Hãy cùng tôi ngồi xuống lắng nghe những tâm tư của một nghệ sĩ lớn, để thấy bình tâm lại sau những ồn ào vừa qua.
Một quãng thời gian "chưa từng có".
Với chúng ta là một mùa giãn cách dài nhất trong lịch sử cùng quá nhiều mất mát và nỗi đau.
Với showbiz là một giai đoạn khủng hoảng cùng quá nhiều tiêu cực và ồn ào.
Để ngày hôm nay, tôi ngồi đây cùng NSND Hồng Vân tâm sự về những nỗi niềm đó. Không bao biện, không công kích, chỉ có sẻ chia. Với #YouAreNotAlone, một chiến dịch ý nghĩa cùng thông điệp sẽ không có bất kỳ ai ngoài kia phải đơn độc, NSND Hồng Vân chính là người tôi nghĩ sẽ mang đến cho bạn một niềm tin rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Hãy cứ sống, cứ lạc quan, cứ an nhiên với những điều mình tin tưởng.
- Những ngày gần đây của cô như thế nào?
Tôi đã bắt đầu trở lại guồng quay của công việc. Thật sự cuộc đời làm nghệ thuật của tôi chưa bao giờ có kỳ nghỉ dài như vừa qua. 40 năm làm nghề, cường độ công việc của tôi lúc nào cũng căng như dây đàn. Bất chợt nghỉ một lúc cả nửa năm nên khi bắt nhịp lại, tôi bị đuối. Ngày trước tôi có thể quay từ sáng sớm đến 2h đêm, hôm sau 9h lại quay, liên tiếp như vậy 3-4 hôm nhưng tôi không hề thấy mệt mỏi. Bây giờ thì sức khỏe không được như thế nữa. Có thể là do quen với cường độ công việc cao thì sẽ thấy bình thường, đến khi "chùng" xuống vì thời gian nghỉ ngơi quá nhiều nên tạm thời chưa thích nghi trở lại.
- Sức khỏe của cô vẫn chưa thích nghi lại với nhịp làm việc hiện tại, vậy còn tinh thần của cô đã hồi phục lại chưa?
Bây giờ tôi còn lo hơn nữa vì xem như chúng ta đang sống chung với dịch. Nhà tôi có bố mẹ lớn tuổi, Bí Ngô cũng chỉ mới 14. Tôi lo lắm vì bản thân cứ đi làm suốt, mải miết bươn chải rồi thỉnh thoảng lại nghe tin đồng nghiệp mắc bệnh. Vì vậy chúng ta không bao giờ được chủ quan, phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về y tế. Bảo vệ chính mình cũng là đang bảo vệ cho những người xung quanh. Tôi lúc nào cũng cầu mong cho mọi người được bình an, cuộc sống bình thường trở lại, mọi thứ được hồi phục nguyên vẹn như trước kia.
- Nỗi lo của một nghệ sĩ chưa thể trở lại sân khấu, nỗi lo của một bà bầu cho đời sống của các diễn viên, nỗi lo của một người phụ nữ phải chu toàn mọi thứ trong gia đình đã tạo nên áp lực thế nào với cô?
Tôi nghĩ có lẽ chính những lo toan đó khiến sức khỏe của tôi chưa hoàn toàn hồi phục. Thật sự về thể xác không mệt mỏi nhiều vì trong 6 tháng qua, tôi có phải làm gì cực nhọc đâu. Đúng là áp lực về tinh thần khiến người ta khó vực dậy. Cả 3 nỗi lo kia cứ lẩn khuất trong đầu tôi. Tôi luôn phải tính toán mỗi ngày, mỗi giờ để làm sao có giải pháp tốt nhất.
Lo nhất là sức khỏe của bố mẹ và con cái, còn áp lực của bà bầu thì cũng bớt đi nhiều. Trong 6 tháng vừa qua, các bạn diễn viên trẻ cũng đã tự bươn chải được. Bây giờ các bạn đi làm lại rồi nên tôi không quá lo lắng nữa. Sân khấu đã ngưng hoạt động nửa năm rồi, hiện tại nếu có mở cửa thì vẫn phải chờ đợi sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố khác.
- Việc hoãn hết suất chiếu ảnh hưởng thế nào đến cô?
