Tết nơi xứ xa...du học sinh lén lau nước mắt vì lỡ hẹn.
Tết Nguyên đán đã đến gần chỉ còn vỏn vẹn vài hôm, hơn 200.000 du học sinh Việt Nam tại khắp các châu lục, những bạn trẻ nơi xứ xa có chút xuyến xao trong lòng, thường trực nỗi nhớ nhà vào dịp Tết đến xuân về. Hai năm dịch bệnh đã đảo lộn tất cả cuộc sống và nhiều dự định của du học sinh, đặc biệt là việc được trở về nhà đón Tết cùng gia đình.
Mỗi khi Tết đến, mỗi du học sinh Việt đều cất trong lòng những nỗi niềm riêng nhưng đều chung phút giây chạnh lòng nhớ về quê hương. Nỗi nhớ ấy ngày càng lớn hơn khi việc phải xa gia đình giữa một tình cảnh khó tiến cũng khó lùi,vé máy bay khá cao, thành phố lockdown, chi phí cách ly đã làm đường về nhà xa lại thêm xa. Các bạn không thể hẹn trước được ngày về, chẳng ai nghĩ đến vậy mà hàng triệu du học sinh đã coi nó là " thói quen" trong hai năm dịch Covid-19.
"Cố lên, năm nữa ổn ổn rồi tụi mình về"
25 Tết - ngày cúng ông bà, gia đình xôm tụ, qua màn hình Zoom, Yến Vy (Du học sinh Canada) nhìn thấy ông bà và gia đình, cô bạn cũng len lén lau đi giọt nước mắt vì nhớ nhà, lỡ hẹn 3 cái Tết chẳng thể về. Những ngày này, ở nơi cách nửa vòng Trái Đất, Vy vẫn sinh hoạt và đến trường như thời khoá biểu, tranh thủ làm thêm để có khoảng dư tiết kiệm cho những lúc cô gọi là "túng thiếu", điều mà Vy đã học được trong hai năm dịch bệnh vừa qua, là phải có tiền để phòng hờ biến cố.
Vất vả và bộn bề khi phải một mình đương đầu với nhiều khó khăn nơi xứ người. Có những lúc nản lòng và chỉ muốn về nhà cùng gia đình nhưng lại phải lau nhanh nước mắt để cố tiếp, để không phụ lòng mẹ cha. Yến Vy đã xa nhà từ những năm cuối cấp ba để sang Canada du học, giờ đây khi cô đã chính thức trở thành một sinh viên đại học, việc về nhà vẫn chưa được định ngày.
Covid-19 đã khiến cho Vy và cả nhóm bạn đã cùng nhau sum vầy chỉ để ôm nhau động viên "Cố lên, năm nữa ổn ổn rồi tụi mình về, tụi mình gặp gỡ nhau cùng nhau đàn hát mấy bài Tết, ăn uống và chúc mừng năm mới",... không khí Tết đã rộn ràng khắp các con phố của Sài Gòn, ba mẹ Vy cũng tất bật với công việc cuối năm, nhà cửa cũng đã dọn, mâm cơm cúng ông bà cũng đã chuẩn bị xong, có tất cả nhưng chỉ thiếu bóng dáng đứa con gái rượu năm nào vẫn líu lo bốc đồ ăn vụng.
Hai năm dịch bệnh, từ những lo sợ luôn thường trực trong cô bạn 10X này thì giờ đây Vy cũng đã dần quen và tập sống chung với dịch bệnh. Hơn 10.000 nghìn ca mỗi ngày, dịch bệnh đã khiến đường trở về nhà đón Tết xa nay lại càng xa hơn. Liên tục cập nhật đường bay, những chuyến bay thương mại ít ỏi, giá vé cao ngất ngưởng đã làm Vy đôi lần lén lau nước mắt vì một năm nữa chẳng thể về nhà. "Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm..." được Vy và hội bạn cùng hát cùng ôm lấy nhau vì đã khép lại một năm 2021 xa nhà và thật nhiều sự tự lập, trưởng thành ở đất nước xa lạ.
