Biết rằng dịch Covid-19 có dấu hiệu quay trở lại là điều không ai mong muốn, và ít nhiều khiến người dân không khỏi lo lắng, nhưng sẽ là đi quá xa nếu chúng ta đem giới tính của những bệnh nhân ra làm chủ đề đùa cợt và chỉ trích trên mạng xã hội.
Chuyện gì đang xảy ra?
Theo thông tin được Bộ Y tế đăng tải chính thức, bệnh nhân 1342 là trường hợp đầu tiên lây nhiễm Covid-19 từ khu cách ly. Vào ngày 17/11, bệnh nhân 1342 đã tiếp xúc với 1 tiếp viên của chuyến bay khác từ Rumani về, đây là chuyến bay có nhiều hành khách và cả tiếp viên dương tính. Sau khi được cho phép về nhà tự cách ly, bệnh nhân này đã không tuân thủ đúng quy định về cách ly y tế mà tiếp xúc gần với 3 người khác, đó là mẹ đẻ và hai người bạn (một nam và một nữ). Trong 3 người này đã phát hiện 1 người dương tính với virus SARS-CoV-2, là bệnh nhân 1347. Từ bệnh nhân 1347 có thêm 2 bệnh nhân khác lây nhiễm.
Như vậy, sau gần 90 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19, đến ngày 30/11, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 4 ca mắc mới, trong đó có 1 ca lây trong khu cách ly và 3 ca lây ngoài cộng đồng, trong đó có bệnh nhân 1347.
Khi thông tin về dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát lại tại Việt Nam, Chính phủ đã nhanh chóng cập nhật những địa điểm mà các bệnh nhân từng đến để người dân có thể nắm bắt thông tin và cùng phối hợp ngăn ngừa Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
Câu chuyện là về Covid-19, nhưng mạng xã hội lại đang chỉ trích những gì?
Bên cạnh những thông tin ngăn ngừa dịch bệnh được chia sẻ, bỗng nhiên giới tính và đời sống cá nhân của 2 bệnh nhân 1342 và 1347 cũng trở thành câu chuyện được cộng đồng mạng đưa ra "ném đá". Khi biết thông tin bệnh nhân 1342 để người khác qua sống cùng trong thời gian cách ly tại nhà, cộng đồng mạng liên tục đưa ra những đồn đoán về mối quan hệ giữa hai người này. Xuất hiện hàng loạt những bài đăng có nội dung và tiêu đề sử dụng những từ ngữ khiếm nhã như "màn comeout lịch sử trước cả nước", "gay đi gì đi lắm thế'',... Tệ hơn, thông tin và hình ảnh của bệnh nhân 1342 lẫn người nhà được phát tán trên mạng xã hội.
Chính phủ chia sẻ rộng rãi lịch trình di chuyển của bệnh nhân Covid-19 không phải để chỉ trích, xúc phạm danh dự và xu hướng tính dục của họ!
Trong một buổi chia sẻ, MC - nhà báo Trác Thúy Miêu từng có một giải thích cho hành động chê bai ngoại hình người khác của cộng đồng mạng: ''Khi họ không biết tống cái giận dữ, cái ghét của một nhân vật nào đó vào đâu, họ sẽ ném đá ngoại hình trước tiên, vì nó ở trước mắt, dễ thấy nhất". Tâm lý này được "lặp lại" với câu chuyện của 2 bệnh nhân 1342 và 1347, khi giới tính và chuyện riêng tư của họ... ở ngay trước mắt, đó trở thành thứ mà cộng đồng mạng dễ dàng "chụp" được trước tiên để "lao" vào chỉ trích.
Hành động không tuân thủ đúng quy định cách ly của bệnh nhân 1342 rõ ràng là sai. Bằng chứng là Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết nếu đủ cơ sở có thể khởi tố vụ án hình sự, vì sự thiếu ý thức của bệnh nhân này đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Nhưng sẽ là thiếu văn minh khi những người khác đem đời sống cá nhân và giới tính của họ ra chỉ trích, ném đá. Ngay cả việc các hội nhóm trên Facebook "nhảy" vào chỉ trích một người F2 vì họ lỡ đi nhiều nơi trong những ngày qua cũng vô lý và quy chụp.
Lịch trình di chuyển cá nhân của các bệnh nhân được Chính phủ chia sẻ công khai trên hết là vì mục đích bảo vệ sự an toàn của người dân, nhằm truy vết những trường hợp tiếp xúc gần, hỗ trợ công tác kiểm soát dịch, chứ không để mọi người lấy đó làm chủ đề đùa cợt. Nguy cơ dịch bệnh quay trở lại và làm "xáo trộn" cuộc sống đương nhiên sẽ khiến nhiều người lo lắng, nhưng trong hoàn cảnh này, nếu có thể chia sẻ những thông tin hữu ích, lan tỏa năng lượng tích cực để đẩy lùi dịch bệnh, như thế hẳn sẽ tốt hơn nhiều khi lên mạng đùa giỡn, miệt thị giới tính của người khác.
Hay mới đây, hàng loạt tiếp viên của Vietnam Airlines đã đăng hashtag xin lỗi và mong được đối xử văn minh. Dù có những cá nhân như bệnh nhân 1342 vì thiếu ý thức đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng như thế đâu đồng nghĩa rằng toàn bộ nhân viên Vietnam Airlines đáng bị công kích. Càng không nên lên án một điều sai bằng một hành động sai khác, như châm thuốc lá đang cháy vào đồng phục của một tiếp viên hàng không khi cùng dừng đèn đỏ, hay ném trứng gà vào nhân viên sân bay. Những hành động này chỉ cho thấy những suy nghĩ “xấu xí”, thỏa mãn cơn tức giận tức thời và tâm lý chỉ trích “bầy đàn”, chứ không hề giúp tình hình dịch bệnh trở nên tốt hơn.
Trong thời điểm nhạy cảm của dịch Covid-19, bên cạnh việc nỗ lực cùng Chính phủ và ngành Y tế ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thì những "xấu xí'' trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt là công kích tập thể trên mạng xã hội cũng là điều cần được ngăn chặn hơn bao giờ hết.
Nguồn: TH&PL