Việc hoãn hết suất chiếu không ảnh hưởng nhiều đến tôi. Theo thông lệ cứ Tết đến khi bán vé trước phải lấy số điện thoại của khách để liên lạc kịp thời khi có sự cố xảy ra. Lần đó tôi rất thoải mái trong việc hoàn lại vé cho khán giả. Ekip của tôi đã điện thoại cho từng người, họ cũng rất vui vẻ vì đây là chuyện ngoài ý muốn. Không hề có một chút náo loạn nào hay bỏ sót ai, tôi giải quyết mọi thứ nhanh lắm. Khi vừa có thông báo là trong một tuần lễ, ekip của tôi sắp xếp ổn thỏa hết cả hai sân khấu.
- Có dự định nào của cô còn dang dở không?
Web drama "Trời ơi! Tức muốn chết" của tôi quay xong xuôi hết nhưng do kẹt dịch nên không dựng được. Cuối cùng đạo diễn phải làm mọi thứ online. Chính vì nhiều trục trặc đó cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng phim của mình.
- Vừa đi diễn, quay gameshow, lo sân khấu kịch lại còn liên tục cho ra mắt các sản phẩm chiếu online. Thật sự là một guồng quay vất vả. Động lực nào đã thôi thúc cô hăng say hoạt động không mệt mỏi như vậy?
Đó gần như là bản năng của tôi rồi. Thời cuộc như thế nào, mình bắt buộc phải thích nghi theo. Tôi không dừng lại được. Thật sự trong nghề có những cô chú, anh chị bảo vệ quan điểm về nghệ thuật chính thống, không mang tính thương mại và luôn sống chết với điều đó. Riêng tôi lại thuộc tuýp người thích khám phá bản thân có thể làm được gì. Tôi không cho điều gì là vĩnh cửu, điều gì trên đời này cũng chỉ mang tính tương đối mà thôi. Chính vì thế tôi nghĩ mình nên học cách thích nghi về mọi phương diện.
Tôi tiên phong nhiều thứ lắm, ví dụ như mảng đào tạo chẳng hạn. Tôi luôn dặn mình phải biết nắm bắt thời điểm. Khi diễn viên trẻ họ đi theo tôi, các bạn sống chết bên cạnh tôi bao nhiêu lâu rồi, ở mảng này yếu, không đủ giúp họ đảm bảo cuộc sống thì bắt buộc tôi phải tìm ra một hướng đi khác, làm web drama chẳng hạn.
Khi đào tạo, tôi lúc nào cũng trăn trở về đầu ra cho học trò. Tôi luôn quan sát và cố gắng phát huy hết những khả năng của các em ở mọi lĩnh vực chứ không đơn thuần chỉ là diễn xuất. Tôi tâm niệm bản thân phải cố gắng truyền hết kinh nghiệm cho học trò, sau này các em có thể tự gặt hái thành công cho mình. Vả lại, việc liên tục sáng tạo nghệ thuật khiến tôi không bị chán chường. Tôi luôn cảm thấy bản thân được đổi mới.
- Một số ý kiến cho rằng NSND Hồng Vân có nhiều khác biệt với khuôn mẫu của một người Nghệ sĩ Nhân dân. Cô nghĩ sao về nhận định này?
Mỗi người mỗi quan điểm, đâu phải cứ là Nghệ sĩ Nhân dân thì mình phải bó buộc trong một khuôn khổ cứng nhắc. Tôi không thích thế. Tôi muốn khám phá tất cả mọi thứ xung quanh. Với tôi, đó mới là "máu nghệ sĩ". Tôi không phải tuýp người bảo thủ với quan điểm của mình, cứ khư khư giữ lấy những điều quen thuộc mà không chịu tìm tòi, học hỏi cái mới. Như vậy chán lắm.
- Có bao giờ cô gặp phải những ý kiến trái chiều về việc này từ chính những người trong nghề?
Đầu tiên tôi rất cám ơn vì mọi người phải thương và lo thì mới chia sẻ với mình như thế. Vậy nhưng sau đó, tôi cũng giải thích rằng thời cuộc đã không còn như trước. Cả thị hiếu, khán giả và cả nền giải trí cũng đều thay đổi rồi.