Yến Vy và những người bạn của mình mong muốn một 2022 sẽ ổn hơn, biên giới sẽ được mở cửa hoàn toàn, vé máy bay trở về Việt Nam sẽ không còn là nỗi lo canh cánh trong lòng của mỗi du học sinh. Vì đối với Vy có đi đâu chăng nữa, thì không khí Tết âm lịch ở Việt Nam vẫn là vui nhất. Cô bạn đã bỏ lỡ 3 cái Tết chưa được về nhà nên năm 2022, Vy quyết tâm được về nhà bên gia đình đón cái tết trọn vẹn.
"2022 mình chỉ mong một điều duy nhất là được về nhà nhưng có lẽ lại phải hẹn lại thêm một năm nữa. Mình sẽ đếm thêm 365 ngày nữa, cố gắng hết sức để có thể về nhà ăn tết cùng gia đình. Đã có quá nhiều cái hẹn bị bỏ lỡ, mấy ngày này chẳng dám xem facebook vì buồn lắm, ở nhà, bạn bè ai cũng rộn ràng đón Tết". - Vy tâm sự.
Ăn Tết ở đây…nó lạ lắm!
Năm đầu tiên xa nhà, Nguyễn Sen đã khóc rất nhiều (Đại học Công nghệ nanyang, Singapore) đã không thể kìm được nước mắt vì nhớ quê, nhớ gia đình và bạn bè. Thoáng nhanh, đây là năm thứ 4 cậu bạn đã học tập và sinh sống tại Singapore. 4 năm du học chỉ vỏn vẹn một lần được về Tết, cái tết cuối Sen về Việt Nam là tết năm 2020. Dịch bệnh Covid-19 đã trì hoãn việc học và cả ước mong được về Việt Nam trong dịp tết năm nay.
Chuyện đón Tết một mình ở nơi đất khách quê người vốn không phải xa lạ với giới du học sinh khắp nơi. Nhưng tết năm nay có lẽ nhiều nỗi âu lo hơn khi dịch bệnh vô cùng phức tạp cả ở Sing và Việt Nam, "Ở đâu cũng dịch, mình chẳng thể về được, mong muốn có thể về nhà vào dịp tết này, thế nhưng ở lại vẫn là lựa chọn hợp lý hơn để bảo vệ mọi người. Chắc lại phải thêm một năm nữa".
Dù ở xa trong dịp đặc biệt như này, Sen cùng hội bạn du học sinh Việt tại Sing cùng đến nhà để ăn với nhau bữa cơm Việt Nam với những món ăn quen thuộc vào ngày Tết. Trong những năm tháng ở đảo quốc Sư tử, chàng trai Hà Nội có nhiều trải nghiệm đón Tết khác nhau, đón tết cùng bạn bè, rủ thêm những người bạn bản xứ đến chơi nhà cùng, tổ chức gói bánh chưng,...
Tết năm nay cũng không là ngoại lệ, "vẫn những món ăn đó nhưng vẫn khác lạ hơn so với việc ăn tết ở nhà. Mình cùng bạn bè đến nhà nhau, mua gà luộc, ăn bánh chưng, lì xì lấy lộc đầu năm. Ở Sing, với nhiều quốc gia, dân tộc, họ có nhiều cách đón Tết khác nhau. "Mình thấy ở đây họ ăn Tết giống người Trung Quốc, cũng có chút không khí giống ở Việt Nam như việc trang trí trang hoàng đồ mới, dọn dẹp nhà cửa, nấu mâm cỗ. Ở đây, họ cũng không có thông lệ phải đi chúc Tết nhau như ở bên mình".
Hai năm đón Tết tại nơi xứ người, Sen cùng những người bạn du học sinh tụ tập lại cùng nhau để góp nhặt, hùng vốn những món ăn đặc trưng ngày Tết của người Việt. Sen chia sẻ: "Ở Sing khác Việt Nam là có nhiều dân tộc, nhiều quốc gia khác nhau ở đây sinh sống nên việc đón năm mới cũng đa dạng, mình là người Việt nên Tết Nguyên đán cũng là điều làm bạn bè quốc tế tò mò và thích thú".
Những ngày giáp tết, điện thoại liên tục reo lên, mẹ và ba luôn mong nhận được tin cậu con trai sẽ về kịp Tết. Mẹ liên tục hỏi rằng "bao giờ con về", ở đầu dây bên kia, Sen chỉ biết lặng lẽ rồi thủ thỉ với mẹ, "Ca nhiễm lại tăng, thành phố lại đóng cửa rồi mẹ ơi". Mẹ cũng chẳng bảo buồn chỉ kêu ráng giữ gìn sức khoẻ, cố lên rồi năm sau lại về.
