiên đang làm cho người miền Trung?
Thay vì tiếp thêm động lực cho người phụ nữ này, một số thành phần lại chọn đặt thêm áp lực lên vai Thuỷ Tiên, trong khi đáng lẽ cô cần nhận thêm nhiều hơn những lời ủng hộ tinh thần.
Hoài Linh kêu gọi hơn 1,5 tỷ đồng trong đêm nhưng vẫn bị mỉa mai
Hơn 30 năm hoạt động, số việc công ích NSƯT Hoài Linh làm cho xã hội quả thật đếm không xuể. Thế nhưng, chỉ vì kêu gọi ủng hộ miền Trung sau Thuỷ Tiên 6 ngày, mà Hoài Linh phải hứng chịu “búa rìu” của cư dân mạng.
Nhiều người chỉ trích Hoài Linh “chỉ biết kêu gọi chứ không chịu rút tiền túi” hay so sánh nam danh hài với Thuỷ Tiên. Đấy đều là những bình luận rất “khó chịu” nhưng đáp lại những lời cay nghiệt, Hoài Linh vẫn giữ một thái độ hoà nhã, chân thành: "Tôi chỉ xin lúc ngặt, chứ không xin lúc nghèo” hay “Ai làm cũng được mà, mọi người đều hướng về miền Trung. Cảm động lắm".
Dĩ nhiên, một vài bình luận tiêu cực chắc chắn không thể ảnh hưởng đến vị trí và sự uy tín của Hoài Linh trong lòng khán giả. Chỉ trong một đêm, Hoài Linh đã kêu gọi được hơn 1,5 tỷ đồng cho miền Trung. Ấy mới thấy, sự tử tế vốn được công nhận từ số đông, việc vài cá nhân công kích một tấm lòng chỉ khiến khiến họ trở nên ấu trĩ trong mắt người khác.
H’Hen Niê bị chỉ trích keo kiệt đến đau lòng
Một trong những vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng mạng thời gian qua còn là: có nên hay không khi đong đếm tấm lòng bằng số tiền mà họ làm việc thiện?
Đóng góp 50 triệu đồng cho đoàn cứu hộ miền Trung của Á hậu Lệ Hằng, Hoa hậu H’Hen Niê nhận nhiều lời miệt thị, chỉ trích là “keo kiệt” vì con số này có vẻ ít hơn so với danh tiếng nàng hậu.
Đối diện với những lời công kích, H’Hen Niê cho biết mình rất “tổn thương”: “Trước đó, H'hen Niê có chuyển 50 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung. Có thể số tiền đó với vài người là không nhiều, nhưng ở thời điểm đó, thì H'hen Niê chỉ có nhiêu đó để ủng hộ. Vì vậy khi nghe thông tin bị chỉ trích keo kiệt, H'hen Niê đã không khỏi đau lòng, tổn thương”.
Vậy là sau khi làm việc thiện, sự tử tế của H’Hen Niê chẳng những không được công nhận mà còn khiến cô chịu tổn thương, liệu có đúng? H’Hen Niê đã san sẻ cho người miền Trung một tấm lòng, nhưng khán giả lại không thể san sẻ lại cho cô ấy tấm lòng tương tự, điều này thật đáng buồn thay.
Tại sao phải truy xét nghệ sĩ khi mà “từ thiện là việc từ tâm”?
Nếu thiện nguyện ngay từ định nghĩa là việc thiện xuất phát từ tinh thần tự nguyện, vậy tại sao cộng đồng mạng lại có quyền truy xét việc thiện nguyện của những cá nhân khác, nhất là đối với người nghệ sĩ?
Sắp tổ chức đêm nhạc gây quỹ ủng hộ miền Trung, viết rất nhiều bài đăng kêu gọi mọi người giúp đỡ người dân vùng lũ, thế nhưng Đàm Vĩnh Hưng vẫn bị “chất vấn”, thậm chí là “mạt sát” vì chưa hành động bằng những nghệ sĩ khác như Thuỷ Tiên, Đại Nghĩa,...
Ông hoàng Vpop vô cùng bức xúc cho hay: “Tôi không phải là thánh thần hay bụt tiên, nếu là họ thì tôi đã hô biến không bao giờ có lũ lụt. Tôi cũng không phải là tổng thống hay chính quyền để đón những câu hỏi sao không làm gì đi. Tôi cũng không phải tội phạm để phải nghe chất vấn. Làm từ thiện không có trong điều luật bắt buộc của bất kỳ nước nào. Nó đến từ tâm, và điều kiện đủ để làm, không ai ép ai được”.
Bị dân mạng bắt bẻ thờ ơ với miền Trung, Trấn Thành cũng thẳng thẳn nêu quan điểm, khẳng định bản chất của “thiện nguyện” là từ tâm, không phải là nhiệm vụ: “Đây không phải nhiệm vụ chúng tôi sinh ra phải làm. Đã nói từ thiện thì phải làm từ tâm. Chúng tôi làm từ thiện cực khổ lắm, phải làm đủ thứ chuyện. Nhiều người cứ bắt nghệ sĩ chúng tôi phải giải trình số tiền từ thiện, nếu như thế có lẽ chúng tôi sẽ không làm nữa”.
Sau đó, Trấn Thành công khai vận động được 5,7 tỷ đồng để hỗ trợ miền Trung. Vì lịch trình bận rộn, nam MC đã chia khoản tiền này làm 3 phần và gửi cho 3 đoàn cứu trợ lớn của Đại Nghĩa, Thuỷ Tiên và mẹ ruột ca sĩ Hồ Ngọc Hà - cô Ngọc Hương, nhờ họ mang đến tận tay người dân miền Trung. Hành động của Trấn Thành đã khiến nhiều cư dân mạng chỉ trích anh vài ngày trước đó phải hổ thẹn.
Đừng tạo thêm làn sóng tiêu cực khi người miền Trung đã chịu đủ bi ai
Rốt cuộc thì, người dùng hành động để chứng minh sự tử tế hay người dùng tiền, dùng sức ảnh hưởng đều chung một mục đích là giúp đỡ đồng bào, đều là câu chuyện xuất phát từ tấm lòng.
Cái chính đáng cần được tôn vinh là tinh thần tương thân tương ái đáng quý thì lại vô tình bị bỏ quên, để những vấn đề vô nghĩa như “quyên góp bao nhiêu tiền”, “làm bao nhiêu việc”, truy xét đúng sai, cao thấp để vùi lấp những nghĩa cử đẹp.
Chúng ta được giáo dục để nhìn thấy cái đẹp thì ca ngợi, thấy sự hy sinh thì cúi đầu tôn vinh, cùng hướng về sự tính cực chứ không phải tiêu cực hoá vấn đề, đi tìm những điều nhặt nhãnh bên trong sự tử tế.
Khi chúng ta chỉ có thể ngồi yên, hãy tiếp thêm sức mạnh cho những người có khả năng hành động. Đừng biến mình trở thành một người ấu trĩ với những nhận định một chiều, đừng tạo thêm làn sóng tiêu cực khi người miền Trung đã chịu đủ bi ai.
Thước đo tiền tài vốn chỉ cân đếm được vật chất, các con số chỉ định lượng được điều hữu hạn, đừng lấy đó làm chuẩn mực để so sánh những tấm lòng.
Nguồn: TH&PL