Ví dụ cách đây 20 năm, khi sân khấu Phú Nhuận bắt đầu thành lập thì khán giả xem kịch họ tầm tuổi tôi, chịu ảnh hưởng từ những dòng kịch như của cô Kim Cương vậy đấy. Với họ, đó là một món ăn khoái khẩu. Nhưng sau đó 5-10 năm thì các khán giả đó lớn lên và họ sẽ dành thời gian cho việc ở nhà xem truyền hình nhiều hơn. Khán giả tiếp nối là khán giả trẻ, nhu cầu lại khác. Họ đòi hỏi tính giải trí cao hơn. Tôi bắt buộc phải thích ứng với điều đó bởi tôi phục vụ khán giả mà. Những sản phẩm mình làm ra, phải có người thưởng thức chứ đâu thể nào chỉ giữ cho bản thân được. Thế nên tôi chọn tồn tại song song, vẫn là những món ăn cũ để phục vụ khán giả cũ của mình nhưng bên cạnh đó, phải có những thứ khác để phục vụ khán giả mới.
- Cô đối mặt với những ý kiến đi ngược lập trường của mình thế nào để vẫn giữ vững được chính kiến của mình mà không gây nên tranh cãi?
Thật ra ý kiến đó cũng chỉ là số ít thôi. "Phá" hay không thì có thể nhìn số lượng khán giả còn ủng hộ những sản phẩm của mình thì sẽ biết ngay mình có đang đi đúng hướng không. Làm nghệ thuật cũng giống như "dâu trăm họ", không thể nào vừa lòng tất cả mọi người được. Đứng ở lập trường một người làm kinh tế, tôi cũng phải cân đo đong đếm giữa lượng khán giả giải trí và lượng khán giả cần sự chiêm nghiệm. Bên nào nhiều hơn, có thể cho sân khấu mình tồn tại thì bắt buộc phải chọn lựa.
Hơi cá nhân một tí là những điều tôi làm cũng một phần để tôi thấy thỏa mãn khi có thể làm điều mình thích. Mình có thể sai chứ, miễn sao cái sai đó không ảnh hưởng người khác, chỉ bản thân mình phải chịu thôi. Đừng để đến lúc muốn làm nhưng "lực bất tòng tâm". Ví dụ thời điểm này tôi mới bắt đầu làm kịch kinh dị, tôi giữ thương hiệu cho đến bây giờ mới quyết định thay đổi thì không thể nào làm nổi nữa. Tuổi này không được nữa, sức khỏe không cho phép mà trí óc cũng không còn đủ xanh tươi để sáng tạo nên những thứ mang tính đột phá.
Quan điểm làm nghề của tôi là không tự đặt cho mình ở một vị trí quá xa rời khán giả. Tôi cũng không cố tạo nên một hình tượng quá lớn lao để học trò phải nhìn tôi như một người ở trên cao khiến các em phải sợ hãi không dám chạm vào. Tôi không bao giờ la mắng nặng lời nhưng học trò vẫn rất sợ tôi. Tôi cũng không có nhiều thời gian đi chơi cùng các em, hết lịch diễn thì phải tức tốc chạy đến với các lớp xong về thẳng nhà lo cho cha mẹ, chồng con.
- Tại sao cô không dành một khoảng thời gian "tự thưởng" cho bản thân sau ngần ấy năm hoạt động nghệ thuật quá chăm chỉ?
6 tháng vừa rồi tôi hoàn toàn sống cho bản thân, nhưng nó không vui tí nào. Gần 40 năm theo nghề, lúc nào cũng căng thẳng với công việc nhưng tôi rất vui vì cảm thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa. 6 tháng ở nhà chỉ có nghỉ ngơi, không làm gì cả nhưng sức khỏe và tinh thần còn giảm sút hơn. Thế nên tôi cảm thấy không cần phải "tự thưởng" một điều gì cả bởi vì tôi đã "tự thưởng" bản thân bằng cách luôn làm điều mình thích trong công việc.
Hiện tôi đang thử nghiệm một loại hình mới, đầu tiên phát hành online trước sau đó sẽ áp dụng cho sân khấu. Tôi vẫn đau đáu việc sân khấu mất khán giả quá nhiều. Mình không trách khán giả được vì họ có quá nhiều chọn lựa. Các sân khấu cũng dần xuống cấp mà mình không thể tác động vào việc sửa chữa hay trang hoàng. Tôi luôn trăn trở tìm đủ giải pháp cho vấn đề này nhưng "lực bất tòng tâm".