Đối với bản thân Sen, không đâu hạnh phúc bằng ăn bữa cơm cùng gia đình, để rồi kể cho ba mẹ nghe về những nơi mình đã đi qua, những điều mình đã làm được. Những lúc nhớ gia đình da diết, Sen may mắn luôn có bạn bè bên cạnh ủng hộ và động viên.
Trước thềm năm mới với những dự định, mục tiêu mới, Nguyễn Sen chỉ có một mong ước to lớn nhất "Mình mong muốn 2022 dịch covid sẽ kết thúc. Mong rằng 2023 mình sẽ được ăn tết tại Việt Nam".
Tết là dịp để đoàn viên, khi "ai đi xa cũng trở về" quây quần bên gia đình, người thân, bên mâm cơm ấm áp. Những cánh chim xa tổ luôn khao khát ngồi trên chuyến bay giải cứu trở về nhà, kịp bữa cơm chiều 30 Tết.
Bao nhiêu tiền để đổi lấy…một chiếc vé máy bay hai chiều?
Nhắc về một năm 2021 vừa qua, có lẽ là những ngày u tối nhất đối với Tuấn Nghĩa (du học sinh Úc) khi phải liên tục nhận tin thành phố "lockdown" và tệ hơn nữa khi có dự định trở về Việt Nam đón tết thì lại phải đón nhận tin dương tính. Kế hoạch về nhà lại trở nên tăm tối hơn khi chẳng kịp hoàn thành cách ly và điều trị.
Dù đã là du học sinh được 3 năm, cũng đã quen với cảnh đón Tết ở nước Úc, dù vẫn có những món ăn, không khí tại các khu có người Việt nhưng Nghĩa vẫn không thể nào ngừng nhớ không khí những ngày cuối năm tại Đà Lạt, không khí lạnh tràn về, cái nhịp sống của thành phố sương tất bật hơn, cậu bạn chở mẹ đi chợ Tết và cùng nhau đón năm mới. Điều làm Tuấn Nghĩa nhớ nhất là hương vị mấy món ăn mẹ hay nấu như thịt kho tàu, bánh chưng, nồi canh hầm,...
Ở Úc cũng không có nhiều người ăn Tết Nguyên đán, những ngày này Tuấn Nghĩa cũng chỉ đi học và nhận thiết kế sản phẩm cho khách chứ chẳng có nhiều hoạt động đặc sắc. Gọi điện về nhà và thèm cảm giác xông đất với gia đình vào đêm giao thừa.
Tết chỉ thật sự là tết khi được về nhà, để đỡ buồn vào dịp này Nghĩa luôn chọn bận rộn, vơi đi sự nhà và ôn tập để bắt đầu vào học kì tiếp theo.
Trước bao khó khăn khi phải một mình chiến đấu với dịch bệnh, với hơn 14 ngày vì "Cô vy", câu chuyện không may diễn ra hàng ngày vì dịch bệnh, vẫn cảm thấy cái Tết này thật trống trải và không thể nào lấp đầy được khi Tết đã sát bên hiên nhà. Mẹ và ba luôn gọi hỏi thăm, luôn bảo rằng mọi thứ điều ổn. Nhưng sau màn hình điện thoại, là nỗi nhớ khôn xiết vì xa con quá lâu.
Dù ở xa trong hoàn cảnh thiếu thốn nhiều điều kiện, nhưng các bạn du học sinh Việt Nam vẫn tìm được những cách riêng để đón Tết ta ở xứ người thật trọn vẹn, ấm áp như đang ở chính quê nhà. Một năm nhọc nhằn đã dạy cho những du học sinh bài học quý giá, hơn hết là giá trị cho hai tiếng gọi thân thương mà thiêng liêng đến vô cùng "gia đình".
Hy vọng một năm 2022 sẽ khởi sắc, nhiều điều may mắn sẽ đến, hơn hết là sự mong chờ đến Tết âm lịch để thật sự cảm nhận không khí tết dù ở nhà xa nhà. Mong dịch bệnh trên toàn thế giới sẽ nhanh chóng được kiểm soát, mọi thứ sẽ quay trở lại như trước kia. Và quan trọng là các bạn du học sinh được về nhà, được gặp gia đình và làm những điều đã từng là thân quen.
Nguồn: TH&PL