Tôi muốn tiếp cận khán giả từ khi họ còn ở trên ghế nhà trường. Làm cách nào tạo cho khán giả trẻ cảm thấy việc xem biểu diễn sống ở sân khấu là một nhu cầu không thể thiếu thì mới được. Giá mà nhiều người cùng tôi cộng hưởng ước muốn đó thì tốt quá.
- Theo như cô chia sẻ thì cho đến hiện tại, trở thành nghệ sĩ sân khấu vẫn đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cuộc sống bấp bênh?
Đúng vậy, nhưng vui lắm. Điều gì trong cuộc sống cũng có hai mặt cả, nghề này có thể không nhiều tiền nhưng về tinh thần thì "đã" lắm. Khi bước lên sân khấu, chúng tôi có thể sống cuộc sống của biết bao nhiêu người, muôn màu muôn vẻ. Mỗi tối những nghệ sĩ đều sẽ tạm gác lại cuộc đời của mình để bắt đầu một hành trình phiêu lưu mới mẻ. Đó là điều không phải ngành nghề nào cũng có. Một điều tuyệt vời mà Tổ nghiệp đã dành cho người nghệ sĩ. Thế nên đã quyết dấn thân rồi thì phải chấp nhận có những cái thua thiệt so với những nghề khác thôi. Miễn mình sống được là tốt rồi.
- Cùng với sự phát triển của xã hội ngoài kia, mọi thứ đã thay đổi nhưng có vẻ nghệ thuật sân khấu vẫn là một phạm trù ít được đề cao. Cô cảm nhận điều này thế nào?
Tôi cảm thấy buồn. Bao lâu rồi mình quên đi cụm từ "xướng ca vô loài", tự dưng lúc này thấy nó gần ngay trước mắt. Tuy vậy nhưng tôi nghĩ Tổ nghiệp chắc cũng phải trải qua nhiều thăng trầm lắm để giữ được cái nghề thì mình cứ tiếp tục những điều mình tin tưởng. Rồi những học trò của tôi, nếu em nào cũng yêu sân khấu giống tôi thì lại tiếp nối. Phải như vậy thì cái nghề mới còn đến bây giờ.
- NSND Hồng Vân có chạnh lòng không khi ngồi đây và nói những điều này?
Đến thời điểm này, mọi thứ tôi làm dù lớn hay nhỏ đều bằng tất cả tâm trí và sức lực. Nếu có phải dừng lại, tôi thấy cũng được rồi. Tôi đã cống hiến bằng cả trái tim mình, nhận quá nhiều tình yêu thương từ khán giả và được Tổ nghiệp ưu ái, mọi thứ đều đã trọn vẹn. Dĩ nhiên hiện tại tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ, tiếp tục cống hiến sức lực cho nghệ thuật nước nhà, tiếp tục truyền "lửa" nghề cho các học trò cho đến khi không thể nữa mới thôi.
- Với 40 năm miệt mài cống hiến cho nghệ thuật, NSND Hồng Vân cảm thấy khán giả đã trao lại mình những thứ xứng đáng chưa?
Khán giả cho tôi nhiều lắm. Nếu không có khán giả, tôi sẽ không thể trụ lại với nghề cho đến thời điểm này. Tính ra hết mọi thứ như cơm, áo, gạo, tiền, nhà cửa, xe cộ đều từ khán giả. Một người nghệ sĩ được các chương trình mời biểu diễn ngoài tài năng ra thì còn bởi lý do có khán giả yêu thích. Gần 40 năm qua, khán giả luôn dõi theo và yêu thương Hồng Vân rất nhiều. Tôi chỉ sống bằng nghề chứ cũng không làm gì thêm. Đương nhiên sẽ có những lúc thăng trầm vì bên cạnh công tác biểu diễn, tôi còn làm sân khấu. Rất may những lúc khủng hoảng có ông xã tôi hỗ trợ. Thế nên tôi vẫn đeo đuổi mọi thứ cho đến tận bây giờ.
- Luôn trân trọng khán giả nhưng lại vô tình bị hiểu sai rằng có ý muốn công kích khán giả của mình, cô trải qua cảm giác này thế nào?
Những gì tôi đạt được đều từ khán giả nên chưa bao giờ có chuyện tôi xúc phạm họ. Tôi rất buồn trước những thông tin sai lệch, dẫn dắt dư luận như vậy. Tôi nói thật từng tin nhắn của khán giả, dù là các em bé nhỏ 10-12 tuổi, tôi vẫn trả lời một cách trịnh trọng chứ chưa bao giờ nói chuyện trống không dù tôi có lớn hơn các cháu rất nhiều.
Có những em bé bị stress, khủng hoảng, thậm chí muốn tự tử tìm đến tôi xin lời khuyên, tôi thương lắm. Tôi nghĩ các cháu như con mình, khi đang không có điểm tựa thì đâu biết tâm sự cùng ai nên hễ có thời gian là tôi ngồi nói chuyện, khuyên nhủ các cháu.
Với các học trò cũng vậy, tôi luôn giữ cách cư xử chừng mực, tôn trọng chứ không ỷ mình là cô rồi lấn lướt, xem thường bất kỳ ai. Khi đi diễn tôi lúc nào cũng gật đầu chào khán giả, chưa bao giờ tỏ thái độ chảnh chọe hay nghĩ mình là ngôi sao. Vì vậy, tôi chỉ luôn tâm niệm qua thời gian khán giả sẽ hiểu mình.
- Khi rơi vào một tình thế phải nói là ngặt nghèo chưa từng có trong gần 40 năm làm nghề, tại sao NSND Hồng Vân không chọn cách lên tiếng một lần để làm rõ tất cả?
Tôi không dám đọc những bình luận tiêu cực vì bản thân sẽ bị suy sụp. Vì tôi đã lớn tuổi rồi nhưng lại có những lời lẽ quá mức nặng nề mà mình không tưởng tượng nổi. Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Bị chửi thì buồn thật đấy, nhưng thấy tiêu cực tràn lan thì còn thấy buồn hơn.
Cả cuộc đời làm nghệ thuật của tôi chưa bao giờ gặp chuyện như vậy, khi tôi lập tài khoản mạng xã hội cũng chưa bao giờ xuất hiện một lời lẽ khiếm nhã nào. Tôi nghĩ mình cứ tiếp tục làm việc thật tốt, sống thật tử tế như bao nhiêu năm vừa qua. Tôi tin khán giả sẽ hiểu.
- Sau quá nhiều ồn ào vừa qua, niềm tin của khán giả về nghệ sĩ cũng ít nhiều lung lay, NSND Hồng Vân có điều gì muốn nhắn nhủ đến những nghệ sĩ trẻ để vững tâm làm nghề và lấy lại niềm tin nơi khán giả?
Trong showbiz cũng có người làm những việc chưa tốt, như chuyện "con sâu làm rầu nồi canh". Đến một lúc nào đó trong tô canh xuất hiện nhiều sâu quá, tô canh đó phải bỏ. Cho nên tôi luôn quan niệm rằng bản thân phải luôn hiểu tính chất nghề nghiệp của mình khác biệt với các ngành nghề còn lại là nó ở "mặt nổi". Càng thương thì sẽ càng hận, nên nếu mình làm sai điều gì người ta sẽ khó tha thứ hơn vì người ta dành tình cảm cho mình nhiều quá mà.
Đừng bao giờ tự cho bản thân là phi thường. Nghệ sĩ cũng là người bình thường và hãy làm thật tốt cái nghiệp mình đang theo. Người ta phải tiếp cận mình thì mới hiểu mình được. Còn cứ suy nghĩ mình phi thường, cao vời quá thì không ai dám gần. Nhiều khi có thể mình làm một điều đúng, nhưng người khác họ ở xa mình quá, họ không hiểu được thì đó là cái dở của mình. Đã đặt chân vào cái nghiệp làm nghệ sĩ thì hãy luôn cố gắng. Lúc nào tôi cũng dạy học trò hãy học làm người trước rồi hãy làm ngôi sao. Nên người trước đi con rồi mình làm điều gì cũng được hết.
- Cám ơn NSND Hồng Vân về những chia sẻ. Xin chúc cô sức khỏe để tiếp tục hoàn thành những hoài bão lớn lao của mình với sân khấu.
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch nội dung #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL